Phân tích hình ảnh người lái đò sông Đà chi tiết

Mở bài

Con người trong quá trình lao động, làm việc luôn là đối tượng được các tác giả sau Cách mạng tập trung khai thác. Khi làm việc hăng say, nhiều phẩm chất đáng quý được bộc lộ, làm nổi bật vẻ đẹp con người giữa cuộc đời còn khó khăn, vất vả. Với đôi mắt tinh anh, trân trọng con người, Nguyễn Tuân cũng gửi gắm nhiều tình cảm về người lao động thông qua tác phẩm “Người lái đò sông Đà”. Phân tích hình ảnh người lái đò sông Đà, ta sẽ thấy được vẻ đẹp rất đáng trân trọng của người lao động tài hoa nhưng cũng rất đỗi đời thường.

Thân bài phân tích hình ảnh người lái đò sông Đà

  • Khái quát tác giả, tác phẩm

Nguyễn Tuân (1910 – 1987) sinh ra và lớn lên trong một nhà Nho khi Hán học đã suy tàn tại Hà Nội. Chính hoàn cảnh sống ấy đã tạo nên một Nguyễn Tuân tài hoa, uyên bác, suốt đời đi tìm cái đẹp. Trước Cách mạng, tác phẩm của ông mang đậm chất “ngông” của một người luôn khao khát khám phá sự vật ở phương diện thẩm mỹ. Văn chương của ông thời kì này mang nét hoài cổ, như muốn đi ngược thời gian về với những nét đẹp cổ xưa. Sau Cách mạng, phong cách của Nguyễn Tuân có nhiều điểm đổi mới. Ông đi sâu vào cuộc sống, tìm kiếm vẻ đẹp ở cuộc đời bình dị, đời thường, nhìn ra những nét đáng trân trọng ở những con người đời thực. Dù viết theo phong cách nào, cái tôi trần thuật ra sao, văn chương Nguyễn Tuân vẫn đậm chất tài hoa, uyên bác, chứa đựng những kiến thức và hiểu biết sâu rộng.

Tác giả Nguyễn Tuân

“Người lái đò sông Đà” là kết quả của chuyến đi thực địa của tác giả, vừa thỏa mãn thú vui xê dịch, vừa là cơ hội để tác giả tìm kiếm vẻ đẹp thiên nhiên, con người Tây Bắc. Tác phẩm được in trong tập tùy bút “Sông Đà”, xuất bản năm 1960. Đây cũng là tác phẩm đánh dấu bước thay đổi rõ rệt trong văn chương Nguyễn Tuân thời kì sau. Qua đó, thiên  nhiên hung bạo, hiểm trở, dữ dằn như làm nổi bật lên những phẩm chất rất đáng quý của người lao động bình dị.

  • Luận điểm 1: Vẻ đẹp bình dị của người dân lao động

Trước hết, người lái đò hiện lên với những vẻ đẹp bình dị của người lao động. Ông có công việc là lái trên sông Đà, hằng ngày đối diện với thiên nhiên hung bạo. Ở đây, Nguyễn Tuân đã không miêu tỏ rõ lai lịch của nhân vật. Tác giả đã xóa mờ xuất thân, tập trung miêu tả ngoại hình để ngợi ca những con người vô danh, âm thầm cống hiến, chăm chỉ lao động. Nhân vật ông lái đò được miêu tả kĩ lưỡng với đôi tay “lêu nghêu như cái sào. Chân ông lúc nào cũng khuỳnh khuỳnh gò lại như kẹp lấy một cái cuống lái trong tưởng tượng”. Đó là một ngoại hình khỏe khoắn, mạnh mẽ con người lao động luôn gắn bó với nghề lái đò lâu năm.

Không những thế, ông lái đò còn là người có lòng dũng cảm, tình yêu nghề. Khi bị thương, ông vẫn “giữ mái chèo, nén vết thương, hai chân kẹp chặt lấy cuống lái”. Hằng ngày phải đối diện với “loài thủy quái” hung bạo, ông vẫn giữ thái độ bình tĩnh, lạc quan đáng quý. Trong đôi mắt của Nguyễn Tuân, người lái đò còn hiện lên với sự từng trải, hiểu biết và thành thạo trong nghề lái đò: “trên sông Đà ông xuôi ngược hơn một trăm lần”, “sông Đà đối với ông lái đò ấy như một thiên anh hùng” mà ông đã thuộc như in.

Hơn thế, người lái đò còn rất mưu trí, dũng cảm, bản lĩnh và tài ba. Bên cạnh việc nén đau để giữ vững mái chèo trong trùng vi thạch trận đầu tiên, ông còn “không chút nghỉ tay, nghỉ mắt” mà phá luôn vòng vây thứ hai. Ông như “nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá, ông đã thuộc quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước” nên đã đổi chiến thuật, động tác điêu luyện “cưỡi đúng ngay trên bờm sóng, phóng thẳng thuyền vào giữa thác…”.

Người lái đò luôn phải tỉnh táo, vững tay chèo

Có thể thấy, người lái đò dường như sinh ra là gắn bó với dòng sông Đà. Mặc dù đã ngoài 70 tuổi, thế nhưng thân hình vạm vỡ như chất sừng mun, giọng nói vẫn khỏe, cặp mắt vẫn tinh tường của ông đã cho thấy bản thân là con người của sông nước. Ông hiểu biết rất sâu rộng và chi tiết về dòng sông. Nguyễn Tuân đã khắc họa nhân vật của mình là một người lái đò rất lão luyện. “Trên dòng sông Đà, ông xuôi, ông ngược hơn một trăm lần rồi chỉnh tay giữ lái độ sáu chục lần…”. Ông đã gắn bó với công việc này hai chục năm, mặc kệ những hiểm nguy luôn rình rập sự sống. Không những thế, ông lái đò còn rất thành thạo, thành thạo đến mức sông Đà “đối với ông lái đò ấy, như một trường thiên anh hùng ca mà ông đã thuộc đến cả cái chấm than, chấm câu và những đoạn xuống dòng. Trên dòng sông Đà, ông xuôi, ông ngược hơn một trăm lần rồi, chỉnh tay giữ lái độ sáu chục lần… Cho nên ông có thể bằng cách lấy mắt mà nhớ tỉ mỉ như đóng đanh vào lòng tất cả những luồng nước của tất cả những con thác hiểm trở.” Nhân vật ấy còn có trình độ lái đò hết sức điêu luyện. Nguyễn Tuân đã đưa ông vào vai trò một vị chỉ huy dày dạn kinh nghiệm.

  • Luận điểm 2: Là một người nghệ sĩ tài hoa:

Không chỉ có những vẻ đẹp lao động bình dị, người lái đò còn được khắc họa là người nghệ sĩ vô cùng tài hoa. Nguyễn Tuân đã sử dụng nghệ thuật đối lập để làm nổi bật phẩm chất đáng quý này nơi ông. Trước hết, tác giả đi sâu vào miêu tả dòng sông Đà như một loài “thủy quái” hung tợn. Nó hiện lên với “diện mạo và tâm địa một thứ kẻ thù số môt”. Sự nguy hiểm và hung bạo ấy được thể hiện ở việc dòng sông có đầy cạm bẫy với những ghềnh, thác, hút nước, sóng nước. Thêm đó, những thạch trận trùng điệp, đầy luồng chết như luôn chầu chực nuốt chửng, đập tan con thuyền càng làm nổi bật sự nguy hiểm của dòng sông.

Đối lập với sự hung tợn, gan lì ấy là hình ảnh người lái đò ung dung, bình thản. Ông đã bước vào cuộc vượt thác giống như vị chỉ huy bước vào trận đánh. Tác giả đã đặt nhân vật của mình vào trong môi trường chiến trận, từ đó để nhân vật tự bộc lộ hết phẩm chất đáng quý của bản thân. Khi vượt qua trùng vây đầu tiên, ta sẽ thấy rõ sự chiến đấu hết mình của người lái đò. Những hòn đá hiếu chiến, “hất hàm” thách thức cùng với nước thác làm “thanh viện” đã ùa vào đòi bẻ cán chèo, đội thuyền, túm lấy thắt lưng, bóp chặt hạ bộ của người lái đò. Thế nhưng đối diện với đau đớn, ông vẫn cố nén vết thương, kẹp chặt cuống lái, tiếng chỉ huy vẫn ngắn gọn tỉnh táo, không hề bị suy chuyển.

Sau trùng vây đầu tiên, ông lại tiếp tục vượt qua vòng thứ hai. Ở trùng vây này, dòng sông đã tăng thêm “cửa tử” để đánh lừa con thuyền. Cửa sinh đã được sắp xếp lệch đi, buộc ông lái đò phải thay đổi chiến thuật. Giờ đây, ông lại “cưỡi lên thác sông Đà, lái miết một đường chéo, rảo bơi chèo lên… sấn lên chặt đôi ra” để mở đường vào cửa sinh một cách dễ dàng nhất. Qua liền hai cửa vây, ông lại không hề ngơi nghỉ mà vượt trùng vây cuối cùng. Ở trùng vây này, hai bên trái, phải đều là luồng chết, nếu không chú ý sẽ dễ dàng thua cuộc. Còn luồng sống lại ở giữa “bọn đá hậu vệ”, khuất tầm nhìn. Không để chậm trễ, ông lái đò “phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa đó. Thuyền vút qua cổng đá cánh mở cánh khép. Vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vào từ động lái được lượn được.”

Qua việc vượt qua dòng sông Đà hiểm trở ấy, ta đã thấy được sự khéo léo, tài hoa của người lái đò. Ông hiện lên như một người nghệ sĩ say mê công việc, luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất có thể

Kết bài

Với ngòi bút tài hoa, nghệ thuật miêu tả độc đáo, Nguyễn Tuân đã khắc họa lên hình ảnh người lái đò bình dị nhưng cũng rất anh hùng. Đó là biểu tượng của người anh hùng thời đại mới, trong cuộc sống và lao động hăng say, là chất “vàng mười” hiếm có khó tìm giữa cuộc đời rộng lớn.