Bố cục bài Đoàn thuyền đánh cá

  • Phần 1 (2 khổ đầu): Miêu tả cảnh đoàn thuyền đánh cá khi ra khơi
  • Phần 2 (4 khổ tiếp theo): Hình ảnh đoàn thuyền đánh bắt cá ngoài khơi. 
  • Phần 3 (khổ thơ cối): Cảnh tượng đoàn thuyền quay trở về. 

Đoàn thuyền đánh cá

I – ĐỌC HIỂU VĂN BẢN (Đoàn thuyền đánh cá)

Câu 1 (Trang 142 SGK Ngữ văn 9 tập 1)

Bài thơ được triển khai theo trình tự chuyến ra khơi của đoàn thuyền đánh cá. Dựa vào trình tự ấy, em hãy tìm bố cục của bài thơ. 

Hãy nêu thời gian và không gian được miêu tả trong bài thơ. 

Trả lời:

Bố cục của bài thơ Đoàn thuyền đánh cá được chia làm 3 phần, cụ thể:

  • Phần 1: Hai khổ thơ đầu thể hiện hình ảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi, cùng tâm trạng háo hức của con người. 
  • Phần 2: Bốn khổ thơ tiếp theo miêu tả cảnh đoàn thuyền trên biển. 
  • Phần 3: Khổ thơ cuối là hình ảnh đoàn thuyền trở về trong ánh bình minh. 

Không gian thời gian trong bài thơ được Huy Cận lựa chọn đắt giá, chọn lọc. Cụ thể:

  • Không gian: Mặt biển bao la, rộng lớn với sự xuất hiện của mặt trời, mặt biển mênh mông bát ngát, trăng sao, mây gió. Đó đều là những hình ảnh mang tính thực tế nhưng cũng rất nghệ thuật. 
  • Thời gian được xây dựng theo nhịp tuần hoàn của vũ trụ: Từ khi hoàng hôn buông xuống, trời biển chìm vào màn đêm đến lúc mặt trời vươn mình đội biển nhô lên, từng tia nắng sớm báo hiệu ngày mới bắt đầu. Nhịp điệu của vũ trụ nhẹ nhàng theo từng nhịp thời gian của đoàn thuyền đánh cá làm việc. 

Câu 2: 

Hình ảnh người lao động và công việc của họ được miêu tả trong không gian nào? Bằng những biện pháp nghệ thuật gì, tác giả đã làm nổi bật vẻ đẹp và sức mạnh của con người lao động trước thiên nhiên, vũ trụ?

Trả lời

Hình ảnh người lao động và công việc của họ được miêu tả trong không gian rộng lớn, mênh mông của biển cả khi màn đêm buông xuống: 

Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Sóng đã cài then, đêm sập cửa

Mở ra trước mắt chúng ta là không gian bao la. Ở đó, những người lao động trên chiếc thuyền đánh cá nhỏ bé giữa muôn trùng sóng biển. Tác giả đã chắt lọc từ ngữ để miêu tả giúp pháp họa rõ nét, thấm đậm không khí làm việc khẩn trương, chạy đua cùng nhịp tuần hoàn của vũ trụ. 

Để làm nổi bật vẻ đẹp lao động của con người trước thiên nhiên rộng lớn, Huy Cận đã khéo léo sử dụng biện pháp so sánh, nhân hóa. “Thuyền ta lái gió với buồm trăng/ Lướt giữa mây cao với biển bằng”, rồi ví biển như đoàn thoi, “dò bụng biển”, “lấp lánh đuốc đen hồng”, “quẫy trăng vàng chóe”,….

Cùng với đó là những động từ mạnh mẽ như: Lái gió, lướt, dàn đan, quẫy, kéo xoăn tay,…. Từ câu thơ mang đến cho ta những hình ảnh kỳ vĩ, lớn lao, màu sắc lộng lẫy và cả những nét bay bổng, mơ mộng,… Vẻ đẹp của vũ trụ, biển trời kết hợp cùng nét đẹp lao động dệt nên bức tranh tráng lệ, tràn đầy sức sống, ngây ngất lòng người. 

Câu 3: 

Bài thơ có nhiều hình ảnh đẹp tráng lệ, thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người lao động. Em hãy chọn phân tích một số hình ảnh đặc sắc trong các khổ thơ 1, 3, 4 và 7. Bút pháp xây dựng hình ảnh của tác giả trong bài thơ có đặc điểm gì nổi bật?

Trả lời:

Bài thơ được tác giả sử dụng nhiều hình ảnh đẹp tráng lệ, thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người, cụ thể:

  • Trong khổ thơ thứ nhất:

Tác giả so sánh mặt trời giống như “hòn lửa” đỏ rực đang chìm dần xuống màn biển chiều hôm. Đó là sự giao hòa trọn vẹn giữa trời và biển. Mặt biển bao la, mênh mông mang đến cảm giác mát mẻ có vai trò làm cho hòn lửa ấy trở nên êm dịu. 

