Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em là một trong những đoạn phát biểu được triển khai tại Hội nghị cao cấp thế giới về trẻ em.

Tuyên bố thế giới về quyền trẻ em
Tuyên bố thế giới về quyền trẻ em

I – VĂN BẢN TUYÊN BỐ THẾ GIỚI VỀ SỰ SỐNG CÒN, QUYỀN ĐƯỢC BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ EM

Tổng quan về văn bản

– Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em trích Tuyên bố của Hội nghị cấp cao thế giới về trẻ em, trong Việt Nam và các văn kiện quốc tế về quyền trẻ em. Tác phẩm do NXB Chính trị quốc gia – Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam, Hà Nội, 1997.

– Hội nghị cao cấp thế giới về trẻ em họp tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York ngày 30-9-1990.

II – ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

Câu 1. Văn bản này (gồm 17 mục) được bố cục làm mấy phần? Phân tích tính hợp lý, chặt chẽ của bố cục văn bản?

Trả lời:

  • Văn bản trên được chia thành các phần chính như sau:

Phần 1: Sự thách thức: Đưa ra thực trạng cuộc sống của trẻ em trên thế giới với nhiều mối nguy cơ xâm hại đến trẻ em

Phần 2: Cơ hội: Đưa ra các điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự phát triển, chăm sóc và bảo vệ quyền lợi cho trẻ em

Phần 3: Nhiệm vụ cần làm: Xác định cụ thể những nhiệm vụ cần làm để bảo vệ các em trước thách thức và cơ hội đã nêu trước đó.

  • Phân tích tính hợp lý, chặt chẽ của bố cục văn bản

Cả 3 phần được trình bày liên quan chặt chẽ với nhau. Phần sau bổ sung nội dung cho phần trước, hoàn chỉnh nội dung và thống nhất một nội dung với nhau. Đưa ra vấn đề và giải quyết vấn đề toàn diện.

Cụ thể, ở phần 1 người viết đã đưa ra những thách thức như: trẻ em phải chịu cảnh đói nghèo, thảm họa, bị chết do suy dinh dưỡng, bệnh tật. Những thách thức đó không phải là không thể giải quyết vì chúng ta đang có những cơ hội tốt được người phát biểu triển khai ở phần tiếp theo.

Cơ hội đó gồm: các nước liên kết lại và ký công ước quốc tế về quyền lợi trẻ em, chung tay bảo vệ trẻ; không khí chính trị quốc tế bình ổn cũng là một trong những cơ hội tốt. Từ thách thức, từ cơ hội đó người viết đã đưa ra những nhiệm vụ để giải quyết vấn đề. Trẻ bị chết do suy dinh dưỡng thì phải tăng cường sức khỏe, trẻ bị tàn tật thì phải được chăm sóc đặc biệt. Trẻ chưa được giáo dục thì phải đảm bảo cho trẻ học hết bậc giáo dục cơ sở, xóa mù chữ… và rất nhiều thách thức, cơ hội được cụ thể hóa bằng nhiệm vụ trong phần 3.

Như vậy, từ đầu tới cuối, văn bản đã đưa ra vấn đề, triển khai vấn đề và giải quyết được vấn đề với bố cục chặt chẽ, hợp lý, thuyết phục người nghe.

Câu 2. Ở phần “Sự thách thức”, bản Tuyên bố đã nêu lên thực tế cuộc sống của trẻ em trên thế giới ra sao? Nhận thức, tình cảm của em khi đọc phần này như thế nào?

Trả lời:

Thực tế cuộc sống của trẻ em trên thế giới:

– Chịu thảm họa đói nghèo, mù chữ, dịch bệnh… Nhiều trẻ em bị chết do suy dinh dưỡng và dịch bệnh.

– Là nạn nhân của các cuộc chiến tranh phi nghĩa, phân biệt chủng tộc…

Khi đọc đến nội dung này em thật sự xúc động và lo ngại trước thực trạng của trẻ em trên thế giới. Không phải đứa trẻ nào cũng được sống trong hòa bình và hạnh phúc. Nhiều trẻ em phải chịu những hậu quả của những cuộc chiến tranh phi nghĩa. Chịu đói nghèo, chịu cảnh dịch bệnh, thiếu thốn đủ thứ…

Câu 3. Qua phần cơ hội, em thấy việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong bối cảnh thế giới hiện nay có những điều kiện thuận lợi gì?

Trả lời

Các điều kiện thuận lợi trong bản tuyên bố để chăm sóc và bảo vệ trẻ em trên thế giới:

– Hợp tác, đoàn kết giữa các nước trên thế giới trong việc: bảo vệ môi trường, ngăn chặn dịch bệnh, gia tăng phúc lợi trẻ em

– Sự liên kết chặt chẽ đó là phương tiện, kiến thức, công ước về quyền lợi của trẻ.

Trước những cơ hội đó chính là điều kiện thuận lợi nhất để các nước trên thế giới chung tay bảo vệ quyền lợi của trẻ em. Tiến hành chăm sóc y tế và nâng cấp cơ sở vật chất, dịch vụ nhằm bảo vệ quyền lợi của trẻ em.

Câu 4. Ở phần “Nhiệm vụ”, bản Tuyên bố đã nêu lên khá nhiều điểm mà từng quốc gia và cả cộng đồng quốc tế cần phải nỗ lực phối hợp hành động. Hãy phân tích tính chất toàn diện của nội dung phần này?

Trả lời:

Nhiệm vụ trong bản Tuyên bố mang tính cụ thể mà toàn diện. Đầy đủ lí lẽ thuyết phục và bằng chứng từ thực tế cuộc sống. Các nhiệm vụ được triển khai trong bản Tuyên bố liên quan đến sức khỏe, giáo dục, tính bình đẳng nam nữ trong xã hội và gia đình. Đây đều là các quyền cơ bản của trẻ em nói riêng và con người nói chung.

Như chúng ta đã biết, trẻ em chính là thế hệ tương lai. Chăm sóc điều kiện tốt nhất cho trẻ em chính là chăm sóc và bảo vệ tương lai của cả thế giới sau này. Mỗi nhiệm vụ trong bản tuyên bố đều là nhiệm vụ gần gũi, xác thực với thực tế cuộc sống. Là những vấn đề cấp bách và cần thiết cần phải triển khai ngay.

Câu 5. Qua bản Tuyên bố, em nhận thức như thế nào về tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ, chăm sóc trẻ em, về sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề này?

Trả lời:

Qua bản Tuyên bố, em nhận thấy việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em là vấn đề hết sức quan trọng. Nó mang tính cấp bách là nhiệm vụ của toàn cầu. Để làm được điều này, mỗi cá nhân, gia đình trong một xã hội phải làm tốt và thực hiện tốt trước. Sau đó, là mỗi đất nước và cộng đồng xã hội cũng phải tuân thủ các điều kiện về công ước quốc tế.

III – LUYỆN TẬP

Câu hỏi: Phát biểu ý kiến về sự quan tâm, chăm sóc của chính quyền địa phương, của tổ chức xã hội nơi em đang ở hiện nay đối với trẻ em.

Trả lời:

Em ở huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang. Mặc dù là địa phương vùng núi, xa trung tâm thành phố nhưng ở địa phương em có nhiều chính sách tốt dành cho trẻ em.

Điều làm em ấn tượng và xúc động nhất là chương trình giáo dục. Các trường dân tộc nội trú được mở ra và tạo điều kiện cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn được học tập tại trường. Nhiều bạn học sinh vì nhà xa trường mà phải bỏ học, Từ khi có trường nội trú, tình trạng bỏ học không còn. Hàng năm, cán bộ lãnh đạo tỉnh và huyện thường đến thăm hỏi, động viên chúng em học tập. Ngoài ra, chúng em còn được chăm sóc y tế, được tiếp cận với y bác sĩ khi có bệnh hoặc không khỏe. Ở xã nhà còn có quỹ khuyến học dành cho các bạn học sinh nghèo vượt khó hay các bạn đạt thành tích cao trong học tập.

Vào mỗi dịp Trung thu hay Tết thiếu nhi cũng được cán bộ xã, huyện, tỉnh quan tâm, tặng quà. Bên cạnh đó, chúng em còn được tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới tính và các chương trình giáo dục tuyên truyền khác nữa.

Em rất trân trọng và biết ơn các đồng chí cán bộ chính quyền và các thầy cô giáo đã quan tâm đến quyền lợi của chúng em. Chính sự quan tâm, động viên ấy đã giúp chúng em có động lực cố gắng học tập. Để chúng em gặt hái thành công trong tương lai và trở về xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp.