Vội vàng là một trong những quan điểm sống được Xuân Diệu để lại cho thế hệ sau vô cùng ý nghĩa. Phải phân tích Vội vàng ta mới thấy được vì sao nên sống trọn từng phút giây như vậy.

Mở bài 

Xuân Diệu được mệnh danh là ông hoàng thơ tình Việt Nam. Các tác phẩm của ông luôn thể hiện được khát khao mãnh liệt với tình yêu, cuộc đời. Và Vội vàng là một trong những bài thơ thể hiện rõ nét nhất chất thơ của ông. Bài thơ Vội vàng được rút ra từ tập “Thơ thơ” in năm 1938, đó là lời giục giã sống mãnh liệt, là những khám phá mới mẻ về triết lý nhân sinh của cuộc đời. Cùng phân tích Vội vàng để thấy được cái hay, cái độc đáo mà Xuân Diệu đã khai thác. 

Vội vàng mang đến một triết lý sống trọn ý nghĩa

Thân bài phân tích Vội vàng

Mở đầu bài thơ là những khát khao cháy bỏng của nhà thơ. Đó có lẽ là khát vọng táo bạo đến hoang đường khi muốn chiếm hữu những thứ thuộc về tự nhiên:

Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi

Có lẽ vì quá say mê với niềm hạnh phúc của những điều đẹp đẽ đã dẫn đến những khát khao được cho là điên rồ này. Ấy thế nhưng nó lại cho ta thấy niềm đam mê mãnh liệt và khát khao rực cháy của nhà thơ. Dường như đó là niềm khát khao đã ẩn dấu trong con người của tác giả bấy lâu nay mới được dịp bung tỏa. Thế rồi, bức tranh thiên nhiên rực rỡ, vui tươi dần hiện ra:

Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Này đây hoa của đồng nội xanh rì

Này đây lá của cành tơ phơ phất

Của yến anh này đây khúc tình si

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi

Mỗi sáng sớm, thần Vui hằng gõ cửa

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”

Bằng đôi mắt “tình si”, cùng tình yêu tha thiết với cuộc đời, Xuân Diệu đã phát hiện những vẻ đẹp của thiên nhiên, của tạo hóa thật rực rỡ. Đó là bức tranh sống động hội tụ cả hình ảnh, màu sắc và bên trong. Điệp ngữ “này đây” gợi nên sự háo hức, rạo rực của người thi sĩ. Dường như đó là sự tự hào của nhà thơ khi được giới thiệu về vẻ đẹp nơi trần thế. 

Tác giả vui vì những vẻ đẹp của cuộc sống

Những hình ảnh như: ong bướm, hoa cỏ, đồng nội, cành tơ, yến anh đều gợi lên cho ta sức sống mới, là những hình ảnh tươi non của cuộc sống thường nhật. Ấy thế nhưng qua con mắt của nhà thơ – một người có tình yêu cuộc sống mãnh liệt thì những hình ảnh ấy lại trở nên tươi sáng, hấp dẫn chẳng khác xứ sở thiên đường. 

Trong cảm nhận của Xuân Diệu, thiên nhiên luôn mang trong mình vẻ tươi mới. Thế nên sống giữa những điều đẹp đẽ ấy, con người ta lúc nào cũng cảm thấy như được hồi sinh và nhìn vạn vật đều thấy hạnh phúc, vui vẻ. “Mỗi sáng sớm thần Vui hằng gõ cửa” chính là lời khẳng định cho vẻ đẹp đẽ của thiên nhiên ấy. Dường như chỉ cần mở cánh cửa ra là đã có thể chìm đắm trong những gì đẹp nhất. 

Nhưng, đặc sắc nhất vẫn là cách dùng con người để làm thước đo cho chuẩn mực mọi vẽ đẹp “tháng giêng ngon như một cặp môi gần. Trong cảm nhận của Xuân Diệu, mùa xuân tươi ngon, hấp dẫn như cặp môi gần của cô gái đang độ xuân thì. Giờ dây con người đã đứng ở vị trí trung tâm và có thể sánh ngang với những gì đẹp nhất của tạo hóa. 

Đang sung sướng trước vẻ đẹp của tạo hóa, Xuân Diệu vẫn rất tỉnh táo khi nhận ra những thực tế phũ phàng. Thế nên cùng với trái tim rạo rực với tình yêu cuộc sống, trong tâm ông luôn thường trực nỗi lo âu, thấp thỏm trước sự biến chuyển của thời gian:

Tôi sung sướng, nhưng vội vàng một nửa

Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân

Dường như khi càng yêu, càng trân trọng thì người ta càng lo lắng sự mất mát. Xuân Diệu cũng thế, ông chỉ “vội vàng một nửa” và không thể “chờ nắng hạ mới hoài xuân”. Bởi ông biết rằng nếu cứ say sưa tận hưởng những điều đẹp đẽ ấy thì sẽ vô cùng hụt hẫng khi nó đi qua. 

