Viết bài tập làm văn số 1- văn thuyết minh

Đề 1: Cây lúa Việt Nam – Viết bài tập làm văn số 1

Gợi ý dàn ý:

– Mở bài :

+ Trong phần này, các bạn giới thiệu chung về hình ảnh cây lúa Việt Nam. Có thể dùng các câu ca dao, dân ca để dẫn dắt vào bài cho hấp dẫn. Ví dụ như:

“Trời cao đất rộng thênh thang,

Tiếng hò giọng hát ngân vang trên đồng,

Cá tươi gạo trắng nước trong,

Hai mùa lúa chín thơm nồng tình quê

Dù đi đâu về đâu, những người con đất Việt vẫn luôn nhớ về hình ảnh thân thương của cây lúa trên những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Đó không chỉ là biểu tượng của cuộc sống trù phú mà còn rất bình yên của làng quê Việt Nam.

– Thân bài:

  • Luận điểm 1: Khái quát vai trò:

Phần này các bạn khái quát tầm quan trọng của cây lúa, đặc biệt với nền nông nghiệp Việt Nam. Ví dụ: Từ bao đời nay, cây lúa đã trở thành nguồn lương thực trọng yếu của nền nông nghiệp Việt Nam, mà đó còn là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc ta.

  • Luận điểm 2: Đặc điểm cây lúa:

Ví dụ: Cây lúa Việt Nam sống chủ yếu nhờ nước nên được gọi là lúa nước. Giống cây này có cấu tạo gồm 3 phần rễ, thân, ngọn, với thân cây thẳng, nhỏ và dài và có chiều cao khoảng  60 – 80cm. Lúa Việt Nam được phân thành hai loại là lúa nếp và lúa tẻ. Lúa nếp thì nấu lên sẽ dẻo và mềm hơn, thường dùng làm bánh và để nấu món ăn gọi là xôi. Còn lúa tẻ là lúa để nấu ăn hàng ngày, cũng dẻo nhưng không bằng lúa nếp.

  • Luận điểm 3: Cách trồng lúa:

Ví dụ, công việc trồng lúa được thực hiện qua 4 công đoạn, đó là gieo giống, cấy  lúa, quá trình chăm sóc và cuối cùng là gặt lúa.

  • Luận điểm 4: Sản phẩm từ cây lúa

Ví dụ: Từ cây lúa nước, người dân Việt Nam có thể sử dụng với nhiều mục đích, chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau. Lúa không chỉ làm thành gạo, là loại ngũ cốc dinh dưỡng hàng ngày mà còn có thể chế biến thành bún, phở, bánh cuốn… Trong khi đó, lá và thân lúa thường được người dân tận dụng làm rơm rạ để đun nấu, làm đồ trang trí, hay cho trâu bò ăn.  Hình ảnh cây lúa còn trở thành một trong những biểu tượng văn hóa để du khách nước ngoài tìm hiểu khi tới Việt Nam.

– Kết bài:

+ Phần này, các bạn khẳng định lại tầm quan trọng của cây lúa trong đời sống của người dân Việt Nam.

Ví dụ: Nếu như các nước phương Tây, xem lúa mạch là nguồn sống thì với người Việt Nam, cây lúa nước là lương thực không thể thiếu hàng ngày. Nó không chỉ cung cấp nguồn dinh dưỡng cho cơ thể mà còn mang lại lợi ích kinh tế rất lớn. Với 80% là nông nghiệp, hiện Việt Nam vẫn là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

viet tap lam van so 1- van thuyet minh

Đề 2 Cây…  ở quê – Viết bài tập làm văn số 1- văn thuyết minh

(Đây là dạng đề chưa hoàn tất, dành để giáo viên và học sinh lựa chọn, bổ sung. Nên chọn đối tượng thuyết minh cụ thể cho sát với thực tế mỗi địa phương).

Trong đề này, chúng ta sẽ chọn : CÂY BƯỞI Ở QUÊ

Gợi ý dàn bài:

Mở bài

+ Giới thiệu về loài cây bạn ấn tượng. Ví dụ như cây bưởi. Em rất thích ăn bưởi nên những cây bưởi Diễn ở quê em là loài cây em ấn tượng nhất.

– Thân bài

  • Luận điểm 1: Nguồn gốc và xuất xứ của cây bưởi:

Ví dụ: Không biết tự bao giờ, loài bưởi đã xuất hiện. Trên thế giới và tại Việt Nam cũng có rất nhiều giống bưởi khác nhau. Nhưng trong số đó, em thích nhất là bưởi Diễn. Loài bưởi này được trồng nhiều ở làng Diễn trước đây, nay thuộc các phường Minh Khai, Phú Diễn, Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Chính vì thế mà nó có tên gọi là bưởi Diễn.

