Nghị luận về một sự việc hiện tượng đời sống Trang 20-21 Ngữ văn 9 Tập 2

I. TÌM HIỂU BÀI NGHỊ LUẬN VỀ MỘT SỰ VIỆC HIỆN TƯỢNG ĐỜI SỐNG

Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:

Câu hỏi: Nghị luận về một sự việc hiện tượng đời sống

a) Trong văn bản trên, tác giả bàn luận về hiện tượng gì trong đời sống? Hiện tượng ấy có những biểu hiện như thế nào? Tác giả có nêu rõ được vấn đề đáng quan tâm của hiện tượng đó không? Tác giả đã làm thế nào để người đọc nhận ra hiện tượng ấy?

Trả lời:

+ Trong văn bản trên tác giả đã bàn về hiện tượng lề mề trong lối sống – là bệnh coi thường giờ giấc của nhiều người khi thực hiện những công việc chung.

+ Hiện tượng ấy có những biểu hiện như sau:

  • Trễ giờ ở các cuộc họp, các cuộc hội thảo, các công việc chung.
  • Quý thời gian của mình chứ không tôn trọng thời gian của kẻ khác.
  • Tạo ta tập quán xấu: các giấy mời phải ghi sớm hơn giờ thực tế.

+ Tác giả đã nêu rõ được vấn đề đáng quan tâm của hiên tượng.

+ Tác giả làm điều đó bằng cách đưa ra những vấn đề đúng sai, mặt lợi mặt hại của vấn đề, nêu sự kiện và có phát biểu suy nghĩ về sự việc đó.

b) Có thể có những nguyên nhân nào tạo nên hiện tượng đó?

Trả lời:

Nguyên nhân chính gây nên bệnh lề mề là:

– Do thói quen lề mề trong các cơ quan, đoàn thể.

– Do ý thức thiếu tôn trọng người khác.

– Chỉ quý thời gian của mình, không biết quý ưọng thời gian của người khác.

– Vô trách nhiệm, coi thường các công việc chung.

c) Bệnh lề mề có những tác hại gì? Tác giả phân tích những tác hại của bệnh lề mề như thế nào? Bài viết đã đánh giá hiện tượng đó ra sao?

Trả lời:

– Bệnh lề mề có những tác hại là:

+ Thành thói quen, khó thay đổi. (giờ giấc trong các cuộc họp, giấy mời phải ghi sớm hơn giờ thực tế)

+ Không biết tự trọng, ích kỉ (tìm cách đối phó, đưa ra lý do)

+ Gây hại cho tập thể (đi họp chậm, nhiều vấn đề bàn thiếu thấu đáo vì thiếu thì giờ).

– Sự phân tích của tác giả về các tác hại của bệnh lề mề rất ngắn gọn, mạch lạc và có sức thuyết phục cao.

– Bài viết đã đánh giá hiện tượng đó bằng cách:

+ Nêu ý khái quát: Bệnh lề mề do thiếu tự trọng, thiếu tôn trọng người khác;

+ Triển khai cụ thể hơn: Họ quý thời gian của mình mà không tôn trọng thời gian của người khác;

+ Suy ra kết luận: Họ không có trách nhiệm với việc chung.

d) Bố cục của bài viết có mạch lạc và chặt chẽ không? Vì sao?

Trả lời:

– Bố cục của bài viết rất mạch lạc chặt chẽ, lời văn của bài viết ngắn gọn, dẽ hiểu…

– Đầu tiên là nêu hiện tượng, tiếp đó phân tích nguyên nhân và tác hại, cuối cùng nêu giải pháp khắc phục.

+ Mở bài: Giới thiệu sự kiện, hiện tượng có vấn đề cần nghị luận.

+ Thân bài: Phân tích các mặt, liên hệ thực tế, đánh giá nhận định.

+ Kết bài: Kết luận, khẳng định, phủ định, lời khuyên

II. LUYỆN TẬP

Câu 1: Thảo luận: Hãy nêu các sự việc hiện tốt tốt đáng biểu dương của bạn trong nhà trường ngoài xã hội. Trao đổi sự việc hiện tượng nào đáng đề viết một bài nghị luận hiện tượng nào thì không cần viết.

Trả lời:

+ Một số sự việc tốt đáng biểu dương của các bạn trong nhà trường và xã hội:

– Ham học hỏi, vượt khó tiến lên trong học tập.

– Nhặt được của rơi trả người đánh mất.

– Đoàn kết thân ái với bạn bè trong lớp học

– Đúng hẹn, giữ lời hứa với mọi người

– Đi học đúng giờ, không ỷ lại, quay cóp…

– Tố giác tội phạm.

– Bảo vệ môi trường sống.

– Chấp hành tốt luật an toàn giao thông.

=> Các sự việc trên đều có thể viết thành một bài nghị luận xã hội.

+ Trong số các sự việc, hiện tượng tốt, đáng biểu dương vừa nêu, sự việc, hiện tượng trung thực trong học tập, chấp hành nghiêm túc luật giao thông khi tham gia trên đường, nhặt được của rơi trả người đánh mất, tố giác tội phạm, bảo vệ môi trường đáng để viết một bài nghị luận. Những trường hợp còn lại thì không cần viết.

Câu 2: Một cuộc điều tra 2000 thanh niên nam ở Hà Nội năm 1981 cho thấy: từ 11 đến 15 tuổi: 25% các em đã hút thuốc lá; từ 16 đến 20 tuổi: 52%; trên 20 tuổi: 80%. Tỉ lệ này ngang với các nước châu Âu. Trong số các em hút thuốc lá, có đến 80% lâu lâu có triệu chứng như ho hen, khạc đờm, đau ngực, còn trong số những em không hút chỉ có không đến 1% có các triệu chứng ấy (theo Nguyễn Khắc Viện).

Hãy cho biết đây có phải là hiện tượng đáng viết một bài nghị luận không. Vì sao?

Trả lời:

+ Đây là một hiện tượng đời sống trong xã hội, là vấn đề nhức nhối được xã hội quan tâm về tình trạng hút thuốc lá của thanh thiếu niên ngày nay, những thói quen hút thuốc lá đã trở thành tệ nạn gây hao tốn tiền bạc, tổn hại sức khỏe.

Việc bàn đến hiện tượng này chính là đang vạch ra thực tại, tác hại của thuốc lá để mọi người có cái nhìn rõ nhất để tránh xa. Cũng từ đó, có thể đưa ra được các biện pháp để hạn chế hoặc khắc phục tình trạng trên.

Chính vì thế đây là một hiện tượng đáng viết. Có thể lấy nhan đề bài viết là “Bàn về thực trạng nghiện thuốc lá”

Có thể viết thành một bài văn nghị luận với các luận điểm sau:

– Đây là hiện tượng có thực, phổ biến trong đời sống xã hội

– Hút thuốc lá rất có hại cho sức khỏe của bản thân và mọi người xung quanh.

– Đề ra biện pháp xử lí hiện tượng trên.