Mở bài

Nếu trước kia, hình tượng đất nước luôn gắn với trời, với sự thịnh hưng của một triều đại thì ở giai đoạn văn học hiện đại, hình tượng đất nước lại đa chiều và cụ thể hóa hơn rất nhiều. Với tác giả Nguyễn Khoa Điềm, đất nước luôn gắn với nhân dân, với sức mạnh đoàn kết và niềm tự hào lớn lao. Bằng việc phân tích tư tưởng Đất Nước của Nhân dân trong bài thơ “Đất Nước”, ta sẽ hiểu rõ được tư tưởng này của tác giả.

Phân tích tư tưởng Đất Nước của Nhân dân
Tác giả Nguyễn Khoa Điềm

Thân bài

Khái quát tác giả, tác phẩm

Nguyễn Khoa Điềm là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thế hệ trẻ trong kháng chiến chống Mỹ. Không những thế, ông còn có đóng góp to lớn trên cả mặt trận tư tưởng, chính trị của đất nước. Những tác phẩm của ông luôn có âm hưởng dân gian, giản dị và dễ hiểu. Thế nhưng ẩn sau đó là những suy tư, quan niệm sâu sắc về đất nước, cách mạng và nhân dân.

Bài thơ “Đất Nước” là một trích đoạn trong trường ca “Mặt đường khát vọng”, ra đời năm 1971. Đây là thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra vô cùng cam go, ác liệt. Nằm trong chương V của trường ca, đoạn trích thể hiện cái nhìn, cảm nghĩ đa chiều của tác giả về đất nước. Trong đó, tư tưởng Đất Nước của Nhân dân được nhấn mạnh với giọng thơ trữ tình, tha thiết của tác giả.

Phân tích tư tưởng qua từng luận điểm

  • Luận điểm 1: Đất Nước của Nhân dân được thể hiện trong chiều dài thời gian lịch sử

Trước hết, tư tưởng Đất Nước của Nhân dân được thể hiện trong chiều dài thời gian lịch sử. Chiều dài ấy không được tính bằng số liệu cụ thể mà được tính bằng lớp lớp thế hệ đã sống, cống hiến và hi sinh cho bình yên và hạnh phúc của đất nước: 

“Có biết bao người con gái, con trai

Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi

Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”

Phân tích tư tưởng Đất nước của Nhân dân trong chiều dài bốn nghìn năm lịch sử, Nguyễn Khoa điềm không ngợi ca các triều đại với các vĩ nhân mà lại nâng niu, trân trọng những người dân bình thường. Họ đã cùng nhau, đoàn kết đấu tranh để gìn giữ nền độc lập của dân tộc với hàng trăm lần bị xâm lược. Hơn thế, họ còn làm nên những giá trị vật chất, tinh thần truyền lại cho lớp lớp đời sau thông qua những vật bình thường nhất. Đó là “hạt lúa”, biểu tượng cho nền văn minh lúa nước ngàn đời, mang chiều dài văn hóa và lịch sử của dân tộc. Là “ngọn lửa” thắp sáng không chỉ đời sống bình thường mà còn là ngọn lửa của truyền thống yêu nước, đoàn kết, chan chứa tin yêu của người dân Việt Nam. Là “giọng nói” mà dù có bị xâm lược cả nghìn năm với tham vọng đồng hóa của kẻ thù, cha ông ta vẫn gìn giữ đến tận bây giờ. Với giọng điệu tự hào, hình tượng Đất Nước hiện lên vô cùng thiêng liêng nhưng cũng rất đỗi thân thương với nhân dân.

Quan trọng hơn, tác giả còn khắc họa hình tượng Đất Nước của Nhân dân thông qua việc mở mang bờ cõi, viết tiếp những trang sử hào hùng của cha ông. Đó là lịch sử dài rộng, thiêng liêng được viết nên bởi mồ hôi, xương máu của biết bao con người vô danh:

“Ôi đất nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hóa núi sông ta”

Đất Nước, từ lâu đã nằm sâu trong tâm thức của Nhân dân thông qua những câu chuyện kể, những tập tục lâu đời của dân tộc. Đất Nước còn được gây dựng lên từ tổ tiên, từ ông bà, cha mẹ chúng ta, vì thế càng trở nên thiêng liêng hơn tất thảy. 

