thuyet minh ve mot danh lam thang canh

I- Đọc bài giới thiệu và trả lời câu hỏi

Trước hết, các bạn cần đọc văn bản danh lam “Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn”. Từ đó, các bạn lần lượt trả lời các câu hỏi về văn bản này để hiểu hơn về văn thuyết mình về danh lam thắng cảnh nhé!

Câu 1: Bài giới thiệu đã giúp em hiểu biết những gì về hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn?

Gợi ý trả lời:

– Bài giới thiệu đã giúp chúng ta hiểu được nguồn gốc hình thành nên hồ Hoàn Kiếm cũng như giải đáp được câu hỏi vì sao hồ lại có tên như vậy qua sự tích. Còn đền Ngọc Sơn, chúng ta cũng hiểu được nguồn gốc của ngôi đền cùng quá trình xây dựng đền, và cả vị trí lẫn cấu trúc cấu tạo nên ngôi đền.

Câu 2: Muốn viết bài giới thiệu một danh lam thắng cảnh như vậy, cần có những kiến thức gì?

Gợi ý trả lời:

– Muốn viết bài giới thiệu một danh lam thắng cảnh như vậy các bạn cần phải trang bị cho mình những kiến thức hiểu biết sâu rộng về văn hóa, xã hội, địa lý, lịch sử… về các đối tượng muốn giới thiệu.

Câu 3: Làm thế nào để có kiến thức về một danh lam thắng cảnh?

Gợi ý trả lời:

– Để có kiến thức về một danh lam thắng cảnh nào đó, các bạn nhất thiết cần phải đọc nhiều sách báo, tự nghiên cứu nhiều tài liệu liên quan như tranh ảnh, phim ảnh… Đồng thời cần phải quan sát, phân tích các tài liệu thu thập được. Nếu được, các bạn có thể tới tận nơi, trực tiếp tham quan bằng mắt và cảm nhận bằng các giác quan thì bài giới thiệu sẽ hấp dẫn, sinh động hơn.

Câu 4: Bài viết được sắp xếp theo bố cục, trình tự nào? Theo em, bài này có thiếu sót gì về bố cục?

Gợi ý trả lời:

– Đọc bài viết, chúng ta có thể thấy văn bản trên được sắp xêp theo bố cục 3 phần, trình tự từ mở bài, thân bài và kết bài. Tuy nhiên bài viết còn thiếu mở bài và két bài. Còn trong phần thân bài, tác giả còn thuyết minh thiếu diện tích như độ rộng, hẹp của hồ, cũng như vị trí của các khu vực xung quanh như Tháp Rùa, cầu Thê Húc, đài nghiên với dòng chữ “ Tả thiên thanh”…

– Tóm lại, bài thuyết minh về danh lam thắng cảnh này, tác giả chỉ mới nói được phần nguồn gốc, xuất xứ của hồ Hoàn Kiếm mà chưa nói được cảnh sắc xung quanh, cũng như miêu tả về vẻ đẹp màu nước, cây côi quanh hồ, cũng như những nét nổi bật đặc trưng của đền Ngọc Sơn… Bài viết còn hơi khô khan, mang thông tin nhiều hơn nên không tạo nên sự hứng thú với người đọc.

Câu 5: Phương pháp thuyết mình ở đây là gì?

Gợi ý trả lời:

Theo em, dựa vào nội dung văn bản trên có thể thấy phương pháp thuyết minh chủ yếu mà tác giả dùng trong bài này là giải thích và nêu định nghĩa về sự vật, hiện tượng, đối tượng được nói đến.

Phần 2:  Luyện tập 

Trước khi đi vào phần luyện tập thuyết minh về một danh lam thắng cảnh, các bạn cần ghi nhớ những kiến thức sau trước khi viết bài giới thiệu về một danh lam thắng cảnh. Đó là đầu tiên mốn viết tốt, cách tốt nhất là các bạn nên đến nơi thăm thú, quan sát hoặc tra cứu sách vở, hỏi han những người có hiểu biết về nơi ấy.

Bài giới thiệu nên có đủ bố cục 3 phần, mở bài- thân bài- kết bài. Lời giới thiệu ít nhiều có kèm theo miêu tả, bình luận để tăng tính hấp dẫn. Tuy nhiên, bài giới thiệu phải dựa trên cơ sở kiến thức đáng tin cậy và có phương pháp thích hợp.

thuyet minh ve mot danh lam thang canh

Cuối cùng các bạn cần kết hợp lời văn chính xác và có tính biểu cảm cao.

Câu 1: Lập lại bố cục bài giới thiệu hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn một cách hợp lý?

Gợi ý trả lời:

Các bạn có thể lập lại bố cục của bài thuyết minh về hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn theo cách sau:

1, Phần mở bài: Các bạn hãy giới thiệu chung về thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn. Ví dụ như: Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn là hai trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Thủ đô Hà Nội. Nơi đây không chỉ được ví là trái tim của Thủ đô mà còn mang giá trị lịch sử to lớn.

2, Phần thân bài:

  • Trong luận điểm 1: các bạn dành phần này giới thiệu về hồ Hoàn Kiếm. Ví dụ như cái tên Hoàn Kiếm gắn liền với sự tích vua Lê Lợi hoàn gươm cho rùa thần sau khi đánh thắng giặc Minh.
  • Trong luận điểm 2: các bạn dành để giới thiệu chi tiết về đền Ngọc Sơn. Ví dụ như câu chuyện chúa Trịnh Giang lập cung Khánh Thụy ở đảo Ngọc làm nơi hóng gió. Rồi sau đó một ngôi chùa được dựng lên trên nền cung Khánh Thụy cũ và có tên là Ngọc Sơn…

3, Phần kết bài: Các bạn khái quát chung lại một nữa về khu vực Bờ Hồ, bao gồm cả cầu thê húc, đài nghiên, tháp rùa… Khẳng định lại sự nổi bật ấn tượng của hai danh lam chính là hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn cùng với khung cảnh xung quanh.

Câu 2: Nếu muốn giới thiệu theo trình tự tham quan hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn từ xa đến gần, từ ngoài vào trong thì nên sắp xếp thứ tự giới thiệu như thế nào? Hãy ghi ra giấy?

Gợi ý trả lời:

Nếu muốn giới thiệu theo trình tự tham quan hồ Hoàn Kiếm và và đền Ngọc Sơn từ xa đến gần, từ ngoài vào trong thì nên sắp xếp thứ tự giới thiệu từ trên gác tòa nhà Bưu Điện thành phố để có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát cảnh hồ. Sau đó, các bạn có thể đến gần hơn, xuống thấp qua việc miêu tả cảnh từ đường Đinh Tiên Hoàng đến Đài Nghiên Tháp Bút rồi đi qua cầu Thê Húc vào đền Ngọc Sơn.

Các bạn cũng có thể thuyết minh từ hướng Ba Đình đi ra hồ, đi về phía đường có kem Thủy Tạ, rồi tiến về phía Tháp Rùa và sau cùng là đi vào  thuyết minh cụ thể về đền Ngọc Sơn.

Cuối cùng, các bạn dành thời gian và các câu văn để miêu tả chi tiết bên trong đền.

Câu 3: Nếu viết lại bài này theo bố cục ba phần, em sẽ chọn những chi tiết tiêu biểu nào để làm nổ bật giá trị lịch sử và văn hóa của di tích, thắng cảnh?

Gợi ý trả lời:

Nếu viết lại bài này theo bố cục ba phần, em sẽ chọn những chi tiết tiêu biểu sau để làm nổi bật giá trị lịch sử và văn hóa của di tích, thắng cảnh:

– Những con rùa ở Hồ Gươm cũng như hình ảnh thần kim quy có thật đang được trưng bày trong đền Ngọc Sơn.

– Chi tiết truyền thuyết trả gươm thần của vua Lê

– Hình ảnh và chi tiết về cầu Thê Húc, Tháp Bút.

– Hình ảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn trong mắt khách du lịch trong nước và quốc tế.

– Cuối cùng là chi tiết xoay quanh việc giữ gìn cảnh quan và trong sạch Hồ Gươm.

Câu 4: Một nhà thơ nước ngoài gọi Hồ Gươm là “chiếc lãng hoa xinh đẹp giữa lòng Hà Nội”. Em có thể sử dụng câu đó vào phần nào trong bài viết của mình?

Gợi ý trả lời:

Câu của nhà thơ nước ngoài gọi Hồ Gươm “Chiếc lẵng hoa xinh đẹp giữa lòng Hà Nội” chúng ta có thể sử dụng ở nhiều vị trí khác nhau trong bài. Cụ thể, chúng ta có thể sử dụng trong phần mở bài để mở đầu giới thiệu chung và hồ Gươm và đền Ngọc Sơn. Các bạn cũng có thể sử dụng ở phần thân bài, ngay đầu luận điểm để giới thiệu về hồ Gươm. Hoặc các bạn cũng có thể sử dụng vào đoạn kết bài để khẳng định lại vẻ đẹp của hồ Gươm.