Soạn Trong lòng mẹ trang 15-20, sách giáo khoa Ngữ Văn 8, tập 1

ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

Câu 1 (Soạn Trong lòng mẹ trang 15-20): Phân tích nhân vật bà cô trong cuộc đối thoại giữa bà ta với chú bé Hồng?

Trả lời:

  • Hồng! Mày có muốn vào Thanh Hóa chơi với mẹ mày không?” với mục đích reo rắc vào đầu đứa trẻ những hoài nghi để chú bé ghét mẹ.
  • “Sao lại không vào? Mợ mày phát tài lắm, có như dạo trước đâu?” bà cô cố tình mỉa mai, chế giễu mẹ cậu bé, dù biết rằng mẹ cậu rất nghèo khổ, lời nói của cô lươn lẹo, mâu thuẫn, thâm độc.
  • Mày dại quá, cứ vào đi, tao chạy cho tiền tàu. Vào mà bắt mơ mày may vá sắm sửa cho và thăm em bé chứ!” Bà cô tươi cười khi nói về tình cảnh thảm thương của mẹ chú bé “ăn mặc rách rưới, mặt xanh bảng, người gầy rạc trong khi cậu bé Hồng đang đau đớn phẫn uất nước mắt ròng ròng.
  • Những lời thoại của bà cô với chú bé Hồng cho thấy bà là người xảo quyệt, tàn nhẫn, độc ác với một đứa trẻ. Bà cô đánh vào nỗi đau thiếu vắng tình cảm mẹ của chú bé Hồng nhằm chia rẽ tình mẹ con, gieo rắc những hoài nghi khinh miệt về mẹ vào đầu cậu bé. Không cảm thông chia sẻ với người cháu mà bà cô còn cười cợt trên nỗi đau khổ của cháu mình, lăng mạ hoàn cảnh đáng thương của người em dâu góa bụa, nghèo khổ đang tha phương cầu thực kiếm sống ở phương xa.

Câu 2 (Soạn Trong lòng mẹ trang 15-20): Tình yêu thương mãnh liệt của chú bé Hồng đối với mẹ được thể hiện như thế nào?

Trả lời:

+ Phản ứng tâm lý của chú bé Hồng khi nghe những lời giả dối, thâm độc, xúc phạm sâu sắc tới mẹ của mình là:

  • Trước những lời xúc phạm đến mẹ, cậu bé Hồng rất cảnh giác và tỉnh táo, trả lời dứt khoát “Không! Cháu không muốn vào”, cho đến khi bà cô nói “vào thăm em bé chứ” thì chú bé Hồng khóc đầm đìa nước mắt.
  • Chú bé Hồng mang tâm trạng đau đớn, uất ức cực điểm được thể hiện bằng các chi tiết đầy ấn tượng với lời văn dồn dập, nhiều hình ảnh: “Cô tôi chưa dứt câu, cổ họng tôi đã nghẹn ứ khóc không ra tiếng. Giá những cổ tục đã đày đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn mà nhai, mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi”.

+ Cảm giác sung sướng cực điểm của chú khi gặp lại và nằm trong lòng người mẹ mà chú mong mỏi.

  • Bố mất nhà nợ nần túng quẫn, mẹ phải đi xa kiếm kế sinh nhai. Chú bé Hồng sống với gia đình nhà nội nên rất thiếu thốn tình thương, tuy nhiên Hồng không một lời oán trách mẹ. Khi bà cô reo rắc vào đầu cậu những điều không tốt đẹp về mẹ nhưng tình yêu thương và lòng kính mến mẹ không hề bị “những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm”, ngược lại chú càng thương mẹ, càng muốn bảo vệ mẹ mình hơn.
  • Khi nhìn thấy bóng người trên xe giống mẹ, cậu bé Hồng cuống quýt, vội vã chạy theo: “Tôi liền đuổi theo”, “Gọi bối rối”, “Tôi đuổi kịp”, “Thở hồng hộc”, “Trèo lên xe, ríu cả hai chân”. Khi gặp được mẹ, Hồng “òa lên khóc rồi cứ thế nức nở” những giọt nước mắt vỡ òa trong hạnh phúc, Hồng biết mẹ không hề bỏ rơi mình như những lời bà cô nói.
    – Chú bé Hồng cảm nhận từng hơi thở, mùi quần áo quen thuộc của mẹ, ngắm nhìn khuôn mặt mẹ, cảm giác mơn man, sung sướng tột độ khi được nằm trong lòng mẹ.

Câu 3 (Soạn Trong lòng mẹ trang 15-20): Qua đoạn trích “Trong lòng mẹ”, hãy chứng minh rằng văn Nguyên Hồng rất đậm chất trữ tình.

Trả lời:

Văn Nguyên Hồng rất đậm chất trữ tình, bằng chứng là trong đoạn trích “Trong lòng mẹ” chất trữ tình được thể hiện qua đối tượng, nội dung và phương thức thể hiện. Cụ thể như sau:

  • Tình huống nội dung câu chuyện xoay quanh tình cảm của cậu bé Hồng đối với người mẹ nghèo khổ của mình và sự cay nghiệt của họ hàng bên nội mà Hồng phải chịu đựng.
  • Xuyên suốt đoạn trích là dòng cảm xúc phong phú của chú bé Hồng từ xót xa tủi nhục, đau đớn, căm giận cho đến giọt nước mắt hạnh phúc, lòng yêu thương mẹ nồng nàn vô bờ bến…
  • Lời văn của tác giả nhiều cảm xúc, diễn tả những hành động, tâm lý nhân vật sâu sắc, chạm đến tình cảm của người đọc.

Câu 4 (Soạn Trong lòng mẹ trang 15-20): Qua đoạn trích, em hiểu thế nào là hồi ký?

Trả lời:

Hồi ký là thể loại ký để ghi lại những điều đã xảy ra trong quá khứ của tác giả hoặc một ai khác được tác giả kể lại. Hồi ký được trình bày theo trình tự thời gian, chứa đựng cảm xúc chân thật trực tiếp của tác giả.

Câu 5 (Soạn Trong lòng mẹ trang 15-20): Có nhà nghiên cứu nhận định Nguyên Hồng là nhà văn của phụ nữ và nhi đồng. Nên hiểu như thế nào về nhận định đó? Qua đoạn trích “Trong lòng mẹ” hãy chứng minh về nhận định trên.

Trả lời:

Nhà văn Nguyên Hồng là cây bút nổi tiếng trong dòng văn học hiện thực, lãng mạn trước năm 1945, với các tác phẩm như “Những ngày thơ ấu”, “Bỉ vỏ”, “Cửa biển”…

Chuyên viết về những người phụ nữ sống trong xã hội phong kiến lạc hậu, cổ hủ chịu nhiều bất công cũng như trẻ em phải chịu nhiều bất hạnh trong xã hội ấy. Chính vì vậy, chúng ta có thể nói nhà văn Nguyên Hồng là nhà văn của phụ nữ và nhi đồng. Qua đoạn trích “Trong lòng mẹ” chúng ta cũng có thể thấy rõ điều ấy. Thái độ cảm thông, tôn trọng yêu thương mẹ vô bờ bến của cậu bé Hồng trước những cám dỗ, khắc nghiệt của gia đình bên nội.

Đoạn trích “Trong lòng mẹ” thực sự là một câu chuyện nhân văn thấm đẫm nước mắt kể về hoàn cảnh của một cậu bé thiếu vắng và khao khát tình yêu thương.