Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ đã được nhiều học giả phân tích và nhận ra những ý tứ sâu sắc trong đó. Lấy hình tượng người chinh phụ làm biểu tượng cho tất cả phụ nữ trong tình cảnh chờ chồng thời Lê – Mạc đánh nhau, Trịnh – Nguyễn phân tranh. Ở đó, ta thấy được một xã hội đầy sự bất công, nỗi oán ghét chiến tranh phong kiến phi nghĩa đã cướp đi quyền được sống hạnh phúc và khát vọng tình yêu lứa đôi của con người. Cùng phân tích tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ để làm rõ hơn những điều tác giả đã gửi gắm. 

Mở bài

Chinh phụ ngâm là bài thơ được Đặng Trần Côn sáng tác vào khoảng nửa đầu thế kỷ 18. Đây là tác phẩm nổi tiếng của ông được viết bằng chữ Hán và được đông đảo tầng lớp nho sĩ thời đó đồng cảm. Tác phẩm thông qua hình ảnh người chinh phụ để phản ánh cuộc chiến tranh phi nghĩa. Đồng thời đề cao quyền sống và khát vọng tình yêu, hạnh phúc của mỗi con người. 

Đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ nằm trong tác phẩm Chinh phụ ngâm từ câu 193 đến câu 228. Đây là đoạn trích đặc sắc nhất miêu tả sự cô đơn, lẻ loi với những sắc thái và cung bậc khác nhau. Ở đây, người ta thấy được hình bóng người chinh phụ trẻ đang khao khát được yêu, được sống trong hạnh phúc. 

Thân bài phân tích tình cảnh lẻ loi 

  • Luận điểm 1: Nỗi cô đơn của người chinh phụ trong cảnh lẻ loi

Sau khi tiễn đưa chồng, người chinh phụ trở về với căn nhà cũ. Ở đó chất chứa bao kỷ niệm hạnh phúc lứa đôi, nhưng trước mắt nàng lại là viễn tưởng của chiến trường đầy hiểm nguy, chết chóc. Nghĩ đến đấy người chinh phụ không khỏi xót xa, lo lắng cho chồng. Trong phần đầu đoạn trích, dưới ngòi bút sắc sảo của Đặng Trần Côn, tâm trạng rối bời của người chinh phụ được khắc họa rõ nét nhất. 

Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước

Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen

Ngoài rèm thước chẳng mách tin, 

Trong rèm dường đã có đèn biết chăng?

Đèn có biết dường bằng chẳng biết?

Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.

Buồn rầu nói chẳng nên lời,

Hoa đèn kia với bóng người khá thương!

Người chinh phụ sau khi tiễn chồng, lặng lẽ “dạo hiên vắng” mà tâm hồn chất chứa nỗi cô đơn. Với nhịp thơ chậm rãi, dường như tác giả muốn ngưng đọng lại thời gian và cả không gian nữa. Giữa không gian tĩnh mịch ấy, từng bước chân nhẹ như gió vẫn có thể gieo vào lòng người những âm thanh lẻ loi, ai oán. Bước chân ấy dần trở nên nặng trịu bởi nỗi nhớ nhung sầu muộn. Nàng bồn chồn đứng ngồi không yên, nàng lo chồng nơi chiến trận gặp hiểm nguy. Thế nên rèm buông xuống rồi lại cuốn lên, ấy mà “ngoài rèm thước chẳng mách tin” càng làm cho ruột gan rối bời. 

Phân tích tình cảnh lẻ loi
Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ được khắc họa rõ nét qua từng câu chữ

Nỗi cô đơn của nàng càng thêm sâu sắc bởi chẳng có một ai sẻ chia, đồng cảm. Giữa không gian tĩnh mịch ấy chỉ có ngọn đèn bập bùng cháy đối diện với nàng. “Trong rèm dường đã có đèn biết chăng”, cô đơn đến độ nàng tưởng chừng ngọn đèn trở thành tri kỷ của mình. Điều đó thể hiện khao khát có người sẻ chia tâm tình. 

