Đã từng có nhiều bài phân tích tác phẩm Vợ chồng A Phủ. Mỗi bài là một góc nhìn khác nhau nhưng đều có một điểm chung về cảm nhận sức sống trong những con người như Mị, A Phủ. Những gì Tô Hoài viết nên không chỉ cho ta cảm nhận được thực tế phũ phàng, mà còn cho chúng ta thấy tinh thần nhân đạo mà tác giả gửi gắm. 

Mở bài

Tô Hoài (1920 – 2014) là một nhà văn nổi tiếng với lối viết hóm hỉnh. Trong cuộc đời sáng tác của mình, những truyện hồi ký và phong tục là những tác phẩm mang đến cho ông nhiều thành công nhất. Vợ chồng A Phủ là một trong những tác phẩm nổi tiếng của Tô Hoài. Tác phẩm đã được chuyển thể thành phim, kịch và rất thành công. 

Vợ chồng A Phủ chính là bức tranh thực tế phản ánh sự thống khổ của người lao động nghèo vùng núi Tây Bắc. Qua bức tranh ấy ta cũng thấy được nét đẹp của những con người nơi đây khi vùng lên chống lại cường quyền, thần quyền. 

Vợ chồng A Phủ chính là bức tranh chân thực nhất về xã hội bị điều khiển bởi thần quyền và cường quyền

Thân bài phân tích tác phẩm Vợ chồng A Phủ

  • Luận điểm 1 – Vẻ đẹp của Mị – Người con gái Mông có sức sống mãnh liệt

Mở đầu tác phẩm, Tô Hoài đã nhẹ nhàng cho người đọc thấy hình ảnh một cô gái “ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa. Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi”. Đó là Mị – một cô gái người Mông vì hoàn cảnh phải bắt về làm dâu gạt nợ nhà thống lý. 

Trước khi về làm dâu nhà thống lí, Mị là cô gái Mông xinh đẹp, trẻ trung và có tài thổi sáo rất hay. Cô gái ấy luôn khát khát tình yêu và cô cũng từng được chìm đắm trong niềm hạnh phúc ấy. Mị cũng trải qua tâm trạng hồi hộp khi chờ gặp người mình yêu. 

Mị cũng là một cô gái có lòng hiếu thảo, yêu thương cha mẹ hết mực. Cô sẵn sàng gánh vác mọi chuyện gia đình, kể cả trả nợ cho nhà thống lý. Thế nên khi cha cô ngỏ ý gán cô cho nhà thống lý, cô đã mạnh dạn mà rằng “con đã biết cuốc nương làm ngô, con làm nương ngô trả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu”. Điều này thấy sức sống mãnh liệt và yêu tự do của cô lớn đến mức nào. Cô không muốn mình phải bị trói buộc vào bất cứ một ai. Cô thà chịu khổ, chịu đói chứ không chịu bán mình cho nhà giàu. 

Phân tích tác phẩm Vợ chồng A Phủ
Mị mang trong mình vẻ đẹp và sức sống mãnh liệt

Ngay cả đến khi bị A Sử bắt về “có đến mấy tháng, đêm nào Mị cũng khóc”. Đó là những giọt nước mắt thương cho số phận mình, cũng là nước mắt chống đối, vùng dậy. Rồi Mị trốn về nhà, Mị muốn dùng lá ngón để đoạn tuyệt với cuộc đời. Nhưng vì quá thương cha nên Mị “không đành lòng chết. Mị chết thì bố Mị còn khổ hơn bao nhiêu lần bây giờ”. Dường như niềm khao khát tự do không chiến thắng nỗi lòng hiếu thảo trong lòng Mị. 

Khi làm dâu nhà thống lí, Mị phải chịu đựng những đau khổ, đày đọa cả về thể xác lẫn tinh thần. Dường như “ở lâu trong cái khổ, Mị cũng quen khổ rồi”. Những công việc quen thuộc cứ quanh đi quẩn lại mỗi ngày “Bao giờ cũng thế, suốt năm, suốt đời thế”. Đến mức “Con ngựa, con trâu làm có lúc, đêm còn được đứng gãi chân, nhai cỏ” còn Mị thì không bằng con trâu con ngựa. Từ sáng sớm đến tinh mơ, Mị phải làm việc luôn tay không ngừng nghỉ. 

