Bài mẫu phân tích

Trong thời kỳ đất nước loạn lạc, đã có không biết bao nhiêu cảnh mất mát, chia ly diễn ra, điều này được ghi lại trong lịch sử và phản ánh cả qua văn học. Sống vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVIII, Đặng Trần Côn nổi tiếng là người tài cao học rộng, là tác giả của một số bài phú, thơ chữ Hán. Chứng kiến và đồng cảm sâu sắc cảnh chia ly đầy lưu luyến, bi thương của người phụ nữ với chồng mình, ông viết nên Chinh phụ ngâm, nổi bật trong đó là đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ. Đưa những con chữ của Đặng Trần Côn đến gần hơn với người đọc là dịch giả Đoàn Thị Điểm, một nữ sĩ tài năng không kém. Hãy cùng phân tích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ để thấy rõ tâm trạng, nỗi niềm của người phụ nữ khi có gia đình nhưng không được sống bên cạnh họ.

Phân tích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ
Phân tích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ
  • Luận điểm 1: Nỗi cô đơn, lẻ loi của người chinh phụ đang ngày đêm ngóng đợi tin chồng nơi chiến trận 

“Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước, 

Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.

Ngoài rèm thước chẳng mách tin,

Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng?

Đèn có biết dường bằng chẳng biết,

Lòng thiếp riêng bi thiếp mà thôi.

Buồn rầu chẳng nói nên lời,

Hoa đèn kia với bóng người khá thương.”

“Dạo hiên vắng” trong câu thơ đầu không phải là một hành động “thưởng hoa vọng nguyệt” mà là sự đi đi lại lại trong mái hiên của ngôi nhà thể hiện qua cụm từ “thầm gieo từng bước”. Hết đi rồi lại ngồi, người phụ nữ buông rèm và kéo rèm không biết bao nhiêu lần. Qua những cử chỉ lặp đi lặp lại một cách vô thức, không có mục đích này, tác giả muốn nhấn mạnh tâm trạng thẫn thờ, bất định của nhân vật.

Bên cạnh đó việc sử dụng các từ “vắng”, “thưa” gợi nên sự vắng lặng của không gian đồng thời cũng là sự trống vắng trong lòng người chinh phụ, chỉ có duy nhất một điều trĩu nặng là nỗi u buồn. Cô âm thầm chịu đựng, âm thầm lẻ loi và cô đơn trong căn nhà đáng lẽ phải có bóng dáng của người chồng, người mà cô đang mãi hoài trông đợi. Khi ngày cô mong chờ âm thanh của chim thước, là loài chim khách báo tin lành đồng nghĩa với việc chồng cô bình an và chuẩn bị trở về thế nhưng “thước chẳng mách tin”, chồng cô phương xa vẫn bặt âm vô tín. Khi đêm người chinh phụ thao thức cùng ngọn đèn vì không thể chợp mắt, sợ nhỡ đâu chồng mình về mà nàng không hay, nàng tìm kiếm một điều gì đó có thể bầu bạn, san sẻ cùng mình thế nhưng “đèn chẳng biết”, “lòng thiếp riêng bi thiết”.

Người chinh phụ tiễn chồng ra chiến trận 
Người chinh phụ tiễn chồng ra chiến trận

Bằng cách sử dụng điệp ngữ bắc cầu “đèn biết chăng – đèn chẳng biết” và câu hỏi tu từ “đèn biết chăng – đèn có biết”, Đặng Trần Côn đã cho người đọc cảm nhận được tâm trạng day dứt, khắc khoải khôn nguôi của người chinh phụ. Điệp từ “biết” cộng với việc láy vần “iết” làm cho âm điệu của câu thơ trở nên da diết hơn bao giờ hết, thể hiện sự chờ đợi dai dẳng trong vô vọng. Nếu trong bài ca dao Khăn thương nhớ ai ngọn đèn xuất hiện như một tri âm tri kỷ của người phụ nữ thì ngọn đèn ở đây lại lay lắt, vô tri cứa sâu thêm nỗi đau trong lòng người chinh phụ. Hình ảnh so sánh kết lại tám câu thơ đầu thêm tô rõ sự cô độc đầy thương tâm của một kiếp người lận đận “hoa đèn”, “bóng người”. Hoa đèn là đầu bấc của ngọn đèn, sau một hồi cháy cũng trở thành như than, hình ảnh này giống với tình cảnh của người phụ nữ lúc bấy giờ rằng ngày đêm đau đáu hết lòng chờ chồng nhưng cuối cùng nhận lại là sự cô đơn, trống trải. Con người bây giờ chỉ còn lại là một chiếc bóng “bóng người” trống trải, vô hồn, là hiện thân của kiếp hoa đèn tàn lụi. 

  • Luận điểm 2: Tâm trạng trống vắng, buồn tủi của người phụ nữ qua khung cảnh thiên nhiên và thái độ cảm thông, chia sẻ của tác giả

Sự ngóng đợi, nhớ thương chồng của người chinh phụ không chỉ phủ lấp hết không gian chật hẹp nơi hiên vắng, phòng lạnh mà còn bao trùm cả thiên nhiên cảnh vật bên ngoài, để nó hiện lên thật khác thường, hoen úa:

“Gà eo óc gáy sương năm trống,

Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên.

Khắc giờ đằng đẵng như niên,

Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa.

Hương gượng đốt hồn đà mê mải,

Gương gượng soi lệ lại châu chan.

Sắt cầm gượng gảy ngón đàn,

Dây uyên kinh đứt phím loan ngại ngùng.”

