I. SOẠN PHẦN HỌC ĐỌC BÀI MỞ ĐẦU

1) Câu hỏi số 1 trang 8

Sách Ngữ văn 6 hướng dẫn em đọc hiểu những thể loại văn học nào? Chỉ ra nội dung chính của các văn bản mà em được học trong mỗi thể loại? (thông qua bài mở đầu)

Trả lời câu hỏi:

– Thông qua Bài mở đầu, sách Ngữ văn 6 hướng dẫn em đọc hiểu những thể loại văn học: Truyện, Thơ, Kí, Nghị luận, Thông tin.

– Nội dung của các văn bản mà em được học trong mỗi thể loại qua bài mở đầu là:

1. Đọc hiểu văn bản truyện

Ở lớp 6, các em sẽ được tiếp xúc với rất nhiều văn bản truyện cùng nội dung vô cùng thú vị và hấp dẫn. Tại bài mở đầu, các em sẽ được tìm hiểu các bài sau:

  • Thánh Gióng: là câu chuyện truyền thuyết về người anh hùng Thánh gióng lớn nhanh như thổi để đánh giặc cứu nước.
  • Sự tích Hồ Gươm: Vua Lê trả gươm cho Rùa thần.
  • Thạch Sanh: câu chuyện về người chàng trai mồ côi cha mẹ, tuy cuộc sống khó khăn nhưng có tấm lòng hiếu thảo, trung thực và dũng cảm.:
  • Cô bé bán diêm: truyện kể về một cô bé nghèo khó, đi bán diêm trong đêm đông lạnh giá với những điều ước nhỏ bé.
  • Ông lão đánh cá và con cá vàng: ông lão đánh cá tốt bụng, chất phác cùng mụ vợ tham lam.
  • Dế mèn phiêu lưu ký: câu chuyện về chú dế mèn hống hách, kiêu ngạo nhưng biết sửa chữa lỗi lầm.
  • Chích bông ơi!: câu chuyện gia đình đầy xúc động giữa hai cha con Dế Vần.
  • Bức tranh của em gái tôi: kể về một người em gái trong sáng, ngây thơ, hồn nhiên và rất vô tư, đặc biệt sống rất tình cảm.
  • Điều không tính trước: câu chuyện về 3 người bạn lúc đầu bất đồng ý kiến, xích mích nhưng cuối cùng trở thành một khối đoàn kết thống nhất.

2. Đọc hiểu văn bản thơ

Thơ là thể loại văn học có vần, nhịp và được trình bày theo dòng. Nó giúp bày tỏ tâm tư, tình cảm, cảm xúc của nhà thơ. Bài mở đầu sẽ giới thiệu các bài:

  • Về thăm mẹ: chứa chan những niềm xúc động, nổi bật trong bài thơ là tình mẫu tử thiêng liêng.
  • À ơi tay mẹ: khắc họa những cảm xúc bồi hồi, xao xuyến, bâng khuâng, chua xót, cảm động của người con mỗi khi nghĩ về bàn tay mẹ.
  • Đêm nay Bác không ngủ: tái hiện lại những bóng dáng của chủ tịch Hồ Chí Minh trong những đêm không ngủ để nghĩ việc nước lo việc dân.
  • Gấu con chân vòng kiềng: hình ảnh chú gấu con đáng yêu, dễ thương và vô cùng trong sáng.
  • Lượm: gợi lên hình ảnh chú bé đưa thư liên lạc dũng cảm, bất chấp khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.
Phân tích bài À ơi tay mẹ - Văn 6 (2 mẫu)
Bài thơ À ơi tay mẹ sẽ được học trong sách Ngữ văn 6

3. Đọc hiểu văn bản kí bài mở đầu

Bài mở đầu sẽ cho ta biết kí là một loại tác phẩm văn học ghi lại con người, hoặc sự kiện một cách chính xác, không hư cấu, không có yếu tố kỳ ảo.

  • Trong lòng mẹ: ghi lại tình mẫu tử cảm động, thiêng liêng.
  • Đồng Tháp Mười mùa nước nổi: Tái hiện lại phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và con người đất phương Nam mộc mạc, chất phác.
  • Thời thơ ấu của Hon-đa: ghi chép lại những kỷ niệm, những dòng hồi ức thời niên thiếu của chính tác giả Hon-đa Sô-i-chi-rô.

