Soạn Thúy Kiều báo ân báo oán (trích Truyện Kiều) trang 106-109, sách giáo khoa Ngữ Văn 9 tập 1

I – ĐỌC HIỂU VĂN BẢN

Câu 1 (Soạn Thúy Kiều báo ân báo oán): Mười hai câu đầu tả cảnh Thúy Kiều báo ân (trả ơn).

a) Qua lời Kiều nói với Thúc Sinh, em thấy Kiều là người thế nào?

b) Tại sao khi trả ơn Thúc Sinh, Kiều lại nói với Thúc Sinh về Hoạn Thư? Có sự khác nhau như thế nào trong ngôn ngữ của Kiều nói với Thúc Sinh và khi nói về Hoạn Thư? Vì sao có sự khác nhau ấy?

Trả lời:

a) Qua lời Kiều nói với Thúc Sinh, em thấy Kiều là người biết ơn và trân trọng tình nghĩa. Trong trường hợp này Thúy Kiều muốn trả nghĩa, trả tình mà Thúc Sinh đã dành cho nàng trước đây. Bởi:

+ Khi Kiều ở lầu Lâm Tri đã được Thúc Sinh chuộc ra, thoát được cảnh ô nhục, sống những ngày êm ấm, nên giữa hai người nghĩa nặng nghìn non, là sự biết ơn sâu sắc với chàng Thúc Sinh ân tình.

+ Khi nói chuyện với Thúc Sinh, Kiều sử dụng từ Hán Việt cùng điển cố cho thấy cách nói chuyện của Kiều với Thúc rất trang trọng, lịch sự.

b) Khi trả ơn Thúc Sinh, Kiều lại nói với Thúc Sinh về Hoạn Thư vì những ggif mà Hoạn Thư gây ra cho Kiều vẫn để lại vết thương xót xa.

+ Khi nói về Hoạn Thư, ngôn ngữ của Kiều thay đổi, sử dụng từ ngữ nôm na, bình dân, dễ hiểu. Có sự khác biệt ấy là “gió tầng nào mây tầng đó”, với Hoạn Thư phải diễn đạt bằng lời ăn tiếng nói của người dân lao động bình dân.

Câu 2 (Soạn Thúy Kiều báo ân báo oán): Những câu thơ còn lại tả cảnh Thúy Kiều báo oán.

– Những lời đầu tiên Kiều nói với Hoạn Thư có giọng điệu thế nào? (Chú ý cách xưng hô của Kiều, cách nhắc lại đời xưa, đời nay, mấy mặt, mấy gan….)

– Thái độ của Kiều qua giọng điệu ấy?

Trả lời:

+ Những lời đầu tiên Kiều nói với Hoạn Thư có giọng điệu mỉa mai, đay nghiến

Khi xưng hô “chào thưa”, “tiểu thư”, sử dụng những từ ngữ lặp lại với ý nhấn mạnh như: dễ có, dễ dàng, mấy tay, mấy mặt, mấy gan đời xưa, đời này, càng cay nghiệt, càng oan trái…

+ Thái độ của Kiều qua giọng nói này rất cứng rắn, mạnh mẽ, quyết trừng trị loại người “Bề ngoài thon thót nói cười – Bề trong nham hiểm giết người không dao”.

Câu 3 (Soạn Thúy Kiều báo ân báo oán): Trước thái độ của Kiều, Hoạn Thư đã xử trí ra sao? Lời kêu ca của Hoạn Thư thực chất là lí lẽ để gỡ tội. Em hãy tìm hiểu:

– Trình tự lí lẽ của Hoạn Thư.

– Các lí lẽ của Hoạn Thư đã tác động tới Kiều như thế nào?

– Qua lời đối đáp của Hoạn Thư, em có cảm nhận gì về tính cách của nhân vật này?

Trả lời:

+ Trình tự lí lẽ của Hoạn Thư:

-Trước thái độ của Kiều, Hoạn Thư dường như hồn siêu phách lạc nhưng vẫn bình tĩnh để gỡ tội “Khấu đầu dưới trướng, liệu điều kêu ca”.

– Rồi Hoạn Thư lí giải rằng chuyện ghen tuông là chuyện thường tình của đàn bà.

