Mục lục

Soạn Vào Phủ Chúa Trịnh Trang 3-9 Ngữ văn 11 Tập 1

HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

Câu 1(Soạn Vào Phủ Chúa Trịnh): Quang cảnh trong phủ chúa được miêu tả như thế nào? Cung cách sinh hoạt trong phủ chúa ra sao? Những quan sát, ghi nhận này nói lên cách nhìn, thái độ của Lê Hữu Trác đối với cuộc sống nơi phủ chúa như thế nào?

Trả lời:

+ Quang cảnh trong phủ Chúa được miêu tả theo trình tự từ bên ngoài phủ vào bên trong, từ bao quát đến cụ thể. Cụ thể là:

– Muốn vào phủ Chúa phải đi qua nhiều cửa với những dãy hành lang quanh co nối nhau liên tiếp. Qua mấy lần cửa đâu đâu cũng là cây cối um tùm, chim kêu ríu rít, danh hoa đua thắm, gió đưa thoang thoảng mùi hương.

– Đi được vài trăm bước, qua mấy lần cửa mới đến cái điếm “Hậu mã quân túc trực”. Trong điếm cột và bao lơn lượn vòng, kiểu cách thật là xinh đẹp. Nhà “Đại đường” tất cả các cột và đồ dùng đều sơn son thiếp vàng…

– Bên trong khuôn viên phủ chúa, người giữ cửa truyền báo rộn ràng người có việc quan qua lại như mắc cửi cho thấy chúa giữ một vị trí trọng yếu và có quyền tối thượng trong triều đình.

– Vào nội cung cảnh càng xa hoa tráng lệ: trường gấm, màn là, xập vàng, ghế rồng, hương hoa ngào ngạt… Qua dãy hành lang phía tây, đến một cái nhà lớn cao và rộng. Tất cả đồ dùng trong phòng đều được sơn son thiếp vàng. Trước sập và hai bên, bày bàn ghế, những đồ đặc nhân gian chưa từng thấy.

– Trước quang cảnh cực kì xa hoa, lộng lẫy. Tác giả đã ngâm lên bài thơ để diễn tả hết sự sang trọng, vương giả trong phủ Chúa:

Lính nghìn cửa vác đòng nghiêm nhặt,

Cả trời Nam sang nhất là đây!

Lầu từng gác vẽ tung mây,

Rèm châu, hiên ngọc, bóng mai ánh vào.

Hoa cung thoảng ngạt ngào đưa tới,

Vườn ngự nghe vẹt nói đòi phen.

Quê mùa, cung cấm chưa quen,

Khác gì ngư phủ đào nguyên thuở nào!

+ Những nghi thức, cung cách sinh hoạt trong phủ chúa cụ thể như sau:

⇒ Khung cảnh hết sức trang nghiêm thể hiện uy quyền của phủ Chúa

– Về ăn uống: “Mâm vàng, chén bạc, đồ ăn toàn của ngon vật lạ”.

– Về nghi thức: Có rất nhiều người phục dịch trong phủ Chúa, trong “phòng trà” có đến bảy, tám người phục dịch.

Thấy quan Chánh đường đến, tất cả đều đứng dậy. Quan Chánh đường ngồi ghế trên, ở dưới mọi người ngồi theo thứ tự. Tất cả đều được làm theo lệnh thông qua quan Chánh đường.

Lê Hữu Trác phải qua nhiều thủ tục mới được vào thăm bệnh cho thế tử. Nào là phải qua nhiều cừa, phải chờ đợi khi có lệnh mới được vào. “Muốn vào phải có thẻ”, vào đến nơi, người thầy thuốc Lê Hữu Trác phải “lạy bốn lạy”.

Lời lẽ nhắn tới chúa Trịnh và thế từ đểu phải hết sức cung kính (thánh thượng, ngự, yết kiến, hầu mạch…). Chúa Trịnh luôn luôn có “phi tần chầu chực” xung quanh.

Tác giả không thấy mặt Chúa mà chỉ làm theo mệnh lệnh cùa Chúa do quan Chánh Đường truyền đạt lại. Xem bệnh xong chỉ được viết tờ khai để dâng lên Chúa. Nghiêm đến nỗi tác giả phải “Nín thở đứng chờ ở xa”.

=> Cung cách sinh hoạt với những lễ nghi, khuôn phép trong phủ chúa cho thấy sự cao sang, quyền uy tột bậc của Phủ Chúa, cùng với cuộc sống hưởng lạc và lộng quyền của nhà chúa.

+ Thái độ của tác giả đối với đời sống nơi phủ Chúa

Tác giả không bộc lộ trực tiếp thái độ. Song qua ngòi bút sắc sảo ghi lại những gì mắt thấy, tai nghe của tác giả, người đọc nhận ra thái độ của người cầm bút. Ông nhận xét cảnh xa hoa, lộng lẫy tấp nập ở phủ chúa “khác hẳn người thường” đến mức không tưởng tượng nổi, “khác nào ngư phủ đào nguyên thưa nào”. Khi được mời ăn cơm, tác giả nhận xét “toàn của ngon vật lạ”.

