Bài mẫu phân tích nhân vật Từ Hải

Mở bài

Nguyễn Du – đại thi hào của dân tộc – luôn sử dụng ngòi bút sắc bén của mình để miêu tả từng chi tiết, nhân vật, giúp câu chuyện trở nên đặc sắc, ám ảnh. Trong Truyện Kiều, tác giả đã thành công trong việc khắc họa nhân vật Từ Hải sống động, có nét riêng biệt về cả ngoại hình lẫn tính cách. Phân tích nhân vật Từ Hải sẽ giúp ta hiểu rõ hơn tài năng và mong muốn lớn lao của tác giả về hình tượng người anh hùng lí tưởng.

Thân bài

Từ Hải không phải là nhân vật trung tâm của Truyện Kiều mà chỉ xuất hiện ở một đoạn trong tác phẩm. Nhân vật xuất hiện trong đoạn đường truân chuyên của Thúy Kiều, trở thành người bạn, tri âm tri kỉ của Kiều, giúp nàng báo ân, báo oán. Mặc dù xuất hiện không nhiều, Từ Hải vẫn được khắc họa chi tiết thông qua ngòi bút tài hoa của Nguyễn Du. Đây là nhân vật mang tầm ảnh hưởng lớn đến mạch truyện, đại diện cho không chỉ tiếng nói của tác giả mà còn thể hiện được một kiểu người trong xã hội trước. Phân tích nhân vật Từ Hải sẽ giúp chúng ta hiểu rõ điều này.

Phân tích nhân vật Từ Hải
Nhân vật Từ Hải được khắc họa chi tiết với nhiều phẩm chất phi thường

Ngay từ đầu, Từ Hải đã hiện lên với vẻ đẹp mạnh mẽ, oai hùng của đấng trượng phu:

“Râu hùm, hàm én, mày ngài

Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”

Đây là những nét đẹp chỉ có ở người nam nhi đầu đội trời, chân đạp đất. Vai rộng, người cao, Từ Hải như gánh cả giang sơn lên đôi vai của mình, hứa hẹn đây là nhân vật sẽ làm nên điều phi thường ở phía trước. 

  • Luận điểm 1: Ý chí, khát vọng lớn lao

Nguyễn Du là một nhà thơ không chỉ có tài năng mà còn có trái tim ấm nóng, yêu thương và trân trọng từng kiếp người. Chính vì vậy, tác giả không chỉ dành tình yêu cho Thúy Kiều mà nhân vật Từ Hải cũng hiện lên rất đẹp, chí khí trong tác phẩm. Nhân vật Từ Hải hiện lên là hiện thân cho những lý tưởng và ước mơ, hoài bão của cuộc sống:

“Đội trời đạp đất ở đời

Họ Từ, tên Hải vốn người Việt Đông

Giang hồ quen thói vẫy vùng

Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo”

Dưới ngòi bút tài tình của Nguyễn Du, Từ Hải hiện lên là người anh hùng với tầm vóc lớn lao mang cảm hứng vũ trụ. Đây dường như cũng chính là hình tượng lý tưởng tác giả muốn đạt được lúc bấy giờ, là một người hảo hán với hoài bão lớn, khát vọng lớn.

Tại đoạn trích “Chí khí anh hùng”, chí hướng ấy của nhân vật càng được nhấn mạnh hơn nữa:

“Nửa năm hương lửa đương nồng

Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương

Trông vời trời bể mênh mang

Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong”.

Từ “trượng phu” vốn là cách gọi thể hiện sự trân trọng, nể phục với những bậc anh hùng. Từ Hải lúc đó có khát khao, mong muốn tung hoành “bốn phương” để thỏa ước mơ của mình. Chính vì vậy, dù có đang mặn nồng ân ái, hạnh phúc lứa đôi “đương nồng”, Từ Hải cũng quyết định từ bỏ để tìm lấy hoài bão cho riêng mình. Đây chính là chí khí mà chỉ có bậc trược phu mới có được. Như Hoài Thanh đã nói, Từ Hải “”không phải là người một nhà, một họ, một xóm, một làng, mà là người của trời đất, của bốn phương”. Chàng, phải đặt trong tâm thế đối diện với đất trời, vũ trụ thì mới xứng tầm.

Và khi đã ra đi, Từ Hải cũng mang quyết tâm vô cùng lớn:

Bao giờ mười vạn tinh binh

Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.

Làm cho rõ mặt phi thường

Hình ảnh “mười vạn tinh binh”, “dậy đất”, “bóng tinh rợp đường” thể hiện hoài bão phi thường của Từ Hải. Chàng khát khao có thể xây dựng được cơ đồ riêng, trở thành bậc đế vương lừng lẫy, hô mưa gọi gió. Dù cho có ra đi một mình, dù có cô đơn, nhưng đó cũng chính là nguồn động lực thúc đẩy Từ Hải hơn. Hứa hẹn khoảng thời gian “một năm” cũng cho thấy sự tự tin, quyết tâm của nhân vật. Hình ảnh ước lệ cùng các động từ, tính từ mạnh đã khẳng định ý chí và khát vọng phi thường của Từ Hải ngay lúc này.

