Mỗi dân tộc, mỗi đất nước đều có những truyện cổ tích mà tuổi thơ của mọi đứa trẻ đều được cha mẹ hoặc tự đọc. Truyện cổ tích “Tấm Cám” là một truyện như thế. Từ thưở nhỏ, những em bé đã được bà được mẹ kể câu chuyện về cô Tấm. Cho đến ngày nay, Tấm được hình tượng hóa, một cô gái chăm chỉ, hiền lành, đẹp tính đẹp nết luôn được gọi là “cô Tấm”.

Truyện cổ tích được xem là cách thể hiện ước mơ, là tiếng lòng của những người bình dân trong xã hội xưa. Với ý nghĩa này, truyện “Tấm Cám” là tiếng lòng của nhân vật Tấm lương thiện nhưng có hoàn cảnh bất hành. Phân tích nhân vật Tấm, người đọc sẽ thấy rõ khát vọng về một xã hội tốt đẹp, công bằng, ở đó người tốt sau nhiều gian khổ sẽ được hạnh phúc, còn kẻ ác sẽ bị trừng trị thích đáng.

Phân tích nhân vật Tấm chi tiết

Bài phân tích chia làm ba luận điểm để thấy sự chuyển đổi trong tâm lí và hành động của nhân vật Tấm và cũng là dụng ý thông điệp cũng như nghệ thuật của người sáng tác.

phan-tich-nhan-vat-tam

  • Luận điểm 1: Tấm là cô gái mồ côi mẹ, hiền lành và cam chịu, bị dì ghẻ ghen ghét

Truyện cổ tích “Tấm Cảm” kể về cuộc đời Tấm, một cô gái mồ côi, chịu sự ghẻ lạnh của dì ghẻ nhưng là cô gái có tâm hồn trong sáng, lương thiện. “Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ. Tấm là con vợ cả, Cám là con vợ lẽ. Mẹ Tấm đã chết từ hồi Tấm còn bé. Sau đó mấy năm thì cha Tấm cũng chết. Tấm ở với dì ghẻ là mẹ của Cám”

Sống cùng dì ghẻ và em cùng cha khác mẹ, Tấm bị hai mẹ con Cám hành hạ, sống vô cùng cực khổ. Cám được thảnh thơi rong chơi trong khi Tấm phải làm lụng suốt ngày đêm.

Dù bao nhiêu năm trôi qua, hẳn không ai quên được câu văn được gieo vần trong truyện cổ tích “Tấm Cám”, rằng: “Chị Tấm ơi, chị Tấm! Đầu chị lấm, chị hụp cho sâu, kẻo về mẹ mắng”. Đó là câu nói của Cám trong cuộc thi giữa hai chị em, ai bắt được đầy giỏ tôm tép sẽ được thưởng cho chiếc yếm đỏ. Tấm vốn chịu thương chịu khó nên không mấy chốc giỏ cá đã đầy, trong khi Cám ham chơi, cho đến chiều vẫn không được con cá nào. Thấy Tấm có nhiều cá, Cám xúi chị hụp nước sâu để tắm rửa cho sạch, rồi Cám thừa dịp trút hết tép của Tấm vào giỏ của mình và ba chân bốn cẳng chạy về trước.

Mất giỏ tôm cá, nghĩa là Tấm không được nhận phần thưởng từ dì ghẻ, không có yếm đỏ, cũng không có được yêu thương mà Tấm ao ước bấy lâu. Tấm chỉ biết ngồi khóc. Nhưng người tốt sẽ luôn nhận được sự giúp đỡ từ người khác, và Tấm được ông Bụt giúp đỡ.

Con cá Bống còn sót lại trong giỏ, Tấm nghe lời Bụt thả xuống giếng nuôi và làm bầu bạn. Mỗi lần gọi cá cho ăn, Tấm sẽ đọc câu “thần chú”: “Bống bống bang bang/ Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta/ Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người.”

Nhưng rồi con cá Bống cũng bị mẹ con Cám giết thịt. Có thể thấy, cuộc đời Tấm luôn chìm trong sự bất hạnh, luôn bị mẹ con Cám hãm hại, tước đoạt mọi điều vui vẻ, hạnh phúc. Như vậy phân tích nhân vật Tấm, người đọc thấy rõ Tấm là hiện thân cho tầng lớp thấp cổ bé họng, luôn bị áp bức trong xã hội xem nặng vấn đề phân chia giai cấp.

  • Luận điểm 2: Tấm trở thành cô gái mạnh mẽ, kiên quyết đấu tranh giành hạnh phúc cho mình

Nhưng sự đáng thương của một cô gái mồ cô, yếu đuối, luôn bị áp bức đã làm lay động tình người. Bởi vậy, mỗi lần Tấm gặp chuyện bất hạnh, ông Bụt luôn xuất hiện.

Cũng nhờ Bụt, cô Tấm mồ cô đã trở thành hoàng hậu. Mỗi khi Tấm khóc, buồn tủi, Bụt sẽ xuất hiện để giúp đỡ và an ủi. Như đã thấy, Tấm không có được phần thưởng là chiếc yếm đỏ, Bụt mang đến hi vọng cho Tấm bằng con cá bống. Khi Tấm không được xem hội như mẹ con Cám vì phải nhặt hai thúng thóc và đậu trộn lẫn, Bụt liền cho một đàn chim sẻ giúp để đi hội làng và gặp được nhà vua.

Khi phân tích nhân vật Tấm, tình huống Tấm làm rơi giày trên đường đi hội là chi tiết không thể bỏ qua. Việc chiếc giày đã trở thành vật giúp Tấm gặp lại nhà vua trở thành hoàng hậu chính là sự gửi gắm ước mơ của người xưa về sự đổi thay của số phận. Bởi họ khao khát và giữ niềm tin rằng hạnh phúc thuộc về những người lương thiện.

Và với sự giúp đỡ của Bụt, lúc này Tấm đã trở nên mạnh mẽ, sẵn sàng đấu tranh để có cuộc sống hạnh phúc. Cuộc đấu tranh này thể hiện qua nhiều lần hóa thân của Tấm.

Tấm bị giết hại bởi mẹ con Cám, sau đó Tấm hóa thành chim Vàng Anh và bay về kinh đến vườn ngự, làm bầu bạn với vua. Chim vàng Vàng Anh hát rằng: “Phơi áo chồng tao, phơi lao phơi sào, chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao.” Rồi chim Vàng Anh bị Cám giết thịt, vua yêu quý chôn lông ở vườn và từ đó mọc lên hai cây xoan đào. Và cuộc đấu tranh Tấm chưa từng bỏ cuộc. Xoan đào bị chặt, Tấm liền hóa thành khung dệt, khung bị đốt, Tấm hóa thành quả thị. Bước ngoặt cuối cùng khẳng định tính cách mạnh mẽ hiện tại của Tấm, là từ quả thị Tấm bước ra trở thành người.

  • Luận điểm 3: Cái ác luôn bị trừng trị

Lần hóa thân cuối cùng của Tấm, khi Tấm trở lại làm người mang thông điệp về niềm hạnh phúc đích thực. Rằng có lẽ, hạnh phúc ở trần thế là thứ hạnh phúc chân thực nhất và cũng đáng trân trọng nhất. Hạnh phúc ấy là được ở bên người mình yêu thương.

Để có được cái kết hạnh phúc, Tấm đã không ngừng đấu tranh, không ngừng bảo vệ cho hạnh phúc của mình. Mặc dù Tấm được Bụt giúp đỡ, nhưng để có được hạnh phúc đúng nghĩa, Tấm phải tự mình đấu tranh. Và mỗi người đều vậy, để sống hạnh phúc, chúng ta cần đấu tranh, cần tránh xa cái ác và hướng đến sự thiện lương, giúp đỡ, chia sẻ cùng người khác. Đó cùng chính là thông điệp lớn mà tác giả dân gian muốn gửi gắm qua truyện cổ tích “Tấm Cám”.

Đồng thời, phân tích nhân vật Tấm có thể thấy, hạnh phúc sẽ chẳng được bao lâu nếu cái ác vẫn tồn tại, chưa bị tiêu diệt tận gốc. Bởi vậy, tác giả dân gian đã để Tấm tự tay trừng trị mẹ con Cám. Kết thúc này thể hiện rằng, công lý đứng về phía Tấm.

Kết luận

Thực tế, ngày nay, với quan điểm về hạnh phúc, sự lương thiện của một xã hội văn minh hơn thời xưa, bài học về việc trừng trị cái ác của Tấm không nhận được nhiều sự ủng hộ từ phía công chúng. Mặc dù cái ác, những kẻ nguy hiểm cho xã hội sẽ bị trừng trị thích đáng, nhưng con người hiện tại cũng hướng đến sự cảm hóa nhiều hơn.

Dù vậy, nét đẹp của truyện cổ tích “Tấm Cám” là tinh thần lạc quan và luôn ước mơ về hạnh phúc. Như nhân vật Tấm, dù trải qua nhiều đau khổ, luôn tìm thấy ánh sáng nhờ ông Bụt và sau đó là sự chuyển hóa trong tâm lý, Tấm đứng leen đấu tranh cho chính mình.

Đồng thời, phải khẳng định rằng, dù lịch sử trải qua nhiều thăng trầm và nền văn học văn chương cũng có nhiều đổi thay, nhưng văn học dân gian mà trong đó tiêu biểu là truyện cổ tích “Tấm Cám” vẫn có một vị trí vững chắc trong lòng người đọc. Và những giá trị tinh thần, niềm tin vẫn còn được lưu giữ mãi.