Phân tích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ để thấy sự cô đơn, trống vắng bủa vây người chinh phụ
Phân tích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ để thấy sự cô đơn, trống vắng bủa vây người chinh phụ

“Gà gáy”, “sương”, “hòe” là những hình ảnh đẹp đẽ bình dị của làng quê Việt Nam nhưng ở đây chúng hiện lên với nỗi u buồn cực độ, không nói “gà gáy eo óc” hay “hòe rủ phất phơ” như cách thông thường, tác giả dùng biện pháp đảo ngữ nhằm nhấn mạnh vẻ hoang vu, nhuốm màu tang tóc, vô cảm của sự sống, cảnh vật bên ngoài, tất cả đều bất định và khó nắm bắt. Dưới con mắt cô đơn, trống trải của người chinh phụ, những gì vốn yên bình êm ả nay trở nên thật khác thường theo chiều hướng tiêu cực, sự hoang vắng này đã trở thành nỗi sợ hãi, ám ảnh khôn cùng.

Qua đây có thể nói rằng Đặng Trần Côn đã tả cảnh ngụ tình một cách vô cùng hiệu quả. Không chỉ có không gian trở nên xa lạ, thời gian lúc bấy giờ dường như cũng vận hành theo một quỹ đạo khác. Một giờ trôi qua mà tưởng như một năm để nỗi sầu nhớ theo đó trở nên dài dằng dặc, miên man không dứt. Biện pháp so sánh kết hợp với các từ láy giàu tính gợi hình gợi cảm “đằng đẵng”, “dằng dặc” đã cực tả thành công nỗi cô đơn tột cùng tột độ trong lòng người phụ nữ chờ tin chồng, nó tỷ lệ thuận với mỗi một giây, một phút thời gian trôi qua. Cô đơn, trống vắng là thế nhưng vẫn phải sống để chờ đợi ngày được gặp lại người mình thương yêu vì vậy mà mọi hành động của người chinh phụ chỉ là sự gắng gượng, tự gò ép bản thân, thể hiện qua điệp từ “gượng”.

Ở người phụ nữ lúc này có sự mâu thuẫn giữa lí trí và tình cảm, cô đốt hương để tìm chút bình yên thanh thản nhưng tình cảm lại mê man để rồi đẩy đưa suy nghĩ theo những điều viển vông chẳng lành. Soi gương để trau chuốt lại vẻ ngoài nhưng chỉ thấy hiện trong đó là gương mặt khổ đau đầm đìa nước mắt. Bất lực cô tìm đến âm thanh của đàn, mong có thể ôn lại những kỉ niệm đẹp đã có cùng chồng nhưng lại lo lắng có điềm gở. Qua tất cả những chi tiết này ta không chỉ thấy được sự cô đơn, nhớ nhung đến ngẩn ngơ, buồn sầu đến mê sảng nơi người chinh phụ mà còn thấy ở nàng niềm khát khao hạnh phúc, mong muốn được ở bên cạnh người mình yêu thương. 

  • Luận điểm 3: Nỗi nhớ của người chinh phụ

Nếu ở mười sáu câu đầu tác giả cho chúng ta thấm thía sự cô đơn, buồn tủi triền miên của người chinh phụ thì ở tám câu cuối này ông dường như để người đọc ngụp lặn trong nỗi nhớ thương khôn xiết của nàng:

“Lòng này gửi gió đông có tiện?

Nghìn vàng xin gửi đến non Yên.

Non Yên dù chẳng tới miền,

Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời.

Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu,

Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong.

Cảnh buồn người thiết tha lòng,

Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun.”

Nàng nhớ thương chồng nơi biên ải xa xôi
Nàng nhớ thương chồng nơi biên ải xa xôi

Hình ảnh “gió đông” ở đây là ngọn gió mùa xuân, nó mang theo hơi ấm và sự sống còn “nghìn vàng” tượng trưng cho tấm lòng son sắt, thủy chung của người vợ đối với chồng đồng thời nó cũng chứa đựng bao buồn tủi, cô đơn, lo lắng, hy vọng rồi thất vọng của nàng. “Non yên” là một điển tích chỉ nơi biên ải xa xôi, người chinh phụ mong gió xuân có thể gửi gắm nỗi nhớ thương của nàng đến với chồng, để người thấu hiểu và nhanh chóng trở về. Bằng thủ pháp điệp liên hoàn “non Yên – non Yên”, “trời – trời” tác giả đã làm rõ nét khoảng cách xa xôi, trắc trở giữa hai người vốn trong cùng một gia đình.

Từ láy “thăm thẳm” gợi nên độ dài của thời gian, độ rộng của không gian và cả độ sâu của nỗi nhớ, cộng thêm từ “đau đáu” sau đó đã tạo nên được một hiện thực cụ thể của nỗi lòng thương nhớ nặng nề. Cảnh thiên nhiên trong hai câu thơ cuối đoạn trích gợi nên sự buốt giá khôn tả trong tâm hồn người phụ nữ, một nỗi buồn ảo não triền miên. Tám câu thơ đã đặc tả nỗi nhớ thương và khát khao có được sự đồng cảm từ người chinh phu nơi biên ải của người phụ nữ một cách thành công và đau lòng, cho người đọc những cảm xúc khó nói nên lời. 

Phân tích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ giúp ta hiểu được những nỗi lòng, tâm tư của người phụ nữ sau cuộc chia ly với người mình thương yêu, vô vàn cảm xúc ấy đã được Đặng Trần Côn diễn đạt vô cùng khéo léo, dễ dàng đi sâu vào lòng người. Tác phẩm cũng gián tiếp lên án chiến tranh phi nghĩa đồng thời thể hiện sự đồng cảm của tác giả đối với nỗi niềm, khao khát hạnh phúc lứa đôi của người phụ nữ trong thời kỳ loạn lạc.