– Sau đó, Hoạn Thư cơ hội gợi lại chút “ân tình” với Kiều khi cho Kiều xuống Quan Âm các “giữ chùa chép kinh”, không bắt làm thị tì nữa. Hoạn Thư còn rất khéo khi nói “Nghĩ cho khi gác viết kinh. Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo”. Đây là cách nói kín đáo chỉ người trong cuộc mới hiểu.

– Cuối cùng Hoạn Thư tự nhận tội và và xin Thúy Kiều rộng lượng tha thứ: “Trót lòng gây việc chông gai/ Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng”.

+ Các lí lẽ của Hoạn Thư, Kiều có răn đe nhưng cuối cùng nàng tha tội và tỏ ra vô cùng cao thượng “Đã lòng trị quá thì nên/ Truyền quân lệnh xuống trường tiền tha ngay”. Qua đoạn trích trên cho thấy, Kiều có tấm lòng vị tha, nhân hậu, giàu lòng nhân ái.

+ Qua lời đối đáp của Hoạn Thư cho thấy đây là nhân vật khôn ngoan, xảo quyệt, gian xảo.

Câu 4 (Soạn Thúy Kiều báo ân báo oán): Vì sao Thuý Kiều tha bổng Hoạn Thư? Việc làm ấy của Kiều hợp lí hay không hợp lí, là đúng hay đáng trách? Lí giải cách lựa chọn của em.

Những lời cuối cùng Kiều nói với Hoạn Thư cho thấy Kiều là người như thế nào?

Trả lời:

+Thúy Kiều tha bổng cho Hoạn Thư vì:

– Hoạn Thư rất khôn ngoan dùng lời lẽ để gỡ tội, làm Kiều cũng phải công nhận và khen ngợi: “Khôn ngoan đến mục nói năng phải lời”.

– Hoạn Thư đã nhận lỗi và xin sự khoan hồng từ Kiều.

+ Việc làm tha bổng cho Hoạn Thư của Kiều là hợp lý và đúng đắn, vì:

– Bản thân Kiều là người rộng lượng, vị tha, đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại.

– Hoạn Thư đã nhận lỗi nếu Kiều không tha thứ sẽ biến mình thành con người nhỏ nhen, ích kỉ.

+ Những lời cuối cùng Kiều nói với Hoạn Thư cho thấy Kiều nắm rõ được bản chất con người của Hoạn Thư, biết cách xử lý tình huống để cho Hoạn Thư thấy sự cao thượng của mình.

Câu 5: Qua đoạn trích, phân tích tính cách Thuý Kiều và Hoạn Thư.

Trả lời:

+ Tính cách nhân vật Thúy Kiều:

– Trọng tình nghĩa, ân oán rõ ràng khi đền đáp ơn huệ xứng đáng với Thúc Sinh.

– Kiên quyết trừng phạt Hoạn Thư với giọng điệu và lời lẽ đanh thép.

– Tấm lòng rộng lượng, vị tha, khoan dung.

+ Tính cách Hoạn Thư:

– Tính cách quỷ quái tinh ma, xảo quyệt, gian xảo

– Khéo léo van xin, sử dụng lời lẽ lí luận khôn ngoan, sẵn sàng nhận lỗi và chịu sự trừng phạt.

III – LUYỆN TẬP

Câu 1: Phân tích những biểu hiện đa dạng nhưng hợp lí, nhất quán trong tính cách của Thúy Kiều và Hoạn Thư.

Trả lời:

+ Biểu hiện đa dạng nhưng hợp lý, nhất quán trong tính cách của Thúy Kiều là:

– Tấm lòng nhân hậu, trọng ân nghĩa Kiều đã thả Thúc Sinh, còn ban thưởng gấm bạc.

– Mặc dù lời lẽ đanh thép, cương quyết xử tội nhưng tấm lòng nhân hậu nên nàng đã tha thứ cho Hoạn Thư.

+ Nhân vật Hoạn Thư:

– Vốn gian xảo, khôn ngoan, sâu sắc nhưng khi nói chuyện với Kiều lại sẵn sàng nhận lỗi.

– Sử dụng lời lẽ khôn ngoan để Kiều tha thứ.