Biển cả thời điểm ấy giống như một ngôi nhà kỳ vĩ với những đợt sóng đã “cài then” có nghĩa sóng không còn dồn dập, mạnh mẽ nữa. Thay vào đó là những gợn sóng nhẹ nhàng, êm dịu. Dường như cả mặt trời lẫn biển khơi đều đã đi vào trạng thái nghỉ ngơi theo đúng nhịp điệu của nó. Và khi ấy lại chính là khoảng thời gian bắt đầu ngày làm việc của người ngư dân: “Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi/ Câu hát căng buồm cùng gió khơi”. 

Ở đây, tác giả đã sử dụng từ “lại” như một sự nhấn mạnh, làm nổi bật lên hoạt động của con người. Đó chính là công việc diễn ra thường xuyên, liên tục, giống như vòng tuần hoàn của vũ trụ. 

  • Khổ thơ thứ 3:

Hình ảnh con thuyền trở nên kỳ vĩ giữa thiên nhiên bao la, rộng lớn: “Thuyền ta lái gió với buồm trăng/ Lướt giữa mây cao với biển bằng”. Tác giả liên tục sử dụng những động từ mạnh “lái”, “lướt” mang đến cảm giác hối hả trong công việc. 

Bên cạnh đó, ta thấy được chất lãng mạn bao trùm cả bức tranh lao động. Công việc vốn đơn điệu, nặng nhọc thường ngày bỗng nhiên trở thành niềm vui, niềm yêu đời. 

  • Khổ thơ thứ 4:

Ở khổ thơ này ta thấy được sự giàu có của biển cả, không gian trong lòng biển sinh động chẳng kém gì vẻ tấp nập, rộn ràng bên trên khoang thuyền. “Cá nhụ cá chim cùng cá đé/Cá song lấp láp đuốc đen hồng/ Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe”. 

Chỉ một khổ thơ 4 câu, tác giả đã vẽ nên được bức tranh sống động với những đàn cá như đám rước hội tưng bừng, lấp lánh giữa biển khơi. Đó thực sự là cảnh tượng lộng lâu, kỳ thú. Đặc biệt hình ảnh “cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe” mang tính biểu tượng cao. Chiếc đuôi cá quẫy nước, làm tung lên những giọt nước lóe sáng màu trăng chẳng khác nào người họa sĩ tài hoa. 

Cùng với đó, tác giả sử dụng hình ảnh nhân hóa đẹp “đêm thở sao lùa nước Hạ Long”. Ở đây tiếng thở của đêm tượng trưng cho nhịp thở của thủy triều và âm thanh rì rào sóng biển. 

  • Khổ thơ 7: 

Trong khổ cuối cùng này, Huy Cận đã khéo léo vẽ nên bức tranh về cuộc sống hối hả, nhộn nhịp của những ngư dân trên chính con thuyền của mình. Trong lao động mệt nhọc vẫn toát lên vẻ yêu đời bằng những “câu hát căng buồm với gió khơi”. 

Liên tục sử dụng những động từ nhanh, mạnh như: chạy đua, đội biển,… giúp người đọc như hòa mình vào trải nghiệm thực sự khó quên. 

  • Như vậy, Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận gây ấn tượng mạnh với bút pháp lãng mạn kết hợp cùng hình thức nghệ thuật nhân hóa, so sánh, liên tưởng, thủ pháp phóng đại được sử dụng hợp lý giúp ta thấy được linh hồn của từng sự vật, hiện tượng. Từ đó xây dựng khéo léo bức tranh thiên nhiên hùng vĩ cùng sức lao động mãnh liệt của con người. 

Câu 4:

Bài thơ có nhiều từ hát, cả bài cũng như một khúc ca. Đây là khúc ca gì và tác giả làm thay lời ai? Em có nhận xét gì về âm hưởng, giọng điệu của bài thơ? Các yếu tố: Thể thơ, vần, nhịp đã góp phần tạo nên âm hưởng của bài thơ như thế nào?

Trả lời

– Bài thơ có tất cả 4 từ “hát” làm vang lên như một khúc ca. Đó là khúc ca ca ngợi về lao động, tinh thần làm chủ cuộc sống cùng niềm vui phơi phới. Khúc ca này được Huy Cận viết thay lời những người lao động – người ngư dân bám biển, sống cùng những con sóng đêm ngày. 

– Đọc toàn bài em thấy âm hưởng, giọng điệu vô cùng sôi nổi. Âm hưởng sôi đội, giọng điệu vui tươi, khỏe khoắn như khúc hát mê say hào hứng, phơi phới bay bổng. 

– Tác giả sử dụng thể thơ 7 chữ tiết tấu nhanh, mạnh tạo cho người ta cảm giác mới mẻ, hân hoan, hạnh phúc. Nhịp thơ đầy sức trẻ, sức lao động, đôi khi hân hoan những chùm cá nặng. 

