Mục lục

Soạn bài Ý nghĩa của văn chương trang 60-63, sách giáo khoa Ngữ Văn 7, tập 2

 

I, ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

Câu 1 (Soạn Ý nghĩa của văn chương trang 60-63): Theo Hoài Thanh, nguồn gốc cốt yếu của văn chương là gì? Hãy chú ý đến nghĩa của hai từ cốt yếu (chính, quan trọng nhất nhưng chưa phải là tất cả) và đọc bốn dòng đầu của văn bản để tìm ý trả lời.

Trả lời:

– Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là lòng thương người và rộng ra thương cả muôn vật, muôn loài.

– Tuy nhiên, “cốt yếu” có nghĩa là chính nhưng chưa phải là tất cả, bởi theo Hoài Thanh, văn chương còn “bắt nguồn từ cuộc sống lao động của con người”.

Câu 2 (Soạn Ý nghĩa của văn chương trang 60-63): Hoài Thanh viết: “Văn chương sẽ là hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng. Chẳng những thế văn chương còn sáng tạo ra sự sống…”. Hãy đọc lại chú thích 5 rồi giải thích và tìm dẫn chứng để làm rõ các ý đó.

Trả lời:

Trong câu trên có 2 ý chính

– Thứ nhất:  Văn chương là “hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng”. Ý nói cuộc sống con người có muôn hình vạn trạng ở nhiều góc độ khía cạnh khác nhau. Trong khi đó văn chương phản ánh cuộc sống con người. Chính vì vậy, “hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng” có nghĩa là hình ảnh, kết quả phản ánh trong văn chương.

– Thứ hai: Văn chương “còn sáng tạo ra sự sống”. Ý nói văn chương đã xây dựng nên những ý tưởng mới mẻ mà cuộc sống hiện tại chưa có. Từ đó làm động lực thúc đẩy để con người đạt được những điều đó trong tương lai.

Câu 3 (Soạn Ý nghĩa của văn chương trang 60-63): Theo Hoài Thanh, công dụng của văn chương là gì? Hãy đọc đoạn văn từ “Vậy thì, hoặc hình dung sự sống” đến hết văn bản để tìm ý trả lời.

Trả lời:

Theo Hoài Thanh công dụng của văn chương đó là:

– Sáng tạo hình dung ra sự sống, văn chương giúp cho tình cảm và gợi lòng vị tha ở con người.

– Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có.

Câu 4 (Soạn Ý nghĩa của văn chương trang 60-63): Đọc lại những kiến thức về bài văn nghị luận đã học trong phần Tập làm văn ở Bài 18, 19, 20, từ đó trả lời các câu hỏi:

a) Văn bản ý nghĩa của văn chương thuộc loại văn bản nghị luận nào trong hai loại sau? Vì sao?

– Nghị luận chính trị – xã hội;

– Nghị luận văn chương.

b) Văn nghị luận của Hoài Thanh (qua Ý nghĩa văn chương) có gì đặc sắc? Hãy chọn một trong các ý sau để trả lời:

– Lập luận chặt chẽ, sáng sủa;

– Lập luận chặt chẽ, sáng sủa và giàu cảm xúc;

– Vừa có lí lẽ, vừa có cảm xúc, hình ảnh.

Tìm một đoạn trong văn bản để làm dẫn chứng và làm rõ ý đã chọn.

Trả lời:

a, Văn bản “Ý nghĩa của văn chương” của tác giả Hoài Thanh thuộc loại văn bản nghị luận văn chương. Vì chủ đề và nội dung xuyên suốt của văn bản bàn luận về vấn đề văn chương.

b, Văn nghị luận của Hoài Thanh đặc sắc đó là vừa có lí lẽ, vừa có cảm xúc và hình ảnh. Ví dụ trong đoạn mở đầu của văn bản: “Người ta kể chuyện đời xưa, một nhà thi sỹ Ấn Độ trông thấy một con chim rơi xuống bên chân mình. Thi sĩ thương hại quá khóc nấc lên, quả tim cùng hòa một nhịp với sự run rẩy của con chim sắp chết. Tiếng khóc ấy, dịp đau thương ấy chính là nguồn gốc của thi ca”.

II, LUYỆN TẬP

(Soạn Ý nghĩa của văn chương trang 60-63) Hoài Thanh viết: “Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta có sẵn”. Hãy dựa vào kiến thức văn học đã có, giải thích và tìm dẫn chứng để chứng minh cho câu nói đó.

Trả lời:

– Giải thích:

+ “Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có” có nghĩa là qua văn chương chúng ta có thể rung động, khơi gợi những cảm xúc bên trong con người như đồng cảm, buồn vui cùng nhân vật trong tác phẩm, khơi gợi lòng trắc ẩn yêu thương đồng loại.

+ “Văn chương luyện thứ tình cảm ta có sẵn” có nghĩa là những thứ tình cảm như yêu, ghét, giận, hờn ai cũng có nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng biết cách thể hiện. Văn chương luyện thứ tình cảm ta có sẵn để con người diễn tả tình cảm của mình một cách rõ ràng hơn, sâu sắc hơn.

– Dẫn chứng: Nhiều bạn đọc chắc vẫn nhớ đến hình ảnh cô bé bán diêm trong tác phẩm “Cô bé bán diêm” của nhà văn nổi tiếng An-đéc-xen. Khi ngọn diêm vụt tắt, cô bé bay lên bầu trời, người đọc vô cùng thương xót cho thân phận bất hạnh, nghiệt ngã của cô bé bán diêm; lên án một xã hội vô lương tâm đẩy em bé bán diêm tội nghiệp đến cái chết. Đồng thời khơi gợi lòng yêu thương đồng loại, biết sẻ chia đến tất cả mọi người.