Bài mẫu phân tích

Trong nền văn học Việt Nam, Chí Phèo không còn là một cái tên xa lạ hay chính xác hơn có thể nói bất kỳ ai “chạm tay” vào văn học Việt đều “quen biết” Chí Phèo. Xây dựng nên nhân vật đặc biệt này, Nam Cao đã mang về cho mình một thành công vững chãi, giúp người đọc có được sự cảm thông sâu sắc với số phận người nông dân nghèo trong xã hội cũ. Điều ấn tượng nhất về Chí Phèo có lẽ đó là tiếng chửi vì vậy ngay bây giờ chúng ta hãy cùng phân tích tiếng chửi của Chí Phèo để hiểu được những điều ẩn khuất bên trong.

Tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao
Tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao

Không xuất hiện ở giữa hay cuối, tiếng chửi của Chí Phèo nằm ngay ở phần mở đầu tác phẩm “Hắn vừa đi vừa chửi… cả làng Vũ Đại cũng không ai biết.” Chưa cần tuôn ra nhiều câu chữ, Nam Cao đã gây được ấn tượng mạnh mẽ và khơi gợi trí tò mò nơi người đọc rằng “Hắn là ai”, “Vì sao hắn lại chửi”, “Hẳn phải có điều gì bất thường đây”,… Cách làm của Nam Cao hoàn toàn vượt ra khỏi những khuôn mẫu truyền thống, ngay lập tức lôi cuốn độc giả, đây là minh chứng cho một tài năng văn học hiện thực trước cách mạng. Chẳng phải là một câu chửi đơn lẻ được thốt ra cho vơi đi nỗi bực dọc như thường, tiếng chửi của Chí Phèo kéo dài trong một đoạn văn, bao gồm nhiều tầng bậc cảm xúc và được thể hiện qua nghệ thuật trần thuật ở nhiều ngôi khác nhau. Ban đầu, truyện được kể theo giọng lạnh lùng của tác giả “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu chửi trời, có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: Đời là tất cả nhưng cũng chẳng là ai.”

Sau đó ta thấy Chí chửi thông qua giọng thờ ơ, hờ hững của dân làng Vũ Đại “Chắc nó trừ mình ra”. Và cuối cùng là giọng chửi bực tức của chính bản thân Chí “Tức thật! Ồ thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất!… Mẹ Kiếp! Thế thì có phí rượu không”. Qua các câu chửi nối đuôi nhau ta có thể thấy rằng đối tượng mà Chí Phèo chửi càng về sau càng được thu hẹp lại, hắn chửi từ xa đến gần, từ chung chung đến cụ thể. Ban đầu hắn chửi trời, đời rồi đến tất cả làng vũ đại và sau cùng là chửi đứa nào không chửi nhau với hắn, chửi đứa đẻ ra hắn. Mặc dù thu gọn về đối tượng chửi nhưng để ý kỹ ta sẽ thấy cấp độ của tiếng chửi lại mỗi lúc một tăng dần, được thể hiện qua cảm xúc của Chí: “Tức mình”, “Tức thật!”, “Thế này thì tức thật!”, “Tức chết đi được mất.”

Khuôn mặt dữ tợn, sứt sẹo của Chí Phèo
Khuôn mặt dữ tợn, sứt sẹo của Chí Phèo

Ban đầu những tưởng chỉ là câu chửi bâng quơ của kẻ say rượu chẳng còn thấy rõ mặt đường thế nhưng “cái sự” chửi ấy càng lúc càng nghiêm trọng, chất chứa sự gay gắt, phẫn nộ và đau đớn đến cực điểm. Căng mắt đọc thật chậm những câu từ chẳng chút đẹp đẽ, trau chuốt, hẳn mỗi chúng ta đều tự hỏi vậy ý nghĩa đằng sau tiếng chửi đó là gì và thực chất Chí Phèo đang say hay tỉnh bởi ở đầu tác giả đã viết “cứ rượu xong là hắn chửi” nhưng nếu đó là tiếng chửi của một người say thì tại sao lại rành mạch phân tầng từng đối tượng như thế, tại sao Chí nhận ra “thân hắn khổ đến nông nỗi này”. Có thể gọi đây là một dạng thức của sự lưỡng phân, say mà tỉnh, tỉnh mà say, Nam Cao muốn khẳng định sự tỉnh táo của Chí Phèo trong cái vô thức của kẻ say, làm nổi rõ nỗi đau hắn đang phải chịu đựng.

