Soạn TRẢ BÀI TẬP LÀM VĂN SỐ 3 Trang 234-235 Ngữ văn 9 Tập 1

Bài tập làm văn số 3 yêu cầu  học sinh viết một bài văn tự sự trong đó có sử dụng các yếu tố miêu tả nọi tâm và nghị luận.

Câu 1(Soạn trả bài tập làm văn số 3): Đọc lại (ở nhà) phần Tập làm văn của các bài học về văn tự sự kết hợp với yếu tố miêu tả nội tâm và văn tự sự kết hợp với yếu tố nghị luận để nắm vững đặc điểm, yêu cầu và cách thức làm những kiểu bài kết hợp đó.

Trả lời:

+ Chú ý khi làm bài văn tự sự kết hợp với các yếu tố miêu tả nội tâm và bài văn tự sự kết hợp với yếu tố nghị luận:

– Về đặc điểm:

  • Cần chú ý chủ đề, ngôi kể, người kể chuyện, nhân vật, sự việc, lời văn tự sự, thứ tự kể.
  • Bài văn tự sự phải chú ý xây dựng cốt truyện, các nhân vật phải phục vụ cho chủ đề mà câu chuyện đề cập tới.

– Về yêu cầu:

  • Biết sắp xếp sự việc theo một trình tự có ý nghĩa.
  • Trình bày bài văn theo một bố cục mạch lạc 3 phần.
  • Tuỳ theo yêu cầu đối tượng kể để lựa chọn tình huống và sắp xếp sự việc có ý nghĩa.
  • Tùy yêu cầu của từng văn bản cụ thể để kết hợp các yếu tố miêu tả nội tâm hoặc nghị luận cho hợp lí. Tuy nhiên, các yếu tố kết hợp chỉ bổ sung, phục vụ cho mục đích của bài viết, tránh hiện tượng yếu tố phụ (nghị luận/ miêu tả) chiếm tỉ lệ lớn hơn yếu tố chính (tự sự).
  • Chú ý các yếu tố như nghị luận và miêu tả khi thêm vào văn bản không được làm mất đi tính chất tự sự, không nên quá sa đà vào việc miêu tả, hoặc trình bày luận điểm.

– Cách thức làm bài:

  • Gồm 4 bước: Tìm hiểu đề, tìm ý, lập dàn ý, viết bài và sửa bài.

Câu 2(Soạn trả bài tập làm văn số 3): Nhớ lại bài viết của mình và tự suy nghĩ đối chiếu với các yêu cầu về kiểu bài này, từ đó phân tích và tự đánh giá những gì mình đã làm được và những gì chưa làm được.

  • Bài viết có đủ ba phần không? Thiếu phần nào? Phần nào làm chưa tốt? Tại sao?
  • Bài viết kể về chuyện gì? Nhân vật, sự việc và quá trình diễn biến của câu chuyện có sinh động không?
  • Những yếu tố miêu tả nội tâm và nghị luận đã được vận dụng vào chỗ nào? Có tự nhiên và phù hợp không? Những yếu tố miêu tả nội tâm và nghị luận ấy đã làm cho bài văn thêm sinh động và sâu sắc như thế nào? Nếu không có các yếu tố ấy thì câu chuyện được kể có ảnh hưởng gì không?

Trả lời:

Đề bài: Kể lại buổi sinh hoạt lớp, ở đó em đã phát biểu ý kiến chứng minh Nam là một người bạn rất tốt

+ Những điểm đã đạt được:

– Bài viết có bố cục 3 phần rõ ràng, không thiếu phần nào, trong đó phần mở bài và kết bài viết tốt nhất. Phần thân bài còn dài, diễn đạt lủng củng hơi lan man.

– Bài viết kể về một buổi sinh hoạt lớp. Nhân vật, sự việc và quá trình diễn biến của câu chuyện được kể sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn người nghe.

– Biết cách xây dựng cốt truyện, chọn lọc nhân vật

– Kết hợp và vận dụng được yếu tố nghị luận và miêu tả nội tâm nhân vật vào bài văn của mình. Những yếu tố miêu tả nội tâm đã được vận dụng khi em miêu tả những biểu hiện bên ngoài như cử chỉ, hành động và bên trong đời sống nội tâm của em như tư tưởng, cảm xúc, suy nghĩ nhằm khắc họa được những diễn biến tâm trạng và tâm lý của em. Những yếu tố nghị luận được em vận dụng khi em muốn thể hiện sự đánh giá nhận xét, suy luận của mình về Nam để chứng minh cậu ấy là một người bạn tốt.

