Bài mẫu phân tích

Mùa thu luôn là thời điểm khiến các nhà thơ rung động, nhiều xúc cảm. Thông qua phân tích bài thơ Thu điếu của Nguyễn Khuyến, ta sẽ thấy được một mùa thu miền Bắc êm ả, trong trẻo. Đồng thời tấm lòng yêu nước, thương dân của nhà thơ cũng được bộc lộ một cách rõ ràng.

  • Khái quát tác giả, tác phẩm

Phân tích bài thơ Thu điếu mới thấy Nguyễn Khuyến là một nhà thơ chịu ảnh hưởng đậm nét tư tưởng Nho giáo. Vì vậy mà các sáng tác của ông thường đề cập đến vấn đề đạo đức con người, đặc biệt là người quân tử. Sau khi thấy thực tại xã hội rối ren, ông ở ẩn sáng tác các tác phẩm thể hiện sự hòa hợp của tâm hồn với thiên nhiên thanh tịnh. Ẩn sau đó là tấm lòng yêu thương sâu sắc của nhà thơ.

Chân dung tã giác giả Nguyễn Khuyến

“Thu điếu”, hay còn gọi là “Câu cá mùa thu”, là một bài thơ trong chùm thơ thu ba bài của Nguyễn Khuyến. Chùm thơ này đã được sáng tác trong thời gian tác giả ở ẩn. Bài thơ là thiên nhiên tươi đẹp, thanh bình, ẩn trong đó là tấm lòng sâu sắc, nhiều trăn trở của tác giả về con người, cuộc đời và vận mệnh đất nước.

  • Luận điểm 1: Hai câu đề

Trước tiên, tác giả Nguyễn Khuyến đã khắc họa thiên nhiên mùa thu tươi đẹp. Hai câu thơ đề đã gợi ra không gian yên bình, nhỏ bé nơi làng quê:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”

Nguyễn Khuyến đã khắc họa lên bức tranh mùa thu chỉ với hình ảnh “ao thu” và “chiếc thuyền câu” bé tẻo teo. Chúng vừa đối lập lại vừa cân đối hài hoà. Màu sắc “trong veo” thể hiện sự dịu nhẹ, thanh sơ của mùa thu miền Bắc. Còn hình ảnh “chiếc thuyền câu bé tẻo teo” là chiếc thuyền vô cùng nhỏ bé, mỏng manh giữa không gian rộng lớn. Nguyễn Khuyến còn dùng cách gieo vần “eo” giàu sức gợi hình, gợi cảm, tạo cảm giác nhỏ bé, bí bách.

Không chỉ thế, tác giả còn nâng tầm mắt ra mặt ao và không gian quanh ao. Không gian hiện lên là đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ, với thời tiết se lạnh, mặt nước trong trẻo, yên bình. Chỉ với hai câu thơ, những rung cảm của tâm hồn thi sĩ trước cảnh đẹp mùa thu và của tiết trời mùa thu hiện lên rõ nét. Nó đã gợi cảm giác yên tĩnh lạ thường nơi trái tim giàu tình cảm của tác giả.

  • Luận điểm 2: Hai câu thực

Sau hai câu đề, tác giả lại tiếp tục nét vẽ về mùa thu với những hình ảnh đặc trưng:

“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”

Phân tích bài thơ Thu điếu đến đây, tác giả gợi ra không gian với đa dạng giác quan và cách cảm nhận hơn. “Sóng biếc” đã gợi lên hình ảnh những con sóng nhỏ lăn tăn mặt ao. Đồng thời cũng gợi được cả màu sắc cảnh vật. Đó là sắc xanh dịu nhẹ và mát mẻ, trong lành, dường như đã phản chiếu màu trời thu trong vắt. Bên cạnh đó, “lá vàng trước gió” là hình ảnh và màu sắc đặc trưng của mùa thu Việt Nam. Mỗi độ thu về, cây ngả vàng thay lá. Và gió thu sẽ khiến chúng rời cành, tạo nên một không gian thơ mộng. Hình ảnh lá thu ấy cũng được Lưu Trọng Lư đưa vào tác phẩm của mình thuở Thơ Mới:

“Con nai vàng ngơ ngác

Đạp trên lá vàng khô”

Không chỉ có màu sắc, không gian mùa thu còn được Nguyễn Khuyến diễn tả thông qua những chuyển động của sự vật. Cụm từ “hơi gợn tí” thể hiện một chuyển động rất nhẹ nhàng. Nó đã bộc lộ sự quan sát vô cùng chăm chú, tỉ mỉ của tác giả. Bên cạnh đó, “khẽ đưa vèo” cũng thể hiện chuyển động rất nhẹ, rất khẽ. Đó là sự sâu sắc và tinh tế vô cùng của tâm hồn nghệ sĩ yêu thiên nhiên. Thông qua hai câu thực, Nguyễn Khuyến đã vẽ ra trước mắt độc giả một mùa thu miền Bắc rất riêng, rất đẹp. Đó là mùa thu làng quê yên bình được gợi lên từ những hình ảnh bình dị nhất, là “cái hồn dân dã” của một nhà thơ nhân dân.

