Bài mẫu phân tích hình tượng sóng

Mở bài

Tình yêu là đề tài bất tận trong thơ văn, là cảm hứng không bao giờ vơi cho mỗi tác giả. Nói đến thơ tình, chúng ta không thể không nhắc đến Xuân Quỳnh với những vẫn thơ giản dị mà đầy tâm tư. “Sóng” được xem là tác phẩm nổi bật, thể hiện bản ngã và quan niệm về tình yêu, cuộc đời của tác giả. Thông qua việc phân tích hình tượng sóng trong bài thơ, ta sẽ hiểu rõ hơn điều này.

Phân tích hình tượng sóng

Thân bài

Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ nữ hiếm hoi có chỗ đứng quan trọng trong thi ca Việt Nam. Thơ của bà có bản sắc riêng, đậm chất nữ tính nhưng vẫn mạnh mẽ và quyết liệt. Xuân Quỳnh sáng tác đa dạng đề tài, nhưng mảng thơ tình vẫn là đề tài tâm đắc và đặc sắc nhất của tác giả. Trong đó có bài thơ “Sóng”.

“Sóng” được in trong tập “Hoa dọc chiến hào”, xuất bản năm 1968 của tác giả. Bài thơ như lời tự tình của người con gái khi yêu với tâm trạng mãnh liệt, nhiều suy tư. Đó là khát vọng đắm say của người con gái với mối tình đầu của mình. Ở đó, hình tượng sóng hiện lên như những trạng thái của người con gái trong tình yêu với sự trong sáng, lãng mạn và đậm chất trữ tình

  • Bản chất và quy luật của người phụ nữ khi yêu

Đầu tiên, Phân tích hình tượng sóng – hình tượng sóng hiện lên như bản chất và quy luật của người phụ nữ khi yêu. Ngay từ khổ thơ đầu tiên, tác giả đã thể hiện rất rõ quan niệm của mình:

“Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể”

Với biện pháp ẩn dụ, sử dụng từ trái nghĩa, khổ thơ tưởng như chỉ miêu tả hoạt động của con sóng nhưng thực chất lại khắc họa người phụ nữ đang yêu. Họ vừa “dữ dội”, “ồn ào” lại vừa “dịu êm”, lặng lẽ. Sóng vỗ liên hồi, triền miên, vô tận, cũng như tình yêu của em mênh mông, nồng nhiệt. Mãnh liệt đấy, nồng cháy đấy, nhưng người con gái khi yêu cũng rất sâu lắng với những nỗi niềm riêng. Và khi cảm thấy “sông không hiểu nổi mình”, không thể sống trong nơi tù túng với người không hiểu mình, người con gái quyết định “tìm ra tận bể”. Đó là hành động quyết liệt khi từ bỏ nơi chật hẹp và tìm đến tình yêu rộng lớn hơn, có thể bao dung và thấu hiểu cho tâm tư của chính mình.

Trước những biến đổi về không gian, thời gian, sóng hiện lên vẫn giữ nguyên là mình như thuở ban đầu:

“Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ”

Trước thời gian “ngày xưa – ngày sau”, con sóng “vẫn thế”, vẫn luôn dạt dào giữa đại dương mênh mông. Đó cũng chính là sự sôi nổi của người con gái đối với tình yêu. Trái tim nằm trong “ngực trẻ” luôn khao khát yêu thương, mãnh liệt và cháy bỏng hết mình.

  • Suy nghĩ trăn trở về cội nguồn tình yêu

Phân tích hình tượng sóng – Không chỉ biểu tượng cho người con gái khi yêu, hình tượng sóng còn hiện lên là những trăn trở của nhân vật về cội nguồn của tình yêu:

“Trước muôn trùng sóng bể

Em nghĩ về anh, em

Em nghĩ về biển lớn

Từ nơi nào sóng lên?”

Đến đây, Xuân Quỳnh như muốn cắt nghĩa về tình yêu nhưng không thể được. Tác giả đi tìm “nơi nào sóng lên”, là muốn khám phá tình yêu từ đâu mà có, vì lí do gì mà tồn tại. Đó cũng chính là sự trăn trở về chính bản thân mình lẫn người mình yêu. “Nghĩ về anh em”, rằng tại sao lại gắn kết và yêu thương nhau”. Và người thi sĩ mải miết đi tìm câu trả lời:

Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau”

Con sóng dạt dào được là nhờ có gió thổi. Thế còn gió từ đâu mà đến? Nguồn gốc của gió, cũng như nguồn gốc tình yêu, đều bí ẩn và khó có thể lí giải nổi. Để rồi trăn trở mãi không tìm ra câu trả lời, Xuân Quỳnh hồn nhiên thú nhận “em cũng không biết nữa”. Tình yêu của chúng ta, khó có thể cắt nghĩa và truy hỏi cho đến tận cùng. Bởi lẽ vì sao yêu nhau, vì lí do gì mà gắn bó, không ai có thể thấu hiểu và cắt nghĩa được.

