Nguyễn Minh Châu (1930 – 1989) là một trong những nhà văn tiêu biểu của nền văn học đương đại. Phong cách sáng tác của Nguyễn Minh Châu được thể hiện rõ nét qua hai giai đoạn. Trước năm 1975 ông vẽ nên những bức tranh hiện thực sinh động về con người và cuộc sống trong các tác phẩm của mình. Sau năm 1975, ta nhận thấy được những trăn trở, khao khát về cuộc đời và chuyển hẳn sang đề tài cuộc sống đời thường. Bến quê là một trong những tác phẩm nổi bật của Nguyễn Minh Châu, mang đến cái nhìn hiện thực đa chiều thông qua cảm nhận nhân vật. Phân tích nhân vật Nhĩ chi tiết, ta sẽ thấy được những suy nghĩ và triết lý nhân sinh sâu sắc thông qua cảm nhận của nhân vật. 

Phân tích nhân vật Nhĩ trong truyện ngắn Bến quê
Bến Quê là truyện ngắn thể hiện cái nhìn sâu sắc về cuộc đời của Nguyễn Minh Châu

Mở bài

Bến quê là đoạn trích được in trong tập truyện cùng tên của Nguyễn Minh Châu, xuất bản năm 1985. Thông qua việc khắc họa hình tượng nhân vật Nhĩ, tác giả đã nhận ra những quy luật mang tính nghịch lý, mâu thuẫn trong cuộc sống. Phân tích nhân vật Nhĩ chi tiết trong truyện ngắn Bến quê, ta như bắt gặp chính hình tượng của những người thời điểm ấy. 

Bằng lờ tự thuật của nhân vật Nhĩ với một hoàn cảnh đặc biệt: sắp từ giã cuộc đời, toàn bộ câu chuyện trở nên chân thực, sinh động. Qua đó, chủ đề của câu chuyện cũng được truyền tải một cách gần gũi, sâu sắc nhất. 

Thân bài phân tích nhân vật Nhĩ 

  • Luận điểm 1: Phân tích nhân vật Nhĩ chi tiết – hoàn cảnh đối lập giữa quá khứ và hiện tại

Chẳng cần nói nhiều về quá khứ của Nhĩ, Nguyễn Minh Châu cũng cho người đọc cảm nhận được Nhĩ từng là một người rất thành công trong công việc. “Suốt đời Nhĩ đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất”. Thế nhưng, đối nghịch với quá khứ tràn trề sinh lực ấy, hiện tại của Nhĩ lại nằm yên một chỗ. Những khung cảnh đẹp đẽ mà xưa kia Nhĩ được ngắm nhìn, giờ chỉ còn vỏn vẹn hình ảnh của bãi bồi bên kia sông Hồng nhìn từ cửa sổ. 

Sự đối lập giữa quá khứ và hiện tại khiến ta thấy được hoàn cảnh đầy nghịch lý và đau đớn của Nhĩ. Dường như cuộc sống thật vô thường, chẳng ai biết được ngày mai ra sao. Từng là người chu du khắp nơi, nhưng giờ đây khi nằm một chỗ, Nhĩ có nhiều thời gian để suy nghĩ về cuộc sống, cuộc đời hơn. Có lẽ đây là dụng ý của Nguyễn Minh Châu để làm nổi bật lên sự thức tỉnh của nhân vật. 

  • Luận điểm 2: Cảm nhận về cuộc đời của Nhĩ sau khi bị bệnh

Sau khi bị bệnh nằm một chỗ, Nhĩ sống chậm lại để cảm nhận về cuộc đời, về những con người bên cạnh. Giờ đây, có thời gian, Nhĩ nhận thấy vẻ đẹp thật bình dị đời thường. Từ những hàng cây bằng lăng, đến tiết trời đầu thu, ngay cả những tia nắng sớm cũng khiến tâm trạng Nhĩ xao xuyến khó tả. Nhĩ nhận ra rằng, dù đi nhiều nơi, ngắm nhiều cảnh đẹp nhưng chính quê hương mình Nhĩ lại bỏ qua. Đó là “cái bờ bên kia sông Hồng ngay cửa sổ nhà mình” với những màu vàng thau xen với màu xanh non trở nên gần gũi. 

Nhĩ nhận ra vẻ đẹp của quê hương sau những năm tháng bôn ba

Và rồi, anh nhận ra sự hy sinh thầm lặng của Liên – người vợ tần tảo bao năm gắn bó với anh. Lần đầu tiên, anh nhận ra vợ mình mặc tấm áo vá “Suốt đời anh chỉ làm em khổ tâm,… mà em vẫn nín thinh”. Một cảm xúc tự trách móc bản thân được đẩy lên, thế rồi Nhĩ cảm thấy mình may mắn vì cưới được Liên. Trong lòng anh luôn thầm biết ơn Liên – người vợ đã vì anh mà hy sinh quá nhiều. Liên trong mắt của Nhĩ giờ đã trở thành một người đàn bà thị thành. Nhưng “tâm hồn Liên vẫn giữ nguyên vẹn những nét tần tảo và chịu đựng hy sinh từ bao đời xưa, và cũng chính nhờ có điều đó mà sau nhiều ngày tháng bôn tẩu, tìm kiếm,…. Nhĩ đã tìm thấy được nơi nương tựa là gia đình trong những ngày này”.

