Mục lục

Viết bài tập làm văn số 7 – Văn nghị luận (Làm trên lớp) Trang 128-129 Ngữ văn 8 Tập 2

I. ĐỀ BÀI THAM KHẢO

Đề 1(Viết bài tập làm văn số 7): Tuổi trẻ và tương lai đất nước. (Gợi ý: Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Bác Hồ thiết tha căn dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Lời dạy của Bác giúp em hiểu đề bài trên như thế nào?

Trả lời:

Lời dạy của Bác giúp em hiểu đề bài trên là: Tuổi trẻ là tương lai của đất nước. Tương lai của đất nước phụ thuộc vào trình độ học vấn của lớp người trẻ. Lớp trẻ có dày công học tập thì đt nước mới hưng thịnh, bền vững.

Dàn bài tham khảo:

+ Mở bài

– Giới thiệu vấn đề.

“… Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai với cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu…”. Lời của Bác đã nằm lòng trong tâm trí biết bao nhiêu con người. “Các cháu” không chỉ là học sinh mà còn là tất cả những người trẻ của đất nước, là lớp thế hệ tương lai của dân tộc. Có trở nên vẻ vang hay không, là nhờ lớp thế hệ trẻ ấy. Nói cách khác, tuổi trẻ chính là tương lai đất nước, tương lai của dân tộc.

+ Thân bài

– Giải thích

  • Tuổi trẻ là lứa tuổi thanh-thiếu niên.
  • Tuổi trẻ còn là sức trẻ, là những người trẻ – tương lai của đất nước, dân tộc, là những chủ nhân tương lai của thế giới.

– Vì sao tuổi trẻ là tương lai của đất nước?

  • Tuổi trẻ là lứa tuổi được học tập, được giáo dục những kiến thức và đạo đức làm hành tranh bước vào cuộc sống mới và xây dựng tương lai mới.
  • Những người trẻ là thế hệ tiếp theo của thế hệ cha anh hôm nay, sẽ tiếp nối công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc mà cha anh còn đang dang dở.
  • Tuổi trẻ là tuổi được tiếp thu và hấp thụ những thành tựu của thời đại mới, của những phát mình khoa học công nghệ vĩ đại của nhân loại. Vì thế, luồng gió của tuổi trẻ sẽ mang lại một hình ảnh mới cho bức tranh cuộc sống tương lai của đất nước.
  • Người trẻ là những con người của nhiệt huyết, của những đam mê, khát vọng và hoài bão lớn lao. Đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, tâm trí của tuổi trẻ bao giờ cũng tràn ngập ước mơ về tương lai tươi sáng, bao giờ cũng tràn trề khát khao được cống hiến và đóng góp, được tỏa rạng trí tuệ và không ngừng sáng tạo. Điều đó giúp cho tuổi trẻ không ngại khó ngại khổ, là nguồn động lực cho sức trẻ được bay cao.

– Thực tế cho thấy tuổi trẻ chính là tương lai của đất nước

  • Đất nước, từ cổ chí kim, đều cần người hiền tài. Nhưng những trí tuệ ấy không mãi ở cùng chúng ta mà cần có người tiếp nối với đủ tài năng và trí tuệ để chèo lái con thuyền đất nước.
  • Những Trần Quốc Toản, Nguyễn Trãi…- bậc hiền tài vang danh sử sách đều rèn luyện tài đức từ thuở thanh thiếu niên, lập nhiều chiến công cho đất nước.
  • Một tấm gương sáng cho mọi thế hệ Việt Nam noi theo-chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng là một người trẻ, là tương lai của đất nước như thế. Với ý chí kiên cường, không ngại khó ngại khổ, Bác đã ra đi tìm đường cứu nước từ khi mới hai mốt, tự mình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và đã tìm ra con đường cứu nước, cũng là tìm ra con đường mới cho suốt những năm tháng bị đô hộ của nước nhà.
  • Những năm tháng chiến tranh là khoảng thời gian ghi dấu bao bước chân tòng quân của những người trẻ, là cánh đồng in dấu bước chân Lượm thoăn thoát đi liên lạc, là lời chàng trai mười bảy tuổi Lý Tự Trọng: “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác.”, là khí thế hiên ngang trước họng súng kẻ thù của chị Võ Thị Sáu: “Đả đảo thực dân Pháp. Việt Nam muôn năm. Hồ Chí Minh muôn năm!”.

