Nói đến văn học Nga, có lẽ khó có thể bỏ qua tên tuổi của Sê-khốp, một nhà văn kiệt xuất đã để lại cho đất nước mình hơn năm trăm truyện ngắn truyện vừa và các vở kịch đặc sắc. Khởi phát từ một tấm lòng “vị nhân sinh” to lớn, các tác phẩm của Sê-khốp vừa mang giá trị hiện thực, vừa thấm đẫm tinh thần nhân đạo sâu sắc, không chỉ chinh phục được độc giả nước Nga mà còn làm lay động trái tim người đọc khắp các châu lục. Ở Việt Nam, Sê-khốp được biết đến nhiều với truyện ngắn Người trong bao, nói về “dạng người” luôn sống nấp mình sau một cái vỏ bọc, trốn tránh thế giới bên ngoài. Cùng phân tích Người trong bao chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về hình tượng đặc biệt mà tác giả đã xây dựng đồng thời khám phá được ý nghĩa nhân văn đằng sau. 

Phân tích Người trong bao
Phân tích Người trong bao

Truyện ngắn Người trong bao ra đời vào năm 1989 vào thời điểm xã hội Nga đang chịu sự chuyên chế nặng nề của Sa Hoàng cuối thế kỉ XIX. Chính môi trường này đã “đẻ” ra kiểu người quái dị như Bê-li-cốp, một anh giáo chức tỉnh lẻ có cái đầu chứa đầy thành kiến để rồi sống hủ lậu, hèn nhát và giáo điều. Qua đây nhà văn chỉ ra suy nghĩ chính là thứ định hướng người ta sẽ sống như thế nào, những con người có “đầu óc” như Bê-li-cốp đã làm ảnh hưởng và gây ra bao hậu quả nặng nề, dai dẳng trong xã hội Nga lúc bấy giờ.

  • Luận điểm 1: Chân dung Bê-li-cốp

Vậy Bê-li-cốp là ai mà ngay từ đầu đã thật “đặc biệt” như vậy, hắn là một giáo viên dạy tiếng Hy Lạp, có lối sống kỳ lạ và luôn luôn sợ hãi những thứ rất đời thường xảy ra xung quanh mình “sống đơn độc như những con ốc, con sên cố thu mình vào vỏ bọc”. Sê-khốp kỳ lạ từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài, dù ngoài kia có nắng hay mưa, thời tiết đẹp hay xấu “hắn đều đi giày cao su, cầm ô và nhất thiết là mặc áo bành tô áo cốt bông…” để diễn tả đỉnh điểm sự quái dị của hắn ở vẻ ngoài tác giả viết “cả bộ mặt hắn ta nữa dường như cũng ở trong bao vì lúc nào hắn cũng giấu mặt sau chiếc cổ áo bành tô bẻ đứng lên”. Qua cách miêu tả chân thật và không kém phần sinh động của mình, Sê-khốp để hiện lên trước mắt người đọc là một kẻ dị hợm đến nực cười, đúng chuẩn “người trong bao” điển hình thuở bấy giờ. Chính vì sợ hãi mọi thứ mà Bê-li-cốp chán ghét cuộc đời, hắn thật sự chỉ đang tồn tại chứ không phải sống nhưng chẳng bao giờ hắn thừa nhận điều đó mà tìm cách bào chữa, hắn trốn tránh hiện tại và “ca ngợi những thứ không bao giờ có thật”. Ngay cả lý do hắn chọn dạy tiếng Hy Lạp cũng bắt nguồn từ thái độ hèn kém, nhút nhát này. Theo Bê-li-cốp đây là một ngôn ngữ cổ và có lẽ là một môn học an toàn, không có gì để người khác phàn nàn “nhờ đó hắn có thể trốn tránh được cuộc sống thực”. Bê-li-cốp thường xuyên rầu rĩ vì những chuyện hắn cho là trái với khuôn phép, lẽ thường mặc dù chuyện đó “chả liên quan gì đến hắn”. Đọc tác phẩm, đôi khi người ta thắc mắc rằng liệu kẻ như Bê-li-cốp đã bao giờ có cái suy nghĩ sẽ thoát khỏi “cái bao” của mình chưa, câu trả lời là có chứ, hắn có, thế nhưng mỗi lần có ý định ấy hắn lại sợ hãi “nhưng lỡ lại xảy ra chuyện gì”, thật đáng buồn cho một đời người. 

Phân tích Người trong bao
Hình ảnh minh họa nhân vật Bê-li-cốp
  • Luận điểm 2: Ảnh hưởng của Bê-li-cốp:

Nếu chỉ khác biệt về ngoại hình thì có lẽ hình tượng Bê-li-cốp không làm người đọc ám ảnh nhiều và cũng không phản ánh được “thời kỳ đen tối” của xã hội Nga lúc bấy giờ. Trong cách tồn tại của mình, Bê-li-cốp còn kỳ lạ và lẩm cẩm hơn nhiều so với vẻ ngoài dị hợm của hắn. Theo hắn để duy trì những mối quan hệ tốt với bạn bè thì việc cần làm là đến nhà các đồng nghiệp ngồi im cả tiếng đồng hồ, không nói không rằng bất kể một điều gì dù nhỏ nhoi là câu chào hỏi rồi rời đi. Không biết bản thân Bê-li-cốp có cảm thấy cô đơn không nhưng qua đây có thể chắc chắn rằng hắn đã hoàn toàn mất đi khái niệm về lẽ sống, một lẽ sống đời thường đúng nghĩa. Từ những suy nghĩ “có một không hai” của mình, Bê-li-cốp vô hình trung đã khống chế trường học nơi hắn đang dạy suốt mười năm lăm trời “bọn giáo viên chúng tôi đều sợ hắn. Thậm chí cả hiệu trưởng cũng sợ hắn.” Hơn thế nữa là thao túng cả cái thành phố nhỏ bé, nơi hắn đang trú ngụ, ẩn nấp “dân chúng trong thành phố đâm ra sợ tất cả. Sợ nói to, sợ gửi thư, sợ làm quen, sợ đọc sách, giúp đỡ người nghèo, dạy học chữ,..” Đối với chúng ta, nhà là nơi vững chãi, có thể bảo vệ mình trước bao sóng gió, vấp ngã của cuộc đời, nhà an toàn và đầy ắp niềm tin tưởng nhưng với Bê-li-cốp lại hoàn toàn khác, hắn sợ hãi, co rúm trong chính ngôi nhà của mình để rồi “mặc áo khoác ngoài, đội mũ, đóng cửa, cài then”. Bóng tối và ánh sáng, hắn sợ cả hai và đầu óc luôn bị ám ảnh bởi cái suy nghĩ hèn kém “lỡ lại xảy ra chuyện gì”. Qua tất cả những chi tiết này, Sê-khốp đã cho người đọc cảm nhận được sự đen tối đáng sợ mà Bê-li-cốp đã tạo ra và bao trùm lên tất thảy, những “người trong bao” như hắn thực chất đã chết ngay khi còn đang thở, họ chưa bao giờ chạm tay đến được hạnh phúc để có thể cảm nhận nó, cuộc đời mà họ có chẳng khác nào chốn ngục tù âm u, lạnh lẽo.

“Năng lượng” u ám từ con người Bê-li-cốp
Phân tích Người trong bao- “Năng lượng” u ám từ con người Bê-li-cốp
  • Luận điểm 3: Cái chết của Bê-li-cốp

Theo dõi tác phẩm từ đầu, đến đây có lẽ người đọc không khỏi bất ngờ vì người như Bê-li-cốp từng nghĩ đến chuyện kết hôn. Mọi người xung quanh cho rằng việc kết duyên cùng một người sôi động, nồng thắm như Va-ren-ca sẽ giúp Bê-li-cốp thay đổi lối sống của mình thế nhưng kết quả lại hoàn toàn ngược lại. Vì suy nghĩ về sự việc đột ngột này mà hắn “gầy gò hẳn đi, mặt mày tái nhợt” rồi sau đó “thu mình sâu hơn vào trong bao”. Cái đầu chứa đầy thành kiến và cổ hủ của Bê-li-cốp đã khiến hắn trở nên bất bình thường, sửng sốt trước việc vô cùng bình thường là đi xe đạp giữa phố của chị em Va-ren-ca. Tình yêu của hắn vì lý do nực cười này mà phai mờ đi “một cách đáng kể”. Việc sợ hãi tất cả mọi thứ trên đời kết hợp cùng “tiếng cười phá lên” của Va-ren-ca khi mình bị xô ngã nơi cầu thang đã khiến Bê-li-cốp chấm dứt tất cả chuyện cưới xin và đặt dấu chấm hết luôn cho cuộc đời của hắn. Giải thích cho điều này cũng vô cùng dễ hiểu vì đối với một kẻ giáo điều, đạo đức giả, chuyên dạy đời người khác như Bê-li-cốp thì đây là một sự nhục nhã, đả kích quá lớn đến nỗi không có cách nào vượt qua được, hắn tìm đến cái chết để giải thoát cho cuộc đời đã chết từ lâu của hắn. Miêu tả Bê-li-cốp một tháng sau khi chết, tác giả viết “khi hắn nằm trong quan tài, vẻ mặt hắn trông hiền lành, dễ chịu, thậm chí còn có vẻ tươi tỉnh nữa, cứ hệt như hắn mừng rằng cuối cùng hắn đã được chui vào cái bao mà từ đó không bao giờ hắn phải thoát ra nữa”. Giọng văn nghe có vẻ châm biếm, hóm hỉnh nhưng đọc xong ta không biết vì sao mắt ướt và sống mũi cay cay. Sau khi Bê-li-cốp chết, những tưởng cuộc sống sẽ nhẹ nhàng thoải mái hơn nhưng cuối cùng lại vô vị và nhàm chán chẳng khác gì lúc trước. Khi ấy người ta hiểu ra xã hội lúc bấy giờ còn có nhiều và nhiều nữa “người trong bao” như Bê-li-cốp, một tương lai tù túng, đau khổ ở phía trước còn dài.

Nhà văn Sê-khốp
Nhà văn Sê-khốp

Phân tích Người trong bao, ta thấy Sê-khốp đã mượn hình ảnh này để tái hiện nỗi đau, cuộc sống tù túng mà người dân phải chịu đựng vào cuối thế kỉ XIX tại nước Nga. Đây là một tác phẩm để lại nhiều cảm xúc vừa hài vừa bi, khiến cho người ta vừa trách vừa thương nhân vật mà nhà văn đã xây dựng, nhưng có lẽ trong đó thương nhiều hơn trách, thương cho một kiếp người đã sống vô nghĩa, tù túng và cô đơn.