Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn, nhà thơ tiêu biểu của nền văn học Việt Nam, những tác phẩm của ông đi vào lòng đọc giả với sự khích lệ tinh thần chiến đấu và mang tính giáo huấn cao. Câu từ ông sử dụng chẳng trau chuốt, cầu kỳ mà lại rất đỗi mộc mạc, giản dị, gắn liền với đời sống của con người Nam Bộ. Có thể nói truyện Lục Vân Tiên là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất trong đời thơ của ông, hãy cùng phân tích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga – một đoạn trích của truyện để hiểu hơn về thơ văn cũng như hình tượng người anh hùng mà Nguyễn Đình Chiểu hướng đến.

phân tích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga
Chân dung cụ Nguyễn Đình Chiểu

Mở đầu đoạn trích, nhà thơ đã miêu tả cảnh Vân Tiên chạm mặt bọn cướp. Với những vần thơ kiệt xuất của Ông, đã khiến độc giả như tận mắt thấy được cảnh gặp cướp.

“Vân Tiên ghé lại bên đàng

Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô

Kêu rằng: “Bớ đảng hung đồ,

Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân.””

Gặp bọn cướp đang hoành hành, hiếp đáp những người dân lương thiện Vân Tiên đã hành động theo bản tính cương trực, căm ghét cái ác của mình. Chẳng có một vũ khí nào trong tay mà người trước mặt đang nguy cấp vì vậy chàng đã nhanh trí bẻ cây bên đường làm gậy. Song như vậy là chưa đủ với bọn “đầu trâu mặt ngựa”, chàng không ngần ngại chỉ trích và phê phán lũ giặc cướp, đây cũng là cách để chàng tuyên bố về quan điểm sống đầy cao đẹp của bản thân rằng sống là nên bảo vệ cho những người yếu thế hơn mình chứ không phải cậy mạnh mà khiến họ mất mát, đau khổ. Chỉ với bốn dòng thơ ta đã thấy được người nam nhi này không chỉ có tình thương người mà còn có trách nhiệm cao cả với đời. 

“Phong Lai mặt đỏ phừng phừng

Thằng nào dám tới lẫy lừng vào đây

Trước gây việc dữ tại mầy 

Truyền quân bốn phía phủ vây bịt bùng”

Đang “hành nghề” thì gặp phải người “phá đám” nên Phong Lai đã vô cùng giận dữ, chi tiết “mặt đỏ phừng phừng” cho thấy đây là con người tàn bạo, gian ác. Sau hành động và những lời nói của Vân Tiên, bọn chúng không hề nao núng mà còn vô cùng coi thường và buông lời thách thức đầy giễu cợt “Thằng nào dám tới lẫy lừng vào đây”, không những vậy còn bày ra kết cục bi thảm cho Lục Vân Tiên khi dám phá hỏng vụ kiếm chác béo bở của chúng và bắt đầu bao vây chuẩn bị tấn công chàng.

Phân cảnh Lục Vân Tiên đánh tan tành bọn hung ác
Phân cảnh Lục Vân Tiên đánh tan tành bọn hung ác

“Vân Tiên tả đột hữu xông, 

Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang.

Lâu La bốn phía vỡ tan, 

Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay.

Phong Lai trở chẳng kịp tay,

Bị Tiên một gậy thác rày thân vong.”

Sử dụng nghệ thuật so sánh tương phản, Nguyễn Đình Chiểu đã tái hiện không khí cuộc đấu tranh giữa Lục Vân Tiên với bọn cướp Phong Lai hết sức cam go, quyết liệt. Chỉ có một mình giữa vòng vây hung ác nhưng Vân Tiên không hề run sợ, chàng hành động nhanh, mạnh, dứt khoát như người anh hùng Triệu Tử khi phá vòng Đương Dương, một vị hảo hán đầy khí phách và trượng nghĩa. Và như bao đời nay, cái thiện luôn chiến thắng cái ác, sự anh dũng của Vân Tiên đã đánh tan tành thế lực bạo tàn dù chúng vô cùng hung hãn, dữ dằn. Đây cũng chính là giá trị nhân đạo sâu sắc mà cụ đồ Chiểu muốn gửi gắm cho người đọc. Nếu chỉ dừng lại ở đây thì ta chẳng thể có cái nhìn đầy đủ, trọn vẹn nhất về vị anh hùng mà tác giả đã xây dựng.

“ Dẹp rồi lũ kiến chòm om,

Hỏi: “Ai than khóc ở trong xe nầy?”

Thưa rằng: Tôi người thiệt ngay,

Sa cơ nên mới lầm tay hung đồ

Trong xe chật hẹp khôn phô, 

Cúi đầu trăm lạy cứu cô tôi cùng.””

Sau khi dẹp lũ lâu la, Vân Tiên không quên ân cần hỏi han, an ủi người bị nạn. Khi nghe trong kiệu vọng ra tiếng nói muốn được tạ ơn, Vân Tiên vội gạt đi ngay:

“Vân Tiên nghe nói động lòng,

Đáp rằng: “Ta đã trừ dòng lâu la.

