Bài mẫu phân tích

Mở bài

Ngô gia văn phái là nhóm tác giả thuộc dòng họ Ngô Thì với những cây bút sắc sảo. Đã có rất nhiều bài phân tích Hoàng Lê nhất thống chí. Đây là tác phẩm được viết bằng chữ Hán của nhóm tác giả này. Tác phẩm khắc họa chân thực nhất những biến động xã hội trong giai đoạn thống nhất vương triều nhà Lê. Đoạn trích hồi thứ 14 trong Hoàng Lê nhất thống chí là một đoạn trích đặc sắc nhất, khắc họa rõ nét về hình tượng vua Quang Trung và sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh. 

phân tích Hoàng Lê nhất thống chí
Hoàng Lê nhất thống chí là tác phẩm tiêu biểu của Ngô Gia Văn Phái

Thân bài

  • Luận điểm 1: Hình tượng người anh hùng áo vải Quang Trung miêu tả chi tiết qua phân tích Hoàng Lê nhất thống chí

Mở đầu đoạn trích trong tiểu thuyết chương hồi này, tác giả đề cập đến những sự kiện lịch sử không thể nào quên “Đánh Ngọc Hồi, quân Thanh bị thua trận/ Bỏ Thăng Long, Chiêu Thống trốn ra ngoài”. Dưới ngòi bút của tác giả, hình tượng người anh hùng áo vải Quang Trung được khắc họa rõ nét. 

Bằng lời của cung nhân cũ trong triều Lê Chiêu Thống, tác giả đã làm nổi bật tính cách anh hùng của Nguyễn Huệ ngay cả khi trận Ngọc Hồi chưa diễn ra “Không biết rằng, Nguyễn Huệ là một tay anh hùng lão luyện, dũng mãnh và có tài cầm quân. Xem hắn ra Bắc vào Nam, ẩn hiện như quỷ thần, không ai có thể lường biết. Hắn bắt Hữu Chỉnh như bắt trẻ con, giết Văn Nhậm như giết con lợn, không một người nào dám nhìn thẳng vào mắt hắn. Thấy hắn trỏ tay, đưa mắt, là ai nấy đã phách lạc hồn xiêu, sợ hơn sợ sấm sét”. 

Hình tượng người anh hùng áo vải Quang Trung được khắc họa rõ nét

Những lời nhận xét đó chẳng phải nói quá, mà đều dựa vào căn cứ có thật. Cụ thể trong các cuộc điều binh khiển tướng trực tiếp, Quang Trung hiện lên oai phong, lẫm liệt với tài thao lược hơn nữa. Dưới bàn tay chỉ huy của Quang Trung, quân Tây Sơn đi tới đâu, giặc bị tiêu diệt tới đó. 

Không chỉ có tài mưu lược hơn người, Quang Trung còn có hành động mạnh mẽ,dứt khoát “định thân chinh cầm quân đi ngay”. Ông luôn thể hiện trí tuệ sáng suốt, biết nhìn xa trông rộng. Thế nên chỉ trong vòng hơn một tháng trời, Quang Trung đã làm được rất nhiều việc: ngày 25 “tế cáo trời đất cùng các thần sông, thần núi”. Rồi lại nhanh chóng đốc thúc đại quân tiến ra Bắc dẹp loạn. Ngày 29 lại tới Nghệ An để tuyển thêm quân sĩ và mở cuộc duyệt binh lớn. 

Mỗi lời nói, hành động của Quang Trung đều thể hiện sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Nói đâu quân nghe theo đấy. Thế nên ông đưa ra lời kêu gọi các quân sĩ “đồng tâm hiệp lực, để dựng lên công lớn”. Nó như một lời hịch vang vọng cả núi sông, kích thích lòng yêu nước và anh hùng dân tộc. 

Không những thế, Quang Trung luôn có những kế hoạch cụ thể. Với mỗi lần tác chiến, nhà vua đều hoạch định rõ ràng đường đi nước bước “lần này ta ra, thân hành cầm quân, phương lược tiến đánh đã có tính sẵn. Chẳng qua mười ngày có thể đánh đuổi được người Thanh”. Thế rồi, nhà vua chỉ đạo tác chiến nhanh chóng, chia quân sĩ ra làm 5 đạo. Tài mưu lược hơn người của Quang Trung vang danh khắp chốn, đến mức lúc qua đoạn sông Gián và sông Thanh Quyết, toán quân Thanh chỉ mới trông thấy bóng nhà vua đã “tan vỡ chạy trước”. 

Tài mưu lược của Quang Trung còn được thể hiện rõ trong trận Ngọc Hồi: “Vua Quang Trung lại truyền lấy sáu chục tấm ván, cứ ghép liền ba tấm làm một bức, bên ngoài lấy rơm dấp nước phủ kín, tất cả là hai mươi bức. Đoạn kén hạng lính khỏe mạnh, cứ mười người khiêng một bức, lưng giắt dao ngắn; hai mươi người khác đều cầm binh khí theo sau, dàn thành trận chữ “nhất””. Điều này khiến súng giặc bắn cũng không làm gì được nghĩa quân. Nhà vua cũng chớp cơ hội ngay khi trời trở gió nam ngược lại làm quân giặc “gậy ông đập lưng ông”. Thế nên thừa thắng xông lên làm giặc chạy toán loạn, vua Quang Trung oai phong cưỡi voi tiến đến giải phóng thành Thăng Long. 

  • Luận điểm 2: Sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh

Bên cạnh một hình ảnh vua Quang Trung lẫm liệt là sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh. Tác giả đã sử dụng những hình ảnh vô cùng thực tế để thể hiện được sự bi thảm ấy. Quân Thanh ở sông Giáng, sông Thanh Quyết thì chạy bạt mạng khi mới thấy bóng nghĩa quân Tây Sơn. Ngay cả toán quân ở làng Hà Hồi cũng “ai nấy đều rụng rời sợ hãi, liền xin ra hàng, lương thực khí giới đều bị quân Nam lấy hết”.

Và đến trận cuối cùng, sự thảm bại của quân Thanh càng rõ nét. “Quân Thanh chống không nổi, bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết. Tên Thái thú Điền Châu là Sầm Nghi Đống tự thắt cổ chết”. Chỉ cần nhìn thấy bóng dáng của nghĩa quân Tây Sơn, của vua Quang Trung “quân Thanh đều hết hồn hết vía”

Tướng lĩnh nhà Thanh trong thành Thăng Long, vì khinh thường nghĩa quân, không có sự chuẩn bị, lại bị đánh úp bất ngờ. Nên ngày tết vẫn vui vẻ tổ chức yến tiệc vui mừng. Đến khi nhận được cấp báo “tướng ở trên trời xuống, quân chui dưới đất lên”, Tôn Sĩ Nghị mới “sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp, dẫn bọn lính kỵ mã của mình chuồn trước qua cầu phao, rồi nhằm hướng Bắc mà chạy”. Tên cầm đầu đã như thế, tướng lĩnh bên dưới cũng “đều hoảng hồn, tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu sang sông, xô đẩy nhau rơi xuống mà chết rất nhiều”. 

Chỉ từng ấy chi tiết thôi tác giả đã cho ta thấy sự thảm bại của quân Thanh như thế nào. Đồng thời, cũng thấy được sự mạnh mẽ như gió bão của nghĩa quân Tây Sơn. 

  • Luận điểm 3: Số phận thảm bại của vua tôi Lê Chiêu Thống bán nước, hại dân

Nói về bè lũ bán nước Lê Chiêu Thống, khi nghe tin quân Thanh tan tác chiêm muông đã “vội vã cùng bọn Lê Quýnh, Trịnh Hiến đưa thái hậu ra ngoài. Cả bọn chạy đến bến sông thì thấy cầu phao đã đứt, thuyền bè cũng không, bèn gấp rút chạy đến Nghi Tàm thình lình gặp được chiếc thuyền đánh cá, vội cướp lấy rồi chèo sang bờ bắc.

Hoàng Lê nhất thống chí ghi lại những sự kiện lịch sử một cách chi tiết nhất

Sự thảm hại của vua tôi Lê Chiêu Thống còn được thể hiện ở chi tiết vua ngồi ăn cùng với bọn Quýnh, Hiến ở mâm dưới. Điều này đủ thấy khi rơi vào lâm nguy thì mọi thứ tự đều có thể đảo lộn. 

Ở đây, tác giả đã khắc họa rõ nét sự đớn hèn, nhục nhã của vua tôi Lê Chiêu Thống khi phải cưới thuyền của dân mà bỏ trốn. Một con người ích kỷ, vì lợi ích cá nhân mà bán nước, hại dân. Để đến cuối cùng lại được chính người dân “giết gà làm cơm thết đãi” khi đang chạy trốn. Đó là sự chua xót, ngậm ngùi có phần trào phúng mà tác giả nhắc đến vua tôi Lê Chiêu Thống. 

Kết bài

Hoàng Lê nhất thống chí hồi thứ mười bốn là một đoạn trích hay, ý nghĩa. Trong đoạn trích ấy ta thấy được sự biến đổi linh hoạt trong giọng điệu của tác giả khi nhắc tới từng hoàn cảnh lịch sử, từng nhân vật. Lối kể tả linh hoạt đan xen rất sinh động. Nhờ đó, người ta thấy được cái sự hả hê, mãn nguyện trước những thắng lợi của nghĩa quân Tây Sơn. Đồng thời, thông qua đó, hình ảnh Quang Trung càng hiện lên với những nét tính cách của người anh hùng dân tộc. 

Phân tích Hoàng Lê nhất thống chí hồi thứ mười bốn, cho ta thấy được những âm mưu tàn ác của quân xâm lược phương Bắc, sự đớn hèn của bè lũ bán nước. Đồng thời, thông qua đó cũng làm nổi bật lên tinh thần dân tộc, yêu nước truyền từ đời này qua đời khác.

>> Xem thêm: Phân tích bài Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu Dễ Hiểu Nhất