Bài mẫu Phân tích tác phẩm dế mèn phiêu lưu ký

Mở bài

Dế mèn phiêu lưu ký là một trong những tác phẩm thiếu nhi đặc sắc, nổi tiếng được trẻ em Việt Nam yêu thích. Đây là tác phẩm xuất sắc do nhà văn Tô Hoài thực hiện. Tô Hoài là nhà văn tiêu biểu cho những nhà văn xuất sắc của Việt Nam. Từ khi còn trẻ, Tô Hoài đã là người rất có chí, cuộc đời ông khá vất vả, vật lộn với cuộc sống mưu sinh từ khi còn bé. Có thể nói con đường nào ông cũng trải qua, thử thách cuộc sống đã tạo nên một Tô Hoài như ngày hôm nay. Trong đó tác phẩm Dế Mèn Phiêu Lưu Ký là tác phẩm văn xuôi hiện thực được chú ý và gây tiếng vang ngay lần đầu tiên khi ra mắt. Trong đó, đoạn trích “ Bài học đường đời đầu tiên” đưa vào giảng dạy là đoạn trích nổi trội nhất, có ý nghĩa giáo dục cao cả.

Phân tích tác phẩm dế mèn phiêu lưu ký

Thân bài

Luận điểm 1: Miêu tả ngoại hình và hạnh động của dế mèn

Phân tích tác phẩm dế mèn phiêu lưu ký – Tô Hoài lựa chọn nhân vật dế mèn để tạo nên một tác phẩm sinh động thú vị, không chỉ người lớn mà ngay cả trẻ nhỏ cũng thích thú và bị thu hút. Dế Mèn là một cậu chàng rất đỏm dáng, phổng phao và khá đẹp theo như lời miêu tả của Tô Hoài.

“Đôi càng tôi mẫm bóng. Những cái vuốt ở chân, ở khoeo cứ cứng dần và nhọn hoắt.” đây đều là biểu hiện của một thanh niên cường tráng, khỏe mạnh. Sở dĩ dế có được ngoại hình như vậy cũng là do “Bởi tôi ăn uống điều độ và làm việc có chừng mực nên tôi chóng lớn lắm” . Một lí do rất hay, rất đúng trong trường hợp nay. Muốn có sức khỏe thì phải chịu khó luyện tập, ăn uống điều độ. Dường như dế mèn rất ý thức được điều này nên cậu chàng thực hiện việc  ăn uống, làm việc rất khoa học. Có lẽ đây là chi tiết rất đắt giá mà chúng ta học được qua hình ảnh dế mèn. Cuộc sống ngày càng bận rộn, con người dường như mải mê công việc mà quên đi việc sống sao cho khoa học, hợp lý để duy trì được sức khỏe và sắc vóc.

Vẻ đẹp của dế được Tô Hoài miêu tả rất kỹ. Với thói quen ăn uống làm việc điều độ, dế càng ngày càng đẹp và khỏe khoắn. Đặc biệt là đôi cánh ngày nào ngắn cũn giờ đây nó đã dài xuống tận chấm đuôi “Mỗi khi tôi vũ lên, đã nghe tiếng phành phạch giòn giã” . Ấn tượng hơn cả là mỗi khi dế mèn đi bộ là rung rinh một màu nâu  bóng mỡ, có thể soi gương được, nhìn trông rất ưa nhìn. Riêng phần đầu dế được Tô Hoài miêu tả rất bướng – có lẽ đây chính là tính cách của một chàng thành niên tự thấy bản thân đẹp và khá cao ngạo. Và nổi bật thêm là hai cái răng đen nhánh lúc nào cũng ngoàm ngoạp như hai cái lưỡi liềm.

Về dáng đi, Tô Hoài miêu tả dế có dáng đi khá oai vệ “Mỗi bước đi, tôi làm điệu dún dẩy các khoeo chân, rung lên rung xuống hai chiếc râu. Cho ra kiểu cách con nhà võ.”. Có lẽ với vẻ ngoài khỏe khắn, rắn rỏi, cường tráng chúng ta có thể hình dung đây là một anh dế mèn vô cùng mạnh mẽ, có chút ngông cuồng và có vẻ ngoài khá ưa nhìn.

