Soạn Thương vợ (Trần Tế Xương) trang 29 – 30 sách giáo khoa Ngữ Văn 11 tập 1 

I – HƯỚNG DẪN HỌC BÀI 

Câu 1 (Soạn Thương vợ (Trần Tế Xương): Cảm nhận của anh (chị) về hình ảnh bà Tú qua bốn câu thơ đầu? (Chú ý những từ ngữ có giá trị tạo hình, hình ảnh con cò trong ca dao được tác giả vận dụng một cách sáng tạo).

Trả lời: 

Quanh năm buôn bán ở mom sông 

Nuôi đủ năm con với một chồng 

Lặn lội thân cò khi quãng vắng 

Eo sèo mặt nước buổi đò đông”. 

Hình ảnh bà Tú được hiện qua bốn câu thơ trên như sau: 

+ Bà Tú có hoàn cảnh làm việc vất vả, không ổn định, phải nuôi chồng nuôi con. Công việc của bà “quanh năm” diễn ra hết ngày này sang ngày khác không có ngày nghỉ, vô cùng vất vả, nhọc nhằn. 

+ Không những phải nuôi con, bà Tú còn phải nuôi chồng.  Nói chính xác hơn một mình bà tần tảo sớm hôm để nuôi cả gia đình 7 miệng ăn. 

+ Hình ảnh con cò được lấy ý từ câu ca dao “con cò lặn lội bờ sông” tuy nhiên khi đưa vào thơ, Trần Tế Xương đã tinh tế sáng tạo đảo vị trí “con cò lặn lội” để cho thấy sự lam lũ cực nhọc, vất vả khi một mình làm việc nơi mỏm sông chứa đầy nguy hiểm của bà Tú.  

+ Hình ảnh “buổi đò đông” gợi cho người đọc hình dung cảnh xô đẩy, chen lấn, giành giật với những nguy hiểm rình rập. Từ đó, thể hiện sự xót thương bà Tú quanh năm vất vả làm lụng kiếm ăn của ông Tú. 

Câu 2 (Soạn Thương vợ  (Trần Tế Xương): Phân tích những câu thơ nói lên đức tính cao đẹp của bà Tú.

Trả lời: 

“Quanh năm buôn bán ở mom sông 

Nuôi đủ năm con với một chồng”

Từ những câu thơ đầu, bà Tú hiện lên với vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam tần tảo, thủy chung, tháo vát “nuôi đủ năm con với một chồng”, buôn bán bon chen quanh năm không có ngày nghỉ để nuôi cả gia đình. Bà Tú không quản ngại nắng mưa vất vả, không quản ngại công việc bấp bênh bon chen đầy hiểm nguy, “lặn lội thân cò” làm việc không mệt mỏi. 

“Một duyên hai nợ âu đành phận 

Năm nắng mười mưa dám quản công.”

Vợ chồng là duyên phận nên bà Tú chấp nhận mọi khó khăn vất vả trong cuộc sống để ông Tú chuyên tâm chuyện đèn sách. Thành ngữ “năm nắng mười mưa” ngoài việc chỉ sự gian lao, vất vả còn làm nổi bật đức tính chịu thương, chịu khó, hết lòng vì chồng vì con của bà Tú. Đây chính là lời khen ngợi của ông Tú dành cho bà Tú. 

Câu 3 (Soạn Thương vợ (Trần Tế Xương): Lời “chửi” trong hai câu thơ cuối là lời của ai, có ý nghĩa gì? 

Trả lời: 

“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc 

Có chồng hờ hững cũng như không”. 

+ Đây là những lời “chửi” của Trần Tế Xương dành cho chính mình như một lời phán xét, lên án. 

+ Hai câu thơ trên có ý nghĩa: đây là lời “chửi” rất đặc biệt của nhà thơ với chính bản thân mình. Ông Tú thừa nhận khiếm khuyết của bản thân, là đàn ông mà phải để vợ bươn trải nuôi sống cả gia đình. Từ đó cho thấy tình cảm yêu thương vợ của ông Tú dành cho bà Tú là vô bờ bến. 

Câu 4 (Soạn Thương vợ (Trần Tế Xương): Nỗi lòng thương vợ của nhà thơ được thể hiện như thế nào? Qua bài thơ, anh (chị) có nhận xét gì về tâm sự và vẻ đẹp nhân cách của Tú Xương?

Trả lời:

+ Nỗi lòng thương vợ của Tú Xương được thể hiện: Tên bài thơ “Thương vợ” đã cho thấy tình cảm của tác giả dành cho bà Tú là tình cảm vợ chồng keo sơn. Ông Tú rất quý trọng vợ, thương người vợ tảo tần, chất phác, yêu chồng, thương con, hy sinh gồng gánh cả gia đình. Toàn bộ bài thơ không những là tình thương yêu dành cho vợ mà còn là sự biết ơn trân trọng của ông Tú đối với bà Tú. 

+ Tâm sự và vẻ đẹp nhân cách của Tú Xương: Ông Tú trăn trở vì mình là gánh nợ cho bà Tú. Bà Tú lấy ông duyên thì ít, nợ thì nhiều, bà đã quá thiệt thòi khi “có chồng hờ hững cũng như không”. Ngoài ra, sống trong xã hội tư tưởng “trọng nam khinh nữ” tuy nhiên tư tưởng ông Tú rất hiện đại, ông sòng phẳng với bản thân với cuộc đời, luôn đối mặt với những khuyết điểm của mình mà day dứt, phân tâm. Đây chính là một cốt cách đẹp trong tâm hồn thi sĩ. 

II – LUYỆN TẬP 

Câu 1 (Soạn Thương vợ  (Trần Tế Xương): Phân tích sự vận dụng sáng tạo hình ảnh, ngôn ngữ văn học dân gian trong bài thơ trên. 

Trả lời: 

Bài thơ “Thương vợ” của Tú Xương đã vận dụng những hình ảnh sáng tạo và ngôn ngữ văn học dân gian, cụ thể như sau: 

+ Tác giả đã khéo léo đưa hình ảnh con cò trong ca dao “Con cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non” vào trong bài thơ của mình. Tuy nhiên, hình ảnh con cò chịu thương chịu khó, vất vả lam lũ ấy đã được tác giả vận dụng sáng tạo bằng cách đảo từ “lặn lội thân cò” để cho thấy hình ảnh bà Tú vất vả sớm khuya, lặn lội bon chen để kiếm tiền nuôi chồng nuôi con mà không quản ngại gian lao vất vả. 

+ Bên cạnh đó, Tú Xương đã vận dụng thành công những thành ngữ như: “năm nắng mười mưa” khi đưa vào bài thơ làm nổi bật lên đức tính chịu thương, chịu khó, cả đời vì chồng vì con của bà Tú; thành ngữ “một duyên hai nợ” cho thấy tác giả tự nhận bản thân mình là gánh nợ cho bà Tú, duyên thì ít mà nợ thì nhiều, “có chồng hờ hững cũng như không” bản thân ông Tú không giúp đỡ được gì cho vợ nên luôn trăn trở, day dứt. 

+ Sử dụng khẩu ngữ tiếng chửi “cha mẹ thói đời ăn ở bạc”: ở đây là tiếng chửi của tác giả gửi đến chính mình, cũng như tố cáo xã hội đầy bất công lúc bấy giờ.