Mở bài phân tích bài thơ Quê hương

Tế Hanh sinh ra tại một làng chài ven biển tỉnh Quãng Ngãi. Ông là nhà thơ tiêu biểu với phong cách thơ hồn hậu, trong sáng. Quê hương là bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Tế Hanh được in trong tập Nghẹn ngào (1939), sau in lại ở tập Hoa niên (1945). Ông viết bài này khi đang học ở Huế. Quê hương được làm theo thể thơ 8 chữ, hiện đại, bày tỏ lời yêu thương, nỗi nhớ, tự hào tha thiết chân thành của tác giả đối với quê hương mình.

Xuyên suốt bài thơ là hình ảnh quê hương hiện lên trong nỗi nhớ của người con – tác giả xa quê. Ông đã miêu tả làng chài ven biển tươi sáng, đẹp đẽ, sống động, cùng với những người dân lao động khỏe khoắn tươi vui, tràn đầy sức sống, vẻ đẹp lao động. Bố cục bài thơ được chia làm 4 phần: hai câu đầu, sáu câu tiếp, tám câu tiếp và khổ cuối.

phân tích bài thơ quê hương

Thân bài

  • Luận điểm 1: Hai câu thơ đầu giới thiệu chung về làng chài

Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới

Nước bao vây cách biển nửa ngày sông

Phân tích bài thơ quê hương – Ở hai câu đầu, tác giả giới thiệu về làng quê của mình. Vị trí của làng “cách biển nửa ngày sông”, giúp người đọc hình dung làng chải ở vùng cửa sông gần biển. Người dân trong làng làm nghề đánh cá, chài lưới. Cách giới thiệu của tác giả thật hồn nhiên, giản dị, gần gũi thông qua lời thơ ngắn gọn, tự nhiên. Qua đó giúp người đọc cảm nhận về nỗi nhớ quê, tình yêu da diết của một người xa xứ.Hai câu đầu mở ra những vẻ đẹp cuộc sống của làng chài trong những câu thơ tiếp theo.

  • Luận điểm 2: Sáu câu thơ tiếp – Bức tranh lao động của làng chài

Hiện lên trong tâm trí của tác giả là những hình ảnh về những con người lao động đang dong thuyền ra khơi đánh bắt cá.

Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng,
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá:
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang.
Cánh buồm trương, to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…

Mở ra trước mắt mọi người là không gian thoáng đãng, vào một buổi sớm, gió nhẹ, trời trong. Thời tiết thuận lợi để những chiếc thuyền cùng những người ngư dân ra khơi đánh cá. “Trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng” còn gợi ra niềm tin về ngày bội thu, đầy thắng lợi. “Dân trai tráng” thì háo hức chuẩn bị với tư thế hiên ngang, tràn đầy hy vọng; những chiếc thuyền thì “hăng như con tuấn mã”. Bằng việc sử dụng phép so sánh, tác giả đã lột tả được sự dũng mãnh, hiên ngang của những con thuyền khi lướt sóng ra khơi. Chỉ với 4 câu thơ ấy mà nhà thơ đã đưa người đọc như được chứng kiến cảnh ra khơi của người dân, cuộc sống lao động đầy sinh động, tràn đầy hứng khởi.

Ở câu thơ tiếp theo, cánh buồm được ví như mảnh hồn làng gợi tả hồn quê hương cụ thể gần gũi, biểu tượng của làng chài quê hương. Con thuyền như mang linh hồn, sự sống của làng chài vậy. Mảnh hồn làng là cái trừu tượng, vô hình, được ví với cánh buồm. Đây là sự liên tưởng khá độc đáo.

  • Luận điểm 3: Tám câu thơ tiếp miêu tả cảnh thuyền cá trở về

Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về.
“Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy ghe”,
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.

Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng,
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm;
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.

Phân tích bài thơ quê hương – Không khí trở về trên biển ồn ào, dân làng tấp nập, giúp người đọc cảm nhận được không khí tưng bừng rộn rã vì đánh được nhiều cá. Nhờ ơn trời như là tiếng reo vui, tiếng thở phào nhẹ nhõm cảm tạ thiên nhiên, trời biển đã giúp đỡ dân làng có một ngày ra khơi bội thu “cá đầy ghe” với những con cá tươi ngon. Đó còn là niềm hân hoan khi những người ở nhà đón những người thân trở về từ biển. Họ tạ ơn trời đất đã mang lại bình yên, no ấm, hạnh phúc cho dân làng.

Trong khung cảnh rộn ràng, tươi vui ấy nổi bật lên là những chàng trai sức vóc dạn dày sóng gió, kiên cường với làn da ngăm rám nắng. “Cả thân hình nồng thở vị xa xăm”, vị mặn mòi của muối biển, nồng đượm đã thấm sâu vào từng thớ thịt, hơi thở của người dân làng chài.  “Vị xa xăm” còn gợi lên hơi thở của đại dương mênh mông, của những phong ba dữ dội. Và những ngư dân nổi lên như những chiến binh, những người anh hùng phi thường, kỳ diệu.

Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm

Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ

Hình ảnh con thuyền được nhân hóa “im bến mỏi về nằm” kết hợp với nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác.  Những động tử chỉ trạng thái “im”, “mỏi”, “trở về”, “nằm”, “nghe” khiến cho con thuyền hiện lên như con người, biết nghỉ ngơi, thư giãn sau một hành trình ra khơi vất vả. Nhờ sử dụng biện pháp này nên con thuyền trở nên có hồn, sức sống. Con thuyền như một cơ thể sống, như một phần sự sống lao động ở làng chài, gắn bó mật thiết với con người nơi đây. Qua những câu thơ miêu tả về đoàn thuyền trở về, tác giả đã vẽ lên bức tranh sinh động về một làng chài đầy ắp niềm vui, gợi tả một cuộc sống bình yên, no ấm.

  • Luận điểm 4: Khổ thơ cuối bày tỏ tình cảm của tác giả đối với làng chài

Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi,
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi,
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!

Nỗi nhớ quê hương thiết tha của tác giả được bộc lộ rõ rét qua màu xanh cảu nước, màu bạc của cá, màu vôi của cánh buồm, hình ảnh con thuyền ra khơi, mùi mặn mòi của biển… Đó là những hình ảnh, màu sắc bình dị, thân thuộc và đặc trưng của làng chài ven biển. Qua đó thể hiện nỗi nhớ quê hương chân thành da diết, sự gắn bó sâu nặng với quê hương. “Nay xa cách long tôi luôn tưởng nhớ… Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!”. Đối với tác giả phải xa quê hương, thì mọi hình ảnh về quê hương hiện về trong trí nhớ đều thân thương, đáng trân trọng. Những nỗi nhớ chân thành, tha thiết, dung dị như được thốt ra từ trái tim.

Người đọc đã cảm nhận được vẻ đẹp tươi sáng, khỏe khoắn mang hơi thở nồng ấm của lao động của sự sống, một tình yêu gắn bó, thủy chung. Đó cũng là hương vị của làng chài, là hương vị riêng làng chài của Tế Hanh mà yêu thương, gắn bó lắm mới cảm nhận được. Khi viết bài thơ này, Tế Hanh mới 18 tuổi và đang đi học ở Huế. Có lẽ vì thế nên nỗi nhớ quê hương luôn trở đi trở lại trong tâm hồn nhạy cảm của ông.

Kết bài phân tích bài thơ Quê hương của Tế Hanh

Những vần thơ bình dị mà gợi cảm đã khiến bài thơ Quê hương của Tế Hanh để lại ấn tượng đậm nét trong lòng người đọc. Tác giả đã vẽ ra một bức tranh tươi sáng, sinh động về làng quê miền biển với nắng, gió, vị mặn của biển, nét đẹp lao động của ngư dân lúc ra khơi, trở về. Tế Hanh đã tạo nên một bức tranh quê hương rất mới mẻ và tươi tắn. Hình ảnh quê hương dưới ngòi bút của Tế Hanh rất đỗi tha thiết, sâu nặng, gần gũi, gắn bó, tươi sáng, khiến trong lòng của người đọc trào lên nỗi nhớ, tình yêu với quê hương của mình. Thật sự, bài thơ không chỉ là bày tỏ tình cảm nỗi nhớ quê của riêng mình tác giả mà còn nói hộ những người con xa quê.

>> Xem thêm: Phân tích nhân vật Huấn Cao trong Chữ người từ tù chi tiết