Bên cạnh tả dáng vẻ của dế mèn chúng ta thấy những hành động đi kèm như “đạp phành phạch” hay “ trịnh trọng khoan thai đưa tay lên vuốt râu”… cho thấy sự tinh tế trong miêu tả của Tô Hoài. Đó là sự kết hợp giữa hình ảnh và hành động để bộc lộ vẻ đẹp sống động, cường tráng và tâm tính của một chú dế mới lớn, mới được bố mẹ cho phép sống tự do. Vẻ đẹp và hành động của dế mèn thoạt vừa có chút kiêu căng, điệu bộ, vừa có chút khờ khạo, sự hiếu động của một thanh niên mới lớn.

Có thể nói đoạn văn miêu tả dế mèn không dài nhưng khá đặc sắc và độc đáo. Nó góp phần rất lớn vào việc khắc họa hình ảnh chàng dế có vẻ đẹp cường tráng, đầy kiêu ngạo, tự phụ. Tác giả sử dụng nhiều tính từ rất hay và lạ: “mẫm bóng, hủn hoẳn,dài bóng mỡ…” cùng với những động từ “ ngoàm ngoạp” tạo nên hình ảnh dế mèn rất sinh động.

Luận điểm 2: Tính cách dế mèn – Phân tích tác phẩm dế mèn phiêu lưu ký

Phân tích tác phẩm dế mèn phiêu lưu ký -Thông qua việc miêu tả hình ảnh vẻ ngoài của dế, Tô Hoài đã khéo léo lồng vào đó những hành động thể hiện tính cách của dế mèn. Đằng sau vẻ đẹp của dế là một chàng thanh niên rất tự phụ. Với hành động đi lại oai vệ, lâu lâu vuốt râu và cho rằng mình có thể sắp đứng đầu thiên hạ rồi, thậm chí còn: “Dám cà khịa với tất cả mọi bà con trong xóm. Khi tôi to tiếng thì ai cũng nhịn, không ai đáp lại. Bởi vì quanh quẩn, ai cũng quen thuộc mình cả.” Tuổi trẻ đúng là “chiếc chiếu mới chưa trải” nên dế mèn rất hung hăng, luôn cho rằng mọi người sợ mình. Thậm chí dế còn táo tợn hơn khi quát chị Cào Cào ngoài đầu bờ và tự hào khi “các chị phải núp khuôn mặt trái xoan dưới nhánh cỏ, chỉ dám đưa mắt lên nhìn trộm”. Đối với hàng xóm xung quanh thay vì thân thiết Dế ta lại càng tỏ vẻ oai hùng, kiêu ngạo hung hăng khi trêu cả anh Gọng Vó khi anh đang làm việc.

Với bản tính của mình người đọc có thể hình dung ra được Dế sẽ có ngày “gieo gió ắt gặp bão” . Bởi vì sự hung hăng ấy chắc chắn sẽ để lại hậu quả khôn lường. Và điều đó không hề sai. Bài học đắt giá đầu đời do chính dế kể lại ở ngôi thứ nhất “Tôi” đã khiến Dế tỉnh ngộ, nhận ra sự sai lầm của mình.

Luận điểm 3: Thái độ của dế mèn đối với dế choắt

Sự tỉnh ngộ của dế có liên quan mạnh mẽ đến anh chàng dế choắt. Khác với dế mèn, dế choắt vô cùng ốm yếu gầy gòm. Tuy cùng xóm cùng tuổi nhưng thua dế mèn về ngoại hình nên dế mèn rât trịnh thượng,coi thường dế choắt.

“Cái chàng Dế Choắt, người gầy gò và dài lêu nghêu như một gã nghiện thuốc phiện. Đã thanh niên rồi mà cánh chỉ ngắn củn đến giữa lưng, hở cả mạng sườn như người cởi trần mặc áo gi-lê. Đôi càng bè bè, nặng nề, trông đến xấu. Râu ria gì mà cụt có một mẩu và mặt mũi thì lúc nào cũng ngẩn ngẩn ngơ ngơ.” Tô Hoài đã vẽ lên một bức chân dung về anh dế choắt thực sự rất yếu và kém sức sống, rất hợp với cái tên dế choắt.  Sở dĩ anh có ngoại hình như vậy vì từ bé anh dế choắt đã vô cùng ốm yếu. Anh rất hay bị dế mèn bắt nạt coi khinh vì thói ăn xổi ở thì, ở dơ bẩn. Nhưng nguyên nhân sâu sa là do quá yếu nên dế choắt k thể làm mọi việc tốt hơn được. Mà lúc này đây, dế mèn đâu có chịu hiểu, vẫn coi khinh và tự phụ.