Phủ chúa thực khiến người thường lạ lẫm và sửng sốt, nhưng với Lê Hữu Trác lại khác, thái độ của tác giả lại tỏ rõ sự dưng dưng, không đồng tình với cuộc sống quá tiện nghi, quá sang trọng, khác thường như vậy. Đó là cuộc sống ăn chơi, hưởng lạc xa xỉ nhưng lại chẳng có tự do sinh khí. Điều đó giúp ta khẳng định Lê Hữu Trác không thiết tha gì với danh lợi, với quyền uy cao sang.

Ông dửng dưng, thờ ơ trước những quyến rũ vật chất, ông phê phán cuộc sống xa hoa, thừa thãi tiện nghi nhưng thiếu sinh khí trong căn phòng thế tử tối om, không thấy cửa ngõ thật tù hãm, đó cũng là nguyên nhân bệnh của thế tử. Con mắt Lê Hữu Trác thật tinh tường soi rõ cái xa hoa của phủ Chúa, thói ăn chơi của Chúa đã được ông phơi bày rõ ràng với một giọng ngầm mỉa mai, châm biếm.

Câu 2(Soạn Vào Phủ Chúa Trịnh): Phân tích những Chi tiết trong đoạn trích mà anh/chị cho là “đắt”, có tác dụng làm nổi bật giá trị hiện thực của tác phẩm.

Trả lời:

+ Trong đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh có rất nhiều chi tiết đắt giá, thể hiện nổi bật nội dung hiện thực của tác phẩm. Sự tinh tế và sắc sảo của tác giả đọng lại trong đoạn trích là ở những chi tiết tuy nhỏ nhưng rất gây ấn tượng:

– Chi tiết tác giả đi vào nơi ở của thế tử để xem mạch: “Ở trong tối om, không có cửa ngõ gì cả. Đi qua độ năm, sáu lần trướng gấm như vậy”. Nơi thế tử ngự đèn sáp chiếu sáng làm nổi bật màu mặt phấn và màu áo đỏ. Xung quanh lấp lánh, hương hoa ngào ngạt), rồi chi tiết miêu tả dụng cụ để ăn uống, …

=>Lời văn của tác giả rất tự nhiên, không hề có chút cường điệu nào. Cũng chính vì thế mà việc hưởng lạc xa hoa của nhà chúa tự nó phơi bày ra trước mắt người đọc không cần thêm một lời bình luận nào.

– Tuy không được gặp trực tiếp Thánh thượng, nhưng qua một cái màn che quan Chánh Đường truyền lệnh cho Lê Hữu Trác lạy bốn lạy.

– Thế tử cười: ông này lạy khéo!

Cởi áo ra thì: “Tinh khí khô hết, da mặt khô, rốn lồi to, gân thời xanh, chân tay gầy gò… nguyên khí đã hao mòn, thương tổn quá mức… mạch lại tế…âm dương đều bị tổn hại…”

=> Hình ảnh nhân vật Trịnh Cán được khắc họa bằng những nét riêng, nhưng đồng thời mang ý nghĩa khái quát. Phải chăng cuộc sống vật chất quá đầy đủ, quá mức giàu sang, phú quý nhưng tất cả nội lực bên trong là tinh thần, ý chí, nghị lực, phẩm chất thì trống rỗng. Nhà khoa học kiêm nghệ sĩ tài ba Lê Hữu Trác đã chỉ đúng cội nguồn căn bệnh của Trịnh Cán là cả tập đoàn phong kiến của xã hội Đàng ngoài ốm yếu không gì cứu vãn nổi.

Câu 3(Soạn Vào phủ Chúa Trịnh): Cách chuẩn đoán và chữa bệnh của Lê Hữu Trác cùng những diễn biến tâm tư của ông khi kê đơn cho ta hiểu gì về người thầy thuốc này.

Trả lời:

Lê Hữu Trác là người thầy thuốc giỏi được mời vào phủ chúa để thăm bệnh cho Trịnh Cán, dù sống ở quê nhà không màng đến danh lợi nhưng tiếng tăm của ông vang dội.

  • Ông hiểu rõ căn bệnh thế tử nhưng sợ chữa khỏi ngay sẽ bị giữ lại bên chúa, bị công danh trói buộc.
  • Cho thấy ông là vị thầy thuốc không màng danh lợi, yêu thích cuộc sống giản dị, tự do, thanh cao…
  • Ông muốn chữa bệnh cầm chừng cho thế tử nhưng lại thấy trái với y đức và lương tâm của người thầy thuốc.
  • Cho thấy ông là một thầy thuốc có lương tâm, đức độ.
  • Khi đã quyết định chữa bệnh cho thế tử, mặc dù ý kiến trái với ý đa số thầy thuốc trong cung nhưng ông vẫn bảo vệ giữ nguyên ý kiến.
  • Cho thấy ông là người thầy thuốc già dặn kinh nghiệm và có bản lĩnh, có chính kiến

==> Khi chữa bệnh cho thế tử, vị lương y của chúng ta đã hồi hộp, căng thẳng, lòng đầy mâu thuẫn: nếu làm tốt sẽ bị danh lợi ràng buộc hay gánh nặng chịu ơn từ thuở cha ông. Rồi cuối cùng ông vẫn quyết định chữa bệnh cho đúng y đức. “Đúng y đức”, đó là cái đáng quý nhất của một người mang kèm tên mình danh hiệu “lương y”. Lê Hữu Trác quả là một người thầy thuốc giỏi, có phẩm chất, già dặn kinh nghiệm, một người thầy thuốc có lương tâm và đức độ. Ông còn là người coi nhẹ danh lợi, mọi hư vinh với ông chỉ là sợi tơ, ông cũng rất yêu tự do và gắn bó với quê hương.

