Tổng kết phần tập làm văn trang 169-172 SGK Ngữ văn lớp 9 tập 2

I. Các kiểu văn bản đã học trong chương trình Ngữ văn THCS

Đọc bảng tổng kết sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

Câu 1 trang 170 SGK Ngữ văn lớp 9 tập 2

Hãy cho biết sự khác nhau của các kiểu văn bản trên.

(Gợi ý: Tự sự khác miêu tả như thế nào? Thuyết minh khác tự sự và miêu tả như thế nào? Văn bản biểu cảm khác văn bản thuyết minh ở đâu? Văn bản nghị luận khác văn bản điều hành ở những điểm nào? Hãy nêu các phương thức biểu đạt cơ bản của mỗi kiểu để làm sáng tỏ các câu hỏi trên.)

Trả lời:

Phương thức biểu đạt của các kiểu văn bản trên:

– Văn bản tự sự: trình bày một các sự việc (sự kiện) có quan hệ nhân quả, dẫn đến kết cục, biểu lộ ý nghĩa.

– Văn bản miêu tả là tái hiện các tính chất, thuộc tính sự vật, hiện tượng làm cho chúng biểu hiện.

– Văn bản biểu cảm: bày tỏ trực tiếp hoặc gián tiếp tình cảm, cảm xúc của con người đối với con người, xã hội, thiên nhiên, sự vật

– Văn bản thuyết minh trình bày thuộc tính, cấu tạo, nguyên nhân, kết quả, tính có ích hoặc có hại của sự vật, hiện tượng.

– Văn bản nghị luận trình bày  tư tưởng, quan điểm đối với tự nhiên, xã hội, con người và tác phẩm văn học bằng các luận điểm, luận cứ và cách lập luận.

– Văn bản điều hành trình bày theo mẫu chung và chịu trách nhiệm pháp lý về các ý kiến, nguyện vọng của cá nhân, tập thể với cơ quan quản lý; hay ngược lại, bày tỏ yêu cầu, quyết định của người có thẩm quyền với người có trách nhiệm thực thi; hoặc thỏa thuận giữa công dân với nhau về lợi ích và nghĩa vụ.

=> Qua đó ta thấy được sự khác nhau rõ rệt về tính chất, nội dung, phương thức biểu đạt, mục đích của từng kiểu văn bản. Về hình thức thể hiện qua các tác phẩm của mỗi loại văn bản cũng khác nhau.

Câu 2 trang 170 SGK Ngữ văn lớp 9 tập 2

Các kiểu văn bản trên có thể thay thế cho nhau được hay không? Vì sao?

Trả lời:

Các kiểu văn bản trên không thể  thay thế cho nhau được. Vì:

– Mỗi kiểu văn bản có mục đích sử dụng riêng và được sử dụng trong từng hoàn cảnh khác nhau.

+ Văn bản tự sự: Biểu hiện con người, quy luật đời sống, bày tỏ tình cảm thái độ

+ Văn bản miêu tả: Giúp con người cảm nhận và hiểu được về các tính chất, thuộc tính sự vật, hiện tượng

+ Văn bản biểu cảm: bày tỏ tình cảm và khơi gợi sự đồng cảm

+ Văn bản thuyết minh: Giúp người đọc có tri thức khách quan và thái độ đúng đắn đối với thuộc tính, cấu tạo, nguyên nhân, kết quả, tính có ích hoặc có hại của sự vật, hiện tượng.

+ Văn bản nghị luận trình: Thuyết phục mọi người tin theo cái tốt, cái đúng, từ bỏ cái sau, cái xấu.

+ Văn bản điều hành: đảm bảo quan hệ bình thường giữa người với người theo quy định và pháp luật

Câu 3 trang 170 SGK Ngữ văn lớp 9 tập 2

Các phương thức biểu đạt trên có thể được phối hợp với nhau trong một văn bản cụ thể hay không? Vì sao? Nêu một ví dụ để minh họa.

Trả lời:

– Các phương thức biểu đạt trên có thể được phối hợp với nhau trong một văn bản cụ thể.

– Ví dụ minh họa: Văn bản Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang kết hợp nhiều phương thức biểu đạt với nhau:

+ Tự sự: Rô-bin-xơn tự mình kể lại về cuộc sống và con người mình

“Nếu có ai đó ở nước Anh gặp một kẻ như tôi bây giờ, chắc tôi sẽ làm cho họ hoảng sợ hoặc phá lên cười sằng sặc; và lắm khi tôi đứng lẳng lặng ngắm nghía bản thân mình, tôi cứ mỉm cười tưởng tượng tôi lang thang khắp miền Y-osooc-sai với trang bị và quần áo như vậy. Xin các bạn vui lòng hình dung bộ dạng của tôi như dưới đây”

+ Miêu tả: trong văn bản có nhiều đoạn văn miêu tả về ngoại hình của Rô-bin-xơn

“Còn về diện mạo tôi, nó không đến nỗi đen cháy như các bạn có thể nghĩ về một kẻ chẳng quan tâm tí gì đến da dẻ của mình lại sống ở vào khoảng chín hoặc mười độ vĩ tuyến miền xích đạo.”

Câu 4 – trang 170 SGK Ngữ văn lớp 9 tập 2

Từ bảng trên, hãy cho biết kiểu văn bản và hình thức thể hiện, thể loại tác phẩm văn học có gì giống nhau và khác nhau.

a) Hãy kể tên các thể loại văn học đã học, ghi lên bảng.

b) Mỗi thể loại ấy đã sử dụng các phương thức biểu đạt nào?

c) Tác phẩm văn học như thơ, truyện, kịch có khi nào sử dụng yếu tố nghị luận không? Cho ví dụ và cho biết yếu tố nghị luận đó có đặc điểm gì?

Trả lời:

* Từ bảng trên, hãy cho biết kiểu văn bản và hình thức thể hiện, thể loại tác phẩm văn học có gì giống nhau và khác nhau:

– Kiểu văn bản gồm có: Văn bản tự sự, Văn bản miêu tả, Văn bản biểu cảm, Văn bản thuyết minh, Văn bản nghị luận trình, Văn bản điều hành.

– Một kiểu văn bản có thể có những hình thức văn bản khác nhau hoặc 1 hình thức văn bản có thể được sử dụng ở nhiều kiểu văn bản khác nhau

– Thể loại văn học:là phương thức tái hiện đời sống và thể thức cấu tạo văn bản gồm có tự sự, trữ tình và kịch

Ví dụ như: Không thể đồng nhất giữa kiểu văn tự sự với thể loại văn học tự sự. Nhưng trong thể loại văn học tự sự, yếu tố tự sự (kể chuyện) giữ vai trò chủ đạo.Tương tự như vậy, kiểu văn bản biểu cảm và thể loại văn học trữ tình là khác nhau nhưng trong thể loại văn học trữ tình, yếu tố biểu cảm (bộc lộ tình cảm, cảm xúc) giữ vai trò chủ đạo.

a) Các thể loại văn học đã học: Thơ, truyện, kí, phóng sự, ca dao, tiểu thuyết, văn bản báo chí, văn bản hành chính, ….

b) Mỗi thể loại văn bản thường có phương thức biểu đạt chính cũng như kết hợp với các phương thức biểu đạt khác

– Truyện ngắn: Phương thức biểu đạt chính là tự sự nhưng kết hợp thêm các yếu tố miêu tả, biểu cảm

– Thơ: Phương thức biểu đạt chính là biểu cảm nhưng kết hợp thêm các yếu tố miêu tả, tự sự.

c) Tác phẩm văn học như thơ, truyện, kịch cũng sẽ có trường hợp dùng yếu tố nghị luận.

Ví dụ: Đoạn thơ trong bài thơ Từ ấy (Tố Hữu)

Tôi đã là con của vạn nhà

Là em của vạn kiếp phôi pha

Là anh của vạn đầu em nhỏ

Không áo cơm, cù bất cù bơ …

Những yếu tố nghị luận đó có đặc điểm: thể hiện tư tưởng quan điểm của tác giả về một vấn đề, sự vật, sự việc hoặc con người nào đó qua đó thuyết phục mọi người về tư tưởng, quan điểm đó.

Câu 5 trang 171 SGK Ngữ văn lớp 9 tập 2

Kiểu văn bản tự sự và thể loại văn học tự sự khác nhau như thế nào? Tính nghệ thuật trong tác phẩm văn học tự sự thể hiện ở những điểm nào?

Trả lời:

* Kiểu văn bản tự sự và thể loại văn học tự sự khác nhau ở chỗ:

– Kiểu văn bản tự sự: trình bày, kể lại một sự việc thể hiện qua cốt truyện, nhân vật,…

– Thể loại văn học tự sự: là một thể loại văn học nói chung có sử dụng yếu tố tự sự (truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch)

* Tính nghệ thuật trong tác phẩm văn học tự sự thể hiện ở những điểm:

– Cốt truyện

– Nhân vật

– Tình huống truyện

Câu 6 trang 171 SGK Ngữ văn lớp 9 tập 2

Kiểu văn bản biểu cảm và thể loại văn học trữ tình giống và khác nhau ở những điểm nào? Nêu đặc điểm của thể loại văn học trữ tình. Cho ví dụ minh họa.

Trả lời:

* Kiểu văn bản biểu cảm và thể loại văn học trữ tình

– Giống nhau: Phương thức biểu đạt chính là biểu cảm

– Khác nhau:

+ Văn bản biểu cảm: thể hiện cảm xúc đa dạng qua nhiều thể loại văn bản: truyện, nguyện ngắn, kí sự, phóng sự,….

+ Thể loại văn học trữ tình: một thuật ngữ chung nói về các bài thơ trữ tình (thơ về tỉnh cảm)

* Nêu đặc điểm của thể loại văn học trữ tình:

– Là phương thức thiên về diễn tả và bộc lộ cảm xúc

– Biểu hiện thế giới chủ quan của tác giả qua thái độ cảm xúc và tâm trạng của nhân vật

– Lời văn mang tính hình tượng, gây ấn tượng mạnh, biểu lộ cảm xúc mạnh mẽ, không chỉ bằng từ ngữ mà còn bằng nhịp điệu của từ ngữ

– Tác phẩm trữ tình gắn liền với Nhân vật trữ tình

* Ví dụ minh họa:

– Tác phẩm thơ trữ tình Mây và sóng

Câu 7 trang 171 SGK Ngữ văn lớp 9 tập 2

Tác phẩm nghị luận có cần các yếu tố thuyết minh, miêu tả, tự sự không? Cần ở mức độ nào, vì sao?

Trả lời:

– Tác phẩm nghị luận rất cần các yếu tố thuyết minh, miêu tả, tự sự.

– Cần ở mức độ nào và vì sao?

Các yếu tố này rất cần và gần như trong mỗi tác phẩm đều có, bởi vì nó sẽ hỗ trợ cho yếu tố nghị luận giúp chứng minh các luận điểm, luận cứ, cách lập luận thuyết phục hơn cũng như các dẫn chứng thêm sinh động

II. Phần Tập làm văn trong chương trình Ngữ Văn THCS

Câu 1 trang 171 SGK Ngữ văn lớp 9 tập 2

Phần Văn và Tập làm văn có mối quan hệ với nhau như thế nào? Hãy nêu ví dụ cho thấy mối quan hệ đó trong chương trình đã học.

Trả lời:

Phần Văn và Tập làm văn có mối quan hệ mật thiết và chặt chẽ với nhau.

– Việc học các tác phẩm phần văn giúp học sinh trau dồi vốn từ, khả năng diễn đạt và lời văn giúp cho việc viết các bài Tập làm văn tốt hơn

– Nắm vững những kiến thức, kĩ năng của phần Tập làm văn giúp các em dễ dàng đọc hiểu các bài học Phần văn

– Phần Tập làm văn có rất nhiều dạng bài và đề bài liên quan tới phần Văn. Phần Văn cung cấp kiến thức để viết tốt bài ở phần Tập làm văn.

Ví dụ: Cho một đề bài: Hãy phân tích hình ảnh nhân vật Anh Thanh niên trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa

– Để làm tốt được bài này cần đọc – hiểu tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa và cảm nhận tốt về nhân vật Anh Thanh niên

– Có kiến thức và phương pháp viết bài tốt.

⇒ Nắm vững những kiến thức, đọc – hiểu tốt phần văn sẽ giúp làm Tập làm văn dễ dàng hơn và ngược lại.

Câu 2 trang 171 SGK Ngữ văn 9 tập 2

Phần Tiếng việt có quan hệ như thế nào với phần Văn và phần Tập làm văn? Nêu ví dụ chứng minh.

Trả lời:

Những nội dung của phần Tiếng Việt có liên quan mật thiết với phần Văn và Tập làm văn.

– Những kiến thức phần Tiếng Việt giúp các em nắm bắt và vận dụng được các kĩ năng về từ ngữ, câu, đoạn để sử dụng ngôn ngữ cho đúng, cho tốt trong các bài Tập làm văn

– Các văn bản (hoặc đoạn trích) trong phần Văn hay Tập làm văn chính là những ví dụ minh họa, dẫn chứng sinh động cho phần kiến thức về từ ngữ, câu, hay nghệ thuật ngôn từ.

⇒ Phần Tiếng Việt góp phần vào việc học tốt Đọc hiểu văn bản và viết tốt Tập làm văn vì Tiếng Việt giúp học sinh nắm được các quy tắc dùng từ, đặt câu, hội thoại… Cũng nhờ nắm được quy tắc dùng từ, đặt câu, các hình thức hội thoại nên các em tập làm văn hiệu quả hơn

Câu 3 trang 171 SGK Ngữ văn 9 tập 2

Các phương thức biểu đạt: miêu tả, tự sự, nghị luận, biểu cảm, thuyết minh có ý nghĩa như thế nào đối với việc rèn luyện kĩ năng làm văn?

Trả lời:

Các phương thức biểu đạt như miêu tả, tự sự, nghị luận, biểu cảm, thuyết minh là những phương thức không thể thiếu đối với việc làm văn.

– Rèn luyện việc sử dụng các phương thức biểu đạt miêu tả, tự sự, nghị luận, biểu cảm, thuyết minh rất hữu ích trong việc làm văn vì đây là những phương thức được sử dụng nhiều trong làm văn

– Nếu nắm chắc kiến thức về các phương thức biểu đạt và biết vận dụng một cách hợp lí khi làm văn sẽ rất tốt và khả năng viết văn được nâng cao.

⇒ Nếu nắm chắc được các phương thức miêu tả, tự sự, nghị luận, biểu cảm, thuyết minh thì có thể dễ dàng viết được một bài văn hoàn chỉnh và hay

III – Các kiểu văn bản

Câu 1 trang 171 SGK Ngữ văn 9 tập 2

a) Văn bản thuyết minh có đích biểu đạt là gì?

b) Muốn làm được văn bản thuyết minh, trước hết cần chuẩn bị những gì?

c) Hãy cho biết các phương pháp thường dùng trong văn bản thuyết minh.

d) Ngôn ngữ của văn bản thuyết minh có đặc điểm gì?

Trả lời:

Văn bản thuyết minh:

a) Mục đích biểu đạt: Giúp người đọc có trí thức khách quan và có thái độ đúng đắn đối với chúng.

b) Muốn làm được văn bản thuyết minh, trước hết cần chuẩn bị: Quan sát và tìm hiểu kĩ về đối tượng thuyết minh, trình bày khoa học hợp lý để bài thuyết minh có sức thuyết phục

c) Các phương pháp thường dùng trong văn bản thuyết minh là: nêu định nghĩa, giải thích, liệt kê, nêu ví dụ, dùng số liệu, so sánh, phân tích, phân loại…

d) Ngôn ngữ của văn bản thuyết minh phải chính xác, cô đọng, chặt chẽ và sinh động.

Câu 2 trang 171 SGK Ngữ văn 9 tập 2

a) Văn bản tự sự có mục đích biểu đạt là gì?

b) Nêu các yếu tố tạo thành văn bản tự sự.

c) Vì sao văn bản tự sự thường kết hợp với các yếu tố miêu tả, nghị luận, biểu cảm? Hãy cho biết tác dụng của các yếu tố đó đối với văn bản tự sự.

d) Ngôn ngữ trong văn bản tự sự có đặc điểm gì?

Trả lời:

Văn bản tự sự:

a) Mục đích biểu đạt: Biểu hiện con người, quy luật đời sống, bày tỏ tình cảm, thái độ.

b) Yếu tố tạo thành văn bản tự sự: sự việc, nhân vật, tình huống, hành động, lời kể, kết cục.

c) Văn bản tự sự thường sử dụng kết hợp các yếu tố miêu tả, nghị luận và biểu cảm nhằm mục đích làm cho câu chuyện sinh động và hấp dẫn hơn.

d) Ngôn ngữ: thường sử dụng các từ ngữ chỉ hành động, từ ngữ để giới thiệu, trạng ngữ thời gian, không gian và tính từ để người đọc hình dung được đối tượng nhân vật, sự việc một cách sinh động

Câu 3 trang 172 SGK Ngữ văn 9 tập 2

a) Văn bản nghị luận có đích biểu đạt là gì?

b) Văn bản nghị luận do các yếu tố nào tạo thành?

c) Nêu yêu cầu đối với luận điểm, luận cứ và lập luận.

d) Nêu dàn bài chung của bài nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống hoặc về một vấn đề tư tưởng, đạo lí.

e) Nêu dàn bài chung của bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) hoặc về một bài thơ, đoạn thơ.

Trả lời:

Văn bản nghị luận

a) Mục đích: Trình bày tư tưởng, quan điểm đối với tự nhiên, xã hội, con người và tác phẩm văn học bằng các luận điểm, luận cứ và cách lập luận từ đó thuyết phục mọi người tin theo cái đúng, cái tốt, từ bỏ cái sai, cái xấu.

b) Văn bản nghị luận do các yếu tố sau tạo thành: luận điểm, luận cứ và lập luận tạo thành.

c) Các luận điểm, luận cứ phải rõ ràng, có lí lẽ, dẩn chứng thuyết phục, lập luận cần chặt chẽ.

d) Dàn bài chung của bài nghị luận về một sự việc, hiện tượng trong đời sống hoặc một vấn đề tư tưởng đạo lí.

– Mở bài: Giới thiệu chung về sự việc, hiện tượng trong đời sống hoặc một vấn đề tư tưởng đạo lí.

– Thân bài:

+ Giải thích chứng minh sự việc, hiện tượng trong đời sống hoặc một vấn đề tư tưởng đạo lí..

+ Đánh giá, nhận xét về sự việc, hiện tượng trong đời sống hoặc một vấn đề tư tưởng đạo lí.

– Kết bài: Kết luận chung về sự việc, hiện tượng trong đời sống hoặc một vấn đề tư tưởng đạo lí và đưa ra lời khuyên.

e) Dàn bài chung của bài nghị luận tác phẩm văn học

– Mở bài: giới thiệu chung về tác giả và tác phẩm.

– Thân bài:

+ Phân tích nội dung, ý nghĩa tác phẩm, tình huống, cốt truyện

+ Phân tích Nhân vật và nêu ý kiến đánh giá

+ Chứng minh các luận điểm vừa nêu về nhân vật bằng những luận cứ cụ thể, chính xác và sinh động trong tác phẩm.

– Kết bài: Khái quát nội dung, ý nghĩa từ tác phẩm cũng như bài học rút ra từ tác phẩm

Tham khảo thêm các bài soạn Ngữ văn lớp 9 tập 2 tại đây:

Bố của Xi-Mông

Luyện tập viết biên bản

Luyện nói: Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