  • Nỗi nhớ, lòng thuỷ chung trong tình yêu

Không những thế, sóng còn là biểu tượng cho nỗi nhớ và lòng thuỷ chung son sắt của người con gái trong tình yêu. Nỗi nhớ của tác giả bao trùm lên cả thời gian lẫn không gian:

“Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức”

Dù là “dưới lòng sâu” hay “trên mặt nước” là “ngày” hay “đêm” thì sóng vẫn nhớ “bờ” tha thiết. Biện pháp nhân hóa con sóng “ngày đêm không ngủ được” càng thêm nhấn mạnh nỗi nhớ ấy. Bất kể khi nào, ở đâu, em cũng nhớ đến anh, cháy bỏng và cồn cào không yên. Không chỉ thế, người con gái giờ đây đã mạnh dạn bày tỏ nỗi nhớ tha thiết của mình “cả trong mơ còn thức”. Nỗi nhớ ấy đã ăn sâu vào trong tiềm thức, luôn thường trực, không lúc nào yên.

Hình tượng sóng hiện lên với nhiều lớp nghĩa sau sắc

Và nỗi nhớ ấy còn thêm khẳng định tấm lòng thuỷ chung, son sắt của người con gái với tình yêu của mình:

“Dẫu xuôi về phương bắc

Dẫu ngược về phương nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh – một phương”

Với điệp ngữ “dẫu”, “vẫn”, “về” cùng nghệ thuật tương phản, tác giả đã gợi lên hành trình của con sóng ngoài biển lớn. Đây cũng là hình ảnh ẩn dụ cho hình ảnh người phụ nữ và tình yêu của mình giữa cuộc đời dài rộng. Dù có nhiều sóng gió đi qua, tác giả vẫn một lòng, son sắt với người mình yêu, vẫn luôn “hướng về anh một phương”. Và người con gái ấy luôn hướng về “phương anh” bằng cả trái tim và tâm hồn của mình. “Trăm ngàn con sóng” dù có ở đâu thì đều vỗ vào bờ, cũng như người con gái dù có sải cánh giữa những khao khát riêng thì vẫn luôn nhớ và hướng về tình yêu của mình. Họ sẽ luôn tìm kiếm và đấu tranh cho tình yêu của mình dù có gặp bao nhiêu khó khăn, thách thức cũng không màng. Đó như lời khẳng định chắc chắn, lời thề son sắt của người con gái thuỷ chung một lòng.

  • Biểu tượng khát vọng tình yêu vĩnh cửu

Sau cùng, hình tượng sóng hiện lên là khát vọng về tình yêu vĩnh cửu. Con sóng như là sự lo âu, trăn trở của người phụ nữ về sự nhỏ bé của mình trước cuộc đời rộng lớn, sự hữu hạn của tình yêu trước thời gian vô hạn, sự dễ đổi thay của lòng người trước dòng đời biến động không ngừng:

“Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa”

Mặc dù lo âu như thế, nhà thơ vẫn thể hiện niềm tin mãnh liệt của tình yêu. Như áng mây mỏng manh vẫn “bay về xa”, vượt qua biển rộng cuộc đời. Đến đây, sóng đã trở thành biểu tượng cho tình yêu trường tồn của Xuân Quỳnh. Khát vọng được “tan ra”, trở thành hàng trăm ngàn con sóng nhỏ khác, để được hòa mình vào biển lớn và sống hết mình với tình yêu. Và tình yêu đó sẽ luôn trường tồn, bất diệt. Đây cũng là khao khát chia sẻ tình yêu đôi lứa nhỏ bé với tình yêu chung của cuộc đời, của khát vọng.

Kết bài

Phân tích hình tượng sóng để thấy hình tượng sóng hiện lên với những ý nghĩa lớn lao, suy cho cùng vẫn là biểu tượng cho bản thân chính người con gái với những trăn trở và khát vọng trong tình yêu. Vì dù cho có những đổi thay, trái tim của Xuân Quỳnh vẫn đập vì tình yêu, vì lí tưởng hạnh phúc của chính mình:

“Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em

Là máu thịt, đời thường ai chẳng có

Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa

Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi”