Soạn Chí Phèo – Phần I: Tác giả Nam Cao Trang 137 – 142 Ngữ văn 11 Tập 1

HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

(Soạn Chí Phèo – Phần I: Tác giả Nam Cao)

Câu 1(Soạn Chí Phèo – Phần I: Tác giả Nam Cao): Tiểu sử và con người Nam Cao có những đặc điểm gì giúp ta hiểu hơn về sự nghiệp văn học của ông?

Trả lời:

Nam Cao là nhà văn hiện thực lớn, nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn, có đóng góp quan trọng đối với quá trình hiện đại hóa truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Chính tiểu sự và con người ông đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự nghiệp văn học cũng như phong cách nghệ thuật của ông.

a) Tiểu sử Nam Cao:

Nam Cao, tên khai sinh là Trần Hữu Tri, quê ở làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân (nay là xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân), tỉnh Hà Nam. Làng này xuất hiện nhiều trong những sáng tác của Nam Cao với cái tên Vũ Đại. Nam Cao sinh ra trong gia đình trung nông, đông con, theo đạo Thiên Chúa. Tuy không thuộc những gia đình nghèo nhất ở làng Đại Hoàng và ông thân sinh Nam Cao có thời kỳ làm chủ một cửa hàng gỗ ở Nam Định, nhưng gia đình Nam Cao vẫn luôn túng bấn. Trong số bảy anh em, chỉ Nam Cao là được ăn học tới nơi tới chốn. Gia đình này cũng được mô tả nhiều trong các sáng tác của Nam Cao mà rõ nét hơn cả là trong tiểu thuyết Sống mòn.

Học hết bậc Thành chung, năm 1935, Nam Cao theo người cậu vào Sài Gòn và có ý định ra nước ngoài học tập, nhưng không thành. Sau khoảng hơn ba năm, do đau ốm, ông phải về quê. Từ đó, Nam Cao phải sống vất vưởng, khi làm ông giáo trường tư, khi viết văn, làm gia sư, lúc thì phải về quê sống nhờ vợ.

Nam Cao gia nhập Hội Văn hoá cứu quốc năm 1943, khi hội này vừa được thành lập. Từ đó tới lúc hi sinh (1951), ông một lòng tận tuỵ phục vụ cách mạng và kháng chiến. Năm 1946, Nam Cao có mặt trong đoàn quân Nam tiến vào đến Nam Trung Bộ. Năm 1947, ông lên chiến khu Việt Bắc làm công tác văn nghệ và được kết nạp vào Đảng tại Bắc Cạn. Năm 1950, tham gia chiến dịch Biên Giới… Nam Cao cùng Nguyễn Huy Tưởng đi công tác khu Ba, tham gia đoàn công tác thuế nông nghiệp vào vùng địch hậu. Ông có ý định thu thập thêm tài liệu để viết cuốn tiểu thuyết đang thai nghén. Nhưng Nam Cao và đoàn công tác bị địch phục kích. Nam Cao hi sinh trong chuyến đi đó.

b) Con người Nam Cao

Nam Cao là con người có bề ngoài lạnh lùng, ít nói nhưng đời sống nội tâm phong phú. Ông luôn nghiêm khắc đấu tranh với mình để thoát khỏi lối sống tầm thường, nhỏ hẹp, vươn tới cuộc sống cao đẹp xứng đáng với danh hiệu con người. Nam Cao thường hổ thẹn với những gì mà ông cảm thấy tầm thường, thấp kém của mình.

Nam Cao là người có tấm lòng đôn hậu, chan chứa tình thương, đặc biệt có sự gắn bó sâu nặng với quê hương và những người nông dân nghèo khổ, bị áp bức, khinh miệt trong xã hội. Vì thế, không ít tác phẩm của Nam Cao viết về người lầm than là những thiên trữ tình đầy sự đồng cảm, xót thương. Ông hay suy nghĩ về nhiều vấn đề trong đời sống để rút ra những nhận xét có tầm triết lý sâu sắc và mới mẻ.

Tâm trạng bất hòa sâu sắc với xã hội đương thời –> xã hội tàn bạo, bất công, bóp nghẹt sự sống –> Nỗi phẫn uất của người tri thức có ý thức về sự sống mà không được sống.

Câu 2: Những nội dung chính trong quan điểm nghệ thuật của Nam Cao?

Trả lời:

Trong cuộc đời cầm bút, Nam Cao luôn suy nghĩ về vấn đề “sống và viết”, rất có ý thức về quan điểm nghệ thuật của mình. Có thể nói, đến Nam Cao chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam từ năm 1930 đến 1945 mới thực sự tự giác đầy đủ về những nguyên tác sáng tác của nó.

Ông không chạy theo cái đẹp, cái thơ mộng, quay lưng lại với hiện thực rồi viết ra những lời giả dối, phù phiếm. Có thế nói, Nam Cao là người phê phán tính chất thoát ly tiêu cực của văn học lãng mạn đương thời một cách toàn diện và sâu sắc nhất. Theo ông, đó là thứ nghệ thuật “lừa dối”, âm hưởng chủ đạo của nó toàn là cái “giọng sướt mướt của kẻ thất tình”. Lên án văn học lãng mạn thoát ly cũng có nghĩa là Nam Cao lên án quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật, khẳng định văn học hiện thực, khẳng định nghệ thuật vị nhân sinh. Nam Cao yêu cầu nghệ thuật phải gắn bó với đời sống của nhân dân lao động, “nghệ thuật đôi khi là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than” và nhà văn phải “đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời”.

Khi mới cầm bút, Nam Cao chịu ảnh hưởng của văn học lãng mạn đương thời. Nhưng ông nhận ra thứ văn chương đó rất xa lạ với đời sống lầm than của nhân dân lao động và ông đã đoạn tuyệt với nó để đến với con đường nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa. Trong “giăng sáng “(1942), ông phê phán thứ văn chương thi vị hóa cuộc sống đen tối, bất công, coi đó là thứ “ánh trăng lừa dối”; đồng thời yêu cầu nghệ thuật phải găn bó với đời sống nhìn thẳng vào sự thật “tàn nhẫn”, phải nói lên nỗi thống khổ, cùng quẫn của nhân dân, vì họ mà lên tiếng.

Trong truyện ngắn “đời thừa” (1943), Nam Cao không tán thành loại sáng tác “chỉ tả được cái bề ngoài của xã hội” và khẳng định: “một tác phẩm phải thật giá trị, phải vượt lên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng cái gì lớn lao, mạnh mẽ vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng tình thương, lòng bác ái, sự công bình…Nó làm cho người gần người hơn”. Như vây, trong quan niệm của Nam Cao tư tưởng nhân đạo là yêu cầu tất yếu đối với một tác phẩm hay, một tác phẩm có giá trị. Ông đòi hỏi nhà văn phải có lương tâm, phải có nhân cách xứng đáng với nghề nghiệp của mình.

Sau Cách mạng, Nam Cao tích cực tham gia kháng chiến, sắn sàng hy sinh thứ nghệ thuật cao siêu của mình với ý nghĩ: lợi ích của dân tộc là trên hết. Tuy ấp ủ hoài bão sáng tác nhưng ông vẫn tận tụy trong mọi công tác phục vụ kháng chiến với quan niệm “sống đã rồi hãy viết”.

Câu 3: Viết về người trí thức nghèo và người nông dân cùng khổ, Nam Cao thường trăn trở day dứt nhất về vấn đề gì?

Trả lời:

+ Sáng tác của Nam Cao trước Cách mạng tâp trung chủ yếu vào hai để tài chính: Người tri thức nghèo và người nông dân nghèo.

– Đề tài trí thức, đáng chú ý có các truyện ngắn Giăng sáng, Đời thừa, Những truyện không muốn viết, Mua nhà, Truyện tình, Quên điều độ, Cười, Nước mắt… và tiểu thuyết Sống mòn.

Trong những tác phẩm này, Nam Cao đã miêu tả sâu sắc tấn bi kịch tinh thần của người trí thức nghèo trong xã hội cũ, đặt ra những vấn đề có tầm triết luận sâu sắc, có ý nghĩa rất lớn vượt ra khỏi phạm vi đề tài. Họ là những trí thức có ý thức sâu sắc về giá trị sống và nhân phẩm, có hoài bão, có tâm huyết và tài năng, muốn xây dựng một sự nghiệp tinh thần cao quý, nhưng lại bị gánh nặng cơm áo gạo tiền và hoàn cảnh xã hội ngột ngạt làm cho “chết mòn”, phải sống như một kẻ vô ích, một người thừa.

– Không chỉ thành công trong sáng tác về tri thức, Nam Cao còn là cây bút xuất sắc khi viết về người nông dân. Ông để lại một gia tài đồ sộ viết về cuộc sống tối tăm, số phận bi thảm của người nông dân, tiêu biểu là các tác phẩm: Chí Phèo, Lão Hạc, Dì Hảo, Lang Rận, Một bữa no, Một đám cưới, Mua danh, Trẻ con không được ăn thịt chó…Chí phèo xứng đáng là một kiệt tác.

Viết về đề tài này, Nam Cao đã dựng lên một bức tranh chân thực vể nông thôn Việt Nam nghèo xơ xác trên con đường phá sản, bần cùng, hết sức thê thảm những năm 1940 – 1945. Ông chú ý tới những con người thấp cổ bé họng, những số phận bi thảm. Họ càng hiền lành nhẫn nhục thì càng bị trà đạp tàn nhẫn, phũ phàng. Ông đi sâu vào tình cảnh, số phận của những con người bị đọa đầy vào cảnh nghèo đói, cùng đường bị hắt hủi…Viết về đề tài người nông dân bị đẩy vào tình trạng tha hóa lưu manh, Nam Cao đã kết án đanh thép cái xã hội tàn bạo đã hủy hoại nhân tính con người – những con người vốn có bản tính hiền lành.

=> Có thể nói, dù viết về đề tài người nông dân hay người trí thức, vượt lên trên ý nghĩa cụ thể của đề tài, sáng tác của Nam Cao thường chứa đựng những nội dung triết học sâu sắc, có khả năng khái quái những quy luật chung của đời sống như vật chất và ý thức, hoàn cảnh và con người, môi trường và tính cách,… Nam Cao luôn trăn trở, day dứt về vấn đề nhân phẩm, về thái độ khinh trọng đối với con người, luôn day dứt tới mức đau đớn trước tình trạng xã hội vô nhân đạo đã đày đoạ con người vào trong sự nghèo đói, vùi dập những ước mơ, làm chết mòn đời sống tinh thần và lẽ sống cao đẹp của họ; đồng thời cũng đau đớn vô hạn trước tình trạng con người bị xói mòn về nhân phẩm, thậm chí huỷ diệt mất nhân tính.

Câu 4: Nêu những nét chính của phong cách nghệ thuật của Nam Cao.

Trả lời:

+ Những nét chính trong phong cách nghệ thuật của Nam Cao:

Trong văn xuôi Việt Nam hiện đại, Nam Cao là nhà văn có phong cách độc đáo. Nam Cao đặc biệt quan tâm đến đời sống tinh thần của con người, luôn có hứng thú khám phá “con người trong con người” dù là viết về người nông dân hay trí thức. Nam Cao luôn đề cao tư tưởng, đặc biệt chú ý tới hoạt động bên trong của con người, coi đó là nguyên nhân của những hành động bên ngoài.

Nam Cao có khuynh hướng đi vào nội tâm, đi sâu vào thế giới tinh thần của con người. Ông là nhà văn có biệt tài diễn tả, phân tích tâm lý nhân vật. Tâm lý nhân vật trở thành trung tâm chú ý, là đối tượng trực tiếp của ngòi bút Nam Cao.

Nam Cao là nhà văn có giọng điệu riêng: buồn thươg chua chát, dửng dưcâung lạnh lùng mà đầy thương cảm, đằm thắm yêu thương…

Nam Cao là nhà văn hiện thực lớn, một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn. Sáng tác của Nam Cao đã vượt qua những thử thách khắc nghiệt của thời gian, càng thử lại càng sáng ngời.