Đặc biệt cách xưng hô “chú mày” với dế choắt cho thấy dế mèn thực sự quá coi khinh dế choắt rồi. Chưa kể, một sự dự đoán về tương lai mà không ai ngờ được “Sao chú mày sinh sống cẩu thả quá như thế! Nhà cửa đâu mà tuềnh toàng. Ngộ có kẻ nào phá thì thật chú chết ngay đuôi! Này thử xem: khi chú chui vào tổ, lưng chú phải lồm cồm đụng sát lên tận mặt đất, làm cho ai trên vệ cỏ nhìn sang cũng biết chú đương đi đứng chỗ nào trong tổ. Phỏng thử có thằng chim Cắt nó nhòm thấy, nó tưởng mồi, nó mổ một phát, nhất định trúng giữa lưng chú, thì chú có mà đi đời! Ôi thôi, chú mày ơi! Chú mày có lớn mà chẳng có khôn.”

Biết việc nhà cửa mình không an toàn, dế choắt có xin dế mèn cho đào lỗ thông qua nhà dế mèn để phòng khi bất trắc. Nhưng dế mèn đã gạt ngay. Hức! Thông ngách sang nhà ta? Dễ nghe nhỉ. Có thể nói đây là một sự ích kỉ nông cạn và là hậu quả của chính dế mèn gây ra sau này. Đó chính là nỗi ân hận mà có lẽ cả đời dế mèn không bao giờ quên.

Luận điểm 4: Diễn biến tâm lí của dế mèn khi trêu chị Cốc khiến dế choắt chết

Để thể hiện sự ngông cuồng của mình, dế mèn dám trêu chị Cốc. Lý do đầu tiên dế mèn trêu là do thể hiện sự ngông cuồng không sợ ai của mình, muốn thể hiện cho dế choắt biết mình là số 1, chỉ có mọi người sợ dế mèn còn dế mèn không sợ ai. Đây là tâm lí rất bình thường của một chàng trai mới lớn chưa bước ra đời, giống như ếch ngồi đáy giếng.

Trò đùa để thể hiện bản thân của Dế mèn đã để lại hậu của vô cùng lớn. Vừa cất tiếng véo von trêu  chị Cốc thì ngay lập tức bị chị cốc trợn tròn mắt, giương cánh lên như sắp đánh nhau khiến dế ta sợ quá , lui ngay về hang, “lên giường nằm khểnh bắt chân chữ ngũ. Bụng nghĩ thú vị: “Mày tức thì mày cứ tức, mày ghè vỡ đầu mày ra cho nhỏ đi, nhỏ đến đâu thì mày cũng không chui nổi vào tổ tao đâu!”.

Một sự ích kỉ của tuổi trẻ, ngông cuồng bằng cái giá phải trả là mạng của dế choắt. Hiểu lầm dế choắt trêu, chị Cốc mổ dế choắt đếnnỗi vẹo xương, không thở được. Còn Dế mèn chỉ biết nằm trong hang run sợ nằm im thin thít. Khi chị Cốc đi rồi, dế mèn mới dám mon men ra thì mới hay dế choắt chỉ còn thoi thóp.

Lúc này đây một sự hối hận trào lên. Dù là ngỗ nghịch, hung hăng trước kẻ yếu, khiếp sợ trước kẻ mạnh nhưng Dế Mèn không phải là kẻ ác. Dế mèn còn quá trẻ không thể hiểu được hậu quả của việc trêu chị Cốc là thế nào. Vì vậy dế rất hối hận về hành động xốc nổi của mình, chàng ta đứng lặng giờ lâu trước mộ dế và đây chính là bài học đường đời mà dế đã rút ra.

Câu nói: “ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn rồi cũng mang vạ vào mình đấy. của dế choắt dành cho dế mèn quả không sai.

Kết luận Phân tích tác phẩm dế mèn phiêu lưu ký

Đoạn trích giàu tính nhân văn sâu sắc, đã khiến cho chúng ta cần hiểu rằng, sống ở đời phải khiêm tốn, học hỏi và hoàn thiện bản thân nhiều hơn nữa. Việc tự kiêu, tự ngạo chỉ khiến chúng ta xấu trong mắt người khác mà thôi. Với biện pháp nhân hóa và miêu tả đặc sắc đã vẽ lên một hình ảnh chú dế mèn sinh động, tuy ngỗ nghịch nhưng không phải là người ác và đã biết hối hận về hành động của mình.