I. Đọc – hiểu văn bản Sài Gòn tôi yêu

Câu 1 SGK Ngữ văn 7 tập 1 – trang 172 – Sài Gòn tôi yêu

Tác giả đã cảm nhận Sài Gòn về những phương diện nào? Dựa vào mạch cảm xúc và suy nghĩ của tác giả, hãy tìm bố cục của bài văn.

Trả lời:

– Tác giả đã cảm nhận Sài Gòn về những phương diện: thời tiết, khí hậu, thiên nhiên, cuộc sống sinh hoạt, cư dân và phong cách của người Sài Gòn.

– Dựa vào mạch cảm xúc và suy nghĩ của tác giả, em chia bố cục của bài văn thành ba phần:

+ Phần một (từ đầu… tông chi họ hàng): Ấn tượng đầu tiên và tình yêu của tác giả dành cho Sài Gòn:

+ Phần hai (tiếp theo… hơn trăm triệu): Nhận xét, đánh giá về phong cách của người dân Sài Gòn:

+ Phần ba (đoạn còn lại): Nhấn mạnh, khẳng định lại tình yêu dành cho mảnh đất Sài Gòn.

Câu 2 SGK Ngữ văn 7 tập 1 – trang 172 – Sài Gòn tôi yêu

Trong đoạn 1 (từ đầu đến “tông chi họ hàng”) tác giả đã bày tỏ lòng yêu mến của mình với Sài Gòn qua những cảm nhận chung về thiên nhiên và cuộc sống ở nơi ấy. Em hãy nêu lên:

a) Nét riêng biệt của thiên nhiên, khí hậu Sài Gòn qua sự cảm nhận khá tinh tế của tác giả.

b) Tình cảm của tác giả với Sài Gòn được thể hiện như thế nào? Biện pháp nghệ thuật nào đã được sử dụng để biểu hiện tình cảm của tác giả?

Nhà thờ Đức Bà tại Sài Gòn lộng lẫy, biểu tượng của nơi đây

Trả lời:

a) Qua sự cảm nhận khá tinh tế của tác giả, nét riêng biệt của thiên nhiên, khí hậu Sài Gòn là:

– Nắng sớm, chiều thì lồng lộng gió, mưa nhiệt đới mau tạnh; thời tiết hay thay đổi thất thường.

b) Tình cảm của tác giả với Sài Gòn là:

+ Một tình yêu sâu sắc, quý mến, trân trọng mảnh đất Sài Gòn trẻ trung, năng động.

+ Niềm tự hào về thiên nhiên và con người nơi đây.

– Biện pháp nghệ thuật đã được sử dụng để biểu hiện tình cảm của tác giả là biểu cảm trực tiếp và biểu cảm gián tiếp.

Câu 3 SGK Ngữ văn 7 tập 1 – trang 173 – Sài Gòn tôi yêu

Trong đoạn 2 (từ “Ở trên đất này” đến “leo lên hơn năm triệu”) tác giả tập trung nói về nét nổi bật trong phong cách của người Sài Gòn. Nét đặc trưng của phong cách ấy là gì? Thái độ, tình cảm của tác giả đối với con người Sài Gòn được biểu hiện như thế nào?

Trả lời:

– Nét đặc trưng của phong cách của người Sài Gòn là: 

+ Con người bộc trực, chân thành, niềm nở với tất cả mọi người.

+ Những cô gái Sài Gòn thì kiên cường, mạnh mẽ, thẳng thắn và xinh đẹp.

– Thái độ, tình cảm của tác giả đối với con người Sài Gòn được biểu hiện là:

+ Tình yêu, sự ngưỡng mộ, kính trọng của tác giả dành cho con người của Sài Gòn.

+ Có cả lòng biết ơn đến họ.

Câu 4 SGK Ngữ văn 7 tập 1 – trang 173 – Sài Gòn tôi yêu

Hãy nêu lên vị trí và ý nghĩa của đoạn cuối trong việc thể hiện tình cảm của tác giả đối với Sài Gòn.

Trả lời:

– Vị trí: nằm ở cuối cùng của bài văn.

– Ý nghĩa của đoạn cuối trong việc thể hiện tình cảm của tác giả đối với Sài Gòn là:

+ Tình yêu chân thành, da diết, nhớ nhung mà tác giả dành mảnh đất và con người nơi đây.

+ Mong ước về một tình yêu mà các bạn trẻ hiện nay dành cho Sài Gòn.

Câu 5 

Hãy nêu lên những đặc điểm trong nghệ thuật biểu cảm của bài văn.

Trả lời:

– Những điểm đặc sắc trong nghệ thuật biểu cảm của bài văn là:

+ Sự am hiểu, cảm nhận khéo léo về thiên nhiên, cũng như con người Sài Gòn của tác giả.

+ Kể, tả được kết hợp nhuần nhuyễn nhưng nổi bật nhất chính là cảm xúc.

II. Luyện tập 

Câu 1 SGK Ngữ văn 7 tập 1 – trang 173:

Em hãy tìm những bài viết về vẻ đẹp và những đặc sắc của quê hương em.

Trả lời:

– Tùy vào quê hương của mỗi người, các em sẽ chọn ra những tác phẩm nói về vẻ đẹp và những điều đặc sắc nhất ở nơi đấy.

– Ví dụ: vẻ đẹp và những đặc sắc của Hà Nội:

+ Một thứ quà của lúa non: Cốm.

+ Mùa xuân của tôi.

Câu 2 SGK Ngữ văn 7 tập 1 – trang 173:

Viết một đoạn văn ngắn nói về tình cảm của mình với quê hương hay một vùng mà mình đã từng gắn bó.

Trả lời:

Quê hương em, một vùng quê tuy không giàu nhưng lại rất yên bình và êm ả. Thiên nhiên nơi đây vô cùng xinh đẹp, nên thơ và trữ tình. Một dòng sông nhỏ uốn lượn vắt ngang quê em không khác gì dải lụa đào mềm mại. Chiều chiều là đám trẻ con lại ra đấy chơi, tiếng cười khanh khách, tiếng nói rôm rả khiến làng quê lại trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Gần sông là một cánh đồng lúa trải dài đến tận chân trời. Xa xa là gốc đa rậm bóng mát, bên cạnh là cái đình làng uy nghiêm, cổ kính. Sống trên mảnh đất yên bình như vậy nên người dân quê em hiền lắm. Họ mộc mạc, chất phác như đất như lúa vậy, còn hay giúp đỡ mọi người, làng xóm xung quanh. Ôi! Quê hương và con người nơi đây mới đẹp làm sao! Em sẽ mai yêu thương nơi này.