Mở bài

Viết về những người lính trẻ thời kháng chiến chống Mỹ là một trong những mảng đề tài được các tác giả lựa chọn nhiều nhất giai đoạn này. Trong đó, những cô gái thanh niên xung phong luôn nổi bật lên với những phẩm chất đáng ngợi ca. Lê Minh Khuê đã khắc họa lên hình tượng người con gái mạnh mẽ nhưng không kém phần duyên dáng thông qua tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi”. Thông qua việc phân tích nhân vật Phương Định, ta sẽ thấy được cả thế hệ sục sôi của dân tộc, với những chàng trai, cô gái tuổi mười chín, đôi mươi, sẵn sàng chiến đấu vì lí tưởng Cách mạng cao đẹp

Thân bài phân tích nhân vật Phương Định

Khái quát tác giả, tác phẩm

Nhà văn Lê Minh Khuê (1949), sinh ra và lớn lên tại huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá. Bà là một trong những nhà văn thuộc thế hệ sáng tác trong thời kì kháng chiến chống Mĩ. Hầu hết các tác phẩm của Lê Minh Khuê ra đời đầu những năm 70 của thế kỉ XX đều viết về những người thanh niên xung phong và bộ đội. Họ là những con người sống và chiến đấu hết mình trên tuyến đường Trường Sơn đầy khói lửa. Từ năm 1975 trở đi, sáng tác của Lê Minh Khuê đã bám sát những biến chuyển của đời sống. Văn của bà đề cập đến nhiều vấn đề bức xúc, gan góc của xã hội thời đổi mới. Ngòi bút miêu tả tâm lý của Lê Minh Khuê sắc sảo nhưng vẫn nữ tính, đậm chất thơ, đặc biệt là khi miêu tả tâm lý phụ nữ.

Phân tích nhân vật Phương Định
Chân dung nhà văn Lê Minh Khuê

Tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” được Lê Minh Khuê sáng tác vào những năm 1970, khi đất nước đang trong thời kì kháng chiến chống Mỹ đầy gian nan, ác liệt. Lớp thanh niên miền Bắc khi đó khí thế sôi nổi, vì miền Nam mà sẵn sàng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước – Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Thời gian này, nhà văn từng là chiến sĩ thanh niên xung phong ở Trường Sơn.

Phân tích nhân vật Phương Định , Tác phẩm đã khắc họa rõ nét hình tượng những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Họ là những con người có tâm hồn trong sáng, mộng mơ cùng tinh thần lạc quan, dũng cảm, giàu nghị lực. Đây cũng chính là biểu tượng của thanh niên, của thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mĩ đau thương nhưng cũng rất hào hùng. Trong đó, nhân vật Phương Định nổi bật lên với nhiều phẩm chất rất đáng trân trọng.

Phân tích chi tiết

  • Luận điểm 1: Khái quát chung về nhân vật

Trong “Những ngôi sao xa xôi”, Phương Định có thể xem là nhân vật trung tâm, xuyên suốt mạch truyện khi cô đã xưng “tôi” để kể chuyện. Cái tôi trần thuật của tác giả đặt vào Phương Định, thông qua đó thể hiện những góc nhìn, cảm nhận và những ước mong của thế hệ trẻ bấy giờ. Đây là nhân vật mang tính hình tượng, chứa đựng những nét đẹp tiêu biểu của thế hệ trẻ anh hùng nhưng cũng mang những nét đẹp riêng của con người đời thường, bình dị.

  • Luận điểm 2: Hoàn cảnh sống và chiến đấu của Phương Định

Phân tích nhân vật Phương Định, Trước tiên, tác giả đã nêu ra hoàn cảnh sống và chiến đấu của nhân vật Phương Định. Nhân vật được miêu tả là người con gái Hà Nội, khá xinh xắn, đáng yêu, có tâm hồn nhạy cảm, nhiều hoài bão. Cô đã tham gia thanh niên xung phong và sống, chiến đấu giữa khói bụi Trường Sơn và bom đạn.

Nơi chiến trường khắc nghiệt ấy, công việc của cô là đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom nổ. Cô và đồng đội đã “chạy trên cao điểm cả ban ngày” để giữ cho tuyến đường Trường Sơn huyết mạch được lưu thông, sẵn sàng để tiếp ứng cho chiến trường miền Nam ruột thịt. Qua ngòi bút của Lê Minh Khuê, Phương Định có hoàn cảnh sống, làm việc vô cùng nguy hiểm, sợi dây giữa sự sống và cái chết vô cùng mong manh, tử thần rình rập ngay bên cạnh.