– Mở rộng

  • Những người trẻ ngày hôm nay cần nỗ lực học tập, không ngừng rèn luyện tài-đức để có đủ phẩm chất, đủ năng lực làm rạng danh đất nước.
  • Ngay từ hôm nay, mỗi người cần xây dựng ý thức tự giác, biết tích lũy kinh nghiệm từ trải nghiệm thực tế và tiếp thu từ lớp thế hệ đi trước để chính mình tự trưởng thành, để sau này xây dựng và bảo vệ gia đình, quê hương, tổ quốc.
  • Nhà trường luôn đẩy mạnh công tác giáo dục, tạo ra môi trường học tập tốt nhất cho học sinh và có những hoạt động để các em phát triển toàn diện và thắp sáng ước mơ.
  • Nhà nước cần quan tâm và đặt vấn đề giáo dục lên hàng đầu.

+ Kết bài

  • Khẳng định lại vấn đề, rút ra bài học cho bản thân.

Tuổi trẻ là tương lai của đất nước. Thế hệ trẻ chính là tấm gương phản ánh tương lai của một dân tộc. Vì thế, là một người trẻ chính là mang trên vai trách nhiệm xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Hãy luôn học tập, rèn luyện chính mình đã không phụ lòng ông cha và để xây dựng một tương lai tươi sáng cho những thế hệ mai sau.

Đề 2 (Viết bài tập làm văn số 7): Văn học và tình thương. (Gợi ý: chứng minh rằng văn học của dân tộc ta luôn ca ngợi những ai biết “Thương người như thể thương thân” và nghiêm khắc phê phán những kẻ thờ ơ, dửng dưng trước người gặp hoạn nạn”

Trả lời:

Dàn bài tham khảo

+ Mở bài

– Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: văn học và tình thương.

+ Thân bài

  • Khái quát chung về văn học

– Văn học thế giới nói chung và văn học Việt Nam nói riêng mang những màu sắc, nội dung, chủ đề vô cùng phong phú, đa dạng qua nhiều thời kì khác nhau.

– Mỗi một tác phẩm văn học mang nội dung, ý nghĩa, nghệ thuật, bài học khác nhau tùy thuộc vào cách cảm nhận, phân tích của mỗi người.

– Văn học nuôi dưỡng và phát triển tâm hồn của con người, giúp con người hoàn thiện nhân cách.

– Văn học là linh hồn, là tiếng nói riêng của mỗi quốc gia, góp phần làm nên bản sắc văn hóa dân tộc.

– Văn học gắn bó và phản ánh cuộc sống của con người qua nhiều thời kì khác nhau đồng thời nêu lên quan điểm, tâm tư, tình cảm của tác giả cũng như con người.

  • Văn học và tình thương

– Văn học nêu lên tình cảm của con người, của tác giả cũng như những ước muốn của những nhân vật, những con người ở trong một hoàn cảnh nhất định.

– Văn học dạy con người biết yêu thương, học hỏi, trau dồi thêm nhiều tình cảm tốt đẹp, minh họa qua một số câu ca dao tục ngữ sau:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

Hoặc câu:

“Thương người như thể thương thân”

– Văn học còn phản ánh hiện thực con người từ đó nêu lên khát vọng, ước muốn của con người thông qua một số nhân vật, tác phẩm: Chị Dậu trong Tức nước vỡ bờ (trích Tắt đèn) của Ngô Tất Tố, Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao…

+ Kết bài

– Khái quát lại tầm quan trọng của văn học trong việc bồi dưỡng tình cảm, tình thương của con người và liên hệ thực tiễn.

Đề 3 (Viết bài tập làm văn số 7): Hãy nói không với các tệ nạn. (Gợi ý: Hãy viết một bài nghị luận để nêu rõ tác hại của một trong các tộ nạn xã hội mà chúng ta cần phải cương quyết và nhanh chóng bài trừ như cờ bạc, tiêm chích ma tuý, hoặc tiếp xúc với văn hoá phẩm không lành mạnh…)

Trả lời:

Dàn bài tham khảo Viết bài tập làm văn số 7

+ Mở bài:

Nêu khái quát vấn đề để dẫn vào bài (VD: Đất nước chúng ta đang trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hóa để tiến tới một xã hội công bằng dân chủ văn minh. Để làm được điều đó, chúng ta phải vượt qua các trở ngại, khó khăn. Một trong những trở ngại đó là các tệ nạn xã hội. Và đáng sợ nhất chính là ma tuý, mối nguy hiểm không của riêng ai).

+ Thân bài

– Giải thích thuật ngữ

– Tệ nạn xã hội: Tệ nạn xã hội là những hành vi sai trái, không đúng với chuẩn mực xã hội, vi phạm đạo đức, pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Tệ nạn xã hội là mối nguy hiểm, phá vỡ hệ thống xã hội văn minh, tiến bộ, lành mạnh. Các tệ xã hội thường gặp là: Tệ nạn ma tuý, mại dâm, đua xe trái phép…và trong đó ma túy là hiện tượng đáng lo ngại nhất, không chỉ cho nước ta mà còn cho cả thế giới.

– Ma tuý: Là một chất gây nghiện có nguồn gốc tự nhiên hay tổng hợp. Khi ngấm vào cơ thể con người, nó sẽ làm thay đổi trạng thái, ý thức, trí tuệ và tâm trạng của người đó, khiến người sử dụng có cảm giác lâng lâng, không tự chủ được mọi hành vi hoạt động của mình, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.

– Ma tuý tồn tại ở rất nhiều dạng như hồng phiến, bạch phiến, thuốc, lắc … dưới nhiều hình thức tinh vi khác nhau như uống, chích, kẹo…

– Làm rõ tác hại của ma tuý

+ Đối với cá nhân người nghiện (có thể trình bày theo ba vấn đề: Sức khỏe, tinh thần, thể chất)

  • Gây suy giảm hệ miễn dịch, giảm khả năng đề kháng làm cho người bệnh dễ mắc các bệnh khác;
  • Ma tuý chính là con đường dễ dàng đi đến những căn bệnh nguy hiểm dễ lây lan đặc biệt là HIV/AIDS;
  • Người nghiện ma tuý sức khoẻ yếu dần, không có khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.
  • Nghiện ma túy khiến cho con người u mê, tăm tối; từ người khoẻ mạnh trở nên bệnh tật, từ đứa con ngoan trong gia đình trở nên hư hỏng, từ công dân tốt của xã hội trở thành đối tượng cho luật pháp. Khi đói thuốc, con nghiện sẽ làm bất cứ điều gì kể cả tội ác: Cướp giật, trộm cắp, giết người…

+ Đối với gia đình

  • Làm cho kinh tế gia đình suy sụp
  • Làm tan vỡ hạnh phúc gia đình …

+ Đối với xã hội

  • Là một trong những nguyên nhân dẫn đến các tệ nạn xã hội khác như trộm cắp, cướp giật, mại dâm … làm cho an ninh xã hội bất ổn.
  • Làm hao tiền tốn của của quốc gia (do phải phòng chống, lập trại cai nghiện, …)
  • Những con nghiện mà không được gia đình chấp nhận sẽ đi lang thang làm mất vẻ mỹ quan, văn minh lịch sự, vật vờ trên những con đường của xã hội.
  • Làm suy giảm giống nòi …

