Bài mẫu phân tích

Mở bài

“Chí Phèo” là một tác phẩm văn xuôi nổi bật của Nam Trong trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Dưới ngòi bút của Nam Cao, nỗi thống khổ của người nông dân lao động nghèo dưới chế độ thực dân nửa phong kiến được tái hiện rõ nét. Tác phẩm đã rất thành công trong việc khắc họa hình tượng nhân vật và tình huống truyện. Trong đó, Thị Nở là một trong những tuyến nhân vật phụ được tác giả khắc họa một cách sâu sắc nhất. Tuy là người phụ nữ có vẻ ngoài xấu xí, nhưng Nở lại chính là người thức tỉnh lương tri bị ngủ quên bấy lâu trong Chí. Cùng phân tích nhân vật Thị Nở để thấy cái tinh túy mà Nam Cao đã xây dựng.

Phân tích nhân vật Thị Nở
Nhân vật Thị Nở có vai trò quan trọng trong cuộc đời Chí Phèo

Thân bài

Đã có rất nhiều bài phê bình, phân tích nhân vật Thị Nở trong truyện Chí Phèo. Có người cho rằng Nở là đại diện của một tầng lớp phụ nữ nghèo khó thời bấy giờ. Nhưng trong tác phẩm Chí Phèo, Nam Cao đã khéo léo khai thác tuyến tâm lý, tình cảm của nhân vật này. 

  • Luận điểm 1: Phân tích nhân vật Thị Nở – Người phụ nữ có ngoại hình xấu xí

Thị Nở được Nam Cao cho xuất hiện vào thời điểm vô cùng nên thơ, lãng mạn. Đó là một đêm trăng thanh gió mát, Nở đi gánh nước rồi ngủ quên bên bụi chuối. Chỉ một chi tiết thế thôi, người ta đã mường tượng ra trong đầu hình ảnh của một con Nở vô duyên hết phần thiên hạ. Bởi chẳng ai đi gánh nước mà ngủ quên ngay bụi chuối. Để đến mức Chí Phèo trong cơn say nhận ra ngay “một người đàn bà ngồi tênh hênh. Hai tay trần của mụ buông xuôi, cái mồm của mụ há hốc lên trăng mà ngủ. Đôi chân thì duỗi thẳng ra trước mặt, cái váy đen xộc xệch”. Dường như, người đàn bà trước mặt Chí chẳng có một chút nết na nào của phụ nữ. 

Rồi bằng những từ ngữ chân thực nhất, Nam Cao đã cho người ta thấy cái vẻ ngoài của Nở. Đó là “một người ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích và xấu ma chê quỷ hờn.” Ở đây Nam Cao đã sử dụng thành ngữ “xấu ma chê quỷ hờn” để miêu tả về cái sự cấu của Nở. Có lẽ, Nở là nhân vật có ngoại hình xấu xí nhất trong kho tàng văn học Việt Nam. 

Thị Nở được xây dựng với vẻ ngoài “xấu ma chê quỷ hờn”

Nở xấu đến nỗi, từng đường nét trên khuôn mặt không chỗ nào giống “người bình thường”. Dường như mọi cái xấu nhất trên đời nó đổ dồn hết cho Nở: “Cái mặt của thị đích thực là một sự mỉa mai của hóa công: Nó ngắn đến nỗi người ta có thể tưởng bề ngang lớn hơn bề dài, thế mà hai má nó lại hóp vào mới thật là tai hại. Cái mũi thì vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành, bành bạnh muốn chen lẫn nhau với những cái môi cũng cố to cho không thua cái mũi”. 

Không những xấu, Nở còn nghèo và “là dòng giống của một nhà có mả hủi”. Điều này càng khiến cho Nở trở nên thảm bại hơn. Có bao nhiêu điều bất lợi trên thế giới này, xấu – nghèo – ngẩn ngơ, Nở đều có. Thế nên cả làng Vũ Đại “người ta tránh thị như tránh một con vật rất tởm.” 

Có lẽ nhận thức được sự xấu của mình, “người ta không ai sợ kẻ khác phạm đến cái xấu, cái nghèo, cái ngẩn ngơ của mình, mà thị lại chỉ có ba cái ấy”. Nên Nở chẳng sợ khi sống trong một cái nhà tre cách vườn của Chí Phèo bởi một con đê. Và càng không sợ khi dám nằm ngủ giauwx vườn chuối nhà Chí. 

  • Luận điểm 2: Con người có phẩm chất tốt đẹp, giàu tình người

Dù miêu tả sự xấu xí của Nở bằng mọi ngôn từ, nhưng không thể phủ nhận rằng người đàn bà xấu về ngoại hình ấy lại có nhân cách tốt đẹp, đáng trân trọng. Có lẽ Nam Cao xây dựng hình tượng nhân vật Nở xấu “ma chê quỷ hờn” đều có lý do cả. Đó là ông muốn làm nổi bật lên nét đẹp tâm hồn của người phụ nữ ấy. 

Sau khi ngủ cùng nhau trong đêm trăng thanh dưới bụi chuối, Nở đã dành tình yêu thương chân thành dành cho Chí. Đó dường như là sự cảm thông của hai linh hồn cô độc đã tìm đến với nhau. Mặc dù chưa bao giờ nhận được tình cảm, nhưng bằng bản năng, Thị đã dành những điều ân cần nhất dành cho Chí. Qua hành động “Thị quàng tay vào nách hắn, đỡ cho hắn gượng ngồi. Rồi thị kéo hắn đứng lên. Hắn đu vào cổ thị, hai người lảo đảo đi về lều” người ta đã thấy một cô Nở đầy tình cảm trong đó. 

Người ta thấy suy nghĩ của Nở sâu sắc tới mức “mình bỏ hắn lúc này thì cũng bạc. Dẫu sao cũng đã ăn nằm với nhau”. Một con người vốn xấu người như Nở lại có thể suy nghĩ thấu tình đạt lý như vậy sao. Có lẽ, đó là tình yêu “thế là vừa sáng Thị đã chạy đi tìm gạo, hành thì nhà thị may lại còn, thị nấu bỏ vào cái rổ, mang ra cho Chí Phèo”. Đấy, tình yêu của hai con người bị xã hội xa lánh ấy nó bắt đầu chỉ bằng một báo cháo hành như thế thôi. 

Thị Nở giàu tình yêu thương người

Và có lẽ, chính tình yêu đã khiến Nở có một cái nhìn khác về Chí Phèo so với những cái nhìn của người dân làng Vũ Đại. “Ôi sao mà hắn hiền, ai dám bảo đó là thằng Chí Phèo vẫn đập đầu, rạch mặt mà đâm chém người? Đó là cái bản tính của hắn, ngày thường bị lấp đi. Hay trận ốm thay đổi hẳn về sinh lý, cũng thay đổi cả tâm lý nữa”. 

Bằng những hành động nhỏ, nhưng Thị Nở lại là người gieo cho Chí hy vọng. Nó giống như một liều thuốc chữa lành bao vết thương, vết lành để Chí quay về trở thành một con người lương thiện: “Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao. Thị Nở sẽ mở đường cho hắn”. Chính Thị Nở bằng tình cảm chân thành nhất đã khơi dậy bản năng làm người trong lòng Chí.  

  • Luận điểm 3: Thị Nở – một người khát khao hạnh phúc gia đình

Không chỉ có Chí khao khát hoàn lương, hạnh phúc gia đình, mà ngay cả Nở cũng vậy. Một kẻ dở hơi, ngẩn ngơ như Nở đã phải suy nghĩ rất nghiêm túc về mối quan hệ với Chí. Thị mới nghĩ “tiếng vợ chồng thấy ngường ngượng mà thinh thích”. Dường như đó là điều mong muốn trong sâu thẳm con người Nở. 

Từ khi gặp Chí, Nở đã có những giây phút được vui vẻ, hạnh phúc như một người phụ nữ bình thường. Thị được xấu hổ, được e lệ trước người mình yêu. Có lẽ chính khao khát về một mái ấm gia đình, Nở đã quyết định về nhà hỏi ý kiến bà cô. Nhưng bà cô lại tức giận mà dập tắt khao khát vừa nhen nhóm trong lòng Thị. Đến mức “Thị nghe thấy thế mà lộn ruột. Nhưng thị biết cãi bà làm sao? Con người ấy có quyền nói thế, bởi con người ấy năm mươi tuổi rồi còn ai lấy chồng”. Và rồi, thị tìm đến Chí như để giải tỏa cơn điên ấy, “Thị chống hai tay vào háng, vênh cái mặt và tớn cái môi vĩ đại lên, trút vào mặt hắn tất cả những lời bà cô”. 

Dường như ở đây, Nam Cao muốn xây dựng hình tượng bà cô là đại diện cho xã hội, cho dân làng Vũ Đại. Những lời bà cô nói chính là những sự khinh bỉ, nhục mạ mà xã hội gây ra vào tâm hồn của Nở. Nhưng đến cuối cùng, khi Chí Phèo chết, Nở vẫn nghĩ “Sao có lúc nó hiền như đất”. 

Lời kết

Thị Nở chỉ là tuyến nhân vật phụ, chỉ xuất hiện chốc lát trong đoạn cuối nhưng lại nắm trong tay chìa khóa cuộc đời Chí Phèo. Nở là người mang đến hy vọng được lương thiện, được làm người của Chí, nhưng cũng là người đẩy Chí xuống tột cùng của nỗi tuyệt vọng. Thế nên, qua nhân vật Thị Nở người ta càng cảm nhận sâu sắc hơn bi kịch của Chí Phèo. 

Thị nở được Nam Cao xây dựng bằng những sự trân trọng nhất. Dù xấu xí, nghèo khổ nhưng người phụ nữ ấy lại tràn ngập tình yêu thương. Đó chính là phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Thông qua phân tích nhân vật Thị Nở ta cũng thấy được thực tế tàn bào, khắc nghiệt của xã hội đã đẩy con người ta đến tột cùng của nỗi đau, thống khổ. 

Đọc thêm: Phân tích tiếng chửi của Chí Phèo để thấy được tấm bi kịch của cuộc đời Chí