phan-tich-canh-dam-ma-guong-mau

Vũ Trọng Phụng nổi tiếng trên văn đàn văn học Việt Nam hiện đại với biệt danh ông vua phóng sự đất Bắc và là cây bút đại tài trong văn học trào phúng. Các tác phẩm của ông luôn hướng đến phơi bày bộ mặt giả dối, sự mục ruỗng, thối nát của xã hội đương thời. Và thành công nhất trong đề tài này không thể quên “Số đỏ”, tác phẩm là những màn hài kịch đặc sắc nhất của một xã hội mà ở đó nhiều người đang mất dần phẩm cách. Cái đám ma gương mẫu mà “ai cũng vui vẻ” là đỉnh điểm cho sự thối nát của xã hội. Bài văn mẫu gợi ý này nhằm phân tích cảnh đám ma gương mẫu ấy.

Bài mẫu phân tích cảnh đám ma gương mẫu

Mở bài

Cảnh đám ma gương mẫu nằm ở chương XV của tiểu thuyết “Sổ đỏ”, được đặt nhan đề “Hạnh phúc của một tang gia”. Những trang viết là những màn hài kịch kéo dài của đám đông nhố nhăng, dị hợm. Có lẽ chưa từng có một đám tang như thế, nơi mà cái chết trở thành niềm vui, hạnh phúc của nhiều người, nơi mà người ta xem là dị khoe mẽ, là dịp phô bày những lối lăng đồi bại. Nhưng đám ma ấy lại diễn ra giữa cái xã hội tư bản thành thị được xem là văn minh.

Thân bài

  • Luận điểm 1: Cảnh đám ma chuẩn Tây – Tàu kết hợp

Phân tích cảnh đám ma gương mẫu có thể thấy, Vũ Trọng Phụng đã miêu tả một đám ma, nhưng lạ thường thay nó lại vô cùng hoành tráng, lại tưng bừng không kém gì dịp lễ hội. Tại đám tang này, tất cả các phong cách đều xuất hiện, từ Ta, Tàu đến Tây, mọi thứ kết hợp trở thành một mớ lộn xộn. “Có kiệu bát cống, lợn quay đi lọng, cho đến lốc bốc soảng và bú dích, và vòng hoa, có đến ba trăm câu đối, vài trăm người đi đưa, lại có cậu Tú Tân chỉ huy, những nhà tài tử chụp ảnh đã thi nhau như ở hội chợ”. Với bấy đó thứ, đám ma này thực sự đã gây được sự chú ý, trầm trồ của thiên hạ theo ý cụ cố Hồng. Như Vũ Trọng Phụng đã viết thật sâu cay: “Thật là một đám ma to tát có thể làm cho người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng, nếu không gật gù cái đầu…!”.

  • Luận điểm 2: Cảnh đưa đám

Một đám ma thương mang không khí trầm buồn, xót thương, nhưng đám ma này đi đến đâu là gây huyên náo như một gánh xiếc đang quảng cáo để bán vé cho những màn trình diễn xiếc thú. Người đến tiễn người mất chỉ toàn là quan chức tai to mặt lớn, đến đám tang chỉ nhằm thể hiện cái uy danh của mình. Và mỉa thay cái tình huống những kẻ này đã xúc động khi “trông thấy một làn da trắng thập thò trong làn áo voan trên cánh tay và ngực Tuyết”. Đám tang nhưng iếng kèn, tiếng người ta nói chuyện át cả tiếng khóc.

“Ai cũng làm ra bộ mặt nghiêm chỉnh, xong le sự thật thì vẫn thì thầm với nhau chuyện về vợ con, về nhà cửa, về một cái tủ mới sắm, một cái áo mới may”. Chưa hết, còn có “đủ giai thanh gái lịch, nên họ chim nhau, cười tình với nhau, bình phẩm nhau, chê bai nhau, ghen tuông nhau, hẹn hò nhau, bằng những vẻ mặt buồn rầu của những người đi đưa ma”. Thử hỏi có thứ “văn minh” nào lại đồi bại, dị hợm đến như thế.

Cái đám ma gương mẫu này như là dịp để đám con cháu khoe niềm hạnh phúc khi ông cụ cố mất. Người ta đưa đám ma diễu hành qua đến 4 con phố dài, càng đi lại càng náo nhiệt. Điểm lố lăng đỉnh điểm là sự xuất hiện của Xuân Tóc đỏ. Y đến với “sáu chiếc xe, trên có sư chùa Bà Banh, xe nào cũng che hai lọng… Hai vòng hoa đồ sộ, một nhà báo Gõ mõ, một của Xuân, cũng len vào hàng đầu”. Đây quả là một đám ma có một không hai, khi đến sư chùa, nhà báo cũng len vào đám ma như hòa vào cuộc vui. Tất cả làm thành một gánh tạp kĩ đang tìm cách mua vui cho thiên hạ.

Đám ma nhưng tiếng khóc lại là thứ xa xỉ nhất. Rút cuộc ta phải tự hỏi, đây là đám viếng người chết là đám rước những kẻ đang sống? Và với giọng văn sâu cay, pha bỡn cợt lại không thiếu phần chua chát của Vũ Trọng Phụng, tác phẩm đã giáng một đòn trực diện nhất vào sự tha hóa của bản chất người, của xã hội mà ở đó những kẻ lấy đám ma làm niềm vui luôn xem đó là môi trường văn minh.

Bởi thế, ngược đời làm sao, chua xót làm sao tang gia mà lại hạnh phúc, người khóc chẳng có nhưng lại lắm kẻ cười vui. Cái đám diễu hành cứ đi, cứ đi, khi cuộc vui đến hồi kết thì đám chưa dừng lại.

  • Luận điểm 3: Đỉnh cao của đám ma là cảnh hạ huyệt

Cái đại tài của Vũ Trọng Phụng, sự trào phúng đỉnh cao của ngòi bút Vũ Trọng Phụng là lật cái mặt nạ giả dối của lũ con cháu trong cảnh hạ huyệt. Ở đó, cậu Tú Tân “bắt bẻ từng người một, hoặc chống gậy, hoặc gục đầu, hoặc cong lưng, hoặc lau mắt như thế này, như thế nọ… để cậu chụp ảnh kỷ niệm lúc hạ huyệt. Bạn hữu của cậu rầm rộ nhảy lên những ngôi mả khác mà chụp để cho ảnh khỏi giống nhau.” Cái cảnh “Xuân Tóc Ðỏ đứng cầm mũ nghiêm trang một chỗ, bên cạnh ông Phán mọc sừng. Lúc cụ Hồng ho khạc mếu máo và ngất đi, thì ông này cũng khóc to “Hứt!… Hứt!… Hứt!…”, thực là một màn hài kịch, nhưng cũng là bi kịch, bi kịch cho những kiếp người sống không có phẩm cách, lấy cái chết của người khác làm niềm vui. Một đám ma vì thế lại trở thành một bức tranh sống động không một sắc thái biểu cảm nào là không có.

  • Luận điểm 4: Nghệ thuật 

Nghệ thuật nổi bật trong đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” là nghệ thuật trào phúng rất sắc bén và sâu cay như chính phong cách sáng tác của Vũ Trọng Phụng. Điều này thể hiện trọn vẹn ở các phương diện: tình huống trào phúng, nhân vật trào phúng và cảnh tượng trào phúng.

Tình huống trào phúng ở đây nằm ở sự ngược đời đó là, cái chết của cụ cố Hồng lại trở thành niềm hình phúc cho lũ con cháu. Cái đám tang của cụ trở thành phông nền cho đám con cháu bộc lộ bản chất khốn nạn của mình.

Về nhân vật trào phúng, Vũ Trọng Phụng đã xây dựng thành công một hệ thống các nhân vật trào phúng với nhiều tính cách và mục đích khác nhau. Nhưng suy cho cùng, dù mục đích gì cũng đều là vì lợi ích cá nhân mà không mảy may xót thương cho cụ cố Hồng vừa nằm xuống.

Và có lẽ, đỉnh điểm của nghệ thuật trào phúng của tác phẩm là ở cảnh tượng trào phúng – cảnh hạ huyệt. Với cảnh này, tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đã hoàn tất sứ mệnh là tái hiện và lên án gay gắt xã hội thượng lưu giả dối, tàn bạo, thối nát.

Kết luận

Với tiểu thuyết “Số đỏ” nói chung và đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” nói riêng, Vũ Trọng Phụng thực sự phải khiến người người ngả mũ bởi cái bút lực châm biếm, bút lực trào phúng của ông. Phân tích cảnh đám ma gương mẫu mới thấy rằng, tác giả thật tài, tinh đời làm sao khi viết nên một vở hài kịch diễn cảnh đám ma, để qua đó lột trần sự “chó đểu” của cái xã hội thốt nát, lụi tàn về nhân cách.

>> Xem thêm: Phân tích bài Vợ chồng A Phủ Tác phẩm của nhà văn Tô Hoài đầy đủ nhất 2021