  • Luận điểm 3: Vẻ đẹp tâm hồn Phương Định

Không chỉ miêu tả hoàn cảnh sống, chiến đấu đơn thuần, Lê Minh Khuê còn tập trung khắc họa vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Phương Định. Trước hết, vẻ đẹp ấy được thể hiện qua lý tưởng Cách mạng, lòng yêu nước thiết tha của nhân vật. Cô đã sẵn sàng từ biệt gia đình, quê hương, trường lớp thân yêu, bỏ ngang giấc mơ tuổi trẻ để vào chiến trường chiến đấu, bất chấp mọi hiểm nguy, gian khổ luôn thường trực. Phương Định như biểu tượng cho cả một thế trẻ trong thời kháng chiến chống Mỹ, với những phẩm chất sáng ngời. Đó là lòng dũng cảm, sự gan dạ, kiên cường, vững vàng trước hiểm nguy.

Những cô gái thanh niên xung phong luôn vui vẻ, lạc quan

Phương Định đã vào chiến trường ba năm. Cô cùng các đồng đội của mình sống ở cao điểm giữa vùng trọng tuyến trên tuyến đường Trường Sơn ác liệt. Công việc của các cô gái tưởng chừng yếu ớt ấy không phải là hậu cần hay chăm sóc y tế; mà là phá bom. Họ chạy trên cao điểm ban ngày, sau mỗi trận bom quân địch ném xuống thì phải ra đo hố bom, “đếm bom chưa nổ” và “nếu cần thì phá bom”. Công việc nguy hiểm ấy, qua lời kể của Phương Định lại dường như đơn giản và bình thường, bình thản. Điều đó đã thể hiện được tinh thần lạc quan của nhân vật về công việc của bản thân và cả về chiến tranh lẫn chết chóc. 

Thêm đó, Phương Định còn có tinh thần trách nhiệm cao với công việc. Khi được phân cho nhiệm vụ phá bom nguy hiểm, cô chỉ coi đó như một việc làm quen thuộc hàng ngày. Mọi hành động của cô đều rất chuẩn xác, thuần thục, như bữa ăn, giấc ngủ mà thôi. Ngỡ tưởng chiến tranh sẽ khiến tâm hồn các cô gái ấy chai sạn đi, thế nhưng chính sự khốc liệt của chiến tranh đã tôi luyện tâm hồn nhạy cảm, yếu đuối của Phương Định trở nên bản lĩnh hơn. Ở cô có sự kiên cường, mạnh mẽ, trung thành rất đáng trân trọng của người anh hùng cách mạng.

Mặc dù đối diện với sự khốc liệt của chiến tranh, Phương Định vẫn giữ được vẻ đẹp tâm hồn mộng mơ, trong sáng. Cô tự nhận thấy mình là người “hay lãng mạn”. Mỗi khi rảnh rỗi, cô thường nhớ về thời học sinh hồn nhiên vô tư, hay nhớ nhung tới những kỉ niệm tuổi thơ. Cô còn luôn tự mình tìm được điều thú vị trong công việc và cuộc sống. Qua ngòi bút tài tình, Lê Minh Khuê đã khắc họa lên một cô thanh niên xung phong hồn nhiên, có niềm say mê, yêu đời. Phương Định thích hát, hay hát, thường say sưa tận hưởng cơn mưa đá một cách hồn nhiên, ngây ngô như một đứa trẻ.

Không những thế, cô còn là người có tình cảm keo sơn, yêu thương đồng đội. Cô chăm sóc Nho khi cô bé bị thương, thấu hiểu tâm trạng lo lắng của chị Thao khi Nho đau đớn. Với đại đội trưởng, dù chỉ tiếp xúc qua điện thoại nhưng cô đã biết rõ cách ăn nói và hiểu được phần nào tính cách của anh. Cô còn có lòng quý trọng, cảm phục tất cả những chiến sĩ mà cô đã gặp qua. Phương Định còn rất giàu tình cảm, luôn nhớ về quê hương, gia đình và vô cùng yêu quý, gắn bó với những người đồng đội thân yêu.

Kết bài

Với ngòi bút tài tình của mình, Lê Minh Khuê đã xây dựng được hình ảnh nhân vật Phương Định hiện lên chân thực, sinh động, đẹp cả trong lý tưởng ý chí lẫn tình cảm, phẩm chất. Cô là biểu tượng cho thế hệ trẻ Việt Nam thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là một thế hệ chịu biết bao đau thương, gian khổ, mất mát; nhưng cũng là một thế hệ anh hùng, với sự sục sôi và nhiệt huyết tuổi trẻ. Họ đã sẵn sàng ra đi và hi sinh không tiếc thân mình, yêu Tổ quốc, yêu cuộc sống, giàu khát khao và hoài bão lớn lao. Đó là con người đời thường với những lý tưởng và nhân cách cao đẹp, tiêu biểu cho những người con gái thanh niên xung phong nói riêng và cả thế hệ trẻ Việt Nam nói chung.

>> Xem thêm: Phân Tích Người Lái Đò Sông Đà Của Nguyễn Tuân – Văn mẫu siêu hay