Lê Hữu Trác thông qua hành động của mình đã thể hiện sự không đồng tình với việc hưởng thụ lạc thú xa hoa của những người nắm giữ vận mệnh dân tộc. Sự tương phản trong quan điểm sống được thể hiện qua việc đối lập giữa hình ảnh những thứ sơn son thiếp vàng, võng điều áo đỏ, đèn đuốc lấp lánh, hương hoa ngào ngạt… đặt bên cạnh cái thanh đạm, thuần khiết của một ông già áo vải ở nơi quê mùa.

Câu 4(Soạn Vào phủ Chúa Trịnh): Theo anh/chị, bút pháp kí sự của tác giả có gì đặc sắc? Phân tích những chi tiết đặc sắc đó.

Trả lời:

– Ký sự là một thể của ký thiên về tự sự, thường ghi chép các sự kiện, hay kể lại một câu chuyện khi nó mới xảy ra. Trong đoạn trích, tác giả đã thể hiện khả năng quan sát tỉ mỉ, ghi chép trung thực, tả cảnh sinh động. Lối kể khéo léo, lôi cuốn bằng những sự việc chi tiết đặc sắc. Có sự đan xen với tác phẩm thi ca làm tăng chất trữ tình của tác phẩm.

+ Thành công của đoạn trích phải kể đến bút pháp kí sự vô cùng đặc sắc của tác giả Lê Hữu Trác. Đó là:

– Sự xen kẽ rất tự nhiên của lời kể và lời bình.

– Kết hợp giữa tả cảnh và thể hiện tâm tư chân thực, sinh động.

– Những câu văn mang ý nghĩa sâu sắc ẩn chứa sắc thái mỉa mai của người viết đối với sự xa hoa quá mức của phủ chúa.

– Bút pháp kí sự kết hợp sự ghi chép chân thực, tác giả đã bộc lộ được thái độ, suy nghĩ, tình cảm của cá nhân.

+ Phân tích giọng điệu: tác giả kể chuyện khách quan, pha chút giọng điệu hài hước, tạo được sự thú vị cho người đọc: “nín thở đứng chờ, bị sóc một mẻ, một chỗ tối om không có cửa ngõ gì cả…” Giọng kể của ông rất tự nhiên xen kẽ giữa lời kể và lời bình, tác giả chú ý nhiều đến tả cảnh, đến tường thuật sự việc.

– Phân tích nhân vật: ngoài những người mang họ Trịnh, các nhân vật khác, tuy quyền hành và phận sự khác nhau, nhưng đều giống nhau ở chỗ cùng dựa dẫm, nịnh bợ nhà Chúa nhằm củng cố địa vị cá nhân. Các quan ngự y ngày đêm chầu chực để liệu phương thuốc chạy chữa cho Trịnh Cán, nhưng lại sợ trách nhiệm, chỉ theo ý của quan Chánh đường để ra toa. Ngay cả quan Chánh đường cũng không khá hơn, ông hoàn toàn đặt mọi hi vọng vào thế tử ốm yếu, bệnh hoạn.

LUYỆN TẬP

So sánh đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh với một tác phẩm (hoặc đoạn trích) kí khác của văn học trung đại Việt Nam mà anh (chị) đã đọc và nêu nhận xét về nét đặc sắc của đoạn trích này.

Trả lời:

+ So sánh đoạn trích Vào phủ Chú Trịnh với đoạn trích Chuyện cũ trong Phủ Chúa Trịnh.

– Trước tiên, cả hai tác phẩm đều phán ánh hiện thực cuộc sống xa hoa trong phủ chúa Trịnh với thái độ phê phán thờ ơ của tác giả nhưng nhìn chung chúng vẫn có nhiều điểm khác biệt.

+ Riêng với tác phẩmVào phủ chúa Trịnh của Lê Hữu Trác, tác phẩm được viết dưới dạng bài kí sự về cuộc sống vương giả đầy xa hoa, quyền quý nơi phủ chúa Trịnh. Nét đặc sắc của tác phẩm thể hiện ở sự quan sát khách quan cùng ngòi bút kể, tả sắc sảo, có sự đan xen giữa thơ, lời bình và văn xuôi tạo nên chất trữ tình. Ngoài phê phán, tác giả còn bộc lộ một thái độ mỉa mai, châm biếm một cách nhẹ nhàng.