Nhà thơ ngồi câu cá nhưng lòng lại nặng trĩu suy tư
  • Luận điểm 3: Hai câu luận

Sau những câu thơ tả cảnh, tác giả Nguyễn Khuyến đã viết lên hai câu luận độc đáo. Đó là cảnh thu đẹp, một vẻ đẹp bình dị nhưng tĩnh lặng và đượm buồn:

“Tầng mây lơ lửng, trời xanh ngắt 

Ngõ trúc quanh co, khách vắng teo”

Đến đây, không gian của bức tranh thu đã được mở rộng hơn cả về chiều cao và chiều sâu. Hình ảnh “tầng mây lơ lửng” gợi ra cảm giác thanh nhẹ, quen thuộc, vô cùng gần gũi, yên bình và tĩnh lặng. Còn “trời xanh ngắt” lại khắc hoạ sắc xanh của mùa thu. Màu xanh lại được tác giả tiếp tục sử dụng, nhưng không phải là màu xanh dịu nhẹ, mát mẻ nữa mà là sự xanh thuần một màu trên diện rộng. Đó là đặc trưng của mùa thu, không trộn lẫn với bất cứ khoảnh khắc nào trong năm.

Ngoài ra, hình ảnh làng quê mùa thu còn được gợi lên với “ngõ trúc quanh co”. Đây cũng là hình ảnh quen thuộc của miền Bắc, với những con ngõ nhỏ, quanh co, “khách vắng teo”. Cách giỏ vần “eo” một lần nữa laj gợi sự thanh vắng, yên ả, tĩnh lặng của không gian cảnh vật. Qua cái nhìn của Nguyễn Khuyến, không gian của mùa thu Việt Nam được mở rộng lên cao rồi lại hướng trực tiếp vào chiều sâu. Tất cả hài hoà, tạo nên một không gian tĩnh lặng và thanh vắng tột cùng.

  • Luận điểm 4: Hai câu kết

Sau những câu thơ tả cảnh, tác giả kết thúc bài thơ bằng sự xuất hiện của con người:

“Tựa gối ôm cần lâu chẳng được 

Cá đâu đớp động dưới chân bèo”

Đến đây, con người đã xuất hiện trong không gian thu tĩnh lặng với tư thế “tựa gối buông cần”. Động từ “buông” diễn tả sự thả lỏng của người đi câu. Có lẽ con người đi câu chỉ để giải trí, ngắm cảnh mùa thu mà thôi. Cụm từ “lâu chẳng được” là việc không câu được cá, không quan tâm đến việc có câu được cá hay không. Đằng sau trạng thái đó là một tư thế thư thái, thong thả của thi sĩ. Tất cả tâm hồn giờ đây như buông lỏng để ngắm cảnh thu, đem việc câu cá như một thú vui giúp tâm hồn được thư thái. Câu thơ đã diễn tả rõ nét sự hòa hợp của con người với thiên nhiên, cảnh vật.

Toàn bộ bài thơ đã mang vẻ tĩnh lặng, thanh bình. Phải cho đến câu cuối mới xuất hiện tiếng động, nhưng đó cũng là tiếng động nhỏ bé, như có như không. Đó là tiếng cá “đớp động dưới chân bèo”. Phải chăm chú quan sát lắm, nhà thơ mới có thể cảm nhận được cái chuyển động nhỏ nhoi ấy. Nghệ thuật “lấy động tả tĩnh” đã được tác giả sử dụng vô cùng khéo léo, tinh tế. Trong không gian rộng lớn, tiếng động càng trở nên rất khẽ, rất nhẹ, làm tăng vẻ tĩnh vắng. Đó là “cái tĩnh tạo nên từ một cái động rất nhỏ”. Tác giả miêu tả việc câu cá nhưng thực chất lại không phải bàn chuyện câu cá. Cái tĩnh lặng của cảnh vật đã tạo nên cảm nhận về nỗi cô quạnh, uẩn khúc trong tâm hồn nhà thơ. Đó là một tâm hồn đầy những tâm sự đầy đau buồn, trăn trở trước tình cảnh đất nước bấy giờ. Khi xã hội rối ren, đời sống nhân dân khổ cực, trái tim tác giả sao có thể yên lòng mà thưởng thức cảnh vật, giải trí mỗi ngày.

Với bút pháp thuỷ mặc Đường thi, cá gieo vần tài tình cùng nghệ thuật lấy động tả tĩnh, Nguyễn Khuyến đã khắc họa lên bức tranh mùa thu tươi đẹp, yên bình. Đồng thời thông qua đó thể hiện được một tâm hồn rung cảm với cái đẹp, luôn đau đáu những nỗi niềm với thời cuộc. Đó cũng là trái tim yêu nước, thương dân, luôn lo nghĩ làm sao cho đất nước thái bình, nhân dân yên ấm của vị Tam Nguyên Yên Đổ.

>> Tham khảo: Phân tích Thu điếu của Nguyễn Khuyến chuẩn từng luận điểm