2) Câu hỏi số 2 trang 9

Nội dung chính của mỗi văn bản trong các phần Đọc hiểu văn bản nghị luậnĐọc hiểu văn bản thông tin là gì?

Trả lời câu hỏi

Nội dung chính của mỗi văn bản trong các phần Đọc hiểu văn bản nghị luậnĐọc hiểu văn bản thông tin là:

2.1. Đọc hiểu văn bản nghị luận

Nghị luận là thể loại nhằm nêu lên ý kiến, quan điểm riêng của bản thân về một sự vật, sự việc, hiện tượng bất kỳ; từ đó thuyết phục người đọc, người nghe. Tại Bài mở đầu, có những tác phẩm được giới thiệu:

  • Nguyên Hồng – Nhà văn của những người cùng khổ: giúp em hiểu vì sao Nguyên Hồng hay viết và viết rất hay về tầng lớp nghèo khổ của xã hội.
  • Vẻ đẹp của một bài ca dao: nghị luận về vẻ đẹp của thiếu nữ nơi thôn quê giữa một cánh đồng lúa trải dài tít tắp.
  • Thánh Gióng – tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước: phân tích Thánh Gióng và thuyết phục đọc giả về tình yêu nước, căm thù giặc của dân tộc ta là vô cùng sâu sắc.
  • Tại sao chúng ta phải đối xử thân thiện với động vật?: Sự cần thiết về việc nuôi, bảo vệ và đối xử đúng mực với động vật.
  • Khan hiếm nước ngọt: nghị luận về nguy cơ nguồn nước ngọt đang dần cạn kiệt, kêu gọi con người chung tay bảo vệ môi trường sống.
  • Tại sao nên có vật nuôi trong nhà?: những lợi ích của việc nuôi động vật trong nhà.

2.2. Đọc hiểu văn bản thông tin

Văn bản thông tin là dạng văn bản cung cấp thông tin về con người, sự vật, sự kiện, hiện tượng thông qua các số liệu, kiến thức khách quan. Tạp chí, từ điển, sách dạy nấu ăn,… thậm chí là các môn học trong sách giáo khoa đều thuộc vào loại văn bản thông tin.

  • Hồ Chí Minh và “tuyên ngôn độc lập”: Sự kiện ngày Quốc Khánh 2-9-1945.
  • Diễn biến Chiến dịch Điện Biên phủ: Sự kiện chiến dịch Điện Biên phủ của quân dân Việt Nam.
  • Phạm Tuyên và ca khúc mừng chiến thắng: Sự ra đời của ca khúc “Như các Bác trong ngày đại thắng”.
  • Điều gì giúp bóng đá Việt Nam chiến thắng?: Những nguyên nhân dẫn đến kỳ tích của đội tuyển bóng đá Việt Nam.
  • Những phát minh “tình cờ và bất ngờ”: Sự kiện khoa học thú vị, bất ngờ, hài hước.
  • Giờ Trái Đất: Sự quan trọng trong việc tiết kiệm, bảo vệ năng lượng và chống biến đổi khí hậu.
Soạn văn 6 trang 90 Cánh Diều - Tập 1
Văn bản thông tin nằm trong chương trình Ngữ văn 6, trong đó có bài về Tuyên ngôn Độc lập

Phần Rèn luyện Tiếng Việt bài mở đầu

1) Câu hỏi trang 9

Đọc mục Rèn luyện tiếng Việt của bài mở đầu và trả lời câu hỏi dưới đây:

a) Sách Ngữ văn 6 có những loại bài tập tiếng Việt nào?

b) Bài tập vận dụng kiến thức tiếng Việt nhằm mục đích gì và phục vụ các hoạt động nào?

Trả lời câu hỏi:

a) Sách Ngữ văn 6 gồm những loại bài tập tiếng Việt:

– Nhận biết các hiện tượng và đơn vị ngôn ngữ. Ví dụ nhân biệt: từ đơn, từ phức, từ láy; các từ đồng âm, đồng nghĩa, trái nghĩa; từ mượn, từ Thuần Việt, các loại câu,…

– Vận dụng kiến thức tiếng Việt rèn luyện các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe.

b) Bài tập vận dụng kiến thức tiếng Việt nhằm các mục đích:

– Phục vụ hoạt động tiếp nhận văn bản (tập trung vào kỹ năng đọc hiểu văn bản). Ví dụ: phân tích các biện pháp nghệ thuật so sánh, ẩn dụ, nhân nhân hóa để làm nổi bật nội dung văn bản.

– Phục vụ hoạt động tạo lập văn bản (thuyết trình, thảo luận, viết văn bản). Ví dụ: sử dụng sự hiểu biết để mở rộng một số đoạn văn; xen lẫn vào những câu thể hiện ý kiến, cảm xúc, tình cảm của các em.

II. SOẠN PHẦN HỌC VIẾT BÀI MỞ ĐẦU

Câu hỏi

Đọc phần Học viết của bài mở đầu và trả lời các câu hỏi dưới đây:

a) Sách Ngữ văn 6 rèn luyện cho các em viết các kiểu văn bản nào? Kiểu văn bản nào chưa được học ở cấp Tiểu học?

b) Các yêu cầu chính cần đạt của mỗi kiểu văn bản là gì?

Trả lời câu hỏi:

a) Sách Ngữ văn 6 rèn luyện cho các em viết các kiểu văn bản: Tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, nhật dụng.

– Các kiểu văn bản chưa được học ở cấp Tiểu học: Nghị luận, thuyết minh và nhật dụng.

b) Các yêu cầu chính cần đạt của mỗi kiểu văn bản là:

– Tự sự: 

+ Viết được bài văn kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích.

+ Viết được bài văn kể lại một trải nghiệm, kỉ niệm của bản thân; dùng ngôi kể thứ nhất.

– Miêu tả: Viết được bài văn tả cảnh sinh hoạt.

– Biểu cảm: 

+ Bước đầu biết làm thơ lục bát.

+ Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc bài thơ lục bát.

– Thuyết minh: Bước đầu biết viết văn bản thuyết minh thuật lại một sự kiện.

– Nghị luận: Bước đầu biết viết bài văn trình bày ý kiến về một vấn đề mà mình quan tâm.

– Nhật dụng:

+ Viết được biên bản về một vụ việc hay một cuộc họp, cuộc thảo luận.

+ Tóm tắt được nội dung chính của một số văn bản đơn giản đã học bằng sơ đồ.

III. SOẠN PHẦN HỌC NÓI VÀ NGHE BÀI MỞ ĐẦU

Câu hỏi

Đọc phần Học nói và nghe của bài mở đầu và trả lời các câu hỏi dưới đây:

a) Yêu cầu chính cần đạt được ở lớp 6 về kỹ năng nói, nghe và nói nghe tương tác là gì?

b) Liên hệ với bản thân để tự nhận ra kỹ năng nói – nghe của em còn mắc lỗi gì.

Trả lời câu hỏi:

a) Yêu cầu chính cần đạt được ở lớp 6 về các kỹ năng ngay tại bài mở đầu là:

– Nói: 

+ Kể lại được một câu chuyện truyền thuyết hoặc cổ tích, một trải nghiệm, kỉ niệm đáng nhớ của bản thân.

+ Trình bày được ý kiến, quan điểm của bản thân về một vấn đề đáng quan tâm (một sự kiện lịch sử hay một vấn đề trong cuộc sống).

+ Có thái độ và kỹ năng nói phù hợp.

– Nghe:

+ Nắm được nội dung trình bày của người khác.

+ Có thái độ và kỹ năng nghe phù hợp.

– Nói nghe tương tác:

+ Biết tham gia thảo luận, xây dựng bài về một số vấn đề.

+ Có thái độ và kỹ năng trao đổi thích hợp.

b) Tự liên hệ với bản thân để tự nhận ra kỹ năng nói – nghe của em còn mắc lỗi gì?

– Ví dụ: 

+ Khả năng lắng nghe và phân tích vấn đề của người khác còn hạn chế.

+ Chưa thể hiện rõ ràng được ý kiến của bản thân.

+ Còn hạn chế trong việc tìm hiểu, nghiên cứu những vấn đề cấp thiết của đời sống, xã hội.

+ Chưa thuộc các văn bản truyện truyền thuyết và cổ tích,…