“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua

Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già

Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất

Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật

Không cho dài thời trẻ của nhân gian”

Bằng sự nhạy bén tâm hồn của một người nghệ sĩ, Xuân Diệu đã có thể nhìn thấy ngay những dấu hiệu của sự tàn phai. Xuân đang tới đấy nhưng rồi cũng sẽ qua nhanh thôi. Xuân đang tươi non, đẹp đẽ nhất đấy nhưng sâu bên trong lại ẩn chứa những mầm mống của sự tàn phai, lụi tàn. Và tuổi trẻ cũng vậy “mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất”. “Xuân” trong câu thơ này chính là mùa xuân của tuổi trẻ, tuổi thanh xuân. Tuổi trả một khi trôi qua sẽ chẳng bao giờ trở lại được nữa. 

Phân tích vội vàng
Để tận hưởng trọn vẹn, ta phải chạy đua với thời gian

Ở đây, Xuân Diệu đã nhận ra hiện thực về thời gian rõ nét: tuổi trẻ, mùa xuân vốn đẹp nhưng không phải mãi mãi. Nó đều là những thứ hữu hạn, ngắn ngủi, chỉ như cái chớp mắt thoáng qua. Thế nên để sống ý nghĩa nhất, tận hưởng trọn vẹn mọi vẻ đẹp của đời người, tác giả đã sống một cách “vội vàng”. Chỉ có sống như thế con người ta mới có cơ hội để sống hết mình với cuộc đời. 

“Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,

“Ta muốn ôm

Cả sự sống bắt đầu mơn mởn

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

Và non nước, và cây, và cỏ rạng”

Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng

Cho no nê thanh sắc của thời tươi

Để thể hiện lối sống “vội vàng”, Xuân Diệu đã sử dụng một loạt động từ mạnh như “ôm”, “riết” “say” “thâu” thể hiện khát khao được sống trọn vẹn, được chiếm lĩnh với những vẻ đẹp tươi mới của thiên nhiên. Cùng với lời thúc giục “mau đi thôi”càng làm cho tâm hồn trở nên rạo rực say đắm cùng tác giả. Dường như, tác giả chỉ muốn nhảy ngay vào chặn đứng mọi chuyển động của thời gian để có thể sống một cách đầy đủ nhất. Thế nhưng, chúng ta chẳng thể làm cho thời gian dừng lại, mà chỉ có thể sống thật nhanh, thật nồng nhiệt. Chính điều đó đã khiến tác giả được sống trọn vẹn với tình yêu “và non nước, và cây, và cỏ rạng”, được chếnh choáng trong hương thơm của cây cỏ, đã đầy với ánh sáng và no nên những thanh sắc của thiên nhiên. 

Tất cả những xúc cảm, khát khao ấy được gói trọn trong cả câu cuối bài “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi”. Đó có lẽ là câu thơ đầy táo bạo, mới lạ mà chỉ ở thơ Xuân Diệu mới có được. Ở đây, tác giả sử dụng động từ “cắn” càng làm tăng thêm sự quyến rũ của thiên nhiên. “Xuân hồng” là đại diện cho cái đẹp, cái tinh túy của thiên nhiên và tác giả lại muốn “cắn” như một sự chiếm giữ chẳng thể nào buông bỏ. Đó cũng là khát khao sống hết mình với mùa xuân, với tuổi trẻ mà tác giả hướng tới. 

Kết bài

Quan điểm sống “vội vàng” của Xuân Diệu có lẽ là điều rất nhiều người mong muốn. Nhờ đó, cuộc sống có ý nghĩa hơn, con người ta có thể cháy hết mình với khát khao, với đam mê mà chẳng hề hối tiếc. Bởi quy luật tạo hóa chẳng thể nào thay đổi, nhưng thói quen sống, hưởng thụ là nằm ở chính chúng ta. Để không phải nuối tiếc về sau, sống “vội vàng” có lẽ là lựa chọn không tồi. 

Phân tích Vội vàng ta thấy được sự sâu sắc trong tâm tình của Xuân Diệu. Qua giọng thơ linh hoạt, ngôn từ sáng tạo, ta thấy được sự nhân văn trong thơ ông. Bài thơ là cả một bầu trời tâm tư, cảm xúc, nó thể hiện được niềm khát khao sống, được sống và được yêu.