Phân tích bài thơ Chiều tối lớp 11

Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà chính trị đại tài mà còn là một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. “Chiều tối” là tác phẩm nổi bật của tác giả khi viết về đề tài thiên nhiên. Phân tích bài thơ Chiều tối lớp 11, ta sẽ thấy được thiên nhiên chiều tà đẹp nhưng buồn, đồng thời cho thấy nỗi niềm yêu nước, thương dân của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

  • Khái quát tác giả, tác phẩm

Hồ Chí Minh được biết đến không chỉ là một vị lãnh tụ vĩ đại mà còn là một danh nhân văn hóa của dân tộc. Người đã để lại trong dòng chảy văn học nước nhà một sự nghiệp văn học đồ sộ với nhiều tác phẩm đặc sắc.

Chân dung tác giả Hồ Chí Minh

“Chiều tối” là bài thơ trích trong tập thơ “Nhật Kí trong tù” của Bác. Tác phẩm đã thể hiện tình yêu thiên nhiên sâu sắc và tấm lòng yêu nước, thương dân lớn lao của Hồ Chủ tịch.

  • Phân tích chi tiết

Mở đầu bài thơ, tác giả đã khắc họa không gian đẹp nhưng đượm buồn:

“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Vân mạn mạn độ thiên không”

Chỉ với hai câu thơ, khung cảnh thiên nhiên chiều tối đã được mở ra với hình ảnh tả thực đầy chất thơ. Đó là hình ảnh cánh chim mải miết bay về rừng tìm nơi trú ngụ, là những đám mây lờ lững, bảng lảng trôi về cuối trời. Qua cái nhìn của tác giả, không gian hiện lên mênh mông, rộng lớn nhưng lại đầy thơ mộng và rất đỗi yên bình. 

Không chỉ miêu tả thiên nhiên đơn thuần, lời thơ còn gợi tả một buổi chiều tà đầy tâm sự. Đó là thời điểm hiu hắt, khi ánh nắng không bao trùm không gian mà chỉ còn le lói phía cuối chân trời. Qua lời thơ, nội tâm của con người đã được phản chiếu một cách rõ nét nhờ thiên nhiên, cảnh vật. Hình ảnh cánh chim nhỏ bé vội vã bay về tìm nơi trú ngụ mang dáng vẻ của sự mệt mỏi, nhọc nhằn sau những ngày rộng tháng dài rong ruổi. Còn sự lững lờ trôi của áng mây cũng thể hiện sự lẻ loi, đơn côi trên nền trời mênh mông, rộng lớn tột cùng.

Thông qua cái nhìn của tác giả, bầu trời như được đẩy lên cao hơn, xa hơn. Và vì thế mà nỗi lòng con người cũng như trải dài ra ngút ngàn. Đối diện với thời khắc cuối ngày ấy, con người bỗng dưng thấy cô đơn, trống trải hơn. Và tác giả cũng không khỏi cảm thấy mệt mỏi, bâng khuâng. Cánh chim nhỏ sau những ngày rong ruổi vẫn được về nơi tổ ấm để nghỉ ngơi, thư thái. Còn con người, sau những giây phút gông cùm, đọa đày vẫn phải chịu cảnh ngục tù tăm tối. Thế nhưng giữa cái đối lập ấy, hình ảnh còn người lại vô cùng lạc quan. Tác giả không hề có một câu than vãn, oán trách mà ngược lại còn thả hồn mình vào thiên nhiên cảnh vật để cảm nhận trọn vẹn. Thêm nữa còn chấm phá nên những nét đẹp nhất, hấp dẫn nhất của bức tranh chiều tà.

Thiên nhiên miền sơn cước khi chiều tà

Thông qua sự lạc quan, yêu đời trong lời thơ ấy, tình yêu thiên nhiên, cảnh vật say đắm luôn cháy trong trái tim của người chiến sĩ Cách mạng. Trong trái tim và tâm hồn của người chiến sĩ ấy, nỗi nhớ quê hương, đất nước lúc nào cũng thường trực, đau đáu những nỗi niềm. Nó đã thể hiện được ý chí sắt đá, kiên cường và nghị lực phi thường cùng phong thái ung dung và niềm lạc quan Cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hình ảnh “cánh chim” cũng mang tần ý nghĩa độc đáo. Nếu như xưa kia, cánh chim của Lý Bạch là cánh chim “điểu cao phi tận” bay vút vào không gian ngút ngàn, biến mất vào cảnh vật, thì cánh chim của Bác giờ đây lại mang hồn sống mạnh mẽ. Đó là cánh chim chao liệng không gian, làm chủ không gian, vạn vật. Cánh chim chiều dù nhỏ bé, mỏng manh, nhưng đó là biểu tượng cho cuộc sống tự do, là khát vọng vẫy vùng của người Cách mạng.

Chỉ với hai câu thơ, phong cách thi ca đặc sắc của Bác đã được thể hiện rõ ràng. Nét cổ điển xen lẫn hiện đại cùng bút pháp ước lệ tượng trưng, chấm phá điểm xuyết được sử dụng triệt để. Tác giả không nói rõ về cảnh trời chiều thế nhưng độc giả vẫn có thể cảm nhận và hình dung ra không gian hiện ra trước mắt. Đồng thời còn thấy hiểu nỗi lòng và khát vọng mà câu thơ muốn gửi gắm.

Sau những hình ảnh thiên nhiên, tác giả đã khắc họa nên bức tranh sinh hoạt của con người nơi xóm núi:

“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng”

Đến đây, không gian đã chìm nhập trong bóng tối của thời gian. Con người cũng hiện lên sinh động hơn cả. Hình ảnh cô thôn nữ miền sơn cước hiện lên nổi bật với sự hăng say, uyển chuyển với công việc thường nhật. Dù chỉ là công việc xay ngô, nhưng đó là vẻ đẹp của lao động, khỏe khoắn, trẻ trung và tràn đầy sức sống.

Bên cạnh đó, hình ảnh lò than rực hồng cũng mang nhiều ý nghĩa tượng trưng. Nó như là ngọn lửa bừng lên ánh sáng, giúp xua tan cái tối tăm và sưởi ấm không gian hiu quạnh, lạnh lẽo, vắng vẻ đến nao lòng. Ở đây, tác giả đã sử dụng hình ảnh gần gũi, giản dị để diễn tả hiện thực. Đó là cái chân thực của nhịp sống cuối ngày tại miền sơn cước xa xôi. Qua đó đã thể hiện được tình yêu thương, sự trân trọng tột cùng của Bác đối với người lao động.

Ở đây, tác giả đã xây dựng những hình tượng thơ mang tính chất của sự vận động. Thời gian chuyển động từ chiều tối cho đến tối hẳn. Còn thiên nhiên với cánh chim, chòm mây cũng “bay”, cũng “trôi” theo lẽ thường. Để rồi sau cùng cũng quy tụ về phía tương lai, về với ánh sáng. Đến đây, ta cũng thấy được chuyển động của tâm hồn con người. Con người đã đi từ chỗ lạnh giá, cô quạnh, đìu hiu đến với sự ấm nóng, say mê, vui tươi, rạo rực. Bằng cách sử dụng nhãn tự “hồng”, tác giả đã khéo léo khép lại bài thơ. Từ đó giúp lời thơ có sức lay động, lan tỏa đến với người đọc. Ngọn lửa hồng ấm nóng giúp lan tỏa, lấn át bóng đêm và hơn cả là đã giúp xua tan đi những khoảnh khắc lạnh lẽ, buốt giá trong trí tim con người. Ngọn lửa ấy đã thổi bùng lên biết bao khát vọng, ý chí và quyết tâm sắt đá của người chiến sĩ Cách mạng giữa cảnh đọa đày của gông cùm. Hai câu thơ này đã tô vẽ lên dáng dấp và tâm thế của con người. Giữa hoàn cảnh éo le, con người vẫn hiện lên vô cùng kì vĩ. Nhân vật đã làm chủ được không gian, thời gian, xua tan đi cái cô đơn, vắng vẻ, cô quạnh của thiên nhiên, cảnh vật. Bên cạnh đó, ý thơ còn thể hiện sức sống vô cùng mãnh liệt và khát khao tự do, yêu thương cùng ý chí sắt đá của người thi nhân. Dù có ở trong hoàn cảnh thế nào, con người cũng vẫn sẽ không gục ngã, tuyệt vọng. Giữa cái tưởng chừng như không còn lối thoát, người thi sĩ vẫn nhận thấy một lối ra dù là nhỏ bé, như nhìn thấy ánh lửa sáng rực giữa cái tối tăm của hiện thực. Đó chính là điều đáng quý, đáng trân trọng và ngợi ca của người chiến sĩ Cách mạng.

Kết bài phân tích bài thơ Chiều tối lớp 11

Với phong cách nghệ thuật độc đáo, tác giả Hồ Chí Minh đã tạo nên áng thơ đậm chất Đường thi mà vẫn mang nét hiện đại đặc sắc. Thông qua bài thơ “Chiều tối”, thiên nhiên cảnh vật và con người lúc chiều tà hiện lên rõ ràng, sinh động. Đồng thời cũng cho thấy niềm lạc quan, khát vọng tự do và nỗi niềm yêu nước, thương dân khắc khoải của tác giả ngay cả khi lâm vào hoàn cảnh éo le nhất.