Cứ tưởng rằng làm dâu nhà thống lý cuộc đời Mị sẽ tốt hơn. Nhưng không, đó chính là địa ngục trần gian mà Mị phải chịu đựng. Thế nên mỗi ngày Mị chẳng nói chẳng rằng, cứ “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”. Ngay cả đến nơi Mị nằm cũng thấy được sự bức bối, tù túng. Đó là một nơi kín mít “có một chiếc cửa sổ nhỏ bằng lòng bàn tay mà trông ra”. 

Ở lâu trong cái khổ tưởng rằng Mị đã chết. Nhưng khi nghe thấy tiếng sáo gọi bạn đi chơi đêm hội xuân, Mị lại rạo rực, khao khát được sống trở lại. ÂM thanh của “trai gái, trẻ con ra sân tụ tập đánh pao, đánh quay, thổi sáo, thổi kèn và nhảy” như thức tỉnh tâm hồn đã chết của Mị. Thế nên Mị đã uống rượu để có thể trở về ngày trước, khi còn là cô thiếu nữ tự do, tự tại. 

Sức sống tiềm tàng của Mị còn được Tô Hoài khắc họa rõ nét trong phân đoạn Mị chuẩn bị đi chơi. Dường như tiếng sáo dập dờn như thôi thúc Mị “Mị muốn đi chơi. Mị cũng sắp đi chơi. Mị quấn lại tóc. Mị với tay quấn cái váy hoa cắt phía trong vách”. Dù có bị đau đớn vì A Sử đánh, bị trói vào cột nhà, nhưng lòng Mị vẫn hừng hực khí thế. Trong bóng tối, tiếng sáo mùa xuân đã đưa hồn Mị đi theo những cuộc chơi. Thế rồi “Mị vùng bước đi. Nhưng chân đau không cựa được”. Chính sự đau đớn về thể xác đã khiến Mị bừng tỉnh cảm nhận rõ rệt thực tại xót xa “Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa”.

Số phận của Mị đã bị trói buộc với nhà thống lí. Mị nghĩ về những người đàn bà đã sống trong nhà thống lí, rồi lại nghĩ về phận mình. Cuộc đời cô gái Mông nhỏ bé ấy đã bị thần quyền, cường quyền tước đi quyền được sống, được hạnh phúc. Dường như, lúc này Mị chỉ đang tồn tại, chứ không phải đang sống. 

Lúc khát khao được sống của Mị bừng lên thì lại bị những đau đớn về thể xác dìm xuống. Ấy như, sức sống ấy vẫn mãnh liệt lắm, chỉ cần một mồi lửa nhỏ là nó có thể bùng lên mạnh mẽ. Và A Phủ có lẽ là “mồi lửa” ấy. Từ chỗ không quan tâm A Phủ là ai, đến khi nhìn thấy giọt nước mắt lăn trên chàng trai người Mông ấy, Mị mới bừng tỉnh. Mị nghĩ về khoảng thời gian mình bị đối xử chẳng bằng con trâu, con ngựa trong nhà. Thế rồi chính khát khao sống ấy đã dẫn đến hành động cởi trói cho A Phủ. Hành động cởi trói ở đây không chỉ đơn thuần là để giải thoát cho A Phủ mà còn là giải thoát cho chính Mị. 

Khi đứng nhìn A Phủ chạy đi, sức sống trong Mị đã chợt bừng tỉnh. Thế rồi cô cũng chạy theo A Phủ “A Phủ cho tôi đi” – câu nói ấy chính là lối mở đường tìm đến với tự do mà Tô Hoài đã mở ra cho Mị. 

  • Luận điểm 2 – Khát khao sống và cuộc trốn chạy kiếm tìm tự do của A Phủ

Khi xây dựng hình ảnh A Phủ, Tô Hoài đã khắc họa rõ nét số phận của chàng trai người Mông ấy. Đó là chàng trai người Mông mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Thế nhưng, A Phủ không chấp nhận số phận của mình, “Mới mười một tuổi, nhưng A Phủ gan bướng, không chịu cánh đồng thấp”. Thế rồi A Phủ tự đi làm thuê, tự học hỏi nên chẳng mấy chốc chàng trai ấy giỏi nhiều nghề “chẳng bao lâu A Phủ đã lớn, biết đúc lưỡi cày, biết đục cuốc, lại cày giỏi và đi săn bò tót rất bạo”.