Đặc biệt khả năng gieo vần biến hóa, kết hợp vần bằng, trắc linh hoạt giúp cho bài thơ trở nên hấp dẫn hơn. Trong đó vần trắc mang sự mạnh mẽ, dữ dội. Vần bằng tạo nên sự bay bổng, vang xa. 

Câu 5: 

Qua những bức tranh về thiên nhiên và con người lao động trong bài thơ, em có nhận xét gì về cái nhìn và cảm xúc của tác giả trước thiên nhiên đất nước và con người lao động?

Trả lời

Qua bài thơ, bằng những từ ngữ, hình ảnh sử dụng em thấy được cái nhìn tươi mới, cảm xúc hào hứng và tràn đầy niềm vui cuộc sống của nhà thơ Huy Cận. Bức tranh thiên nhiên trong bài hiện lên trang lệ, nguồn tài nguyên vô tận với những: cá bạc, cá chim, cá nhụ, cá đé, cá song,…. Đó chính là món quà thiên nhiên, tạo hóa mang đến cho con người. 

Hình ảnh người lao động trong đó say mê, làm chủ cuộc sống. Họ làm việc với tâm thế vui tươi, hào hứng, sáng khoảng, phấn khởi. Không chỉ vậy, nó làm cho người đọc và cả nhà thơ cảm thấy hạnh phúc hơn. Cả một vùng đất với người con người hăng say lao động từ bình minh đến hoàng hôn và cả hoàng hôn cho tới bình minh. 

Đây thực sự là cái nhìn tin tưởng, tươi mới về cuộc đời. Đó chính là kết quả của quá trình trải nghiệm thực tế. Và cũng từ đây hồn thơ Huy Cận vui trở lại với niềm say sưa cuộc sống mới. 

II – LUYỆN TẬP Đoàn thuyền đánh cá

Câu 1: Viết một đoạn phân tích khổ thơ đầu hoặc khổ thơ cuối của bài thơ.

Trả lời:

  • Phân tích khổ thơ đầu:

Khổ thơ đầu của Đoàn thuyền đánh cá Huy Cận đã đưa người đọc đến với khung cảnh lao động tuyệt vời trên biển. Đó là một bức tranh sơn mài lộng lẫy chứa sắc màu ảo diệu, cuốn hút:

Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Sóng đã cài then, đêm sập cửa

Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi

Câu hát căng buồm cùng gió khơi

Với tài quan sát, trí tưởng tượng và tài năng nghệ thuật, tác giả mang đến một cái nhìn rất mới về thiên nhiên hùng vĩ. Mặt trời được ví như “hòn lửa” đang dần bị biển cả mênh mông nuốt chửng. Tất cả mọi sự vật lúc này đều chuẩn bị rơi vào trạng thái nghỉ ngơi. Ngay cả những cơn sóng cũng đến hồi “cài then”, không còn dữ hội mà bình yên đến lạ. 

Nhưng lúc màn đêm buông xuống cho mọi vật nghỉ ngơi lại là khi những ngư dân bắt tay vào công việc quen thuộc của mình: Ra khơi đánh cá. Họ “lại” bắt đầu một hành trình mới trên mặt biển mênh mông. Dù vậy, đó là tâm trạng háo hức, vui tươi bởi những tiếng hát âm vang, thể hiện niềm vui to lớn “Câu hát căng buồm cùng gió khơi”. 

  • Phân tích khổ thơ cuối:

Đoàn thuyền đánh cá sau một đêm dài hăng say lao động giờ đây đã trở về với thắng lợi. Niềm vui, niềm hạnh phúc thể hiện trong sự hối hả “chạy đua cùng mặt trời”. 

Câu hát căng buồm với gió khơi

Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời

Mặt trời đội biển nhô màu mới

Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi

Ở đoạn cuối này, hình ảnh “câu hát căng buồm với gió khơi” tiếp tục được lặp lại. Khúc hát hào hứng ấy nổi lên ngay từ khi bắt đầu cuộc hành trình đến khi đoàn thuyền trở về. Câu hát vui vẻ, phấn chấn tiếp thêm nguồn sức mạnh cho những ngư dân. Nếu ở khổ đầu, câu hát ấy mang niềm kỳ vọng, khát khao về buổi ra khơi thành công, thì tới đây, nó lại là âm hưởng ngân vang bài ca thắng lợi. 

Và một lần nữa, mặt trời lại xuất hiện. Nhưng không phải là “mặt trời xuống biển” mà là “mặt trời đội biển”. Nó thể hiện cho nguồn sức sống mãnh liệt, một ngày mới bắt đầu. Sau một đêm lênh đênh vất vả trên biển, giờ đây người ngư dân được đền đáp bởi lưới cá đầy khoang và đón chào ánh bình minh rực rỡ. 

Câu 2: Học thuộc lòng các khổ thơ 3, 4, 5. 

Trên đây là nội dung soạn văn chi tiết bài thơ Đoàn thuyền đánh cá SGK Ngữ Văn 9 tập 1. Bám sát những thông tin này sẽ giúp các em học sinh phân tích tốt nội dung bài học.