Mở bài

Phạm Ngũ Lão (1255 – 1320) là một danh tướng dưới thời nhà Trần. Ông là một người văn võ song toàn. Trong sự nghiệp văn học của mình, ông đã để lại cho đời hai tác phẩm Tỏ lòng (Thuật hoài) và Vãn Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương. Các tác phẩm của Phạm Ngũ Lão luôn thể hiện sự hào hùng của hào khí Đông A, nhất là bài thơ Tỏ lòng. Bài thơ được viết bằng chữ Hán thể hiện niềm tự hào dân tộc và khát vọng của người anh hùng khi tổ quốc bị xâm lăng. 

Thân bài phân tích bài thơ Tỏ lòng

Theo sử sách ghi lại, bài thơ Tỏ lòng được sáng tác trong thời điểm diễn ra cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần 2 năm 1285. Bài thơ là sự khắc họa thực tế chân thực nhất của tác giả thời kỳ lịch sử ấy. Càng phân tích bài thơ Tỏ lòng ta sẽ càng nhận ra được sự tài hoa và khí phách trong con người Phạm Ngũ Lão. 

Tỏ lòng được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt. Chỉ qua bốn câu thơ, tác giả đã thể hiện hết được tình yêu đất nước, và những quan điểm của người anh hùng dân tộc, của một đấng nam nhi đầu đội trời chân đạp đất. 

Phân tích bài thơ Tỏ lòng
Tỏ lòng (thuật hoài) là bài thơ nổi tiếng của Phạm Ngũ Lão

Phạm Ngũ Lão đã dùng hai câu thơ đầu để thể hiện vẻ đẹp hiên ngang và tinh thần đoàn kết vượt mọi khó khăn của binh lính nhà Trần:

Hoành sóc giang sơn cáp kỉ thu,

Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu

Dịch thơ

Múa giáo non sông trải mấy thu

Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu

Qua hai câu thơ ấy, binh lính nhà Trần hiện lên hiên ngang, bất khuất. Chỉ với ngon giáo trong tay, người người lính ấy tự tin đi khắp nơi đâu có giặc, hành hiệp trượng nghĩa. “Hoành sóc” là hành động cầm ngang một ngọn giáo không biết mệt mỏi. Có lẽ Phạm Ngũ Lão muốn nhắc đến những binh lính nhà Trần yêu nước mang trong mình sứ mệnh trấn giữ giang sơn, giữ yên bờ cõi. 

Khí phách và vẻ đẹp hiên ngang của binh lính nhà Trần được khắc họa rõ nét

Những con người ấy đã được tác giả đặt trong không gian vô cùng kỳ vĩ có núi sông, đất nước. Chính điều ấy đã khiến con người trở nên vĩ đại hơn bao giờ hết. Hình ảnh ấy cũng mang ý nghĩa cho tinh thần xông pha, luôn sẵn sàng chiến đấu, dám đương đầu với mọi thử thách. 

Ở câu thứ hai, Phạm Ngũ Lão đã sử dụng thủ pháp so sánh để làm toát lên khí thế anh hùng. Tác giả đã ví sức mạnh của tam quân giống như hổ, báo “Tam quân tỳ hổ”. Đó là sức mạnh vững chãi và oai hùng, không một thế lực nào có thể chạm tới. Thông qua những từ ngữ ấy, ta cũng thấy được niềm tự hào sâu sắc của tác giả về sức mạnh của ba quân lúc bấy giờ. Trong một câu, tác giả không chỉ dùng thủ pháp so sánh, mà còn tận dụng cả thủ pháp phóng đại. Với hình ảnh phóng đại “khí thôn ngưu” tác giả muốn thể hiện khí thế quân đội nhà Trần mạnh mẽ đến mức có thể lấn át cả Sao Ngưu. 

Chỉ qua hai câu thơ ấy thôi, hình ảnh người anh hùng dân tộc đã được hòa chung vào thời đại hào hùng. Tác giả đã gây ấn tượng mạnh khi kết hợp giữa hình ảnh hiện thực và lãng mãn. Phải yêu đất nước, tự hào về sức mạnh của nhà Trần thế nào tác giả mới có được những cảm nhận thật sự sâu sắc như vậy. 

Nếu như hai câu trước, tác giả tự hào bao nhiêu, thì đến hai câu sau này tác giả lại tự cảm thấy hổ thẹn bấy nhiêu. 

Nam nhi vị liễu công danh trái

Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu

Dịch thơ

Công danh nam tử còn vương nợ

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu

Người nam nhi đã sống trong trời đất phải có công danh với núi sông. Dường như trong hai câu thơ này, Phạm Ngũ Lão đã bày tỏ rõ nét quan điểm này. Thế nên ông đặt “nam nhi” và “công danh” đứng song song với nhau để thể hiện sự liên kết chặt chẽ. Công danh chính là món nợ phải trả của kẻ làm trai. Dù là một vị tướng, là cánh tay phải của Trần Hưng Đạo, cùng vào sinh ra tử, nhưng dường như với ông từng ấy là chưa đủ cái gọi là “công danh” với đất nước. Ông muốn làm nhiều hơn, cống hiến nhiều hơn. Thế nên, công danh với Phạm Ngũ Lão vẫn còn là nỗi trăn trở, canh cánh trong lòng. Nhưng đó cũng là khát vọng, là lý tưởng thôi thúc chí làm trai trong lòng người tướng lĩnh. 

Phạm Ngũ Lão luôn trăn trở về công danh với đất nước

Chính vì còn trăn trở về công danh với đất nước, nên Phạm Ngũ Lão thấy hổ thẹn khi nghe chuyện Vũ Hầu. Ông tự so sánh mình với Vũ Hầu – chính là Gia Cát Lượng, một tài năng, một nhân cách cao cả. Ông không dám sánh ngang mình với Vũ Hầu, mà đó chính là khát khao, tinh thần học hỏi của Phạm Ngũ Lão đối với người tài giỏi, có tâm trong đời. Có thể những điều Phạm Ngũ Lão làm được không kém gì Vũ Hầu nhưng ông vẫn khiêm tốn cho rằng mình chưa làm được gì cả, và mình cần phải làm tốt hơn nữa. 

Qua những câu thơ ấy ta thấy được lòng trung thành và cống hiến hết mình vì tổ quốc, vì Hưng Đạo Đại Vương. Dường như, Phạm Ngũ Lão muốn giải quyết nỗi trăn trở trong lòng về công danh của đấng nam nhi. Để từ đó vừa giúp ích cho đất nước, vừa để không ai có thể vịn vào hoàn cảnh xuất thân của ông mà chê trách được. 

Lời kết

Phân tích bài thơ Tỏ lòng ta thấy hình ảnh đấng nam nhi với khát vọng có thể “phá cường địch báo hoàng ân” hiện lên rõ nét. Qua đó, vẻ đẹp của người anh hùng như những ánh hào quang làm nên hào khí của thời đại nhà Trần. Bài thơ cũng là tiếng lòng riêng của Phạm Ngũ Lão về những lý tưởng, khát vọng của một đấng nam nhi yêu nước.