Giới thiệu chung về tác phẩm

Hai bài thơ “Rằm Tháng Giêng” và “Cảnh Khuya” được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Riêng bài “Cảnh khuya” được Người sáng tác vào năm 1947, giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Giai đoạn này nhân dân đang hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và cả nước dốc sức chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến chống Pháp nên rút quân lên các vùng núi cao, hiểm trở để thành lập căn cứ kháng chiến.

Và trong một đêm trăng đẹp, khi giữa đêm khuya lo nghĩ về cuộc kháng chiến, Bác ngắm cảnh và viết lên nỗi lòng. Bài thơ được viết ở thể Thất ngôn tứ tuyệt, không chỉ tả thực về vẻ đẹp của núi rừng mà còn gửi gắm tâm sự của người lãnh tụ đang lo cho vận mệnh dân tộc.

Phân tích bài thơ cảnh khuya chi tiết

Để Phân tích bài thơ cảnh khuya, hai khía cạnh nội dung cần nhìn rõ là bức tranh thiên nhiên và tâm trạng của tác giả:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

phan-tich-bai-tho-canh-khuya

  • Luận điểm 1: Khung cảnh núi rừng nơi chiến khu Việt Bắc

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chiến khu Việt Bắc là cơ quan đầu não, nơi chỉ đạo chiến lược đấu tranh của cuộc Cách mạng thoát ách xâm lược thực dân. Dù mang vai trò quan trọng  và là nơi diễn ra nhiều Hội nghị Trung ương quan trọng, không vì thế mà vẻ đẹp của núi rừng hoang sơ của Việt Bắc bị lu mờ. Đặc biệt, với tâm hồn tinh tế và yêu thiên nhiên của bác Hồ, Việt Bắc cảnh khuya hiện ra đẹp như một bức tranh:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.

Rừng đêm thanh vắng, yên tĩnh, âm thanh của đêm là tiếng suối róc rách, tiếng gió rì rào. Đó là thứ âm thanh trong trẻo, bình yên dù hoàn cảnh đời thực có đang khó khăn, cam go ra sao.

Cái tài tình của thơ Hồ Chí Minh là ở cách gieo vần. Trong câu thơ “Tiếng suối trong như tiếng hát xa”, với hai thanh trắc là “tiếng suốt” và “tiếng hát” được gieo xen với các thanh bằng, tác giả đã mang đến cho người đọc tất thảy cung bậc trầm bổng của dòng suối đang chảy.

Và hơn thế, tiếng suối trong trẻo ấy trở nên có hồn hơn khi được Bác liên tưởng đến tiếng hát của ai xa xa. Cũng chính cách liên tưởng ấy đã giúp người đọc nhận ra rằng, dù giữa gian lao của cuộc kháng chiến, đồng bào ta, chiến sĩ ta vẫn giữ tinh thần lạc quan, vẫn luôn yêu thiên nhiên và cất tiếng hát yêu đời giữa đêm thanh vắng. Bởi vậy thứ âm thanh trong đêm mà Bác miêu tả mang sự vui tươi và có sức sống chứ không lẻ loi như “tiếng đàn cầm” của Nguyễn Trãi trong “Côn Sơn ca”.

Nhưng thiên nhiên của Việt Bắc còn đẹp hơn thế nữa khi không chỉ có tiếng núi róc rách mà còn có trăng thanh: “Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa”. “Trăng lồng cổ thụ” là hình ảnh truyền thông của thi ca cổ. Cách kết hợp hoa với trăng đã tạo nên vẻ đẹp đầm ấm và quấn quýt của thiên nhiên. Động từ “lồng” có tác dụng liên kết ba sự vật khác nhau để hòa quyện và tôn lên vẻ đẹp của nhau.

Hai câu thơ tả cảnh mang đến cảm giác như ta đang lạc vào trốn thần tiên, giữa tiếng suối róc rách, giữa ánh sáng dịu dàng, diệu kỳ của trăng. Và sự tinh tế trong bút pháp miêu tả của Hồ Chí Minh là đưa cái tĩnh và cái động giao hòa vào nhau, nổi bật vẻ đẹp của nhau tạo nên một tổng thể của bức tranh thiên nhiên hoàn hảo, gần gũi mà tươi mới.

  • Luận điểm 2: Tâm trạng lo âu cho nước cho dân của Hồ Chí Minh

Như đã nói ở trên, phân tích bài thơ cảnh khuya không chỉ chú đến bức tranh thiên nhiên mà quan trọng hơn là tư tưởng, tình cảm được thể hiện trong bài thơ.

Không phải ai cũng đều nhìn thấy và có thể ngắm cảnh vật Việt Bắc giữa đêm, bởi Bác thức cùng Việt Bắc vì trong lòng còn bao nhiêu nỗi lo cho nước nhà.

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

Câu thứ ba trong bài thơ là một câu chuyển ý thơ, một cách chuyển độc đáo và tinh tế. Hai câu đầu miêu tả cảnh khuya, và câu thơ thứ ba tiếp nối “Cảnh khuya như vẽ…”. Cảnh khuya vẽ gì? Vẽ “người chưa ngủ”. Và đó là cách chuyển từ tả cảnh sang tả tình thật uyển chuyển.

Đêm khuya mà người chưa ngủ. Chưa ngủ có phải chỉ để ngắm cảnh núi rừng, nghe âm thanh diệu kỳ của thiên nhiên? Câu trả lời trực tiếp và đơn giản mang bản sắc của Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ giàu lòng vị tha của dân tộc: “Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”.

Cảnh khuya thật đẹp, và tâm hồn yêu thiên nhiên, gần gũi với muôn loài của Bác tất nhiên không thể bỏ qua. Nhưng bác thao thức không phải vì cảnh đẹp, mà thao thức vì “nỗi nước nhà”. Nỗi nước nhà ấy là cuộc kháng chiến còn cam go trước mặt, là vận mệnh dân tộc, là cuộc sống của nhân dân. Từ “nỗi” với dấu ngã như thể hiện sự trăn trở kéo dài, day dứt không nguôi.

Và hơn thế, bài thơ cũng mang một ý nghĩa lớn hơn, rằng thiên nhiên Việt Bắc thật tươi đẹp, đất nước chúng ta thật tươi đẹp, niềm thao thức vì lo cho cuộc chiến bảo vệ đất nước, bảo vệ cho vẻ đẹp ấy vì thế càng thêm lớn. Niềm canh cánh bên lòng là làm sao giữ gìn được giang sơn bình yên, cảnh vật tươi đẹp của Việt Bắc và của mọi vùng miền dân tộc càng thêm sức nặng.

Kết luận

Phân tích bài thơ cảnh khuya của Hồ Chính Minh ta dễ thấy, đây là một bài thơ đẹp. Đẹp vì bút pháp thơ tài tình, đẹp vì tâm hồn tinh tế của người viết khi luôn nhìn thấy những cái đẹp của thiên nhiên, cảnh vật. Và hơn thế, đẹp vì tấm lòng lo cho nước, thao thức vì dân của lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh.

Bài thơ cũng là niềm thôi thúc người đọc, hãy đến thăm Việt Bắc, để cảm nhận được vẻ đẹp của vùng núi hoang sơ từng là cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến. Và chắc hẳn, giữa núi rừng Việt Bắc, ta sẽ thấu hiểu hơn sự dốc lòng dốc sức của bác Hồ, của đồng bào đối với kháng chiến và tấm lòng cao cả của Bác Hồ đối với dân tộc.

>> Xem thêm: Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó đặc sắc