Viết văn tả cảnh sinh hoạt tưởng chừng dễ nhưng cũng rất khó viết với các em. Để có được một bài văn hay, em hãy đọc bài viết sau để tham khảo:

1. Định hướng viết văn tả cảnh sinh hoạt

Câu hỏi:

a) Tả cảnh sinh hoạt là miêu tả lại hoạt động, hành động của một người hay nhiều người trong các quá trình như: học tập, lao động, vui chơi giải trí, các hoạt động văn hóa, du lịch, thể thao, lễ hội,….

– Ví dụ như văn bản “Keo vật” đã miêu tả lễ hội đô vật ở một số vùng quê vào dịp đầu năm mới.

b) Từ văn bản Keo vật, có thể rút ra một số điểm cần chú ý khi viết văn tả cảnh sinh hoạt:

– Tả hoạt động khác gì tả người (tả chân dung) và tả cảnh?

– Tả hoạt động phải tập trung miêu tả các hành động, trạng thái của nhân vật thể hiện bằng các động từ, tính từ. Liên hệ với các chi tiết miêu tả hành động, trạng thái của các nhân vật trong đoạn trích trên.

– Tả hoạt động cần nêu được các diễn biến của một hoạt động. Tham khảo các diễn biến của Keo vật được miêu tả trong đoạn trích trên.

Trả lời:

– Tả hoạt động với tả người (tả chân dung), tả cảnh rất khác nhau.

– Các chi tiết miêu tả hành động, trạng thái của các nhân vật trong đoạn trích Keo vật là:

+ Quắm Đen lăn xả vào ông Cản Ngũ đánh ráo riết.

+ Anh vờn tả, đánh hữu, dứ trên, đánh dưới, thoắt biến, thoắt hóa khôn lường.

+ Hai tay ông lúc nào cũng thấy dang rộng ra, để sát xuống mặt đất, xoay xoay chống đỡ.

+ Quắm Đen đã như con cắt luồn qua hai cánh tay ông Cản Ngũ ôm lấy một bên chân ông, nhấc lên. 

+ Lúc lâu, ông mới thò tay xuống nắm lấy khố Quắm Đen, nhấc bổng anh ta lên, coi nhẹ như ta giơ con ếch có buộc sợi rơm ngang bụng vậy.

– Các diễn biến của hoạt động trong đoạn trích Keo vật là:

+ Ông đô gõ trống ra hiệu lệnh trận đấu bắt đầu.

+ Nhịp trống đầu tiên, Quắm Đen đã lao vào tung chiêu phủ đầu.

+ Ông Cản Ngũ suýt bị hụt chân ngã.

+ Ông Cản Ngũ lật ngược thế cờ, chiếm ưu thế trước Quắm Đen.

2. Thực hành bài văn tả cảnh sinh hoạt

Bài tập: Tả lại một trận bóng đá mà em đã chứng kiến

a) Chuẩn bị 

Câu hỏi SGK Ngữ văn 6 tập 2  – trang 81:

Tìm hiểu yêu cầu tả lại trận bóng đá:

– Em có những hiểu biết gì về bóng đá?

– Nếu miêu tả lại trận bóng đá thì em chú ý những hoạt động nào? Các hoạt động, hành động của cầu thủ bóng đá thể hiện bằng những động từ, tính từ nào là phù hợp?

– Nếu tả lại một trận bóng đá thì em sẽ tả theo diễn biến như thế nào?

– Cảm xúc của em về trận bóng đá ấy ra sao?

Trả lời:

– Em thường xuyên những trận bóng đá của đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam cùng những giải đấu Ngoại hạng Anh cùng với bố.

– Nếu miêu tả lại trận bóng đá thì em chú ý vào hành động của các cầu thủ đội mình, đội bạn, trọng tài, khán giả, huấn luyện viên,… Các hành động, hoạt động của cầu thủ bóng đá sẽ rất phù hợp khi được thể hiện bằng những từ như: sút, rung lưới, phạt, đá, chuyền, nhanh nhẹn, mạnh mẽ, khéo léo, dứt khoát,…

– Nếu tả lại một trận bóng đá thì em sẽ tả theo diễn biến thời gian:

+ Lúc bắt đầu.