  • Luận điểm 2: Đất nước của Nhân dân được thể hiện trong chiều rộng của không gian địa lí

Bằng việc trở về “ngày xửa ngày xưa”, tác giả đã nhận thấy hai yếu tố cơ bản hình thành nên Đất Nước đó là “Đất” và “Nước”:

“Đất là nơi anh đến trường

Nước là nơi em tắm

Đất Nước là nơi ta hò hẹn”

Đó là không gian gần gũi, thân thương với mỗi người, gắn với tuổi thơ tươi đẹp nhất. Đất Nước không phải ở đâu xa mà chính là mọi sự vật, con người xung quanh ta, nuôi dưỡng ta không lớn và trưởng thành về cả thể xác lẫn tâm hồn. Đó là không gian rất mơ mộng, ngọt ngào, chất chứa biết bao kỉ niệm và tình yêu làng xóm, gia đình, đôi lứa.

Phân tích tư tưởng Đất Nước của Nhân dân
Với tác gỉa, Nhân dân là những người tạo nên vẻ đẹp của Đất Nước

Đặc biệt, tác giả còn khắc họa Đất Nước chính là không gian sinh sống, lao động của cộng đồng người Việt qua hàng ngàn năm. Nó đã được tạo lập từ buổi sơ khai với những truyền thuyết đậm chất sử thi:

“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu

Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái

Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại

Chín mươi chín con voi góp mình dựng Đất tổ Hùng Vương

Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm

Người học trò nghèo giúp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên.

Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh

Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm”

Phân tích tư tưởng Đất nước của Nhân dân không chỉ làm nên giá trị vật chất, văn hóa, tinh thần, Nhân dân còn chính là những người tạo nên vẻ đẹp cho thiên nhiên Đất Nước. Vẻ đẹp ấy không chỉ là gấm vóc non sông mà còn là kết tinh của vẻ đẹp tâm hồn và truyền thống ngàn đời của dân tộc. Từ đó, tác giả đã khái quát nên nhận thức sâu xa về Đất Nước của Nhân dân:

“Ôi! Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hoá núi sông ta”

  • Luận điểm 3: Đất nước của Nhân dân được thể hiện trong chiều sâu văn hóa

Sau cùng, tác giả Nguyễn Khoa Điềm khẳng định tư tưởng Đất nước của Nhân dân thông qua chiều sâu văn hóa. Tác giả đã khéo léo sử dụng những chất liệu văn hóa dân gian để thể hiện tư tưởng của mình. Những câu ca dao, tục ngữ, những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết, phong tục tập quán được nhà thơ sử dụng rất tài tình:

“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

Cái kèo, cái cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng

Đất Nước có từ ngày đó…”

Chiều dài của một dân tộc được tính bằng chiều dài của lịch sử, văn hóa của dân tộc đó. Ở đây, tác giả đã gợi nhớ về những phong tục lâu đời của người dân Việt Nam: ăn trầu, búi tóc, đặt tên con cái bằng những đồ vật thân thuộc,… Theo đó, những sự tích trầu cau có từ thời vua Hùng, truyền thuyết Thánh Gióng cũng hiện lên rất khéo léo. Những con người bình dị, vô danh cũng góp mình làm nên Đất Nước với những tập tục đáng trân trọng. Cùng với đó, văn hóa lúa nước cũng được nhấn mạnh với giọng điệu rất tự hào.

Kết bài

Phân tích tư tưởng Đất nước của Nhân dân thấy với giọng điệu trữ tình, sử dụng đa dạng chất liệu văn hóa dân gian cùng thể thơ tự do, Nguyễn Khoa Điềm đã khắc họa thành công hình tượng Đất Nước của Nhân dân với những tư tưởng, tình cảm sâu sắc. Không những thế, hình ảnh Nhân dân được nâng lên, trở thành biểu tượng thiêng liêng của Đất Nước, là những người tạo nên, gìn giữ và phát triển Đất Nước tươi đẹp như ngày hôm nay. Đó là những con người bình dị, giản đơn nhưng rất đỗi anh hùng, hi sinh vì dân tộc, quê hương, như Thanh Thảo đã từng ngợi ca:

“Và cứ thế nhân dân thường ít nói

Như mẹ tôi lặng lẽ suốt đời

Và cứ thế nhân dân cao vòi vọi

Hơn cả những ngôi sao cô độc giữa trời”

(Những người đi tới biển)

>> Xem thêm: Phân tích 2 phát hiện của nghệ sĩ Phùng trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa