>> Tham khảo: Soạn bài Thánh Gióng trang 15 – Lớp 6 bộ sách Cánh Diều

Câu hỏi và trả lời Phần 1: Chuẩn bị

Câu hỏi 1: Xem lại hướng dẫn nêu trong mục Chuẩn bị ở bài À ơi tay mẹ để vận dụng vào đọc hiểu văn bản này

Trong mục Chuẩn bị bài À ơi tay mẹ có những câu hỏi dưới đây. Chúng ta sẽ liệt kê lại và trả lời cho bài thơ Về thăm mẹ

a.  Khi đọc bài thơ lục bát các em cần chú ý: Bài thơ có được chia khổ không? Gồm bao nhiêu khổ? Mỗi khổ có bao nhiêu dòng? Vần trong bài thơ được gieo như thế nào? Các dòng thơ được ngắt nhịp ra sao?

Trả lời:

– Bài thơ thuộc thể thơ Lục bát: Là thể thơ truyền thống của dân tộc Việt Nam. Mỗi bài thơ có ít nhất hai dòng với số tiếng cố định: dòng 6 tiếng (dòng lục) và dòng 8 tiếng (dòng bát). 

– Bài thơ được chia thành 4 khổ thơ. Khổ 1 – 2- 3: có 4 dòng thơ. Khổ cuối cùng có 2 dòng thơ.

– Cách gieo vần trong bài thơ: Tác giả sử dụng cách gieo vần lưng tức là tiếng thứ sáu của dòng lục gieo vần xuống tiếng thứ sáu của dòng bát, tiếng thứ tám của dòng bát gieo vần xuống tiếng thứ sáu của dòng lục tiếp theo. (đông – không; nhà – ra – òa; rơi – rồi – ngồi; mưa – bừa – hờ; rơm – ươm – nơm; vành – cành – dành; con – hơn – đơn).

– Các dòng thơ được ngắt theo nhịp chẵn 2/2/2 hoặc 4/2 trong câu lục và 4/4 trong câu bát, tạo sự hài hòa, nhịp nhàng cho các cặp lục bát trong bài.

b. Bài thơ viết về ai? Và viết về điều gì?

Trả lời:

– Bài thơ viết về mẹ của tác giả, cụ thể là viết về những cảnh vật, sự vật, hiện tượng diễn ra trong ngôi nhà của mẹ tác giả.

c.  Bài thơ sử dụng các biện pháp nghệ thuật nào? Từ ngữ trong bài thơ có gì độc đáo? Việc sử dụng những từ ngữ và biện pháp nghệ thuật đó đem lại tác dụng ra sao?

Trả lời:

– Bài thơ sử dụng biện pháp nghệ thuật Ẩn dụ: ( Hình ảnh “nón mê và áo tơi”) có tác dụng nói lên sự vất vả, lam lũ, dãi nắng dầm mưa của người mẹ.

– Từ ngữ trong bài thơ giàu tính gợi hình về quê hương ( chum tương, nón mê, áo tơi, đàn gà, cái nơm, trái na), ngoài ra tác giả còn sử dụng nhiều từ láy ( lủn củn, rưng rưng, nghẹn ngào) cách sử dụng từ ngữ như vậy có tác dụng tạo ra âm điệu nhẹ nhàng, sâu lắng như tình cảm ấm áp của người mẹ dành cho người con…

d. Ai là người đang bày tỏ cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ trong bài thơ? Người đó bày tỏ cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ gì?

Trả lời:

– Tác giả (nhân vật trữ tình) đang bày tỏ cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ trong bài thơ.

– Đó là những cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ về những sự vất vả, lam lũ, cô đơn, hiu quạnh mà người mẹ đã trải qua, đã hi sinh, dành dụm cho bản thân mình, từ đó tác giả càng thêm thương nhớ, biết ơn mẹ nhiều hơn.

Câu hỏi 2: Đọc trước bài thơ Về thăm mẹ và tìm hiểu thêm về tác giả Đinh Nam Khương

Trả lời:

– Tác giả Đinh Nam Khương (1948 – 2018)

– Quê quán ở Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội.

– Chức danh: Ông từng là hội viên Hội nhà văn Việt Nam và là Phó chủ tịch hội Đông Y Mỹ Đức, Hà Nội.

– Các tác phẩm chính đã xuất bản:  Nén hương trên mộ người đàn bà (tiểu thuyết) (1992) Và các tập thơ: Phía sau những hạt cát (2001), Đợi chờ gió và trăng (2003), Đá vàng (2005), Trên lối đi thời gian (2007), Thơ tình Đinh Nam Khương (2009), 57 lá bùa mê (2009), Hóa đá trước heo may (2011), Lặng lẽ một dòng sông (2013)

+ Những giải thưởng văn chương:

– Giải A cuộc thi thơ 1981 – 1982 của Báo Văn nghệ

– Tặng thưởng bài thơ hay nhất 1992 của Tạp chí Văn nghệ Quân đội

– Tặng thưởng chùm thơ hay nhất 2001 của Báo Văn nghệ

– Giải B cuộc thi thơ Lục bát 2002 – 2003.

– Bài thơ Về thăm mẹ trích trong tập thơ Mẹ Tuyển 2002. Thuộc thể thơ Lục bát.

Câu hỏi 3:  Hãy tưởng tượng em đang trên đường trở về nhà để gặp lại người thân sau một chuyến đi xa. Cảm xúc, suy nghĩ trong em lúc đó như thế nào?

Trả lời:

Em đang trên đường trở về nhà sau một chuyến đi xa thì em cảm thấy rất nhớ nhà, hồi hộp và nhớ nhung tất cả mọi người trong gia đình, em mong chờ từng phút giây để có thể gặp lại người thân một cách nhanh nhất.

Câu hỏi và trả lời Phần 2: Đọc hiểu

a) Câu hỏi trong quá trình đọc bài thơ

Câu 1: Từ nhan đề bài thơ Về thăm mẹ và tranh minh họa, hãy đoán xem người trong tranh là ai? Tâm trạng của người đó như thế nào?

Trả lời:

– Từ nhan đề bài thơ và tranh minh họa có thể đoán người trong tranh chính là tác giả (người con, nhân vật chữ tình) Tâm trạng của tác giả là đang bồi hồi xúc động, nghẹn ngào khi về thăm nhà vào một chiều đông hiu quạnh mà mẹ không có ở nhà.

Câu 2:  Chú ý thể thơ, chỉ ra vần, nhịp, hình ảnh trong bài thơ.

Trả lời:

– Bài thơ được viết theo thể thơ lục bát, với cách gieo vần lưng, nhịp chẵn rất hài hòa, nhịp nhàng. Bài thơ sử dụng nhiều hình ảnh giàu tính gợi hình về quê hương.

Câu 3: Dấu ba chấm trong dòng thơ ở cuối khổ có tác dụng gì?

Trả lời:

Dấu ba chấm trong dòng thơ ở khổ cuối “Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn…” có tác dụng thể hiện sự nghẹn ngào, tình thương của tác giả trước sự vất vả, hi sinh to lớn của người mẹ, giúp tác giả biểu đạt sự trân trọng, lòng biết ơn của người con dành cho người mẹ mà không thể nói ra bằng lời.

b) Câu hỏi sau khi đọc bài thơ

Câu 1: Bài thơ là lời của ai? Thể hiện cảm xúc về ai? Cảm xúc như thế nào? (Đối chiếu với dự đoán ban đầu của em để xác nhận hoặc điều chỉnh).

Trả lời:

– Bài thơ là lời của tác giả Đinh Nam Khương. Thể hiện cảm xúc dành cho người mẹ nơi quê nhà. Đó là cảm xúc bồi hồi, nghẹn ngào, nhớ thương mẹ khi đã lâu rồi người con mới bất ngờ về thăm mẹ nhưng mẹ lại không có ở nhà. Thông qua những đồ vật giản đơn ở nhà người con lại càng thêm biết ơn sựu hi sinh, chắt chiu, dành dụm mà người mẹ đã dành cho mình.
– Đúng như dự đoán ban đầu của em bài thơ có chút buồn man mác, khung cảnh ngôi nhà bình yên và tĩnh lặng với những đồ vật giản dị quen thuộc, khiến người con mới ở phương xa về càng thêm nỗi nhớ thương và biết ơn mẹ da diết.

Câu 2: Cảnh vật quanh ngôi nhà của người mẹ hiện lên với những hình ảnh nào? Những hình ảnh ấy đã giúp tác giả thể hiện được tình cảm gì?

Trả lời:
– Soạn bài thơ Về thăm mẹ-Cảnh vật ngôi nhà của người mẹ hiện lên với những hình ảnh rất đỗi quen thuộc, đời thường, bình yên và giản dị: là bếp lửa nguội ngắt, là cơn mưa bất chợt, là chum tương, là chiếc nón mê, cái áo tơi mẹ thường dùng, là người rơm, là đàn gà con mới nở, là cái nơm, là trái na mới rụng…
– Những hình ảnh đó rất đơn sơ, mộc mạc mà quen thuộc vô cùng, nó gắn bó với cả tuổi thơ của tác giả, chứng tỏ tác giả chưa từng quên thậm chí còn nhớ như in từng hình ảnh nhỏ nơi căn nhà và chứng tỏ tình yêu sâu đậm của tác giả đối với mẹ và quê nhà.

Câu 3: Xác định biện pháp tu từ ở khổ thơ thứ hai và chỉ ra tác dụng của biện pháp ấy.

Trả lời:
– Ở khổ thơ thứ 2 tác giả đã khéo léo sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ.
– Hình ảnh “nón mê”: chiếc nón đã cũ mèm, rách nát, mốc meo và hình ảnh “Áo tơi lủn củn”: áo mưa làm bằng lá cọ trải qua quá nhiều mưa nắng nay đã mòn mục, chỉ còn ngắn “lủn củn” là hình ảnh ẩn dụ cho sự vất vả, nhọc nhằn, lam lũ mà người mẹ đã trải qua, biết bao năm tháng dãi nắng dầm mưa, lam lũ làm việc ngoài đồng, chắt chiu, dành dụm lo cho người con.

Câu 4: Điều gì làm người con “Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn…”?

Trả lời:
Điều làm người con “Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn…” là:
– Khi nhìn thấy Bếp chưa lên khói – Căn bếp nguội lạnh, chỉ có mình mẹ lủi thủi cô đơn trong căn nhà vắng người con.
– Trời đang yên ổn bỗng òa cơn mưa – Thương và lo cho mẹ đang làm việc ở ngoài đồng bị ướt mưa.
– Chum tương mẹ đã đậy rồi – Cho thấy sự cẩn thận, chăm lo, tảo tần của người mẹ.
– Nón mê rách, áo tơi lủn củn – Thương mẹ lam lũ, vất vả, dãi nắng dầm mưa, dành dụm tất cả cho con chưa một lần sắm sửa, chăm chút cho bản thân mình.
– Cái nơm hỏng vành – Thương mẹ một mình lo cho con, thiếu vắng người đàn ông trụ cột trong gia đình, cái gì cũng đến tay mẹ.
– Trái na cuối vụ mẹ dành cho con – Thể hiện tình thương vô bờ bến của mẹ dành cho con, có gì ngon cũng giành phần cho con mà chưa từng nghĩ cho bản thân mình.

Câu 5: Nhận xét cách gieo vần lục bát trong câu: “Áo tơi qua buổi cày bừa/ Giờ còn lủn củn khoác hờ người rơm”.

Trả lời:
– Cách gieo vần ở câu “Áo tơi qua buổi cày bừa / Giờ còn lủn củn khoác hờ người rơm” là cách gieo vần lưng nghĩa là chữ cuối của câu trên vần với một chữ nằm ở giữa câu dưới. Trong câu này từ “bừa” (từ cuối cùng trong câu lục) vần với từ “hờ” (từ thứ 6 trong câu bát).
– Ngoài ra còn có sự đối xứng hài hòa về thanh ở các tiếng 2 – 4 – 6 là B – T – B (tơi – buổi – bừa trong câu lục) và B – T – B – B (còn – củn – hờ – rơm trong câu bát).

Câu 6: Hình dung và tái hiện lại cảnh người con về thăm ngôi nhà của mẹ trong bài thơ bằng cách vẽ tranh miêu tả hoặc miêu tả bằng lời văn.

Trả lời:
Soạn bài thơ Về thăm mẹ- Đã lâu lắm rồi tôi chưa về thăm mẹ, tôi quyết định sẽ về thăm mẹ mà không báo trước cho mẹ bất ngờ.
Hôm đó là buổi chiều một ngày đông, mưa phùn và lạnh. Tôi bước vào nhà nhưng không thấy mẹ, chắc mẹ vẫn đang ngoài đồng, bếp lửa nguội lạnh chắc mẹ đi làm từ sáng sớm. Tôi thơ thẩn đi lại trong căn nhà, hồi tưởng lại những kỉ niệm cùng mẹ ở đây. Đột nhiên trời đổ cơn mưa rào không báo trước, không biết mẹ đi làm có bị mắc mưa không? May quá chum tương ngoài hiên mẹ đã đậy cẩn thận, đầu hè chiếc áo tơi và cái nón mê của mẹ vẫn treo ở đây, trải qua bao dãi dầu nắng mưa nó đã mốc meo cụt lủn, tôi thấy thương mẹ quá! Ngoài sân đàn gà con mới nở đang chạy lon ton cùng mẹ, cái nơm cạnh bể đã hỏng cả vành, khung cảnh khiến tôi cảm thấy lạnh lẽo, hiu quạnh càng thương mẹ nhiều hơn. Tiếng quả na cuối vụ chín rụng cái “bụp” ở góc vườn phá tan bầu không khí tĩnh lặng của căn nhà, cầm quả na trên tay tôi nghẹn ngào bật khóc, là quả na mẹ để dành cho tôi, vậy mà…
Mọi thứ trong căn nhà vẫn thân quen, mộc mạc, đơn sơ như ngày nào, chỉ có tôi đã rời đi, còn mình mẹ trong căn nhà trống vắng, cổ họng tôi nghẹn đắng, thương mẹ vô cùng, tự nhủ sau này tôi phải về thăm mẹ thường xuyên hơn.