+ Hiệp 1

+ Hiệp 2

+ Kết quả

– Cảm xúc của em về trận bóng ấy là: háo hức, căng thẳng, bồi hồi, phấn khích.

b) Tìm ý và lập dàn ý bài văn tả cảnh sinh hoạt

Câu hỏi SGK Ngữ văn 6 tập 2 – trang 81: 

– Tìm ý: Dựa vào mục a) Chuẩn bị để đặt và trả lời một số câu hỏi như:

+ Trận bóng đá mà em định tả lại là trận bóng đá nào? Diễn ở đâu? Vào lúc nào?

+ Quang cảnh của sân bóng đá như thế nào (thời tiết, cảnh vật, sân cỏ, người xem,…)?

+ Trận bóng diễn ra thế nào (Mở đầu thế nào? Hoạt động của các cầu thủ và trọng tài ra sao? Có cầu thủ nào nổi trội? Nổi trội như thế nào? Kết quả trận đấu như thế nào?…)?

+ Khán giả xem trận bóng đá ra sao?

Trả lời:

– Trận bóng đá mà em định tả lại là trận bóng đá lượt về giữa Đội tuyển Quốc gia Việt Nam và Đội tuyển quốc gia Thái Lan.

+ Nó diễn ra ở Singapore.

– Quang cảnh sân bóng rất hào hứng, sôi nổi, khí thế. Nửa khán đài được bao trùm bởi sắc cờ đỏ sao vàng của Việt Nam.

– Trận bóng diễn ra vô cùng căng thẳng:

+ Trong suốt hiệp 1, Đội tuyển Quốc gia Việt Nam đã chiếm được nhiều ưu thế nhưng may mắn chưa mỉm cười.

+ Cầu thủ của 2 đội đều cố gắng giành được vé vào vòng chung kết của giải AFF Cup.

+ Có rất nhiều cầu thủ chơi nổi bật, khéo léo, có nhiều cơ hội ghi bàn như: Tiến Linh, Quang Hải.

+ Kết quả, Đội tuyển Việt Nam tạm dừng chân ở vòng bán kết.

+ Khán giả xem trận đấu này với tâm trạng hồi hộp, phấn khởi, căng thẳng, vỡ òa.

Câu hỏi SGK Ngữ văn 6 tập 2 – trang 81:

– Lập dàn ý: Từ các ý em tìm được, em hãy lập dàn ý theo ba phần của bài viết.

+ Mở bài: Giới thiệu chung về trận bóng đá mà em đã chứng kiến (Trận bóng ấy là của hai đội nào? Diễn ra ở đâu, khi nào?…).

+ Thân bài: Miêu tả chi tiết, đặc biệt tập trung vào việc tả lại các hành động, hoạt động và diễn biến của cả trận đấu như trật tự sau:

* Khung cảnh trận đấu.

* Diễn biến của trận đấu: chú ý tả hoạt động của các cầu thủ ở mọi vị trí như tiền đạo, tiền vệ, trung vệ, hậu vệ, thủ môn… của cả hai đội; đặc biệt là những cầu thủ nổi bật và phản ứng của người xem.

* Kết quả chung cuộc.

+ Kết bài: Nêu lại tình cảm, cảm xúc, suy nghĩ của bản thân về trận bóng ấy.

c) Viết 

Dựa vào dàn ý, viết bài văn bài văn tả cảnh sinh hoạt, tả lại trận bóng đá mà em đã chứng kiến.

Bài văn tả trận bóng mà em chứng kiến

Bài viết tham khảo

Mở bài

          Bóng đá là “vua” của các loại hình thể thao thi đấu. Và em cũng đặc biệt thích xem bóng đá cùng với bố mình. Một trong những trận bóng đá nhiều cảm xúc nhất đối với em, có lẽ chính là trận bán kết giữa Đội tuyển quốc gia Việt Nam và Đội tuyển quốc gia Thái Lan trong giải đấu AFF Cup 2020 tại Singapore.

