Bài mẫu phân tích

Hồ Xuân Hương là một hiện tượng của nền văn học thời bấy giờ. Bởi vì lần đầu tiên trong lịch sử có một nhà thơ nữa đề cao người phụ nữ, những lời thơ của bà luôn đanh thép, châm biếm, đả kích xã hội và luôn dành sự ưu ái, bảo vệ và đấu tranh cho số phận người phụ nữ trong xã hội cũ. Tiêu biểu là bài thơ Bánh Trôi nước. Đây là bài thơ nói về thân phận người phụ nữ “bảy nổi ba chìm”, ý thức được giá trị vẻ đẹp của mình nhưng đáng tiếc thay, người phụ nữ lại bị xã hội dày vò, lênh đênh trên dòng đời. Thơ Hồ Xuân Hương luôn dành sự ưu ái, thương cảm cho thân phận người phụ nữ, cuộc sống của họ không bao giờ tự định đoạt được mà nằm trong tay những người đàn ông, người chồng của họ.

phân tích bài bánh trôi nước

Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Phân tích bài bánh trôi nước – Mở đầu bài thơ, Hồ Xuân hương đã viết những vần thơ vô cùng gợi mở hình ảnh. Đây là hình ảnh những chiếc bánh trôi nước được làm bằng bột gạo, qua bàn tay nghệ nhân nhào nạn hình dạng bánh vừa tròn, vừa đẹp lại có màu trắng trong ngọc ngà. Hồ Xuân Hương đã nhìn thấy vẻ đẹp hình thể của chiếc bánh trôi nước giống như hình ảnh của người phụ nữ đẹp. Đây là hình ảnh của người phụ nữ lúc xuân thì, đang tuổi xuân sắc và đến tuổi lấy chồng. Đó là hình ảnh tròn trịa, đầy sức sống : “Vừa trắng lại vừa tròn”. Qua câu thơ cho thấy, người phụ nữ đã ý thức được giá trị bản thân, vẻ đẹp của bản thân. Đó là vẻ đẹp phồn thể làm xao xuyến biết bao trái tim của đàn ông. Vậy mà, cuộc đời người phụ nữ lại phải: “Bảy nổi ba chìm với nước non”.

Chỉ với câu thơ “bảy nổi ba chìm” cũng cho thấy số phận, tương lai mịt mờ, tăm tối. Hồ Xuân Hương thật khéo léo khi sử dụng hình ảnh bánh trôi nước nói về thân phận người phụ nữ. Để có thể nấu chính bánh trôi, người nấu phải cho bánh vào nước sôi khi bánh nổi thì vớt ra để ráo. Một câu thơ tả thực về quá trình làm bánh, nhưng thực chất lại là hình ảnh ẩn dụ về cuộc đời, tương lai người phụ nữ đẹp. Cuộc đời người  phụ nữ trong xã hội xưa đầy thăng trầm, trôi nổi giữa cuộc đời, bị cuộc đời vùi dập như “Hoa trôi man mác biết tìm về đâu”.

Chỉ với hai câu đầu, tác giả đã nói lên được sự thật về cuộc đời người phụ nữ xưa vốn chịu thiệt thòi và bất công vô cùng. Ngay từ khi sinh ra, họ đã không được quyết định cuộc đời mình. Họ đã bị trói buộc với những hủ tục hà khắc của xã hội, không bình đẳng, thân phận phụ nữ chỉ là con sâu con kiến mặc cho người đời dày vò mà không dám kêu than. Thân phận người phụ nữ khi đó là “Xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” – mọi việc phải theo chồng và hoàn toàn dựa vào chồng. Điều này cũng giống như “ Thân em như hạt mưa sa/ Hạt vào đài cát hạt ra ruộng cày”. Thân phận người phụ nữ hạnh phúc hay khổ đau đều do bị động, do xã hội sắp đặt chứ không phải do họ muốn là có được.

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son

Phân tích bài bánh trôi nước – Tiếp theo hai câu cuối, lại là câu thơ giàu hình ảnh. Nếu hiểu đơn giản, đây chỉ là câu thơ nói về quá trình làm bánh trôi nước, muốn làm một chiếc bánh phải nặn phải ấn và méo mó hay tròn trịa hoàn toàn phụ thuộc vào người làm bánh. Nếu may mắn, gặp người khéo léo thì được nâng niu, cẩn trọng, chiếc bánh sẽ tròn đẹp trắng trong. Nếu không gặp người vô tâm, hời hợt chiếc bánh sẽ méo mó khi luộc sẽ vỡ ra. Đời người con gái cũng vậy, nếu may mán gặp người yêu thương, trân trọng thì cuộc sống sẽ hạnh phúc, viên mãn. Còn bất hạnh thay, nếu gặp kẻ phụ bạc, độc đoán, vũ phu thì sẽ như chiếc bánh kia méo mó, đau khổ, bất hạnh, bế tắc.

Chỉ với một câu thơ “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn” chúng ta cũng hình dung được số phận bi thương của người phụ nữ xã hội cũ. Một xã hội quá hà khắc với người phụ nữ, quá coi thương khinh rẻ người phụ nữ, đẩy họ đi vào bất hạnh đường cùng, bế tắc.

Tuy nhiên, câu thơ cuối : “Mà em vẫn giữ tấm lòng son” một lần nữa lại khẳng định giá trị tâm hồn của người phụ nữ. Đó là vẻ đẹp thủy chung trong tâm hồn. Hồ Xuân Hương đã nhìn thấy được cuộc đời của những người phụ nữ trong xã hội cũ bị “điều khiển” dưới tay người chồng, người đàn ông, hay nói đúng hơn là chịu ảnh hưởng của những hủ tục hà khắc phong kiến, nhưng trái tim, tâm hồn người phụ nữ vẫn rất đẹp, vẫn khao khát hạnh phúc, vẫn giữ cho mình  một tấm lòng thủy chung son sắc. Cũng giống như chiếc bánh kia, dù nấu dưới nước sôi nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp tròn trịa, trắng trong.

Mượn hình ảnh bánh trôi nước để nói lên vẻ đẹp, cuộc đời người phụ  nữ nhưng cũng chính là lời lên án đanh thép xã hội cũ, những hủ tục hà khắc đã tước đi quyền được hạnh phúc của họ. Bài thơ cũng cho thấy sự tiến bộ mới trong cái nhìn xã hội của Hồ Xuân Hương, người phụ nữ đã ý thức được vẻ đẹp và giá trị của mình, cũng có mưu cầu hạnh phúc.

Tuy nhiên, trong khuôn khổ của xã hội phong kiến, người phụ nữ vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi, áp bức. Dẫu vậy, tinh thần trái tim họ vẫn không ngừng khao khát hạnh phúc và đấu tranh quyền bình đẳng.

Bài thơ chỉ có bốn câu thơ nhưng vô cùng sâu sắc và ẩn chứa nhiều ý nghĩa. Bài thơ chính là hồi chuông cảnh báo về sự bất công của xã hội, đồng cảm với thân phận người phụ nữ, dù chịu nhiều tổn thương nhưng họ vẫn giữ được tâm hồn thủy chung son sắc của mình. Bài thơ chính là sự đồng điệu, đồng cảm của tác giả đối với những người phụ nữ nhỏ bé và nói lên khát vọng hạnh phúc, bình đẳng đối với phụ nữ.

>> Xem thêm: Văn mẫu phân tích bài thơ Bánh trôi nước Hồ Xuân Hương