Sống chậm lại khiến Nhĩ có nhiều thời gian để ngắm nhìn kỹ đứa con trai của mình. Anh thấy Tuấn – đứa con trai thứ hai của anh như hiện thân của mình thời còn trẻ. Là một người từng mê cờ thế, ham mê những vẻ đẹp hào nhoáng mà quên đi những điều bình dị, đẹp đẽ trong cuộc sống. Và giờ đây, khi nằm một chỗ thế này anh cảm giác ân hận và đau đớn bởi những gì mình đã đánh mất. Vì thế, anh mong ngóng và hy vọng đứa con trai của mình không đi vào vết xe đổ mình từng đi qua. 

Và trong những ngày tháng ấy, Nhĩ nhận ra tình cảm chân thành của những người hàng xóm. Dù bôn ba nhiều nơi, chẳng hay quan tâm đến xóm giềng, nhưng giờ đây Nhĩ cảm nhận rõ rệt cái thân tình nơi này. Đó là Huệ – cô bé hàng xóm xinh xắn ngày ngày vẫn chạy qua đỡ Nhĩ ngồi dậy. Và lần nào sang cô bé ấy cũng rất lễ phép và nhẹ nhàng. Đó là Vân, là Tam, là Hùng – những đứa trẻ tinh nghịch nhưng rất tình cảm “cả bọn trẻ xúm vào, và rất nương nhẹ, giúp anh đi nốt nửa vòng trái đất”. Rồi cả cụ giáo Khuyến – người ngày nào khi “đi xếp hàng mua báo về cũng ghé vào hỏi thăm sức khỏe của Nhĩ”.   Chính sự nhẹ nhàng, tình yêu thương của lũ trẻ khiến Nhĩ cảm thấy vui hơn. 

Không chỉ có thời gian cảm nhận cái tình người, Nhĩ còn nhận ra những vẻ đẹp đích thực của cuộc sống. Đó là vẻ đẹp của quê hương mà bấy lâu anh đã bỏ qua để chạy theo những hư ảo ngoài kia. Lúc này, Nhĩ nhận ra màu sắc của những bông hoa bằng lăng đã nhạt dần “mấy bông hoa cuối cùng con sót lại trở nên đậm sắc hơn”. Ngay cả con sông Hồng nhìn qua khung cửa sổ nhà Nhĩ cũng trở nên có sắc hơn “con sông Hồng một màu đỏ nhạt, mặt sông như rộng thêm ra”. Đó là những vẻ đẹp ngay trước mắt mà Nhĩ đã bỏ qua, chỉ khi ở tình cảnh nằm một chỗ, Nhĩ mới có thời gian để nhận ra vẻ đẹp ấy. 

Thế rồi, anh khao khát được một lần đặt chân đến bãi bồi bên kia sông để ngắm nhìn cho thỏa vẻ đẹp quê hương. Nhưng vì không tự đặt chân đến đó được, Nhĩ đã phải nhờ vào đứa con trai mới đi học về của mình. Và một lời đề nghị của Nhĩ trở nên rất kỳ quặc trong mắt con trai “con hãy qua đò đặt chân lên bờ bên kia, đi chơi loanh quanh rồi ngồi xuống nghỉ chân ở đâu đó một lát, rồi về”. Đó là khát khao đến cháy bỏng của Nhĩ – chỉ cần được sang bên kia sông, ngồi và ngắm nhìn là đã thỏa mãn rồi. 

  • Luận điểm 3: Những triết lý nhân sinh qua suy nghĩ của nhân vật Nhĩ

Qua những gì nhân vật Nhĩ trải qua, Nguyễn Minh Châu đã vạch rõ những triết lý nhân sinh sâu sắc. Dù đi đâu, làm gì thì nơi nương tựa cuối cùng của con người vẫn chính là gia đình. Với Nhĩ, gia đình chính là nơi cho anh sự ấm áp, bao dung và luôn chờ đón anh quay trở về. 

Nhĩ khao khát được một lần đặt chân đến bãi bồi bên kia sông Hồng

Cùng với đó là nghĩa tình thắm thiết của những người hàng xóm. Những người ta vốn nghĩ rằng xa lạ, nhưng đến lúc Nhĩ rơi vào hoàn cảnh trớ trêu thì họ luôn ở bên. Bằng sự quan tâm nhỏ nhất, tình làng đã khiến Nhĩ nhận ra những giá trị thật trân quý. 

Và điều được Nguyễn Minh Châu khắc họa trong suy nghĩ của Nhĩ đó chính là những triết lý nhân sinh, cuộc đời sâu sắc. “Con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái vòng vèo, quanh co”. Tuổi trẻ, ai cũng có những đam mê, vì những đam mê ấy mà người ta quên đi những giá trị đích thực là gia đình, là quê hương. 

Kết luận

Thông qua nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc, khắc họa nội tâm nhân vật rõ nét, Nguyễn Minh Châu đã cho người đọc thấy được sự giác ngộ muộn màng ở con người ấy. Thông qua hình tượng Nhĩ, tác giả muốn nhắc nhở người đọc về những giá trị nhân sinh trong cuộc đời. Hãy trân trọng gia đình, quê hương, tình làng nghĩa xóm, bởi đó mới là những giá trị đích thực nuôi dưỡng con người ta suốt cuộc đời. 

>> Xem thêm: Phân tích tác phẩm Vợ chồng A Phủ chi tiết, dễ hiểu