Soạn Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh, trang 123-125, sách giáo khoa Ngữ Văn 7, tập 1

Về tác phẩm:

  • “Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh” hay còn gọi là “Tĩnh dạ tứ” của tác giả Lý Bạch, được Tương Như dịch, in trong “Thơ Đường”, tập II, NXB Văn học, Hà Nội, 1987)
  • Bài thơ “Tĩnh dạ tứ” được sáng tác khi Lý Bạch đang ở xa quê hương và rất nhớ “cố hương”.

Về tác giả:

  • Lí Bạch sinh năm 701 – mất năm762, sống ở đời Đường, là nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc quê ở Cam Túc nhưng ngay từ khi mới năm tuổi ông đã theo gia đình về sống ở Tứ Xuyên. Do đó, nhà thơ vẫn thường coi Tứ Xuyên là quê hương của mình.
  • Lí Bạch được mệnh danh là “tiên thơ” bởi trong các bài thơ của ông thể hiện tâm hồn tự do, phóng khoáng với hình ảnh thơ tươi sáng, ngôn ngữ tự nhiên, gần gũi.

I. ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

Câu 1 (Soạn Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh trang 123-125): Có người cho rằng trong bài “Tĩnh dạ tứ”, hai câu đầu là thuần túy tả cảnh, hai câu cuối là thuần túy tả tình. Em có tán thành ý kiến đó không? Vì sao?

Gợi ý:

  • Phải chăng trong hai câu đầu hoàn toàn không có suy tư, cảm nghĩ của con người?
  • Và phải chăng hai câu cuối là tả thuần túy?
  • Từ sự phân tích trên, rút ra kết luận gì về mối quan hệ giữa cảnh và tình trong bài thơ này)

Trả lời:

  • Có người cho rằng trong bài “Tĩnh dạ tứ”, hai câu đầu là thuần túy tả cảnh, hai câu cuối là thuần túy tả tình. Em không tán thành với ý kiến trên. Vì:
  • Hai câu đầu tiên vừa tả cảnh nhưng vẫn chứa tình, cụ thể như sau: “Đầu giường ánh trăng rọi/ Ngỡ mặt đất phủ sương”: ánh trăng chiếu ở đầu giường cho thấy tác giả phải thao thức, trằn trọc không ngủ được nên mới thấy được ánh trăng rọi, có thể là vì trăng đẹp kì ảo giữa đêm khuya, làm Lý Bạch bâng khuâng, xao xuyến nhớ về quê hương của mình. Như vậy là cảnh trăng đã chứa đựng đầy tâm tình của tác giả.
  • Hai câu sau nghiêng về tả tình nhưng cũng điểm cảnh, cụ thể: “Ngẩng đầu nhìn trăng sáng/ Cúi đầu nhớ cố hương”, đến hai câu thơ này nỗi niềm nhớ quê hương càng trào dâng trong lòng tác giả, khi ánh trăng sáng nỗi nhớ đó càng đậm nét, da diết hơn; song câu thơ vẫn toát lên được vẻ đẹp của vầng trăng sáng vằng vặc giữa đêm thanh.
  • Cảnh và tình trong bài thơ trên có mối quan hệ khăng khít, nhân quả với nhau. Ánh trăng đẹp quá mà tác giả trằn trọc thao thức nhớ quê hương và càng thao thức ngắm trăng lại càng thấy trăng đẹp hơn. Điều này cho thấy trong thơ cảnh và tình gắn bó khăng khít, không thể tách bạch.

Câu 2 (Soạn Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh trang 123-125): Tuy không phải là một bài thơ Đường luật nhưng “Tĩnh dạ tứ” cũng sử dụng phép đối.

a, So sánh về mặt từ loại của các chữ tương ứng ở hai câu cuối để thế nào hiểu là phép đối.

b, Phân tích tác dụng của phép đối ấy trong việc thể hiện tình cảm quê hương của tác giả.

Trả lời:

a, So sánh về mặt từ loại các chữ tương ứng ở hai câu cuối cho thấy hai câu thơ giống nhau:

+ Về mặt từ loại

+ Số lượng chữ trong một câu thơ

+ Về mặt cấu trúc ngữ pháp

 Phân tích tác dụng của phép đối trong việc thể hiện tình cảm quê hương của tác giả: Các động từ: “Cử, vọng, đê, tư” diễn tả cử chỉ kết hợp cùng các tính từ “Minh, cố” thể hiện tâm trạng của nhà thơ; cho thấy hành động liên tiếp của tác giả thể hiện tâm trạng bâng khuâng, nhớ nhung quê hương cồn cào, da diết.

Câu 3: Dựa vào bốn động từ “Nghi” (ngỡ là), “Cử” (ngẩng), “Đê” (cúi), “Tư” (nhớ) để chỉ ra sự thống nhất, liền mạch của suy tư, cảm xúc trong bài thơ.

Trả lời:

Các động từ “ngỡ là, ngẩng, cúi, nhớ” đã diễn đạt được tâm trạng và hành động của tác giả. Từ việc nhìn thấy ánh trăng ngỡ là sương phủ, cho đến ngẩng đầu lên nhìn để xác nhận sự việc ánh trăng đẹp kỳ lạ, sau đó cúi đầu nhớ quê hương. Đây là sự thống nhất, liền mạch của suy tư, cảm xúc trong bài thơ “Tĩnh dạ tứ”.

II. LUYỆN TẬP

Trả lời:

Có người dịch “Tĩnh dạ tứ” thành hai câu thơ:

“Đêm tthu trăng sáng như gương

Lý Bạch ngắm cảnh nhớ thương quê nhà”

So với bài thơ gốc thì lời dịch ở trên không lột tả được hết vẻ đẹp ánh trăng cũng như nỗi nhớ quê hương da diết của tác giả qua những hành động rất cảnh rất tình.