Phần I: Đặc điểm của văn bản tường trình

van ban tuong trinh

Để hiểu rõ về loại văn bản này, sau khi đọc các văn bản, các bạn lần lượt trả lời các câu hỏi dưới nhé!

Câu 1: Trong các văn bản trên, ai là người phải viết tường trình và viết cho ai? Lí do và mục đích cần viết văn bản tường trình?

Gợi ý trả lời:

– Trong văn bản 1, người phải viết tường trình ở đây tự giới thiệu tên là Phạm Việt Dũng. Bản tường trình này gửi tới cô giáo Ngữ văn tên là Nguyễn Thị Hương. Với  lí do vì không kịp viết bài văn theo đúng yêu cầu của cô. Mục đích cần viết văn bản này là xin phép nộp bài muộn vào ngày 15/1/2004.

– Trong văn bản 2, người phải viết tường trình ở đây tự giới thiệu tên là Vũ Ngọc Kí. Bản tường trình này gửi tới Thầy Hiệu trưởng Trường THCS Hòa Bình. Lí do bạn viết bản tường trình là vì mất xe đạp ở trường. Với mục đích báo cáo để nhà trường biết và giúp bạn tìm lại chiếc xe của mình.

Câu 2:  Nội dung và thể thức bản tường trình có gì đáng chú ý?

Gợi ý trả lời:

Như chúng ta biết, tường trình là loại văn bản trình bày thiệt hại hay mức độ trách nhiệm của người tường trình trong các sự việc xảy ra gây hậu quả cần phải xem xét. Đồng thời, văn bản tường trình phải tuân thủ thể thức và phải trình bày đầy đủ, chính xác thời gian, địa điểm, sự việc, họ tên những người liên quan cùng đề nghị của người viết; có đầy đủ người gửi, người nhận, ngày tháng, địa điểm thì mới có giá trị.

Vì thế, qua 2 văn bản trên, các bạn có thể thấy chúng đã đáp ứng đẩy đủ những yêu cầu cần có về mặt nội dung và thể thức của một văn bản tường trình chuẩn. Cụ thể là đã có tên người viết tường trình, địa chỉ mà văn bản này cần gửi đến cùng với mục đích lí do, thời gian, địa điểm xảy ra các sự việc. Nhờ đó mà văn bản giúp người viết và người tiếp nhận dễ dàng hiểu và có sức thuyết phục lớn.

Câu 3: Người viết bản tường trình cần phải có thái độ như thế nào đối với sự việc tường trình?

Gợi ý trả lời:

Theo yêu cầu lý thuyết về văn bản tường trình, thì người viết là người có liên quan đến sự việc được trình bày. Do đó, khi thực hiện văn bản, người viết cần có thái độ trung thực, khách quan. Như vậy mới có sức thuyết phục và tăng sự tin cậy của thông tin.

Câu 4: Hãy nêu một số trường hợp cần viết bản tường trình trong học tập và sinh hoạt ở trường.

Gợi ý trả lời:

Trong học tập và sinh hoạt ở môi trường học đường, các bạn có rất nhiều vấn đề, nội dung chúng ta cần tường trình. Ví dụ như:

– Về việc hai bạn A và B đánh nhau

– Về đi học muộn

– Về vấn đề không mặc đồng phục

– Về việc thất lạc thiết bị máy chiếu

Với những vấn đề trên, người viết tường trình có thể là cán bộ lớp như lớp trưởng, hoặc bất kỳ một thành viên nào đó trong lớp. Và nơi tiếp nhận ở đây có thể là thầy, cô giáo, ban giám hiệu…

Phần 2: Cách làm văn bản tường trình

van ban tuong trinh

Câu 1: Tình huống cần phải viết bản tường trình

Trong các tình huống sau, tình huống nào có thể và cần phải viết bản tường trình? Vì sao? Ai phải viết? Viết cho ai?

  1. a) Lớp em tự ý tổ chức đi tham quan mà không xin phép thầy, cô giáo chủ nhiệm.
  2. b) Em làm hỏng dụng cụ thí nghiệm trong giờ thực hành.
  3. c) Một số học sinh nói chuyện riêng làm mất trật tự trong giờ học.
  4. d) Gia đình em bị kẻ gian đột nhập lấy trộm tài sản.

Gợi ý trả lời:

– Trong các tình huống trên, tình huống có thể và cần phải viết bản là tình huống (b) và tình huống (d)

+ Ở tình huống (b): Bởi việc làm hỏng dụng cụ thí nghiệm trong giờ thực hành là một sự việc khá nghiêm trọng. Nó không chỉ gây ảnh hưởng tới giờ học, tới cơ sở vật chất nhà trường mà còn có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của học sinh, giáo viên. Vì thế cần phải tường trình để nhà trường và các thầy cô lớp phụ trách lớp thí nghiệm nắm được tình hình, để có thể chủ động sửa chữa lại. Đồng thời nếu không trường trình cụ thể thì người làm hỏng dụng cụ có thể bị kỷ luật và thầy cô phu trách có thể bị liên quan do cố ý làm hư hại dụng cụ thí nghiệm. Người phải viết là bản tường trình ở đây là nhân vật “Em”. Viết để gửi tới nhà trường, thầy cô phụ trách bộ môn thí nghiệm.

+ Ở tình huống (d): Việc kẻ gian đột nhập chỉ có người nhà mới nắm rõ tình hình, do đó phải tường trình lại cho cơ quan có thẩm quyền để họ biết được thông tin cụ thể như về thời gian, về cách thức kẻ trộm hành động khi vào nhà, về những tài sản bị mất, về những điểm nhận dạng của thủ phạm… Từ đó, người có thẩm quyền mới có thể truy vết thủ phạm và giúp người nhà giải quyết được vụ việc. Người phải viết tường trình ở đây là bố, mẹ hoặc người lớn tuổi trong nhà. Nơi tiếp bận văn bản là cơ quan chức năng như công an xã, phường.

Câu 2:  Cách làm bản tường trình

Sau khi tìm hiểu những ví dụ trên, các bạn có thể đúc kết lại những lưu ý về cách làm văn bản tường trình như sau. Đó là các bạn cần lưu ý ba ý

a) Thể thức mở đầu gồm quốc hiệu, tiêu ngữ, địa điểm và thời gian làm tường trình, tên văn bản.

b) Nội dung văn bản cần thể hiện được thời gian, địa điểm, diễn biến sự việc, nguyên nhân, hậu quả và người chịu trách nhiệm. Đặc biệt, chú ý thái độ người viết phải trung thực, khách quan.

c) Thể thức kết thúc cần có lời đề nghị, cam đoan và chữ ký cũng như tên của người trình bày tường trình.

Câu 3: Lưu ý:

Vì đây là văn bản mang tính mẫu hành chính nên các bạn cần lưu ý về cách trình bày về hình thức. Cụ thể như về tên văn bản cần dùng chữ in hoa để nổi bật. Cần giữ khoảng cách hơn một dòng giữa các phần quốc hiệu và tiêu ngữ, địa điểm và thời gian… Nhằm dễ dàng phân biệt nội dung. Bạn không nên viết sát lề giấy bên trái, cũng không nên để phần trên trang giấy có khoảng trống quá lớn.

Thực hiện được những yêu cầu, lưu ý trên, các bạn có thể hoàn thành văn bản tường trình của mình đầy đủ và chính xác nhất.