>> Xem thêm: Soạn Thực hành tiếng Việt (trang 81) – Ngữ văn 6 tập 1 Kết nối tri thức

TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Em có thể hình dung, tưởng tượng những hình ảnh gì khi đọc ba dòng thơ đầu?

Trả lời:

Trong ba dòng thơ đầu, em hình dung thấy một bức tranh thiên nhiên vô cùng đẹp mắt. Bức tranh ấy gồm hình ảnh chú chim chào mào sặc sỡ với bộ lông đốm trắng và một chiếc mào đỏ. Chú đang đậu trên một cành cây cao chót vót và cất tiếng hát líu lo.

2. Hãy nêu những ý nghĩ, cảm xúc của nhân vật “tôi” khi “vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ”

Trả lời:

Cảm xúc, ý nghĩ của nhân vật Tôi khi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ đó là tác giả sợ chim bay đi. Vậy nên, phải vẽ vội vàng một chiếc lồng để mong có thể giữ chim ở lại và nghe tiếng hót của nó.

3. Vì sao lúc đầu nhân vật tôi sợ chim bay đi, nhưng kết thúc bài thơ lại khẳng định: “Chẳng cần chim lại bay về/ Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ”.

Trả lời:

Theo em, sở dĩ lúc đầu nhân vật tôi sợ chim bay đi vì sự cố chấp trong suy nghĩ. Khi nhìn thấy chim và nghe tiếng chim hót, tác giả sợ rằng chim bay đi thì sẽ không còn nghe thấy nữa. Nên vội vàng vẽ một chiếc lồng để nhốt chú chim, và để tin rằng hàng ngày sẽ được nghe tiếng chim hót.

Tuy nhiên, đến cuối bài thơ lại không cần chim bay về và nghe tiếng hót rất rõ cho thấy tác giả đã mở lòng mình đón nhận tiếng chim. Tác giả không còn cố chấp nghe tiếng chim mà nghe nó bằng chính tấm lòng của mình. Tác giả đón nhận thiên nhiên bằng tình yêu của mình và ông đã cảm thấy đủ, thấy hạnh phúc và không còn tiếc nuối khi tiếng chim bay xa. Bởi ông luôn nghe thấy tiếng chim ấy rất rõ từ trong trái tim mình.

4. Dòng thơ nào được lặp lại trong bài thơ? Theo em, việc lặp lại như vậy có tác dụng gì?

Trả lời:

Dòng thơ được lập lại trong bài thơ đó là:

Triu…uýt… huýt… tu hìu…

Theo em, việc lặp lại dòng thơ đấy để nhấn mạnh tiếng chim hót. Đồng thời, tác giả lặp lại âm thanh của con ch ào mào để thể hiện âm thanh của thiên nhiên. Chuỗi âm thanh được nhắc lại trọn vẹn nhưng lại mang đến cảm nhận khác nhau. Tiếng âm thanh ở dòng đầu tiên thể hiện sự háo hức của tác giả, lắng nghe không sót tiếng nào. Tiếng âm thanh ở cuối bài thể hiện rõ sự trọn vẹn của hạnh phúc, biết đủ của tác giả.

5. Con chim chào mào đã bay đi rồi nhưng nhân vật tôi vẫn có thể nghe rất rõ tiếng chim hót. Viết đoạn văn miêu tả một hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp được em lưu giữ trong ký ức.

Trả lời

Khi còn nhỏ, em được ba mẹ dẫn đi Đà Lạt chơi. Buổi sáng mẹ gọi em dậy để đi bộ và ngắm phong cảnh Đà Lạt khi trời còn sương. Đây là hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp mà em vẫn giữ trong ký ức.

“Đà Lạt buổi sáng trời se lạnh. Em dạo bước trên con đường nhỏ, hai bên là hai rừng cây xanh mát. Em còn nhớ rõ hình ảnh sáng sớm hôm ấy, những làn khói mờ ảo còn quyện với hàng cây. Một màu xám nhẹ nhàng len qua từng bước chân của em. Thời tiết nhẹ nhẹ, se lạnh luồn vào trong kẽ áo. Em cảm giác tâm hồn mình như được thả lỏng, bay bổng nhẹ nhàng. Có lẽ, đây là hình ảnh thiên nhiên đẹp nhất, ấn tượng nhất mà em chưa bao giờ gặp lại”.