  • Luận điểm 2: Đặc điểm của cây bưởi Diễn:

Ví dụ: Là loài cây ăn quả lâu năm, thuộc nhóm cây có múi, thân gỗ, khá dễ trồng thích hợp nhất trên loại đất thịt. Cây khi trưởng thành và bắt đầu cho thu hoạch sẽ có chiều cao trên 2 mét, bề rộng tán cũng vậy. Cây bưởi Diễn ra quả 1 năm 1 lần, thường ra hoa vào tháng hai, quả chín đúng vào dịp tết. Khi bước vào thời kỳ chính thức cho thu (thường là năm thứ 5) một cây có thể cho 80 trái.

Về quả bưởi Diễn, khác biệt với các loại quả bưởi khác, nó có kích thước nhỏ, đường kính chừng 15 cm, trọng lượng 0,8 – 1 kg. Phần cùi và vỏ của đặc sản này rất mỏng người bổ phải rất khéo nếu không muốn cắt vào ruột. Múi bưởi có tôm vàng óng, hạt bên trong se nhỏ, khi ăn sẽ thấy vị ngọt đậm đà, khi ăn xong rồi còn lưu mãi ở đầu lưỡi.

  • Luận điểm 3: Giá trị của cây bưởi:

Hiện nay, bưởi Diễn được coi là loại cây có giá trị kinh tế cao hàng đầu trong các loại cây ăn quả tại Việt Nam. Tuy nhiên do việc thay đổi cơ cấu kinh tế tại khu vực Văn Trì – Minh Khai nói riêng và khu vực trồng bưởi Diễn chính gốc trước đây nói chung… khiến số lượng trái đem đến cho thị trường ngày một ít đi.

Do nhu cầu lớn về chuyển đổi cây trồng, cây bưởi Diễn được rất nhiều bà con lựa chọn đưa vào khu vườn và trang trại của mình. Mỗi cây giống hiện có giá bán dao động trong mức 50.000 – 70.000 đồng đem lại giá trị kinh tế không hề nhỏ cho người nông dân.

Cùng với việc bán quả và cây giống, việc phát triển mô hình trồng bưởi cảnh cũng đang trở thành một xu hướng được nhiều người dân chú ý và phát triển. Đặc biệt trong dịp tết một cây khi lên chậu cũng được ít nhất 2 triệu đồng.

  • Luận điểm 4: Cách chăm sóc và gieo trồng

Ví dụ: Người dân cần lựa chọn giống tốt, đất trồng cũng rất quan trọng. Khi chăm sóc, người dân cần cung cấp nước và chất dinh dưỡng cho cây phát triển.

– Kết bài:

– Nêu cảm nghĩ của bản thân về cây bưởi cũng như về giá trị của loại cây này.

Ví dụ: Bưởi Diễn cũng giống như nhiều loại quả có múi khác có hàm lượng vitamin rất lớn như A, C, E… cùng nhiều axit tự nhiên tốt cho sức khỏe người sử dụng, trong đó có chất pectin giúp giảm lượng cholesterol trong máu nên hỗ trợ tốt cho người bị béo phì tiểu đường. Chưa kể, nó còn là vị thuốc khá phổ biến trong dân gian trị các bệnh như tiêu đờm, rối loạn tiêu hóa, cảm cúm. Vì thế không chỉ em mà mọi người trong gia đình em đều rất yêu quý và thích cây bưởi.

Đề 3 . Một loài động vật hay vật nuôi ở quê em- viết bài tập làm văn số 1- văn thuyết minh

Gợi ý dàn ý thuyết minh về con mèo

Mở bài:

Giới thiệu chung về con mèo

Ví dụ: Nhà bà ngoại em có nuôi 2 con mèo tam thể rất đáng yêu. Mỗi lần về thăm ông bà, em lại được chơi với chúng. Đó là 2 con vật vô cùng đáng yêu và ngộ nghĩnh.

Thân bài:

  • Luận điểm 1: Đặc điểm con mèo:

Ví dụ: Các bạn mèo đều có 4 chân. Chúng thuộc lớp thú với bộ lông mượt và nhiều màu. Một bạn màu vàng xám, một bạn lại màu vàng trắng. Mỗi bạn đều có ria mép dài, và đây là cơ quan xúc giác của chúng.  Đặc biệt, bạn mèo có đôi tai rất thính và đôi mắt rất tinh.

  • Luận điểm 2: Tập tính:

Ví dụ: Hai bạn mèo có sở thích nằm nơi ấm áp như bếp tro hay sưởi nắng dưới gốc cây. Cả hai đều thích liếm láp bộ lông vì lông mèo khi gặp nắng thì chyển hóa thành vita min (thức ăn bổ dưỡng cho mèo). Đặc biệt bạn mèo rất thích bắt buột và thích được em vuốt ve, âu yếm.

  • Luận điểm 3:  Vai trò:

Ví dụ: Em rất thích chơi với bạn mèo không chỉ vì các bạn rất đáng yêu mà bởi mèo là loại động vật rất hữu ích. Mèo là người bạn thân thiết của con người khi giúp bắt chuột để bảo vệ mùa màng, giữ gìn đồ dùng trong nhà.

Kết bài:

+ Ở phần này, các bạn khẳng định lại vai trò, lợi ích của loài mèo.

Có thể nói, mèo là một trong những loài động vật có vai trò quan trọng trong đời sống con người. Mèo đã được đi vào thơ ca truyện của rất nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Mèo không chỉ là người bạn thân thiết mà còn là con vật mang lại nhiều lợi ích cho con người.

Đề 4: Một nét đặc sắc trong di tích, thắng cảnh quê em.

(Nên chọn đối tượng thuyết minh cụ thể cho sát với thực tế mỗi địa phương).

Gợi ý dàn bài:

– Mở bài:

+ Giới thiệu về danh lam thắng cảnh (chùa Thầy)

Ví dụ:

Chùa Thầy là một trong những di tích lịch văn hóa cấp quốc gia nổi tiếng. Nơi đây không chỉ được biết đến với kiến trúc chùa, thủy đình độc đáo mà còn có hệ thống hang núi có giá trị về lịch sử lớn lao.

– Thân bài:

  • Luận điểm 1: Khái quát về danh thắng chùa Thầy

Ví dụ: Chùa Thầy nằm ở xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội. Cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km về phía Tây nam, đi theo đường cao tốc Láng – Hòa Lạc. Sài Sơn có tên Nôm là núi Thầy, nên chùa được gọi là chùa Thầy. Chùa được xây dựng từ thời nhà Đinh. Đây từng là nơi tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, lúc này núi Thầy còn gọi là núi Phật Tích.

  • Luận điểm 2: Chi tiết về danh thắng chùa Thầy:

Ví dụ: Nếu như Chùa Láng gắn liền với giai đoạn đầu của cuộc đời Từ Đạo Hạnh, thì chùa Thầy lại chứng kiến quãng đời sau cùng cho đến ngày thoát xác của vị sư thế hệ thứ 12 thuộc dòng Thiền Ti-ni-đa-lưu-chi này. Ban đầu chùa Thầy chỉ là một am nhỏ gọi là Hương Hải am, nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh trụ trì. Vua Lý Nhân Tông đã cho xây dựng lại gồm hai cụm chùa: chùa Cao (Đỉnh Sơn Tự) trên núi và chùa Dưới (tức chùa Cả, tên chữ là Thiên Phúc Tự). Đầu thế kỷ 17, Dĩnh Quận Công cùng hoàng tộc chăm lo việc trùng tu, xây dựng điện Phật, điện Thánh; sau đó là nhà hậu, nhà bia, gác chuông. Theo thuyết phong thủy, chùa được xây dựng trên thế đất hình con rồng. Phía trước chùa, bên trái là ngọn Long Đẩu, lưng chùa và bên phải dựa vào núi Sài Sơn. Chùa quay mặt về hướng Nam, trước chùa, nằm giữa Sài Sơn và Long Đẩu là một hồ rộng mang tên Long Chiểu hay Long Trì (ao Rồng). Sân chùa như hàm rồng ,thủy đình như viên ngọc rồng ngậm.Cây cầu Nguyệt Tiên Kiều và Nhật Tiên Kiều như hai chiếc râu rồng.

  • Luận điểm 3: Ý nghĩa của danh thắng chùa Thầy

Ví dụ: Nằm ở xứ Đoài, nơi ít bị ảnh hưởng trong suốt hàng ngàn năm chống giặc ngoại xâm, là một trong những trung tâm phật giáo cổ và lớn nhất gần Kinh đô Thăng Long, với quan hệ đặc biệt với các Hoàng gia triều Lý, hậu Lê nên chùa Thầy có số lượng di sản văn hóa vừa nhiều về số lượng vừa trải đều qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn. Đây là ngôi chùa có tính bảo lưu một cách liên tục nhất các di vật văn hóa, nghệ thuật từ thời Lý.

Kết bài:

Nêu cảm nghĩ của em về danh thắng chùa Thầy

Ví dụ: “Nhớ ngày mùng 7 tháng 3/ Trở vào hội Láng, trở ra hội Thầy”. Chùa  Thầy không chỉ là điểm thăm quan du lịch tâm linh độc đáo ở phía Bắc mà nơi đây còn lưu giữ những dấu tích văn hóa đặc sắc của các triều đại nước Việt. Hãy một lần đến chùa Thầy để thưởng ngoạn cảnh núi non hòa với với nước hồ mênh mông bạn nhé!

Yêu cầu viết bài tập làm văn số 1- văn thuyết minh

Khi thực hành làm bài văn thuyết minh, các bạn nhất thiết phải điều tra, tìm hiểu để nắm bắt đúng đặc điểm cơ bản của đối tượng. Đồng thời các bạn cần biết kết hợp phương pháp thuyết minh với một số biện pháp nghệ thuật và miêu trả trong bài viết. Nếu thực hiện đủ và đúng những yêu cầu trên, chắc chắn các bạn sẽ đạt hiệu quả cao trong bài làm văn của mình.