Thân bài

          Sau khi ăn cơm, rửa chén xong xuôi, em đã cùng gia đình tập trung đông đủ ở phòng khách để cổ vũ cho Đội tuyển quốc gia Việt Nam. Vì đây là trận đấu quyết định đội dành được vé vào vòng chung kết nên em thấy vô cùng hồi hộp và mong chờ. Giây phút đài truyền hình VTV kết nối thành công với đầu bên kia khán đài, em đã nghe thấy tiếng hát Quốc ca của Việt Nam. Ca khúc hào hứng được cất lên bởi toàn bộ cầu thủ cùng khán giả Việt Nam có mặt trên sân khiến lòng em vô cùng náo nức, tự hào. Sau khi cả hai đội đã hát quốc ca, chụp ảnh thì trọng tài thổi còi báo hiệu hiệp 1 chính thức bắt đầu.

*Hiệp 1

          Trong toàn hiệp 1, thế chủ động hoàn toàn nghiêng về Đội tuyển Việt Nam. Mặc dù trong trận trước, đội tuyển ta đã để thua Thái Lan nhưng lại không hề nhụt chí, các cầu thủ vẫn kiên cường chiến đấu hết mình vì màu áo dân tộc. Những cầu thủ như Quang Hải đã có nhiều pha sút bóng rất căng và khéo léo. Nhưng em thấy tiếc vì cơ hội vẫn mỉm cười với Việt Nam trong hiệp 1 này, khi bóng toàn trúng xà ngang hoặc bị thủ môn đội bạn chặn được.

Tuy nhiên, các cầu thủ của chúng ta vẫn chiến đấu hết sức mình. Khán giả trên sân cùng những khán giả tại quê nhà reo hò, cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam không ngớt “Việt nam vô địch, Việt Nam vô địch”. Lúc này, đội tuyển Thái Lan vẫn chơi theo thế trận phòng thủ, họ kìm chặt bóng để cầu thủ đội ta không thể tiếp cận khung thành. Trận chiến ngang tài ngang sức kết thúc tại hiệp 1 với tỷ số hòa 0-0.

*Hiệp 2

          Sau 15 phút nghỉ giải lao, hai đội đổi sân và tiếp tục bước ra thi đấu trong tiếng cổ vũ còn mạnh hơn, nồng nhiệt hơn ở hiệp 1. Các cầu thủ Việt Nam vẫn chơi rất xuất sắc với những pha sút ở gần khung thành, những cú đá phạt của Quang Hải nhưng vẫn không may là lưới đội bạn chưa rung lên. Còn bên phía Đội tuyển Thái Lan, sau nhiều lần thay người, họ đã chơi tốt hơn hiệp 1 và tạo ra nhiều pha sút bóng khiến em thót tim.

Trận chiến diễn ra như vậy cho đến khi trọng tài thổi còi báo hiệu kết thúc với tỷ số chung cuộc 0-0. Đội tuyển Việt Nam tạm dừng chân lại và chia tay với giải AFF Cup 2020. Nhưng các cầu thủ của chúng ta đã cố gắng hết mình. Theo em, họ đã làm rất tốt, rất xuất sắc, cống hiến đến cuối trận không giây nào từ bỏ.

Kết bài

Đây có thể là một trong những trận bóng hay nhất của Đội tuyển Quốc gia Việt Nam mà em từng xem. Nó để lại cho em nhiều dư âm cùng những niềm xúc động không thể tả.

d) Kiểm tra và chỉnh sửa bài văn tả cảnh sinh hoạt

– Đọc lại và kiểm tra để phát hiện lỗi sai chính tả, sai kiến thức trong bài.

– Sửa chữa lại toàn bộ lỗi sai được phát hiện.