Hai Đứa Trẻ là tác phẩm đặc sắc của Thạch Lam

Nói đến Thạch Lam, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến truyện Hai Đứa Trẻ. Có thể nói, đây là tác phẩm khá thành công góp phần làm nổi danh tiếng tăm của ông trong lĩnh vực văn học. Nội dung chính của tác phẩm là tấm lòng của tác giả đối với quê hương, con người sống nghèo khổ lam lũ. Thông qua câu chuyện, chúng ta sẽ thấy được khát vọng của những con người trong xã hội cũ. Để hiểu một cách sâu sắc và đầy đủ hơn, hãy cùng phân tích Hai Đứa Trẻ theo mạch cảm xúc của truyện.  

Chỉ vài câu tóm tắt sẽ không thể nào diễn tả được hết nội dung và ý nghĩa của Hai Đứa Trẻ. Đó chính là lý do vì sao chúng ta cần đi sâu phân tích Hai Đứa Trẻ để hiểu rõ hơn. 

Phân tích chỉ tiết tác phẩm “Hai đứa trẻ”

Thạch Lam là tác giả văn xuôi lãng mạn tiêu biểu vào thời gian 1930 – 1945. Những tác phẩm của ông thường đi sâu vào cuộc sống bình dị, đời thường. Trong đó, Hai Đứa Trẻ là tác phẩm để lại nhiều ấn tượng sâu sắc nhất cho người đọc. Hai Đứa Trẻ được in trong tập Nắng trong vườn và xuất bản vào năm 1938. Thông qua tác phẩm, Thạch Lam đã diễn tả thành công cuộc sống nghèo nơi phố huyện. Cùng với đó là vẻ đẹp của con người được làm nổi bật lên vô cùng chân thật. 

Tia sáng le lói chính là niềm hy vọng về cuộc sống tốt đẹp

Tác phẩm được mở đầu với khung cảnh thiên nhiên vô cùng nên thơ. Thế nhưng, điểm nhấn ở đây là nét buồn xen kẽ vào thông qua những âm thanh như tiếng nhái, ếch kêu, tiếng muỗi vo ve ở khắp nơi. Đi kèm với đó là gam màu đỏ của lửa cháy “Phương tây đỏ rực như cháy và những đám mây hồng như hòn than sắp tàn”. Hình ảnh hết sức gợi hình mang ý nghĩa của sự ấm nóng nhưng lại lụi tàn và ảm đạm vô cùng. 

Trong khung cảnh chiều tàn ấy, con người được hiện lên chẳng mấy sáng sủa hơn. Tiếng ồn ào cũng mất, phố huyện còn lại là sự tĩnh lặng. Trên nền chợ còn lại chỉ là rác rưởi sau phiên họp. Những đứa trẻ nhà nghèo vẫn cố tìm tòi và nhặt nhạnh những thứ sót lại. Mô tả khung cảnh chân thực nhưng lại tạo nỗi buồn vô cùng xót xa. Cuộc sống của con người nơi đây không chỉ nghèo mà còn rất buồn. Mỗi khi đọc đến đoạn này, có lẽ mỗi người sẽ không thôi ám ảnh về cảm thấy xót thương cho con người nơi đây. 

Trong các nhân vật, có lẽ chúng ta sẽ nhớ đến Liên. Một cô gái mới lớn có sự nhạy cảm vô cùng. Chính vì thế, em có thể dễ dàng cảm nhận được mùi vị của quê hương. Nó không phải là mùi thơm mà là mùi ẩm mốc trộn lẫn với mùi cát bụi. Mặc dù không quá đẹp đẽ nhưng đó chính là mùi vị đã thấm sâu trong tâm hồn em. 

Màn đêm buông xuống, cuộc sống nghèo nơi phố huyện vẫn tiếp diễn. Các nhân vật sẽ có một nhiệm vụ trong bức tranh đời sống sinh hoạt ấy. Liên thắp đèn, xếp quả sơn đen lại, nhẩm tính món hàng. Chị Tí bác Xẩm, bác Siêu cũng lần lượt xuất hiện. Cuộc sống về đêm có vẻ náo nhiệt hơn từ lúc này. Thế nhưng, khi đến hình ảnh cụ Thi điên, chúng ta lại bị một phen ám ảnh không thôi. Cụ tìm đến hơi men để quên đi những nỗi đau của hiện tại. Những con người nơi đây không phải là sống mà chỉ cố gượng để tồn tại. Họ khát khao một lối thoát dành cho chính mình. 

Cảm thương cho cuộc sống con người nơi đây. Tác giả đã vô cùng khéo léo khi lồng ghép bầu trời đêm với ngàn sao sáng. Là chi tiết nhỏ nhưng nó lại là điểm nhấn mang lại sự lãng mạn cho cuộc sống nghèo. “Qua kẽ lá của cành bàng, ngàn sao vẫn lấp lánh; một con đom đóm bám vào dưới mặt lá, vùng sáng nhỏ xanh nhấp nháy rồi hoa bàng rụng xuống vai Liên”. Hình ảnh ấy như tia sáng le lói giúp con người có thêm niềm tin vào việc đổi đời. 

Chưa dừng lại ở đó, tác giả còn lồng ghép cả hình ảnh đoàn tàu vụt qua phố huyện nghèo. Không ai ngủ mà cố thức để chờ đoàn tàu đến. Họ không đơn thuần là mong muốn bán được hàng mà còn là chút hy vọng về sự sống và khát khao đổi đời. Đoàn tàu đến cùng với tiếng còi rít, ánh sáng sang trọng. Tất cả dù chỉ chốc lát nhưng lại xóa đi sự ảm đạm, u tối nơi phố huyện. Ngoài ra, đoàn tàu còn là hình ảnh của Hà Nội, của quá khứ nơi là hai đứa trẻ từng được trải nghiệm và hạnh phúc ở đó. 

Kết bài

Phân tích Hai Đứa Trẻ của Thạch Lam, chúng ta sẽ không thôi ám ảnh mãi về nội dung cũng như ý nghĩa đằng sau. Câu chuyện không có chuyện nhưng lại vô cùng quen thuộc và chân thực. Với lối viết gần gũi cùng những chất liệu của đời thực, nhà văn đã khắc họa thành công nhân vật và cả cảnh vật. Qua đó, chúng ta sẽ cảm nhận được khát vọng của những con người nơi phố huyện nghèo. Xã hội thực tại bấy giờ mặc dù đói khổ nhưng họ vẫn có niềm tin về cuộc sống tốt đẹp. Điều này sẽ giúp mỗi người cảm thấy trân quý hơn cuộc đời và yêu thêm quê hương.