Con người chúng ta từ trước đến nay luôn sống và hướng đến chân, thiện, mỹ bởi có lẽ đó là cách làm nên giá trị của mỗi cá nhân. Trong nền văn học Việt Nam, Nguyễn Tuân là tác giả dành cả cuộc đời mình để đi tìm cái đẹp thanh cao, chuẩn mực của tạo hóa. Bằng sự tài hoa vốn có ông đã viết nên nhiều tác phẩm thành công có thể kể đến như Một chuyến đi (1938), Vang bóng một thời (1940), Sông Đà (1960),…trong đó truyện ngắn Chữ người tử tù được xem là văn bản điển hình nhất cho khao khát “duy mỹ” của nhà văn. Phân tích bài Chữ người tử tù chúng ta sẽ hiểu vì sao văn chương của Nguyễn Tuân luôn “sống” mãi cùng thời gian và vì sao ông được gọi “là một cái định nghĩa về người nghệ sĩ”.

Phân tích bài Chữ người tử tù
Phân tích bài Chữ người tử tù

Chữ người tử tù ra đời vào năm 1940, in trong tập Vang bóng một thời, lần đầu tiên xuất hiện trên tạp chí Tao Đàn có tên là Dòng chữ cuối cùng, về sau khi được in thành sách đổi thành Chữ người tử tù. Ngay từ nhan đề, tác phẩm đã khiến người đọc tò mò bởi chứa đựng sự trái ngược, mâu thuẫn. “Chữ” ở đây là hiện thân của vẻ đẹp sáng tạo, tri thức, là cái cần được ngợi ca, tôn vinh còn “người tử tù” là đại diện cho những sai phạm, buộc người ta phải thanh trừ khỏi xã hội. Từ nhan đề đặc biệt này, thiên truyện mở ra một tình huống éo le, nói về cuộc hội ngộ giữa hai thế lực đối lập, một bên đại diện cho sự anh hùng, tài hoa, lỗi lạc một bên là bộ mặt tăm tối của xã hội phong kiến lúc bây giờ. Và như Nguyễn Minh Châu từng nói: “Tình thế của câu chuyện, là khoảnh khắc mà trong đó sự sống hiện ra rất đậm đặc”, cuộc gặp gỡ giữa chốn ngục tù đầy căng thẳng, kịch tính này đã lôi cuốn người đọc đến phút cuối cùng bởi giá trị nhân văn sâu sắc.

  • Luận điểm 1: Nhân vật Huấn Cao

Điều đầu tiên phải nói về Huấn Cao đó là sự tài hoa, bên cạnh cầm, kỳ, thi, họa ông còn được người khắp vùng tỉnh Sơn khen là có tài viết chữ “rất nhanh và đẹp”, “chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm…có được chữ ông Huấn mà treo là có một báu vật ở trên đời”. Bên cạnh đó Huấn Cao còn có tài bẻ khóa, là một người văn võ song toàn, một vị anh hùng tài ba lỗi lạc. Sử dụng lối miêu tả gián tiếp, Nguyễn Tuân đã để hình tượng Huấn Cao hiện lên một cách tự nhiên, khí chất của nhân vật đã trở thành tiếng thơm truyền đi khắp mọi nơi, chỉ cần nghe sơ qua tên, ngay cả viên quản ngục và thầy thơ lại đều biết đến. Bằng dụng ý khéo léo và chu toàn này của tác giả, tài nghệ của ông Huấn có cơ hội bộc lộ rõ nét, nhất là khi viên quản ngục bất chấp hiểm nguy để xin chữ của ông, có thể nói rằng có được chữ của Huấn Cao là điều làm viên quản ngục hạnh phúc, cảm kích nhất từ trước đến giờ.