Khoan khoan ngồi đó chớ ra,

Nàng là phận gái, ta là phận trai.

Tiểu thơ con gái nhà ai,

Đi đâu nên nỗi mang tai bất kì?

Chẳng hay tên họ là chi?

Khuê môn phận gái việc gì đến đây?

Trước sau chưa hãn dạ nầy, 

Hai nàng ai tớ ai thầy nói ra?””

Phẩm chất tốt đẹp của Lục Vân Tiên được bộc lộ rõ nét qua đoạn đối thoại với người bị hại, tức Kiều Nguyệt Nga. Chỉ thông qua vài câu nói thôi nhưng ta có thể thấy được chàng là một người trọng đạo lí cũng như khuôn phép trong xã hội xưa. Theo quan niệm ngày ấy thì “nam nữ thụ thụ bất thân” nghĩa là giữa người con trai và con gái phải có một khoảng cách nhất định, không được tùy tiện gặp mặt hay có những hành động thân thiết. Bên này là người anh hùng trượng phu, bên kia ta là người con gái hết sức chừng mực, xinh đẹp nết na, hiếu thảo là Kiều Nguyệt Nga.

phân tích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga
Dung mạo xinh đẹp của Kiều Nguyệt Nga

“Thưa rằng: “Tôi Kiều Nguyệt Nga,

Con nầy tì tất tên là Kim Liên.

…..

Gẫm câu báo đức thù công,

Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi.””

Kiều Nguyệt Nga hiện lên là một thiếu nữ con của quan tri phủ tuy nhiên nàng xưng hô rất khiêm nhường “tiện thiếp” cùng với đó là cách nói năng hết sức nhẹ nhàng, khuôn phép. Từng lời nàng nói ra đều rõ ràng, mạch lạc, không những cung cấp đầy đủ thông tin mà còn thể hiện lòng biết ơn chân thành với ân nhân đã giúp đỡ mình trong lúc hoạn nạn. Kiều Nguyệt Nga ý thức được rằng Lục Vân Tiên cứu mình không chỉ là mạng sống mà còn cứu cả một đời trinh bạch của người con gái vì vậy nàng đã quyết định tự nguyện gắn bó cả đời mình với người anh hùng nghĩa hiệp. Người đọc có thể cảm nhận được Kiều Nguyệt Nga là người ân cần,có tình nghĩa trước sau và thông qua nhân vật này, Nguyễn Đình Chiểu muốn ca ngợi những phẩm chất đáng quý, vẻ đẹp chính chuyên của người phụ nữ Việt Nam. Hiểu được tấm lòng của Kiều Nguyệt Nga tuy nhiên Lục Vân Tiên vẫn giữ nguyên tâm thế ban đầu của mình khi ra tay giúp đỡ người khác:

“Vân Tiên nghe nói liền cười:

“Làm ơn há dễ trông người trả ơn.

Nay đà rõ đặng nguồn cơn,

Nào ai tính thiệt so hơn làm gì.

Nhớ câu kiến nghĩa bất vi,

Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.””

Đối với Vân Tiên, làm việc nghĩa không phải điều gì lớn lao phi thường mà đó là bổn phận, là lẽ tự nhiên, chàng không muốn người khác xem đó là công trạng rồi phải mang ơn nặng nghĩa tìm cách báo đáp lại. Chàng không chỉ là người có học thức mà còn là một đấng trượng phu. Theo quan điểm sống của chàng nếu làm ơn mà trông ngóng đến việc được đền đáp thì đó chẳng phải là anh hùng. Qua nhân vật này, Nguyễn Đình Chiểu đã gửi gắm trọn vẹn niềm tin, mơ ước và khát vọng của mình.

Lục Vân Tiên ân cần hỏi han Kiều Nguyệt Nga sau cơn hoạn nạn
Lục Vân Tiên ân cần hỏi han Kiều Nguyệt Nga sau cơn hoạn nạn

Bằng phong cách thơ văn mộc mạc đậm màu sắc Nam Bộ, ít miêu tả ngoại hình, nội tâm nhân vật mà tập trung chủ yếu vào đối thoại, Nguyễn Đình Chiểu đã viết nên một đoạn trích hay mang nhiều ý nghĩa, được nhiều thế hệ người Việt Nam thuộc lòng như ca dao của dân tộc. 

Nếu thấy bài phân tích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga này bổ ích với bản thân và muốn đọc thêm nhiều bài khác, bạn đừng ngần ngại mà hãy truy cập vào phantich.com.vn nhé. Chúng tôi luôn cập nhật những bài phân tích về thơ, văn học để mọi người cùng tham khảo. Bạn có ý tưởng gì khác cho bài phân tích này hay không? Nếu có, hãy để lại thông tin chia sẻ để mọi người cùng nắm bắt. Cảm ơn bạn đọc đã đón đọc!