>> Xem thêm: Soạn cây tre Việt Nam (trang 104) – Ngữ văn 6 tập 1 – Kết nối tri thức.

VIẾT ĐOẠN VĂN THỂ HIỆN CẢM XÚC VỀ MỘT BÀI THƠ LỤC BÁT

Viết đoạn văn thể hiện cảm xúc về một bài thơ lục bát

Những bài thơ lục bát đã học, đã đọc gợi cho em những cảm xúc gì? Hình ảnh, ngôn từ, nhạc điệu của nó khiến em rung động thế nào? Hãy ghi lại cảm nhận của em về một bài thơ lục bát em yêu thích.

Yêu cầu

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm

– Nêu được cảm xúc về nội dung chính hoặc một khía cảnh của bài thơ

– Thể hiện cảm nhận về một số yếu tố hình thức nghệ thuật của bài thơ

Trả lời:

(Viết đoạn văn thể hiện cảm xúc về một bài thơ lục bát) Thực hành viết đoạn văn thể hiện cảm xúc của bài thơ CHUYỆN CỔ NƯỚC MÌNH của tác giả Lâm Thị Mỹ Dạ

BÀI VIẾT

Mở bài: Nêu được tác giả tác phẩm

Lâm Thị Mỹ Dạ sinh năm 1949, quê ở Quảng Bình. Thơ bà thường nhẹ nhàng, đằm thắm, trong trẻo như một khúc hát. Nội dung thơ thể hiện một tâm hồn tinh tế và giàu yêu thương. Một trong những tác phẩm hay nhất của Lâm Thị Mỹ Dạ là Chuyện cổ nước mình. Tác phẩm sáng tác năm 1979. Bài thơ đậm chất truyền thống, khẳng định nét đẹp tâm hồn người Việt Nam. Đọc bài thơ, em cảm thấy vô cùng xúc động về tình cảm của con người với con người, tình cảm của tác giả dành cho quê hương, đất nước.

Thân bài:  

  • Nêu được cảm xúc về nội dung chính hoặc một khía cảnh của bài thơ

Ngay mở đầu bài thơ, tác giả đã viết: Tôi yêu chuyện cổ nước tôi/ Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa. Dẫn dắt bài thơ là mở đầu những câu chuyện cổ. Chuyện cổ là những câu chuyện như tấm cám, sọ dừa, đẽo cày giữa đường, sơn tinh thủy tinh… Đây đều là những câu chuyện cổ xưa mà cha ông truyền miệng để lại. Những câu chuyện được tác giả cảm nhận là “nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa”. Mở đầu bài thơ đã khiến cho tôi và người đọc cảm thấy vô cùng xúc động, thân thương. Lối dẫn chuyện truyền cảm và sâu xa, thể hiện một tình yêu tha thiết với những giá trị văn hóa, những kinh nghiệm sống quý báu mà cha ông để lại qua những câu chuyện cổ.

Nội dung chính của bài thơ chính là dựa vào những câu chuyện cổ để truyền lại những giá trị sống tốt đẹp từ thế hệ cha ông cho đời nay. Những câu chuyện cổ tưởng “cổ” mà lại rất gần gũi thân thương. Những câu chuyện mà chúng ta vẫn hay nghe bà, mẹ kể như tấm cám, sơn tinh thủy tinh. Nó không chỉ là chuyện cổ mà còn là những giá trị đạo đức như “Ở hiền thì lại gặp hiền/ Người ngay thì gặp người tiên độ trì”. Cha ông muốn nhắn nhủ với chúng ta rằng, hãy sống hiền lành, nhân hậu ắt “trời xanh sẽ an bài”, cuộc sống của chúng ta sẽ gặp nhiều may mắn. Hay chuyện cổ còn là những lời khuyên bổ ích như “ Đẽo cày theo ý người ta/ Sẽ thành khúc gỗ chẳng ra việc gì”.

Kết thúc bài thơ, tác giả nhấn mạnh “ Nhưng bao chuyện cổ trên đời/ Vẫn luôn mới mẻ rạng ngời lương tâm” cho ta thấy được sự kết nối của giá trị văn hóa từ đời xưa đến đời nay. Dù là những câu chuyện cổ xưa nhưng những giá trị đạo đức nó mang lại vẫn còn rất mới và luôn luôn cần thiết cho thế hệ trẻ. Câu kết mang đến một cảm xúc vô cùng tự hào, vô cùng xúc động về những gì mà cha ông đã để lại.

  • Thể hiện cảm nhận về một số yếu tố hình thức nghệ thuật của bài thơ

Bên cạnh giá trị nội dung mà tác giả mang lại, chúng ta còn thấy tác giả sử dụng một số hình thức nghệ thuật như so sánh “Đời cha ông với đời tôi/ Như con sông với chân trời đã xa”; nhân hóa “Tôi nghe chuyện cổ thầm thì”. Mỗi biện pháp tu từ đều làm tăng giá trị nội dung, khiến nội dung sinh động hơn, hay hơn, hấp dẫn hơn và mang nhiều ý nghĩa hơn.

Kết bài

Bài thơ Chuyện cổ nước mình với những câu thơ dung dị, trong trẻo mang đến cho độc giả rất nhiều cảm xúc. Đọc bài thơ, chúng ta cũng cảm nhận được tình yêu của tác giả dành cho những câu chuyện cổ, cho quê hương, đất nước, con người Việt Nam.