Chàng trai ấy là mơ ước của nhiều cô gái trong bản. Thế nhưng chính vì hoàn cảnh không nhà, không ruộng nên A Phủ chẳng thể nào lấy vợ được. Qua đây, Tô Hoài như muốn khắc họa số phận của người dân nghèo trước thần quyền, cường quyền. 

Và cũng do số phận, A Phủ trở thành người ở gán nợ cho nhà thống lý. Ở đây, A Phủ cũng chẳng kém con trâu, con ngựa là mấy. Chàng trai ấy phải làm việc suốt ngày đêm, không ngừng nghỉ. Từ làm nương, cuốc rẫy, săn bò tót,… việc gì cũng qua tay A Phủ. Thế nhưng, những việc ấy chẳng thấm thía gì, chỉ đến khi bị hổ ăn mất bò, người ta mới thấy giá trị của A Phủ bèo bọt thế nào. 

Mị và A Phủ là những đại diện cho con người dưới đáy xã hội thời bấy giờ

Số phận của A Phủ phụ thuộc vào một con bò “Bao giờ chúng nó bắn được con hổ về thì mày khỏi phải chết”. Trong hoàn cảnh bị trói buộc như thế, A Phủ vẫn rất khát khao được sống. Mỗi lần thấy ngọn lửa bùng lên, ánh mắt của A Phủ sáng rực như đó chính là ánh sáng cuộc đời của chàng trai ấy vậy. 

Và trong hoàn cảnh ấy, người ta thấy giọt nước mắt lăn trên gò má của A Phủ “dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hõm má đã xám đen”. Có lẽ đây là lúc A Phủ nghĩ về cuộc đời, số phận mình. Những giọt nước mắt ấy chính là giọt nước mắt tủi phận, xót xa. Để khi được Mị cắt dây trói giải thoát, dù lúc đó cơ thể đang đau nhức vì những trận đòn roi đến mức chân khụy xuống không bước nổi. Nhưng vì khát khao được sống, chàng trai ấy vẫn “quật sức vùng lên, chạy”. 

Qua đó ta thấy được sức sống mãnh liệt của A Phủ. Dù bất mãn trước cường quyền nhưng vì số phận dân đen bé nhỏ nên chẳng thể làm được gì. Ngay cả khi muốn đứng lên chiến đấu vì lẽ phải, A Phủ vẫn bị đè xuống bởi sức mạnh của cường quyền.

  • Giá trị nghệ thuật trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ

Tô Hoài đã xây dựng Vợ chồng A Phủ với tình huống truyện cuốn hút, đặc sắc và vô cùng gay cấn. Tình huống truyện ấy vừa khắc họa rõ nét hình tượng nhân vật, có cá tính riêng, vừa khắc họa thực tại xã hội đầy rẫy những bất công. Cùng với đó là sự khắc họa hình tượng nhân vật sâu sắc. Qua ngòi bút của Tô Hoài, Mị và A Phủ như hiện thân của những con người cực khổ vùng núi Tây Bắc. Khát khao sống của Mị và A Phủ cũng chính là khao khát của những người nghèo ấy. Họ muốn vùng lên phá vỡ ách thống trị của bọn thực dân, muốn được sống cuộc đời tự do tự tài, không bị xiềng xích bởi chế độ, bởi những hủ tục lâu đời. 

Sử dụng nghệ thuật trần thuật như chính nhân vật kể chuyện, cùng giọng kể trầm lắng như sự cảm thông sâu sắc cho nhân vật. Cùng với đó là ngôn ngữ chọn lọc, sáng tạo mang đến yếu tố lãng mạn lại vừa giàu tính tạo hình, giúp tác phẩm trở nên sống động hơn. 

Kết luận

Vợ chồng A Phủ đã được Tô Hoài xây dựng một cách khéo léo, tác phẩm ẩn chứa nhiều giá trị nhân đạo sâu sắc. Càng phân tích tác phẩm Vợ chồng A Phủ, càng thấy được vẻ đẹp và sức sống tiềm tàng của con người. Thông qua Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài thể hiện sự cảm thông sâu sắc cho số phận khổ đau, cùng cực của những con người dưới đáy xã hội. Qua đó, cũng là lời tố cáo chân thực nhất tội ác của bọn thống trị, thực dân man rợ.

>> Xem thêm: Phân tích vẻ đẹp của Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương