Soạn Xin lập khoa luật (Nguyễn Trường Tộ) trang 71-73, sách giáo khoa Ngữ Văn 11 tập 1 

HƯỚNG DẪN ĐỌC THÊM 

Câu 1 (Soạn Xin lập khoa luật (Nguyễn Trường Tộ) : Theo Nguyễn Trường Tộ, luật bao gồm những lĩnh vực nào? Ông đã giới thiệu việc thực hành luật pháp ở các nước phương Tây ra sao?

Trả lời: 

+ Theo Nguyễn Trường Tộ, luật bao gồm những lĩnh vực sau đây:

– Kỷ cương 

– Uy quyền 

– Chính lệnh 

– Tam cương ngũ thường và những việc hành chính của sáu bộ. 

+ Ông đã giới thiệu việc thực hành pháp luật ở các nước phương Tây rất rõ ràng, khẳng định rằng bất kì một hình phạt nào đều không vượt ra ngoài luật. Đồng thời, ông dẫn chứng cụ thể  “Ở các nước phương Tây, phạt những ai đã nhập ngạch bộ Hình xử đoán các vụ kiện tụng thì chỉ có thăng trật chứ không bao giờ bị phiếm truất. Dù vua, triều đình cũng không giáng chức họ được một bậc”. 

Câu 2 (Soạn Xin lập khoa luật (Nguyễn Trường Tộ): Tác giả chủ trương vua, quan và dân phải có thái độ như thế nào trước pháp luật? Vì sao ông lại chủ trương như vậy?

Trả lời:

+ Nguyễn Trường Tộ chủ trương vua, quan và dân đều phải có thái độ trước pháp luật, cụ thể là “Bất luận quan hay dân mọi người đều phải học luật trước”, quan dùng luật để trị, dân theo luật mà giữ gìn.

+ Tác giả chủ trương như vậy vì: không có các bộ luật thì không thể nào giữ được kỷ cương phép nước. Từ Tây sang ta tất cả đều phải sống và làm việc theo luật pháp. Do vậy, từ quan đến dân đều phải hiểu và làm theo luật để tạo sự công bằng trong xã hội. 

Câu 3 (Soạn Xin lập khoa luật (Nguyễn Trường Tộ): Theo Nguyễn Trường Tộ, Nho học truyền thống có tôn trọng luật pháp không?

Trả lời: 

– Theo Nguyễn Trường Tộ, Nho học truyền thống không tôn trọng pháp luật. Ông nêu dẫn chứng như sau: 

+ “Biết rằng đạo làm người không gì bằng trung hiếu, không gì cần thiết bằng lễ nghĩa. Nhưng các sách Nho chỉ nói suông trên giấy, không làm cũng chẳng bị ai phạt, có làm cũng chẳng được ai thưởng. Bởi vậy xưa nay học đã nhiều mà mấy ai đổi được tâm tính, sửa được lỗi lầm?”

+ Ông cho rằng từ trước đến nay nhà vua nắm quyền thống trị đất nước đều phải am hiểu luật pháp, còn Nho học truyền thống chỉ là sách vở mà không có luật thì hàng trăm nghìn quyển sách cũng không trị và an được lòng dân. 

Câu 4 (Soạn Xin lập khoa luật (Nguyễn Trường Tộ): Tác giả quan niệm như thế nào về mối quan hệ giữa đạo đức và luật pháp?

Trả lời:

Nguyễn Trường Tộ quan niệm rằng giữa đạo đức và pháp luật có mối quan hệ gắn bó khăng khít, chặt chẽ với nhau. 

+ Ông dẫn chứng cụ thể: “Nếu bảo luật chỉ tốt cho việc cai trị chứ không có đạo đức tinh vi, thế là không biết rằng trái luật là tội, giữ đúng luật là đức. Nếu tận dụng cái lẽ công bằng trong luật mà xử thì mọi quyền, pháp trong luật đều là đạo đức. Có cái đức nào lớn hơn chí công vô tư không?…”

+ Như vậy, mối quan hệ giữa đạo đức và pháp luật chính là lẽ công bằng, chí công vô tư.  

Câu 5 (Soạn Xin lập khoa luật (Nguyễn Trường Tộ): Việc nhắc đến Khổng Tử và các khái niệm đạo đức, văn chương có tác dụng gì đối với nghệ thuật biểu hiện trong đoạn trích?

Trả lời: 

Việc nhắc đến Khổng Tử và các khái niệm đạo đức, văn chương có tác dụng rất lớn đối với nghệ thuật biểu hiện trong đoạn trích, giúp cho bài viết trở nên chặt chẽ, thuyết phục hơn. Nguyễn Trường Tộ trích dẫn lời của Khổng Tử để phủ nhận: “Chép những lời nói suông chẳng bằng thân hành ra làm việc” sau đó đưa ra dẫn chứng “Thử xem có những nhà nho suốt đời đọc sách đáng lẽ cử chỉ của họ phải làm khuôn thước cho đời, vậy mà tại sao có nhiều người cuộc đời của họ và ứng xử của họ còn tệ hơn những người quê mùa chất phác”.