  • Luận điểm 2: Tình yêu, khát vọng hạnh phúc lớn lao

Không chỉ mong muốn xây dựng cơ đồ riêng, được triệu triệu người kính nể, Từ Hải cũng có những khát khao hạnh phúc rất bình thường. Chàng cũng là con người, cũng biết yêu thương. Tuy nhiên, tình yêu ấy vượt qua những chuẩn mực bình thường mà nâng tầm hơn, cho thấy con người và tấm lòng cao cả của nhân vật. Khi Thúy Kiều ngỏ lời:

“Nàng rằng: Phận gái chữ tòng

Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”

Từ Hải đã trách mắng nhẹ nhàng, rằng hai người đã “tâm phúc tương tri”, đã là tri âm tri kỉ, hiểu rõ lòng nhau, sao không hiểu được tâm ý của mình. Với chàng, Thúy Kiều không phải người vợ, người tình, mà là tri kỉ một đời, trân quý và là tình cảm thiêng liêng. Chính vì thế, việc Thúy Kiều đi theo Từ Hải là không cần thiết. Chàng còn hứa hẹn với nàng:

“Làm cho rõ mặt phi thường

Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia”

Khi đã có được danh tiếng, khi xây dựng được cơ đồ riêng, cũng là lúc Từ Hải dành cho Thúy Kiều những gì tốt đẹp nhất. Chàng không muốn Thúy Kiều chỉ là nữ nhi “thường tình” mà còn muốn cho nàng một danh phận. Chàng ra đi, không chỉ vì hoài bão của một đấng nam nhi, mà còn vì khát khao hạnh phúc và tình yêu như bao nhiêu người khác, chỉ khác, đây là tình yêu của “trai anh hùng” – “gái thuyền quyên” mà thôi.

Bên cạnh khát vọng, chí khí lớn lao, Từ Hải cũng có ước mơ hạnh phúc bình thường
  • Luận điểm 3: Tự tin, bản lĩnh, quyết đoán

Mặc dù đã thể hiện ý chí lớn lao của Từ Hải ở đoạn đầu nhưng tác giả Nguyễn Du vẫn muốn khắc họa sâu tính cách của nhân vật thêm nữa. Vì vậy, ông miêu tả Từ Hải với sự dứt khoát, đầy bản lĩnh:

“Quyết lời dứt áo ra đi

Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi”.

Các động từ “quyết lời”, “dứt áo” thể hiện thái độ mạnh mẽ, quyết tâm của Từ Hải với hoài bão của mình. Đây là cái quay người quyết đoán, hứa hẹn tương lai tươi sáng, chứ không phải là cái ra đi đượm buồn “sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”. Chính vì thế, Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp lí tưởng hóa với hình ảnh “gió mây bằng đã đến kì dặm khơi”. Hình ảnh Từ Hải hiện lên như cánh chim trời, bay thẳng vào muôn trùng dặm khơi với chí khí ngút trời và hoài bão lớn lao. Phân tích nhân vật Từ Hải, chúng ta không khỏi cảm phục tác giả bởi các thủ pháp nghệ thuật độc đáo của mình.

Nguyễn Du, với ngòi bút tài hoa của mình đã khắc họa thành công hình ảnh người anh hùng Từ Hải với đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp nhất: chí khí, hoài bão phi thường nhưng cũng rất trọng tình, trọng nghĩa. Đây chính là ước mơ về người anh hùng lí tưởng của tác giả thời bấy giờ. Giữa xã hội rối ren, đời sống lầm than, cần biết bao nhiêu những người anh hùng dám đứng lên tạo dựng cơ đồ của mình, có chí khí và khát vọng vững vàng. Từ Hải hiện lên như một biểu tượng về ước mơ, khát vọng tự do, lẽ công bằng ở đời. Trong đoạn trích “Kiều báo ân, báo oán”, Từ Hải còn hiện lên đẹp đẽ hơn nữa khi thay cho lẽ phải trả ân oán cuộc đời. Chính vì thế có thể thấy, Nguyễn Du đã gửi gắm rất nhiều tâm ý vào nhân vật Từ Hải. Giá như có những vị anh hùng như Từ Hải, những số phận như Thúy Kiều sẽ không phải tha hương cầu thực, sống cuộc đời tủi nhục, ba chìm bảy nổi. Và đời sống lầm than của nhân dân, dưới trái tim ấm nóng của các bậc trượng phu, cũng sẽ được an ủi phần nào.

Kết bài

Với bút pháp miêu tả độc đáo, sử dụng ngôn ngữ đối thoại trực tiếp cùng các thủ pháp ước lệ, lí tưởng hóa, Nguyễn Du đã khắc họa hình tượng nhân vật Từ Hải với những vẻ đẹp rất đáng ngưỡng mộ. Qua đó, tác giả đã gửi gắm những mong ước về tự do, hạnh phúc, công lý cuộc đời. Hình tượng Từ Hải, dù đã cách chúng ta hàng trăm năm, nhưng vẫn luôn là hình tượng người anh hùng lí tưởng, dám nghĩ, dám làm và dám đấu tranh cho hạnh phúc của chính mình.