Nhưng rồi, nàng chợt nhận ra ngọn đèn kia chỉ là vật vô tri vô giác. Đối diện với ngọn đèn chong suốt năm canh thâu, nàng nghĩ đến phận mình chẳng khác nào ngọn đèn ấy. Trong lòng nang bỗng rưng rưng nỗi thương thân tủi phận “hoa đèn kia với bóng người khá thương”. Nàng thấy mình và ngọn đèn chẳng khác gì nhau, đều cô đơn chẳng có ai san sẻ. 

Cảm giác cô đơn, lẻ loi của người chinh phụ được thể hiện ở mọi mặt, từ không gian đến thời gian, lúc nào nàng cũng cảm thấy lẻ loi. 

Gà eo óc gáy sương năm trống

Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên. 

Khắc giờ đằng đẵng như niên,

Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa. 

Nỗi cô đơn của người chinh phụ triền miên từ ngày sang đêm, luôn đeo đẳng, ám ánh khôn nguôi. Tiếng gà gáy buổi sớm tinh mơ vốn mang sự thanh bình, nhẹ nhàng. Ấy nhưng với người chinh phụ, tiếng “gà eo óc” càng làm tăng thêm vẻ tĩnh mịch, vắng lặng. Ngay cả những cây hòe trước cửa cũng trở nên “phất phơ” rủ bóng bốn bên gợi nên sự buồn bã, u sầu. 

Sự cô đơn khiến nàng cảm thấy nhỏ bé, thời gian như ngừng trôi, một khắc dài tựa cả năm. Mối sầu ấy kéo dài mãi, chẳng thấy có hồi dứt. Càng đi sâu, ta càng thấy nỗi ai oán, cô đơn khắc khoải trong lòng. Dù tác giả chẳng nhắc đến hai chữ chiến tranh, thế nhưng trong từng câu chữ ta thấy được nó hiển hiện rõ nét. 

Hương gượng đốt hồn đà mê mải

Gương gượng soi lệ lại châu chan.

Sắt cầm gượng gảy ngón đàn,

Dây uyên kinh đứt, phím loan ngại ngùng. 

Để thoát khỏi nỗi cô đơn đáng sợ ấy, người chinh phụ đã cố gắng tìm mọi cách nhưng không thể thoát ra được. Dù đau buồn, nhưng nàng vẫn gắng gượng “soi lệ lại châu nhan” và “gảy ngón đàn” cho khuây khỏa. Nhưng sao càng làm nàng lại cảm cảm thấy tuyệt vọng và buồn chán. Chạm đến đâu cũng cảm thấy đau nhói trong tim. Làm gì cũng chỉ là “gượng” chứ chẳng phải cam tâm tình nguyện. 

Nỗi cô đơn của người chinh phụ thể hiện ở mọi hành động, cử chỉ

Thế nên khi “hương gượng đốt” lại đưa hồn nàng chìm đắm vào nỗi thấp thỏm, lo âu. “Gương gượng soi” càng làm nàng không cầm được nước mắt bởi hình bóng chồng đã in sâu vào tấm gương ấy. Đó cũng chính là sự phản chiếu về hình ảnh xuân sắc của nàng đang ngày một tàn phai. Đến cả gảy khúc đàn loan lượng sum vầy cũng khiến nàng chạnh lòng bởi giờ đây vợ chồng đang chia đôi ngả. Và những dự ảm chẳng lành lại ập đến “dây uyên kinh đứt, phím loan ngại chùng”. 

Ở đoạn này, tác giả sử dụng nhiều hình ảnh ước lệ tượng trưng cho tình yêu nam nữ như “sắt cầm” “uyên ương” “loan phụng”. Những hình ảnh ấy giờ đây đều trở nên vô nghĩa bởi vợ chồng xa cách. Thế nên người chinh phụ chẳng dám đụng tới thứ gì, vì đâu đâu cũng có hình bóng của chồng. Điều ấy càng làm nàng cảm thấy chông chênh, chới với giữa cuộc đời. 

  • Luận điểm 2: Phân tích tình cảnh lẻ loi – nỗi nhớ thương chồng ở phương xa

Nỗi nhớ của người chinh phụ càng lớn lại càng khiến tâm can quặn thắt đến tuyệt vọng. Giờ đây, nàng chỉ còn biết gửi nỗi nhớ thương chồng nơi phương xa theo ngọn gió. 

Lòng này gửi gió đông có tiện?

Nghìn vàng xin gửi đến non Yên.

Vượt qua sự bế tắc, day dứt vì nỗi cô đơn, người chinh phụ đã nhờ ngọn gió đông để gửi lòng mình tới người chồng nơi chiến trận xa xôi. Nàng biết rằng, ở nơi phương xa ấy, người chồng của mình chắc chắn cũng đang ngày đêm nhung nhớ mái ấm gia đình như nàng vậy. 

Non Yên dù chẳng tới miền,

Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời

Ở đây, tác giả đã miêu tả sự xa cách nghìn trùng ở hai đầu nỗi nhớ bằng cách so sánh với vũ trụ vô biên. Dường như chẳng có gì có thể sánh được nỗi nhớ ấy, chỉ có sự bất tận, bao la, vô định như “đường lên bằng trời” mới sánh được điều ấy. Nỗi nhớ ấy “thăm thẳm” chẳng thấy điểm dừng. Cách bộc lộ tâm trạng trực tiếp của người chinh phụ là một sự mới mẻ, nhưng đó cũng càng làm cho nỗi nhớ ấy trở nên đặc biệt hơn. 

Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu

Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong

Chỉ hai câu thơ thôi mà tác giả tạo nên cảm giác xót xa, cay đắng. Đất trời thăm thẳm, bao la bát ngát liệu rằng có thấy được nỗi đau nàng đang phải ngày đêm chịu đựng. Liệu nỗi đau giày vò thể xác lẫn tinh thần của người chinh phụ có được trời xanh thấu không. Thế nên, nỗi đau ấy càng xoáy sâu vào tim, nó là nỗi nhớ “đau đáu” chẳng thể nào nguôi ngoai. 

Cảnh buồn người thiết tha lòng, 

Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun

Sự cô đơn, lẻ loi của người chinh phụ dường như làm cho cảnh vật càng thêm u sầu ảm đạm. Giống như Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Ở đây, Đặng Trần Côn đã cho ta thấy được sự đồng điệu giữa con người và cảnh vật. Điều ấy làm cho nỗi sầu thương càng da diết bất tận hơn. Cảnh vật qua đôi mắt đẫm lệ buồn thương của người chinh phụ đã trở thành tâm cảnh, buồn vui theo tâm hồn người chinh phụ. 

Tâm trạng buồn thương của người chinh phụ ảnh hưởng tới cảnh vật xung quanh

Chỉ là những giọt sương đọng trên cành cây, tiếng mưa rả rích trong đêm như xé toạc tim gan của nàng. Tình cảnh ấy gợi lên trong lòng nàng biết bao sóng gió, bao nỗi đoạn trường. Cảnh vật ấy như nói lên bi kịch của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa cũ. Nỗi buồn, nỗi cô đơn cứ thế chất chứa, vây quanh người chinh phụ chẳng thể nào hóa giải.

Thời gian cứ lặng lẽ trôi, nỗi nhớ cứ âm thầm len lỏi trong tâm. Nhưng dù buồn tủi, cô đơn đến đâu, người chinh phụ lại phải quay về với cuộc sống nghiệt ngã của mình. Thiên nhiên đã ngày càng lạnh lẽo như truyền sâu vào tâm hồn cô đơn ấy:

Sương như búa, bổ mòn gốc liễu

Tuyết dường cưa, xẻ héo cành ngô.

Giọt sương phủ bụi chim gù,

Sâu tường kêu vẳng, chuông chùa nện khơi

Thời gian chờ đợi có sức tàn phá thật ghê gớm. Ở đây, tác giả đã dùng hình tượng thiên nhiên để miêu tả mức độ tàn phá của nỗi nhớ đã ăn mòn tâm hồn người chinh phụ trẻ. “Sương” “tuyết” đều là những cảnh vật thật mong manh. Ấy thế nhưng ở đây nó có sức mạnh như búa, như cưa “bổ mòn gốc liễu” “xẻ héo cành ngô”. Chỉ từng ấy thôi đủ để thấy sự cô đơn có sức tàn phá sâu sắc như thế nào.  

Dù thấm thía được sức tàn phá ghê gớm của thời gian chờ đợi, nhưng ở đây tác giả vẫn để lại cho người chinh phụ một lối thoát. Dường như nàng chỉ mới thất vọng chứ chưa tuyệt vọng “Sâu tường kêu vắng chuông chùa nện khơi”. Đâu đó, nàng vẫn còn thấy được những tia hy vọng về tương lai, về những điều hạnh phúc. 

  • Luận điểm 3: Khao khát hạnh phúc lứa đôi

Đi qua những nỗi đau, nỗi buồn tủi, sâu trong lòng người chinh phụ ta nhận thấy niềm khao khát hạnh phúc mãnh liệt. 

Vài tiếng dế nguyệt soi trước ốc,

Một hàng tiêu gió thốc ngoài hiên.

Lá màn lay ngọn gió xuyên,

Bóng hoa theo bóng nguyệt lên trước rèm.

Hoa dãi nguyệt, nguyệt in một tấm,

Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông.

Nguyệt hoa, hoa nguyệt trùng trùng,

Trước hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đau!

Để làm rõ nỗi cô đơn của người chinh phụ, ở đoạn này tác giả khai thác từ tình đến cảnh rồi cảnh từ cảnh đến tình tạo nên vòng tròn luân hồi. Bằng cách sử dụng động từ mạnh, tác giả cũng làm nổi bật lên tâm trạng của người chinh phụ. Thay vì “thổi”, tác giả sử dụng “thốc” như tiếng gió của vũ bão tác động mạnh vào tâm can. Đang ở hình ảnh dữ dội, tác giả chuyển ngay sang khung cảnh thật nhẹ nhàng với gió “lay ngọn gió xuyên”. 

Đặc biệt, ở đây tác giả đã làm nổi bật khát khao hạnh phúc của người chinh phụ thông hoa hình ảnh hoa – nguyệt giao hòa. “hoa” “nguyệt” là những hình ảnh đại diện cho tình yêu, cho hạnh phúc lứa đôi. Nó khiến lòng người rạo rực, khát khao niềm yêu, niềm hạnh phúc. Kết hợp cùng với những động từ “dãi” “lồng” thể hiện sự quấn quýt, gần gũi mà vẫn hết sức tế nhị. 

Ở đoạn này, tác giả đã lựa chọn từ ngữ rất đắt. Đặc biệt trong đó những tính từ láy được dùng hết sức tinh tế “eo óc” “phất phơ” “đằng đẵng” “dằng dặc” “đau đáu”,… Đoạn thơ với nhịp điệu trầm bổng, du dương giống như cảm xúc dào dạt trong tâm trạng của người chinh phụ. Nỗi khát khao hạnh phúc đó được thể hiện ở nỗi nhớ thương triền miên, rồi lại lo lắng trông mong, hy vọng rồi lại tuyệt vọng,… Trong tình cảnh lẻ loi đơn chiếc ấy, người ta thấy được sự mong mỏi về tương lai hạnh phúc, cuộc sống đoàn tụ của người chinh phụ. 

Lời kết

Phân tích tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ ta thấy được sự tài tình của Đặng Trần Côn trong việc miêu tả tâm lý của người phụ nữ xa chồng. Trong đó tâm lý được diễn biến phong phú với đầy đủ cung bậc tình cảm, từ dịu dàng rồi lại dữ dội. 

Thông qua tình cảnh lẻ loi và khát khao được sống hạnh phúc của người chinh phụ, ta thấy được thái độ bất bình đối với thời cuộc của tác giả. Ở đó tác giả đã đề cao hạnh phúc lứa đôi, và tư tưởng đòi quyền sống, quyền hạnh phúc được lồng ghép khéo léo trong đó.