– Từ việc nêu và phân tích tác hại cần khẳng định: Phải nói “không” với ma tuý

– Biện pháp (Sau khi khẳng định nói “không” cần dẫn để nêu lên biện pháp phòng chống ma tuý):

  • Có kiến thức về tác hại, cách phòng tránh ma tuý, từ đó tuyên truyền cho mọi người về tác hại của nó.
  • Hãy tránh xa với ma túy bằng mọi cách, mọi người nên có ý thức sống lối sống lành mạnh, trong sạch, không xa hoa, luôn tỉnh táo, đủ bản lĩnh để chống lại mọi thử thách, cám dỗ của xã hội.
  • Nhà nước cần phải có những hình thức xử phạt nghiêm khắc, triệt để đối với những hành vi tàng trữ, buôn bán vận chuyển trái phép ma tuý.
  • Đồng thời cũng phải đưa những người nghiện vào trường cai nghiện, tạo công ăn việc làm cho họ, tránh những cảnh “nhàn cư vi bất thiện”, giúp họ nhanh chóng hoà nhập với cuộc sống cộng đồng, không xa lánh, kì thị họ.
  • Tham gia các hoạt động truyền thống tệ nạn xã hội …

+ Kết bài Viết bài tập làm văn số 7:

– Rút ra kết luận: Ma túy kinh khủng là thế nên mỗi chúng ta phải biết tự bảo vệ mình, tránh xa những tệ nạn xã hội, tránh xa ma túy.

II.YÊU CẦU – Viết bài tập làm văn số 7

Câu 1: Các phép lập luận chứng minh và giải thích.

Trả lời:

Kiến thức cần ôn lại và nắm vững.

1. Lập luận chứng minh.

+ Khái niệm:

– Lập luận chứng minh là dùng các lí lẽ, chứng cứ xác thực, đáng tin cậy, được mọi người thừa nhận để khẳng định một luận điểm (ý kiến, nhận định, đánh giá) là đúng hay sai, có lợi hay hại, đáng tin hay không đáng tin.

– Trong lập luận chứng minh, dẫn chứng giữ vai trò chính. Lý lẽ giữ vai trò phụ giúp làm rõ nghĩa cho dẫn chứng.

  • Các lí lẽ, bằng chứng dùng trong phép lập luận chứng minh phải được lựa chọn, thẩm tra, phân tích thì mới có sức thuyết phục.
  • Trong đời sống người ta dùng sự thật (chứng cứ xác thực) để chứng tỏ một điều gì đó là đáng tin.

+ Các phương pháp lập luận chứng minh

Có 2 phương pháp chính gồm: chứng minh trong đời sống thực tế và chứng minh trong các văn bản nghị luận.

– Chứng minh trong đời sống

  • Mục đích chứng minh: Thuyết phục mọi người tin lời mình nói là sự thật.
  • Phương pháp chứng minh: Đưa ra những chứng cứ xác thực.

Có thể dùng nhân chứng, vật chứng, số liệu chính xác, việc thật, người thật để làm chứng cứ xác thực cho vấn đề cần chứng minh.

Chứng minh trong văn bản nghị luận

  • Mục đích chứng minh: Làm cho luận điểm trong văn bản trở nên đáng tin cậy.
  • Phương pháp chứng minh: Lập luận, đưa ra luận cứ bằng lý lẽ, dẫn chứng chính xác, tiêu biểu, chân thực, đã được thừa nhận.

+ Cách viết bài văn lập luận chứng minh

Để làm một bài văn lập luận chứng minh, ta cũng cần tuân thủ quy trình bốn bước sau:

– Phân tích đề và tìm ý: Đọc kĩ đề bài để hiểu các yêu cầu của đề sau đó xác định vấn đề cần chứng minh (luận điểm chính, tổng quát của bài). Từ luận điểm chính, xác định các luận điểm phụ để làm rõ luận điểm chính. Tiếp tục xác định các luận cứ (dẫn chứng, lí lẽ) để làm rõ từng luận điểm phụ. Câu hỏi tìm ỷ đặc trưng của lập luận chứng minh là: như thế nào?

– Sắp xếp luận điểm chính, các luận điểm phụ với luận cứ đẩy đủ thành dàn bài gồm ba phần: Mở bài, thân bài, kết bài.

– Hoàn chỉnh dàn ý thành bài văn lập luận chứng minh.

– Đọc lại bài và sửa lỗi nếu có.

Hệ thống luận điểm trong bài chứng minh phải được xếp theo trình tự hợp lí nhằm giúp người đọc (nghe) nắm được vấn đề. Có thể chọn trong những cách sau để sắp xếp luận điểm:

– Theo thứ tự thời gian: quá khứ

– hiện tại – tương lai; trước – sau; các mùa; các mốc thời gian…

– Theo thứ tự không gian: trong nước – thế giới; miền Bắc – miền Nam; miền xuôi – miền ngược…

– Theo các lĩnh vực hoặc phạm vi của cuộc sống: giới tính, tuổi tác, ngành nghề…

Mỗi luận điểm có thể trình bày thành một đoạn văn theo cách: diễn dịch, quy nạp hoặc tổng – phân – hợp…

2. Lập luận giải thích

+ Khái niệm:

– Lập luận giải thích trong văn nghị luận là làm cho người đọc hiểu rõ các tư tưởng, đạo lí, phẩm chất, quan hệ… cần được giải thích nhằm nâng cao nhận thức trí tuệ, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm cho con người.

– Người ta thường giải thích bằng cách nêu ra các định nghĩa, kể ra các biểu hiện, so sánh đối chiếu với các hiện tượng khác, chỉ ra các mặt lợi, hại, nguyên nhân, hậu quả, cách đề phòng hoặc noi theo…, của hiện tượng hoặc vấn để được giải thích.

– Bài văn giải thích phải có mạch lạc, ngôn từ trong sáng, dễ hiểu. Không nên dùng những điều không ai hiểu để giải thích những điều người ta chưa hiểu.

– Muốn được làm bài giải thích tốt phải học nhiều, đọc nhiều, vận dụng tổng hợp các thao tác giải thích phù hợp.

+ Các phương pháp lập luận giải thích

Có 2 phương pháp lập luận giải thích thường được sử dụng để làm bài văn học nghị luận là:

– Lập luận giải thích trong đời sống

  • Giải thích giúp ta hiểu những điều chưa biết trong mọi lĩnh vực đời sống hằng ngày.
  • Muốn giải thích được thì phải có những tri thức khoa học, chuẩn xác về nhiều lĩnh vực trong cuộc sống.

– Lập luân giải thích trong văn nghị luận

  • Nêu định nghĩa.
  • Nêu các biểu hiện.
  • So sánh đối chiếu với các hiện tượng, vấn đề khác.
  • Chỉ ra nguyên nhân, mặt lợi, ý nghĩa, cách noi theo…
  • Chỉ ra mặt hại, hậu quả, cách đề phòng…

+ Cách viết bài văn lập luận giải thích

Làm bài văn lập luận giải thích cũng cần tuân thủ quy trình bốn bước như viết bài văn lập luận chứng minh.

Câu 2: Các kĩ năng dùng từ, đặt câu, dựng đoạn, viết bài mà em đã học, đặc biệt là kĩ năng đưa các yếu tố tự sự, biểu cảm, và miêu tả vào bài văn nghị luận.

Trả lời:

+ Kĩ năng dùng từ, đặt câu

– Các từ ngữ và câu cú sử dụng trong bài văn nghị luận phải ngắn gọn, rõ ràng, ngôn từ trong sáng, dễ hiểu làm sáng tỏ cho chủ đề. Không nên dùng những điều không ai hiểu để giải thích những điều người ta chưa hiểu.

+ Kỹ năng dựng đoạn, liên kết đoạn, viết bài

* Dựng đoạn:

  • Cần nhận thức rõ mỗi luận điểm phải được tách ra thành một đoạn văn nghị luận (Phải xuống dòng và lùi đầu dòng, chữ đầu tiên phải viết hoa)

Một đoạn văn nghị luận thông thường cần chứa đựng một số loại câu sau đây:

  • Câu chủ đoạn: nêu lên luận điểm của cả đoạn, câu chủ đoạn cần ngắn gọn rõ ràng.
  • Câu phát triển đoạn: gồm một số câu liên kết nhau: câu giải thích, câu dẫn chứng, câu phân tích dẫn chứng, câu so sánh, câu bình luận,…
  • Câu kết đoạn: là câu nhận xét, đánh giá vấn đề vừa triển khai, tiểu kết cả đoạn.

* Liên kết đoạn:

– Các đoạn văn trong bài văn đều cần có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Có 2 mối liên kết: liên kết nội dung và liên kết hình thức.

– Liên kết nội dung:

  • Tất cả đoạn văn trong bài văn bắt buộc phải có liên kết nội dung, nghĩa là mỗi đoạn văn đều phải hướng vào luận đề, làm rõ luận đề. Nếu không thì bài văn sẽ trở nên lan man, xa đề, lạc đề.
  • Có thể thấy sự liên kết nội dung qua những từ ngữ xuất hiện trong mỗi đoạn văn. Các từ ngữ quan trọng trong luận đề (hoặc những từ ngữ trong cùng một trường từ vựng ấy) thường xuất hiện nhiều lần, lặp đi lặp lại nhiều lần trong các đoạn văn.

– Liên kết hình thức:

  • Bên cạnh sự liên kết nội dung ở các đoạn văn, giáo viên cần chỉ ra cho các em cách liên kết hình thức để giúp cho việc triển khai ý thêm dễ dàng, làm cho bài văn trở nên dễ đọc, dễ hiểu, có tính mạch lạc, rõ ràng.
  • Liên kết hình thức có thể thấy rõ qua các câu nối hoặc từ ngữ liên kết đoạn nằm đầu mỗi đoạn văn.
  • Tùy theo mối quan hệ giữa các đoạn văn mà ta có thể dùng các từ ngữ liên kết đoạn khác nhau, dưới đây là một số từ ngữ mà tần số xuất hiện rất nhiều trong các bài làm văn. (Trước tiên, tiếp theo đó, ở khổ thơ thứ nhất, sang khổ thơ thứ hai,…; Bên cạnh đó, song song đó, không những thế, song, nhưng,…; Về cơ bản, về phương diện, có thể nói, cũng có khi, rõ ràng, chính vì, tất nhiên,…;Nếu như, nếu chỉ có thể, thế là, dĩ nhiên, thực tế là, vẫn là, có lẽ,…; Cũng cần nói thêm, trở lại vấn đề,…; Cho dù, mặc dù vậy, nếu như ở trên,…; Nhìn chung, nói tóm lại,…)

+ Kỹ năng đưa các yếu tố tự sự, biểu cảm, và miêu tả

Các yếu tố tự sự và miêu tả, biểu cảm được sử dụng trong bài văn nghị luận phải phục vụ cho việc làm rõ luận điểm và không phá vỡ mạch lạc nghị luận của bài văn.

–  Các yếu tố tự sự, miêu tả biểu cảm trong văn nghị luận chỉ góp phần làm cho việc trình bày các luận điểm, luận cứ được sáng sủa, sinh động và có sức thuyết phục hơn.

– Sau khi lựa chọn được nội dung tự sự, miêu tả, biểu cảm để đưa chúng vào bài văn nghị luận cần chú ý cách diễn đạt các yếu tố đó thành ngôn từ, câu chữ cụ thể. Cần đưa các yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm vào bài văn nghị luận một cách khéo léo và vừa phải, không nên sử dụng quá nhiều tránh để bài văn nghị luận trở nên nặng nề, rườm rà, làm giảm sự chú ý của người đọc đối với nội dung chính của bài văn (Những luận điểm, luận cứ, dẫn chứng, lí lẽ…)