– Những yếu tố miêu tả nội tâm và nghị luận ấy đã làm cho bài văn của em thêm sinh động và sâu sắc vì miêu tả nội tâm giúp cho em đi sâu phân tích và trình bày những diễn biến tâm lí, cảm xúc, ý nghĩa… của các nhân vật trong câu chuyện em kể. Nghị luận trong văn bản tự sự giúp em có thể trình bày những vấn đề nhân sinh, về lí tưởng, về triết lí sống…, rút ra từ diễn biến của câu chuyện, từ cuộc đời các nhân vật nhờ đó mà bài viết của em thêm sinh động hơn.

–  Nếu chỉ đơn thuần là kể chuyện thì sẽ rất khô khan, không đặc sắc và rất khó để lấy được sự đồng cảm của người đọc và nếu không có các yếu tố ấy thì câu chuyện được kể kém phần sinh động hấp dẫn và lôi cuốn người đọc.

– Bài viết của em không có lỗi chính tả, câu từ ngắn gọn, dễ hiểu.

+ Những điểm chưa làm được:

– Trình bày chữ viết còn hơi xấu, có chỗ tẩy xóa lem nhem.

– Còn một số đoạn văn quá dài, lan man.

– Đôi khi còn sa vào miêu tả và nghị luận.

Câu 3: Xem lại bài viết đã được trả đọc kĩ lời phê và suy nghĩ về những chỗ ghi lỗi của thầy cô giáo. Thống kê các lỗi mà bài làm của mình đã mắc phải.

  • Lỗi về bố cục
  • Lỗi về diễn đạt, dùng từ.
  • Lỗi về chính tả, ngữ pháp
  • Lỗi về thiếu ý, thừa ý, lặp ý. (trong đó có yếu tố miêu tả nội tâm và nghị luận)

Trả lời:

+ Những lỗi mà bài làm của em mắc phải là:

– Lỗi về diễn đạt, dùng từ.

– Lỗi về chính tả, ngữ pháp

– Lỗi về thiếu ý, thừa ý, lặp ý. (trong đó có yếu tố miêu tả nội tâm và nghị luận)

Câu 4: Tìm hiểu nguyên nhân và sửa các lỗi trong bài viết của mình.

Trả lời:

+ Nguyên nhân em mắc lỗi về diễn đạt và dùng từ là do em chưa hiểu rõ nghĩa của từ đó mà đã đưa vào sử dụng.

– Để sửa chữa lỗi diễn đạt và dùng từ em phải tìm hiểu, học hỏi và nắm được đầy đủ, cặn kẽ, chính xác nghĩa của từ đó để sử dụng nó chính xác hơn trong bài của mình bằng cách dựa vào văn cảnh của câu, chúng ta xác định rõ ràng, cụ thể nội dung mà câu biểu đạt. Trên cơ sở nội dung biểu đạt đã xác định được, xác định từ ngữ không phù hợp về nghĩa loại bỏ nó và chọn từ ngữ khác thay thế.

+ Nguyên nhân em mắc lỗi về chính tả, ngữ pháp là do thói quen viết sai từ nhỏ (Chữ y dài hay viết thành I ngắn), lỗi do ảnh hưởng của phương ngữ (n viết thành l), do thiếu hiểu biết thấu đáo về từ, và ý thức sử dụng tiếng Việt chưa cao (Cẩu thả)…Trong đó em sai nhiều nhất là lỗi dấu hỏi và ngã. Viết câu không đúng ngữ pháp, thiếu các thành phần chính, thiếu vế trong một câu ghép, viết câu không rõ nghĩa.

– Cách sửa em phải chú ý hơn, khi nghi ngờ có từ viết chưa đúng thì phải nghiền ngẫm, tham khảo ý của các bạn thầy cô và sửa lại cho đúng. Viết bài xong cần đọc lại và sửa lỗi chính tả và lỗi ngữ pháp (nếu có). Thường xuyên đọc và tra từ điển để tránh lỗi sai chính tả và ngữ pháp.

+ Nguyên nhân em mắc lỗi về thiếu ý, thừa ý, lặp ý là do em viết như nói nên câu văn không rành mạch, kỹ năng viết câu vào tình trạng kể lan man, thiếu ý chính, hoặc thừa ý.

– Cách sửa em cần lập dàn bài/ dàn ý hoặc ghi ra nháp những ý chính trước khi viết bài để tránh thừa thiếu và lặp ý. Và cần đọc và soát lại ý sau khi đã viết xong bài.