Vẻ đẹp thanh tao của nét mực con chữ
Vẻ đẹp thanh tao của nét mực con chữ

Không chỉ được người đời kính trọng, quý mến vì sự tài hoa, Huấn Cao còn được họ nể phục bởi khí phách hiên ngang bất khuất. Bất bình với chính quyền phong kiến đương thời, ông trở thành thủ lĩnh của phong trào khởi nghĩa chống lại triều đình, đòi có một cuộc sống công bằng cho nhân dân. Chỉ có người gan to, phách lớn mới có thể làm được việc như vậy. Lâm vào cảnh tù đày khổ ải và thậm chí phải chịu án tử hình thế nhưng Huấn Cao không chút sợ hãi và càng không nhún nhường trước quyền bạo. Ông không xem mình là một người tử tù “lạnh lùng, chúc mũi gông nặng, khom mình thúc mạnh đầu thang gông xuống thềm đá tảng” như một lời cảnh cáo trước sự giễu cợt của bọn nha sai hách dịch nơi nhà giam. Từ trước đến nay, hiếm có tử tù nào có được thái độ như Huấn Cao, khi được viên quản ngục biệt đãi, ông thản nhiên “nhận rượu thịt, coi như đó là một việc vẫn làm trong cái hứng bình sinh”. Đây chính là phong thái ung dung, xem nhẹ cái chết của một vị anh hùng thực thụ. Ở ông ta thấy được sự rõ ràng, trước sau như một, không vì chút biệt đãi mà “giảng hòa” với cái theo ông là xấu, là hèn hạ “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là ngươi đừng đặt chân vào đây.” Xây dựng nên hình tượng Huấn Cao, có lẽ điều mà Nguyễn Tuân tâm đắc nhất chính là nhân cách, thiên lương cao cả ở nhân vật này. Cả cuộc đời Huấn Cao chưa bao giờ vì tiền tài vật chất mà bán đi con chữ của mình “không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”. Theo ông, những gì đẹp đẽ thanh cao như “chữ” thì phải được trao cho đúng người mới phát huy được giá trị của nó vì vậy mà khi chưa biết được tấm lòng của quản ngục, ông xem y là kẻ tiểu nhân, không xứng đáng để ông dành thì giờ. Đến khi biết được “tấm lòng biệt nhỡn” liên tài của quản ngục ông đã không chút ngần ngại nhận lời cho chữ, một lời sâu sắc và cảm động được Huấn Cao nói ra “thiếu chút nữa ta đã phụ một tấm lòng trong thiên hạ”. Qua đây cho thấy rằng ông trân trọng những người có nhân cách cao đẹp và sở thích thanh cao, là một người có thiên lương trong sáng. 

Phân tích bài Chữ người tử tù
Nhà văn Nguyễn Tuân và tác phẩm Vang bóng một thời
  • Luận điểm 2: Nhân vật quản ngục

Như Nguyễn Tuân đã viết, quản ngục là “một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ”. Giữa chốn dung tục, nhơ bẩn là nhà tù, quản ngục hiện lên như một viên ngọc quý giá bởi tâm hồn tao nhã, yêu thích và say mê cái đẹp, ông cũng chính là một người nghệ sĩ. Đối với Huấn Cao, quản ngục luôn bày tỏ thái độ tôn kính, xem ông như người bề trên mà “phục vụ” đầy tận tình, chu đáo. Bất chấp cường quyền thô bạo, tai mắt khắp nhà giam, cai ngục đã biệt đãi Huấn Cao là một người tử tù, đây là hành động đầy dũng cảm mà ẩn sau đó là tinh thần trân trọng và khao khát cái đẹp. Mong ước lớn nhất của quản ngục là “được treo ở nhà riêng một câu đối” do chính tay người ông kính phục là Huấn Cao viết nên. Sự lo lắng của y từ đó mà trở nên đặc biệt và thanh cao lạ thường, sợ rằng nếu không xin được chữ ông Huấn trước khi bị hành hình thì “ân hận suốt đời mất”.

  • Luận điểm 3: Cảnh cho chữ

“Một cảnh tượng xưa nay chưa từng có” đã diễn ra vào một đêm hoang vắng tại trại giam tỉnh Sơn, cảnh cho chữ. Có thể nói rằng xưa nay chữ nghĩa chưa bao giờ là hình ảnh xuất hiện trong ngục tù, một nơi tăm tối, nhơ nhớp và ẩm thấp, nơi chỉ có sự đau khổ, thù hằn, chết chóc. Thế mà giờ đây “một người tù, cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh”, một người “run run bưng chậu mực”, một người “khúm núm” chờ đợi điều đẹp đẽ được “ra đời”. Thật kì diệu! Những con người ấy không còn ở trong thân phận hiện tại của mình, vị thế của họ như được đổi dời, kẻ nắm quyền trở nên khép nép, kính cẩn trước một tử tù, người tử tù trở thành kẻ bề trên đang cho đi những điều đẹp đẽ nhất ông có được. Và có một điều chắc chắn tất cả họ đều là nghệ sĩ, cái thiện, cái đẹp ở đây đã chiến thắng cái xấu, cái ác, làm hiển hiện rõ bản tính nhân nghĩa vốn có của con người. 

Cảnh cho chữ của Huấn Cao giữa chốn lao ngục
Cảnh cho chữ của Huấn Cao giữa chốn lao ngục

Phân tích bài Chữ người tử tù ta thấy rằng quả không sai khi nói đây là một thiên truyện đạt gần đến sự toàn diện, toàn mỹ. Xây dựng nên một tình huống truyện độc đáo, sử dụng thủ pháp đối lập để khắc họa hình tượng nhân vật cùng với đó là ngôn ngữ sinh động giàu tính hình ảnh, Nguyễn Tuân đã cho thấy tấm lòng yêu quý chân thiện mỹ và yêu nước nồng nàn của mình.