Viết biên bản là một trong những nội dung lớn của Ngữ văn 6. Loại văn bản này giúp em truyền tải được nội dung cuộc họp, hội nghị quan trọng. Từ đó em có thể áp dụng vào cuộc sống sau này.

1. Định hướng

Kiến thức cần nắm:

a) Tùy theo nội dung của từng sự việc, sự kiện mà người ta chia thành nhiều loại biên bản khác nhau.

– Biên bản thường được viết theo mẫu sau:

+ Tên cơ quan, tên tổ chức chủ quản.

+ Tên của nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

+ Thời gian bắt đầu.

+ Địa điểm

+ Các thành phần tham gia

+ Tên chủ tọa

+ Tên thư ký lập biên bản

+ Nội dung chính của biên bản (dựa theo diễn biến của cuộc họp, hay hội nghị). 

+ Chữ ký của người lập biên bản và chủ tọa.

b) Để lập và viết được một biên bản hoàn chỉnh, em cần thực hiện theo quy trình dưới đây:

– Cần xác định được nội dung chính dựa vào tên của biên bản.

– Tìm kiếm, thu thập đúng và đủ thông tin liên quan đến sự kiện chính.

– Tiến hành viết biên bản theo mẫu đã có.

– Đọc lại, tìm lỗi sai và chỉnh sửa lại biên bản.

Ví dụ:

– Một biên bản thường được dùng trong nhà trường gồm:

+ Tên biên bản: sinh hoạt chi đội tuần 9.

+ Thời gian: 10h30 ngày 6/11/2020.

+ Địa điểm: phòng học lớp 6A.

+ Thành phần tham dự: giáo viên chủ nhiệm, 42 đội viên của chi đội 6A, bạn liên đội trưởng.

+ Nội dung chính: đánh giá về ưu điểm, nhược điểm của tình hình học tập và nề nếp. Tuyên dương những đội viên có thành tích tốt, phê bình những đội viên còn yếu kém.

+ Chữ ký của thư ký và chủ tọa.

2. Thực hành

Câu hỏi SGK Ngữ văn 6 tập 2 trang 106:

Để hưởng ứng Ngày Trái Đất 22 – 4, lớp em đã tổ chức thảo luận về chủ đề “Hạn chế sử dụng bao ni lông và chất thải nhựa” trong giờ sinh hoạt lớp. Em hãy ghi lại biên bản của buổi thảo luận đó. Có thể viết tay hoặc tạo lập văn bản trên máy tính.

Trả lời:

a) Chuẩn bị

– Phải xác định được nội dung chính của biên bản cần lập.

– Chuẩn bị đủ phương tiện ghi chép: bút, giấy, máy tính,…

– Đọc trước biên bản mẫu để nắm được cách triển khai và bố cục của biên bản.

– Ngồi ở vị trí thuận lợi cho việc nghe, nhìn để có thể thu thập được đầy đủ thông tin cho biên bản.

b) Viết

– Vừa quan sát và lắng nghe mọi người trình bày, trao đổi, thảo luận vừa lập biên bản theo mẫu đã có (như đã nêu ở Mục 1 Định hướng), hoặc điều các thông tin cần thiết vào một mẫu biên bản có sẵn.

– Tập thể sẽ cùng xác nhận thông qua biên bản.

Biên bản tham khảo


BIÊN BẢN

Sinh hoạt lớp thảo luận về chủ đề “Hạn chế sử dụng bao ni lông và chất thải nhựa”

Thời gian bắt đầu: 10h30, thứ năm, ngày 6 tháng 1 năm 2022

Địa điểm tổ chức: Phòng học lớp 6A trường THCS Nguyễn A

Thành phần tham gia: giáo viên chủ nhiệm, 40 học sinh lớp 6A

Chủ tọa: Trần Duy B – lớp trưởng

Thư ký: Nguyễn Thị C – lớp phó học tập

Nội dung sinh hoạt

(1) Lớp trưởng Trần Duy B đứng lên tổ chức buổi thảo luận, nhằm mục đích để các bạn thảo luận, nêu ý kiến, quan điểm cá nhân về chủ đề “Hạn chế sử dụng bao ni lông và chất thải nhựa”.

(2) Cả lớp thảo luận, phát biểu ý kiến về chủ đề theo từng tổ. Mỗi tổ cử một đại điện để phát biểu. Các tổ còn lại sẽ tham gia góp ý và bổ sung.

(3) Lớp trưởng Trần Duy B tổng kết lại và thư ký Nguyễn Thị C ghi lại những ý kiến được các tổ nêu ra trên bảng.

– Thay thế những sản phẩm bao ni lông và chất thải nhựa bằng những sản phẩm hữu cơ. Vì chúng dễ phân hủy, rất thân thiện với môi trường.

– Tổ chức những tuần lễ thu hồi bao ni lông để tái chế.

– Tuyên truyền trong trường, lớp, gia đình để nêu cao nhận thức hạn chế sử dụng túi ni lông, chất thải nhựa.

– Đặt nhiều thùng rác phân loại và tái chế tại cho trong khuôn viên nhà trường, công viên, vỉa hè.

Buổi sinh hoạt thảo luận kết thúc lúc 11h30 ngày 6 tháng 1 năm 2022.

 

        Thư ký                                                                         Chủ tọa

       (Ký tên)                                                                        (Ký tên)

 

c) Kiểm tra và chỉnh sửa

– Bổ sung thêm các ý kiến mới của học sinh.

– Đọc kỹ lại biên bản để không bỏ sót thông tin.

– Tìm kiếm lỗi sai và sửa chữa về chính tả, ngữ pháp, trình tự viết.