Sau hình thù quỷ dữ, những lời nói côn đồ ác ý của Chí là một khát vọng lương thiện mạnh mẽ đến nỗi khiến người đọc phải đau lòng, chua xót. Ngay trong “đoạn văn chửi” đặc biệt này, Nam Cao đã trình bày được ba bi kịch chính của cuộc đời Chí Phèo và đây cũng là nền tảng để triển khai những bi kịch này xuyên suốt tác phẩm. Bi kịch mà Chí hứng chịu đầu tiên đó là số phận, cả cuộc đời Chí là một con số không tròn trĩnh, không cha không mẹ, không anh chị em họ hàng thân thích và không có tài sản gì dù chỉ là một chiếc áo lành lặn. Khi vừa mới lọt lòng, Chí đã bị cuộc đời chối bỏ bên cái lò gạch cũ vì vậy Chí muốn chửi người đã sinh ra Chí nhưng cũng không biết người đó là ai, Chí rơi vào cảnh bế tắc và bất lực hoàn toàn. Dường như chưa đủ bất hạnh nên cuộc đời giáng thêm cho Chí hai chữ “tha hóa”, Chí từng là anh nông dân thật thà, chăm chỉ làm ăn, Chí có ước mơ cho riêng mình, một ước mơ đời thường giản dị thế nhưng quyền lực của kẻ xấu xa đã khiến Chí chịu cảnh tù đày trong oan ức. Để rồi từ một người lương thiện, Chí trở thành tên bặm trợn, nghiện rượu và thích ăn thịt chó. Chí trượt dài trên con đường tội lỗi với bao lần đâm thuê chém mướn, rạch mặt ăn vạ để cuối cùng trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại.

phân tích tiếng chửi của Chí Phèo
Phân tích tiếng chửi của Chí Phèo- Một góc làng Vũ Đại

Nếu như bi kịch của Chí Phèo dừng lại ở việc mồ côi, vào tù rồi “lưu manh hóa” thì có lẽ tiếng chửi ấy sẽ bớt day dứt và ám ảnh đi phần nào. Nhưng không, Nam Cao đã đẩy bi kịch cuộc đời Chí lên đến đỉnh điểm là lúc bị tước đi quyền làm người mà nhờ có vậy ta mới hiểu được giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc tác giả muốn hướng đến. Thị Nở đối với người khác có thể chẳng là ai nhưng đối với Chí, cô là một bông hoa có sức mạnh hồi sinh. Nở đã làm sống lại những ước mơ tuổi hai mươi của Chí, là cầu nối để Chí có thể đi vào cuộc sống cùng dân làng Vũ Đại, cho Chí hy vọng về một tương lai sáng màu thế nhưng tất cả đã bị dập tắt bởi lời nói cay nghiệt từ người Cô của Thị Nở, cộng thêm cái tình dở hơi của Thị tất cả đã làm cho Chí một lần nữa ý thức rõ bi kịch cuộc đời mình.

Đọc đến đây có lẽ người đọc sẽ thấy rằng sao cuộc đời quá nhẫn tâm, cho người ta một niềm hy vọng mong manh để rồi khiến họ thất vọng vạn lần đến nổi không gượng dậy được nữa. Hẳn ai trong chúng ta cũng tiếc nuối nhiều thay cho Chí, cho con người, cho hạnh phúc và cho cuộc đời Chí. Quay trở về tiếng chửi của Chí Phèo, nó không có một lời nào đáp lại thậm chí là một lời chửi bởi vì tất cả dân làng Vũ Đại đều không xem Chí là con người và đối với họ việc không hồi đáp lại một âm thanh vô tri là việc bình thường. Tình cảnh “chỉ có ba con chó dữ với một thằng say rượu” cho thấy sự cô đơn tận cùng của Chí Phèo, Chí đã rơi vào một hố sâu, sâu lắm. Xã hội loài người – ở đây là làng Vũ Đại đã hoàn toàn chối bỏ sự hiện diện của Chí Phèo hay nói cách khác Chí đã bị tước mất quyền làm người, một con người bình thường như bao người khác. Không có ai ngoài kia lắng nghe để có thể cảm thông, thấu hiểu cho Chí dù chỉ là giây phút, không một ai. Tiếng chửi của Chí Phèo là nỗ lực giao tiếp tuyệt vọng, là tiếng kêu cứu, là khao khát thiện lương, là thanh âm yếu ớt giữa một rừng thinh lặng.

Chí Phèo vui vẻ bên cạnh Thị Nở
Chí Phèo vui vẻ bên cạnh Thị Nở

Phân tích tiếng chửi của Chí Phèo giúp ta thấy được tấm bi kịch của người nông dân trong xã hội cũ, bên cạnh đó là bộ mặt, tội ác của những kẻ cầm quyền để từ đó biết trân quý hơn cuộc sống hiện tại. Qua đây cũng chứng minh được tài năng của Nam Cao, ông chính là một bậc thầy trong việc sử dụng nghệ thuật trần thuật, một nhà văn có khối óc và trái tim to lớn.

Để đọc được nhiều bài phân tích hay về văn học Việt Nam, các bạn đừng ngần ngại truy cập nhanh vào phantich.com.vn và nếu bản thân có gợi ý hoặc bổ sung hay, hãy đóng góp cùng chúng mình nhé.